Sữa Danlait không đủ hàm lượng đạm theo tiêu chuẩn gây bức xúc dư luận. Ảnh: Ngọc Tuyên.
“Con mình cũng uống sữa này, mình đang sôi sục lên vì căm hận giận”, một thành viên nick-name ‘mẹ bông…’ trên diễn đàn Lamchame giận dữ nói. Chị Ngọc Bích, một thành viên trên diễn đàn webtretho thì chia sẻ: “Con mình không uống sữa này mà mình đọc còn thấy giận run người”, chị nói.
Bên cạnh sự giận dữ, người tiêu dùng còn cảm thấy hoang mang và lo lắng, đặc biệt với những bậc cha mẹ đã trót cho con uống sữa Danlait. Chị Nguyễn Thị Phương Loan (29 tuổi, ở Cầu Diễn, Từ Liêm) đã trót cho em bé hiện 8 tháng tuổi uống hết hơn 7 hộp sữa Danlait. Chị Loan cho biết, sau khi cho bé uống hết hơn 7 hộp sữa Danlait (mỗi hộp 400 gram), thấy con mãi không tăng được cân mới đi khám bác sĩ. “Bác sĩ dinh dưỡng nói cháu bị thiếu chất. Cả thời gian uống sữa, cháu chỉ tăng được 3 gram mỗi tháng trong khi trước đó, thời còn uống sữa mẹ vẫn tăng đều đặn hơn 1 kg mỗi tháng”, chị Loan dẫn giải.
Anh Hà Tuấn Ngọc (ở chung cư Licogi Đại Từ, Hoàng Mai, Hà Nội) cũng cho bé uống sữa Danlait được hơn 4 tháng và mới chỉ dừng lại khi xuất hiện nghi vấn sữa rởm được phanh phui. Không chỉ bức xúc mà anh Ngọc còn tỏ ra vô cùng hoang mang và “bó tay với thị trường sữa hiện nay”. Anh nói: “Hầu hết các bố mẹ đều là những người có học, hiểu biết và đã tìm hiểu rất kỹ trên Internet cũng như tham khảo nhiều nơi mà vẫn bị lừa thì giờ chả biết tin vào đâu”.
Câu chuyện về sữa dê Pháp rởm khiến nhiều bậc cha mẹ giật mình và dù chưa từng cho con uống sữa Danlait nhưng họ cũng “chột dạ”. Nhiều người còn lên các diễn đàn nhờ các thành viên đang sinh sống ở Mỹ, Hà Lan, Pháp, Nhật… xác nhận hộ các loại sữa nhập khẩu đang cho con uống có thật không.
Lo lắng lớn nhất của người tiêu dùng là chất lượng của loại sữa dê dán mác Danlait này. Chị Phạm Thị Thành Thủy (ở Trần Khát Chân, Hà Nội) nói: “Mong cơ quan chức năng sớm tìm ra sự việc này và quan trọng nhất là kiểm tra thành phần sữa có nguy hại gì không bởi sữa này tôi thấy rất nhiều người cho con ăn”.
Theo phản ánh của nhiều người tiêu dùng, rất nhiều bé uống sữa dê Danlait có triệu chứng tăng cân chậm và thiếu chất. Theo kết luận của Đội Quản lý thị trường Thanh Xuân, Công ty TNHH Mạnh Cầm có biểu hiện gian dối với sản phẩm sữa Danlait. Theo đại diện Đội quản lý thị trường Thanh Xuân, hiện nay tiêu chuẩn đối với sản phẩm sữa theo qui định của Việt Nam phải có độ đạm từ 34% nhưng sản phẩm của Mạnh Cầm chỉ có độ đạm từ 13%-17,5%.