Người Việt sai lầm từ lúc lên mạng

Khi thực hiện chuyên đề “Người Việt @ xấu xí”, nhóm thực hiện của Đẹp Online có chung một băn khoăn: mình là ai mà đủ tư cách nói về những thói xấu của cư dân mạng?

Nhưng chúng tôi cũng chính là những cư dân mạng. Chúng tôi nói về chính mình, về những thói xấu của chính mình theo hướng nhìn thẳng, tích cực, xây dựng và có giải pháp.

Các bài trong chuyên đề:

– Người Việt sai lầm từ lúc lên mạng
– Những vĩ nhân Facebook
– Phỏng vấn độc quyền Cộng Đồng Mạng: “Tôi thích bị dắt mũi”
– Hà Thủy Nguyên: Internet – kẻ thù của ngôn ngữ và tư duy

Tổ chức: Đinh Phương Linh

Năm 2002, Ủy ban châu Âu (EC) bắt đầu tổ chức một ngày mang tên Safer Internet Day (Ngày vì một Internet an toàn), rơi vào ngày thứ 2 của tuần thứ 2 của tháng Hai, nghĩa là năm nay nó sẽ là ngày 11/2.

Mang tên là “An toàn”, nhưng ngày này không phải để củng cố an ninh mạng, mà là để khuyến khích một môi trường Internet lành mạnh hơn. Năm nay, chủ đề của ngày này là “Hãy cùng tạo ra một Internet tốt đẹp hơn”. Tại Mỹ, dưới sự hỗ trợ của EC, người ta đang kêu gọi một chương trình “Sáng kiến nhỏ” (One good thing) – mỗi người viết 50 chữ về một ích lợi nào đó của Internet.

Có một điều cần khẳng định luôn, là việc tồn tại một ngày khuyến khích sự tốt đẹp, bản thân nó đã nói lên tính hai mặt của Internet, rằng môi trường này có cả xấu và tốt. Nó giống những khẩu súng mà Charles Heston đã cầm trong đời: tốt hay xấu, tùy vào việc khi đó người diễn viên đang thủ vai gì.

Trong một môi trường tuyệt đối tự do như Internet, thì biết cái gì xấu và cái gì tốt để click chuột là một kỹ năng quan trọng. Bởi thế người ta mới tổ chức cái ngày kia. Và câu hỏi đặt ra hôm nay là liệu giới trẻ Việt Nam và cư dân Việt Nam nói chung đã làm chủ được những kỹ năng này hay chưa?

Cuộc điều tra lớn nhất về “công dân mạng” Việt Nam được thực hiện năm 2011 ở 12 thành phố lớn nhất đất nước chỉ ra rằng 21% sử dụng Internet hàng ngày để học tập, làm việc. Hai mươi mốt phần trăm. Còn lại? Bạn là người Việt và bạn có thể dễ dàng trả lời: đọc báo mạng và vào Facebook chiếm phần lớn thời gian.

Nếu bây giờ thực hiện một chiến dịch One Good Thing ở nước ta, thì có thể nhiều người sẽ bí. Bạn hãy thử gạch vài gạch đầu dòng. Nếu như phần lớn thời gian là để lướt Facebook và đọc báo, thì ngoại trừ việc giữ liên lạc với bạn bè (liên lạc thôi, còn nồng ấm và thực chất hay không còn tùy), những lợi ích nếu có của Internet đều là tiếp nhận bị động.

Báo chí viết gì thì bạn đọc nấy; bạn bè chia sẻ lên Facebook thứ gì thì bạn đọc nấy; rốt cục thì nói như triết gia người Anh Chares Churchill, ta sẽ có “một cái hộp sọ rỗng tiếp nhận vô cảm đủ các loại kiến thức hổ lốn”. Sách thì sao; các bài viết có hàm lượng tri thức cao được chia sẻ miễn phí thì sao; nghệ thuật, loại không phải điện ảnh và âm nhạc bình dân thì sao? Internet nói chung thì sao, tội nghiệp Internet!

Facebook có phải nơi làm đầy cái hộp sọ rỗng không, và quan trọng hơn, báo mạng nước ta đáng gửi gắm chừng nào?

Nhưng để thực hiện một chiến dịch One Bad Thing, mỗi người Việt nêu ra một tác hại của Internet thì chắc là tưng bừng. Rảnh rỗi sinh nông nổi mà. Đơn cử, người ta lướt đi lướt lại, bấm like dạo chán, không còn biết làm gì thì phải comment, cái nhu cầu thể hiện bản thân lúc nào chẳng có, nhưng bởi vì trong hộp sọ thì toàn bộ là báo mạng và Facebook, thỉnh thoảng thêm một tý Google, nên kiến thức cũng chỉ đủ để tạo thành những cuộc cãi lộn.

Khẩu súng ở đây không hẳn nằm trong tay người xấu, mà nằm trong tay những người một tý kiến thức về súng cũng không muốn tìm hiểu, nhưng luôn có nhu cầu bóp cò vì sự sĩ diện. Hệ quả của việc ấy, kể cả ngày không hết.

Rất nhiều người Việt sai lầm kể từ lúc bật máy tính: Internet không phải là báo mạng và Facebook. Đó chỉ là nơi để tạo ra và phô trương những cái hộp sọ rỗng.

Để tái bút, tất nhiên game online lại càng không có ích cho hộp sọ. Hẳn không nhiều người biết rằng vụ cậu thiếu niên giết bà lão 81 tuổi lấy một trăm nghìn chơi game năm 2007 ở nước ta trở thành một ví dụ tiêu biểu trên toàn cầu về nạn nghiện Internet.

Bài: Đức Hoàng

logo

 >>> Lỗ Tấn nói: “Cái bánh bao ngày xưa bao giờ cũng to hơn cái bánh bao bây giờ” – để mô tả cái tâm lý luôn hoài tiếc quá khứ của mỗi người. Nhưng thật ra, ông Lỗ Tấn hiểu hơn ai hết rằng cái bánh bao ngày xưa dù có to, nó cũng chứa đầy bất cập của ngày xưa, ví dụ như chính ông viết rằng cái bánh bao ấy được đem để chấm máu người chết, làm thuốc chữa bệnh. Cuối cùng thì nên nhìn về ngày xưa với thái độ nào thì thỏa đáng?


 


From the same category