Người sót lại của nghề truyền thần

Chùm bài: “Nghệ thuật trong sách đỏ” của Đẹp Online xin gửi tới độc giả các phác thảo qua ảnh về đời sống và tình yêu của những nghệ sĩ vẫn đang bám trụ với nghề, dù phải đối diện với nhọc nhằn, đau buồn từ nhiều năm qua. Những người thực hiện rất mong được góp một tiếng nói cảm thông, một sự nhìn nhận công bằng với những cố gắng của những người tạo ra cái Đẹp.

>> Bài liên quan:

Nghệ thuật không chết như tê giác Java

Dốc gan dốc ruột với tuồng

Tổ chức: Đinh Phương Linh 

 

 

Có lẽ nghề truyền thần là duyên phận của ông Bảo Nguyên. Ngay từ khi ông mới 6 tuổi, một thầy bói già đã nói ông phải theo nghề vẽ. Nhiều anh em đồng nghiệp nói ông chỉ làm được quãng độ vài ba năm, nhưng biết đâu, chính ông lại là người dai dẳng nhất với nghề.


Trong chiến tranh, ông Bảo Nguyên ngồi ở vỉa hè, vẫn đúng ở địa chỉ 47 Hàng Ngang. Ông đào một cái hầm cá nhân, cởi trần, mặc quần đùi, khi có báo động thì nhảy xuống hầm, kéo nắp đậy lên, khi yên bình thì lại ngồi chờ khách. Thời chiến tranh, mọi người đi sơ tán hết, chỉ mình ông ngồi đây nên ai có việc cần đều dồn về chỗ ông cả.

Bây giờ thì số người làm nghề truyền thần ít đi nhiều, người có nhu cầu cũng ít đi, nên công việc của ông vẫn giữ được đều đặn, không lúc nào phải ngơi nghỉ.

Khách của ông chủ yếu vẫn là người Việt, vì nhu cầu  ảnh thờ rất cao. Những người nước ngoài mua tranh của ông để giữ gìn, để sưu tập, vì những người như ông Bảo Nguyên đã phải cho vào”sách đỏ” rồi. Tranh của ông cũng đã được khách nước ngoài mang đi triển lãm ở Nhật, ở Pháp, vì họ sợ nghề này mai một rồi biến mất.

Theo thống kê của ông Bảo Nguyên, ở Hà Nội, có lúc có tới hơn 400 người làm nghề này, bây giờ chỉ còn khoảng 7-8 người. Bây giờ người ta làm ảnh màu, ảnh photoshop được. Nhưng ông Nguyên nói công việc rồi sẽ nhiều lên, vì những ảnh kĩ thuật số, ảnh màu sẽ bạc, sẽ loang lổ, sẽ mốc, sẽ dính vào kính… chỉ vài năm là hỏng, còn tranh vẽ của ông thì tồn tại lâu dài. Ảnh màu còn thì nghề vẽ của ông còn sống được, vì chính những nhược điểm của ảnh màu giúp các bức tranh truyền thần của ông có giá trị cạnh tranh.

Bức vẽ ông nội của ông Bảo Nguyên được vẽ từ năm 1961

Như bức vẽ ông nội của ông Bảo Nguyên được vẽ từ năm 1961 tuy đã treo ngoài nắng một thời gian dài mà vẫn không bị bạc. Hiện tại, ông lại có thêm một kĩ thuật mới: trước khi trả tranh cho khách, ông phun một lượt cô-lô-phan lên trên (chất có trong keo xịt tóc và nước hoa), vậy là nhạy, nhấm không bao giờ dám động vào, lại tránh được ẩm mốc. Bức vẽ như thế có thể bền tới vài trăm năm.

Ông Bảo Nguyên năm nay đã 79 tuổi, từ khi hành nghề tới nay, ông mới tìm được một đệ tử ưng ý.  Ông bảo học nghề này tốn nhiều thời gian, có khi mất 30 năm mà không thành nghề. Nghề vẽ truyền thần có nhiều cái khó: phải học một thời gian dài, phải có cửa hàng ở vị trí đắc địa.  Người nào hời hợt, lười biếng thì chỉ vẽ để kiếm sống được thôi.

Ông Bảo Nguyên ngồi vẽ chân dung tự họa

Điểm đặc sắc nhất trong các bức vẽ của ông Bảo Nguyên là thần thái của nhân vật. Nhiều bức ảnh chân dung khách đưa cho ông vẽ mà không hề có thần, nhưng tác phẩm của ông thì có thần hơn cả người ngoài đời thực. Ông bảo đây là trời cho thôi, chứ ông chẳng tài giỏi gì. Ngay cả với đứa con ruột ông cũng không truyền được cái may mắn này. Ông bảo: Con yêu nghề thì con sẽ tự tìm ra thôi.

Ngồi ở phố Hàng Ngang đã hơn nửa thế kỷ, ông Bảo Nguyên nói nghề vẽ giúp ông có được sự yên tĩnh giữa phố xá. Dù không truyền được nghề cho nhiều người, ông Bảo Nguyên vẫn tin rằng nghề này không bao giờ mất được. Dân trí ngày càng cao thì con người sẽ càng thích các tác phẩm thủ công, những tác phẩm có nét đẹp của bàn tay con người.

Bài: Phương Linh

Ảnh: Anhcz95




Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category