Người Việt “nhiều chữ” và hành động tự bêu xấu ở Kuala Lumpur

Batu – một trong những động thiêng ở Kuala Lumpur. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)

Làm sao có thể không xót xa khi thấy đồng bào mình bị khinh miệt, khi thấy dòng chữ tiếng Việt bị dè bỉu, coi thường. Chỉ bởi hành vi của một cá nhân vô ý thức nào đó để lại dòng chữ trên bức Nguyệt lão trong ngôi chùa Trung Hoa lớn nhất Đông Nam Á – Thiên Hậu, ở Kuala Lumpur, Malaysia với dòng chữ “Xin ông se duyên cho hai con được thành vợ chồng – A DI ĐÀ PHẬT.” Dòng chữ mới được phát hiện cách đây ít ngày.
Trần Quang Tuấn, một hướng dẫn viên ở Hà Nội dẫn khách đoàn sang Malaysia chứng kiến cảnh buồn này bày tỏ bức xúc: “Không bàn về văn hóa, kiến trúc hay về Phật giáo tại nơi đây, điều đặc biệt tôi muốn nói ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng này là nơi dành cho các đôi nam nữ có thể đến đăng ký kết hôn. Trước chùa có pho tượng Nguyệt lão se duyên, nếu nhìn thoáng qua bạn sẽ thấy bình thường nhưng khi lại gần xem thì thật đáng buồn, cuốn sách trên tay Nguyệt lão bằng đá kia chình ình dòng chữ tiếng Việt có nội dung cầu duyên.”
“Lúc đó tôi nghĩ, trời ơi, muốn làm gì ở Việt Nam thì làm, sang tận nước bạn mà còn làm cái trò này là sao. Tôi thực sự cảm thấy ngại và xấu hổ vô cùng.”
Tuấn còn cho biết, người đồng nghiệp bản địa tên Wei Wei của cậu hôm ấy nói rằng, họ biết dòng chữ viết một thời gian rồi nhưng không xóa, rằng họ có thể xóa chúng nhưng hiện tại cứ để vậy cho mọi người nhìn vào… Và câu nói bỏ lửng ở đó.

Dòng chữ tiếng Việt viết trên bức tượng Nguyệt lão. (Ảnh: Quang Tuấn)
Không chỉ Kuala Lumpur, ở Ayutthaya – cố đô của Thái Lan cũng từng xuất hiện chữ tiếng Việt “check in” trên các cây cổ thụ, tường đá. Ngoài Kuala Lumpur hay Ayutthaya, có lẽ ở đâu đó, ngoài dấu chân, người Việt “nhiều chữ” đi còn để lại vô số dấu tích.
Rõ ràng, hành động nhỏ nhưng thật tai hại và vô tình trở thành bằng chứng thuyết phục cho việc tự mình bêu xấu mình. Hành động dại dột của một cá nhân nhưng khi bước ra ngoài thế giới lại vô tình đại diện cho ý thức văn hóa của một dân tộc.
Điều tôi lo ngại chính là những người gây ra việc làm này không ý thức được hành động của mình đã gây hậu quả ra sao, không tự biết lấy làm xấu hổ. Tôi sợ, họ “hồn nhiên” một cách tai hại.
Có lẽ người trẻ (trẻ mới đi cầu duyên) sẽ bao biện rằng, vì trẻ nên thiếu vốn hiểu biết trong hành xử nơi cộng cộng, vì trẻ nên có quyền được mắc sai lầm. Nhưng, có những sai lầm tự mình chịu được và có những sai lầm cá nhân, cộng đồng phải trả giá.
Chẳng thế mà trước đó, “phản cảm,” “thiếu văn hóa,” “kém ý thức”… là những cụm từ cộng đồng mạng từng lên án gay gắt một bộ phận không nhỏ giới trẻ có hành động viết, vẽ bậy lên các cột mốc địa đầu tổ quốc như mũi Cà Mau, Lũng Cú, đỉnh Fansipan.
Kể cả di sản như trong hang động của Vịnh Hạ Long hay thậm chí, chùa Bái Đính có bức tranh khổ lớn vẽ những hình ảnh tượng trưng cho Phật giáo cũng chịu chung số phận…

Bảo tàng Hải quân ở Melaka, Malaysia. (Ảnh: Xuân Mai/Vietnam+)
Với giới trẻ, du lịch không chỉ là cách để “relax,” mà còn thỏa mãn sở thích xê dịch và khám phá những vùng đất mới, trải nghiệm văn hóa, ẩm thực vùng miền… Thậm chí có những người chọn đi để thử thách sức bền, khám phá chính bản thân trên những cung đường khó đến các điểm cực, các đỉnh núi cao hàng nghìn mét.

Nếu nhu cầu chỉ dừng lại ở đó thì cuộc sống đã thật tươi hồng, nhẹ nhàng biết bao và chắc chắn sẽ chẳng có tiếng thở dài hay cái quay đầu xấu hổ, thất vọng của những người tự trọng, khi nhìn thấy những dòng chữ bậy bạ, viết nhằng nhịt lên chốn tôn nghiêm, không chỉ trong nước mà cả ở nước ngoài./.

Theo VietnamPlus

From the same category