“Người vận chuyển”: Cuộc sống là phải mặc cả

Chúng tôi lược dịch từ cuộc trò chuyện của Jason Statham với biên tập viên Ivan Solotaroff trên tạp chí Details số tháng 4/2012.

Anh có nghĩ giờ mình là một thương hiệu rồi không?

Vớ vẩn. Tại sao tôi lại phải nghĩ mình thế nhỉ

Mọi người nghĩ rằng, 30 triệu đô cho một phim thì được coi là thương hiệu rồi mà.

Nếu thế thì gia đình Kim Kardashian mới là một thương hiệu đấy.

Anh được đạo diễn Guy Ritchie chỉ bảo diễn xuất thế nào?

Khi tôi còn chưa có tên tuổi, Guy đã gọi cho tôi. Ông ấy mời tôi đến nhà gặp gỡ và đọc qua lời thoại phim “Lock, Stock and Two Smoking Barrels”. “Không, anh thể hiện nhiều quá. Máy quay sẽ ghi lại nhiều thứ hơn anh nghĩ đấy”, đó là những lời chỉ bảo của ông ấy với tôi. Tôi chẳng cần một người quản lý và việc đến trường học diễn xuất là điều không dành cho tôi.

– Tham gia diễn xuất trong một vài phim sau đó, anh có đắt show không?

Ngoài một vài vai diễn nhỏ, chẳng ai gọi tôi đi đóng phim cả. Suốt 18 tháng, điện thoại của tôi chẳng reo lấy một tiếng.

– Cơ duyên của anh với đạo diễn Luc Besson ra sao?

Sau khi ông ấy gọi, tôi đã bắt chuyến tàu đến Paris và hỏi Luc liệu tôi có thể đóng tất cả các cảnh mạo hiểm. Tôi đã luyện tập hàng năm trời và muốn thể hiện hết mọi thứ.. Thành thực mà nói, lúc đó tôi sẵn sàng làm bất cứ thứ gì ông ấy yêu cầu, dù là diễn vai một thợ làm tóc. Nhưng thay vào đó, ông ấy lại bảo tôi: “Tôi đang viết dở một bộ phim cho anh. Tôi sẽ gửi kịch bản cho anh trong vòng ba tuần”. Ngày đó tới, và tôi đã nhảy tưng tưng lên vì sung sướng khi nhận kịch bản phim “The Transporter”.

– Vậy là lúc đó đánh dấu sự ra đời một vị anh hùng hành động đang sắp bước vào độ tuổi trung niên?

Tôi là gã vô dụng được trở lại với cuộc sống. Dĩ nhiên, tôi đang tìm kiếm một thứ gì đó hoàn hảo và một bộ phim hành động trí tuệ hơn. Cũng giống như những người chơi lướt sóng ấy. Họ chờ đợi một con sóng hoàn hảo nhưng rồi chẳng bao giờ có. Vì thế họ phải đón nhận những gì xảy đến và cứ thế lướt thôi.

– Anh kể một chút về thời gian bán đồ trang sức trên phố chứ?

Tôi thường bán dây xích, dây thừng, vòng tay, dây chuyền, những chiếc tù và, nhẫn của cả nam và nữ. Tôi lấy chúng ra và bọc trong những mảnh vải. Nếu họ hỏi: “Có hộp không”, tôi sẽ nói: “Chúng tôi sẽ có hộp vào một ngày nào đó, ông bà có cần không. Có hộp đấy nhưng chẳng bao giờ ông bà có được nó đâu”.

– Anh học mánh lới bán hàng từ cha mình?

Tôi và cha tôi mở cửa hàng, giả vờ đấu giá. Đây là cách mà mọi người bị tôi “rút túi”. Chính sự tham lam của con người đã khiến họ bị “chăn dắt” như vậy. Nếu trực giác của bạn đủ mạnh mẽ, bạn sẽ không bao giờ đến những cửa hàng hoặc góc phố như thế. Và chúng tôi sẽ không bao giờ nói: “Món này bằng vàng đấy, đó là của hãng Cartier”. Chúng tôi không bao giờ để khách hàng phải hỏi cả. Và nếu họ khăng khăng hỏi: “Nào, thế rốt cục nó làm bằng gì?”, tôi sẽ nói: “Chờ tý. Tôi sẽ ra giá trong một phút thôi. Chờ nhé. Mẹ tôi còn đợi tôi được 9 tháng. Bà có thể chờ tôi chỉ một phút không?”.

 

– Con người thật của anh là gì?

Trong cuộc sống việc mặc cả là cần thiết, và mọi người luôn mong muốn được giảm giá nên điều này đã khiến tôi tạo ra những cái giá trên trời. Đó là những gì cuộc sống diễn ra và tôi hiểu rõ quy luật này.

– Anh đang nói về Hollywood đấy ư?

Rất nhiều thứ trong ngành công nghiệp này là nhảm nhí. Bạn giả vờ là một cái gì đó trên màn ảnh. Nhưng rồi đó cũng là cách mà bạn cư xử ở ngoài đời hàng ngày. Như thể chúng tôi yêu mến bạn quá chừng, không thể đợi lâu hơn để trao cho bạn một vai diễn trong phim ấy. Thật là vớ vẩn. Dĩ nhiên không phải toàn bộ mọi thứ đều là tiêu cực, bởi vì có rất nhiều tài năng ở đây và có rất nhiều người tốt. Nhưng hãy tin tôi đi, cũng có một bộ phận không như thế. Tôi đóng phim để kiếm sống. Tôi hiểu điều đó trước khi bước chân vào đây. Và thông thường tôi biết mình phải đi hướng nào.

– Vậy anh là một người gã bịp muốn trở thành diễn viên đóng cảnh mạo hiểm nhưng rồi lại trở thành một anh hùng hành động?

Điều đó chỉ xảy trong lúc cần kíp thôi.

Tuệ Văn (theo Details)

 


From the same category