Người tài, ai chả muốn dùng, chỉ là…

Người tài là ai? Như lá mùa thu, nào biết ai tài mà trọng. Nay dự thảo chỉ ra “đầu vào”: người học giỏi, có bằng cấp oai, ít nhất tốt nghiệp đại học loại giỏi, thạc sĩ… khác gì chọn học sinh giỏi.

Nếu thành văn bản chính thức, mấy lão như Hai Lúa chế máy bay, máy gặt đập, hay mấy gã sinh viên đóng xe hơi không người lái, múc điện mặt trời… chắc suất ra rìa. Thông cảm, không đủ tiêu chuẩn theo quy định. Chưa có bằng cấp, đừng mong bồi dưỡng chuyên môn nói gì thu hút, trọng dụng…

Mai mốt khỏi vác đuốc tìm người tài. Cứ chiếu theo nguồn, cứ lọc trước danh sách từ các trường, theo đúng chuẩn học giỏi, đỗ đạt, bằng cấp. Các tiêu chuẩn khác từ từ hậu xét.

Hẳn sẽ dấy lên các phong trào thi đua học thành nhân tài, học trường không đủ, tranh thủ học thêm cho chắc tài. Bằng cấp cứ phải cao cao, các tiêu chuẩn khác sẽ “phấn đấu” tiếp…

Tiêu chuẩn “đầu vào” này sẽ giúp loại trừ các nhân tài vặt, đi lên bằng nhanh tay nhanh mắt như các kiểu thi thố tài lẻ mua vui trên truyền hình.

Tài về nghề gì, người trong ngành mới rành, phục. Phát hiện, giới thiệu từ cơ sở đúng rồi, nhưng ai phát hiện mới quan trọng… không thì, như các cụ bảo, chó khen mèo dài đuôi, hoặc cơ cấu, cảm tính hoặc “diện chính sách”.

Trọng tài là phải, nhưng cách phát hiện, xác định không khéo lại phụ thuộc vào “trọng tài”, tuýt còi, rút thẻ ai nấy chịu.

Hội nghề nghiệp biết người tài, nhưng không được tiến cử cũng chịu. Người tài bị “loại” ngày từ vòng phát hiện, giới thiệu, nhường cho cho “nhân tự tài” đá gà đá vịt.

Không ít “nhân tự tài” đa di năng, cạc in chằng chịt: nhà đúc tượng, nhà nuôi gà, nhà trồng khoai kiêm nhà ve chai… Nhà nào nghe cũng oách, nhưng chả nghề nào đến đầu đến đũa, chỉ làm loé được mắt kẻ ngoại đạo.

Dự thảo lần này đòi người giới thiệu phải “có trách nhiệm” ở mức “chịu trách nhiệm” về sự tiến cử của mình. Trách nhiệm gì, chưa biết, cứ là phải có trách nhiệm. Đưa lên rồi, tôn vinh, lĩnh lộc rồi mới lòi ra không mấy tài lại cười trừ “nhận trách nhiệm”.

“Lên chức” làm quan đang đổi mới: nhiều ứng viên, thi công khai. Liệu tìm kiếm người tài có theo cách đó?

Thi quan là thi quan, thi tài là thi tài, không thể trộn lẫn quan với tài. Một bộ phận không nhỏ các quan hay tự mặc định làm quan đương nhiên tài và có tài mới được làm quan.

Một thực tế không nhỏ: người tài chưa chắc muốn ra làm quan. Chất xám đội nón ra đi cũng là một thực tế, nhiều lúc rát…

Đủ lý do. Cơ chế bó, khó đủ thứ, bị trù úm, túm đằng chuôi, lương bèo, bạc bẽo… Người tài như cái gai, hay “phản biện” làm đơn vị mất thi đua, mất danh hiệu… Phấn đấu tiên tiến, người tài thường được cho “miễn sinh hoạt” …

“Chuẩn” tài còn phải chỉnh. Đã có không ít danh hiệu, thêm một cái nữa, mà vẫn vẩn vơ, có vào cuộc sống cũng đủ bề khiên cưỡng.

Dùng người tài, chuyện muôn thủa, muôn nơi, và không mấy dễ. Kinh nghiệm trong ngoài ắp cả chồng, chỉ việc “rút tỉa”, chỉ là có thật muốn hay không?

Trần Giang Phương


From the same category