#WomenInArt – Người sáng lập Tongla Art – Tuyết Nguyễn: “Thị trường trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố”

Năm 2023, bà Tuyết Nguyễn rời vị trí Giám đốc điều hành của tập đoàn Pranda Việt Nam Retail sau 13 năm gắn bó. Không đầu quân sang thương hiệu khác, bà dấn thân vào một lĩnh vực mới mẻ và nhiều thử thách: nghệ thuật.

Triển lãm “Portal” của nghệ sĩ sơn mài đương đại Nhật Bản Saeko Ando đánh dấu bước đầu tiên Tongla Art gia nhập thị trường nghệ thuật Việt Nam. Tiếp đó, Tongla Art cũng tổ chức thành công triển lãm “Cái đầu” của họa sĩ Nguyễn Ngọc Phương tại Hà Nội. Hiện tại, bà Tuyết Nguyễn đang tất bật chuẩn bị để có thể đưa triển lãm Picasso đến công chúng Việt Nam.

Với niềm say mê nghệ thuật và tâm thế luôn sẵn sàng thích ứng trước biến động của thị trường, bà Tuyết Nguyễn chia sẻ với Đẹp góc nhìn của một người làm kinh doanh.

Điều gì thôi thúc bà chuyển hướng từ hoạt động kinh doanh sang lĩnh vực nghệ thuật?

Là người yêu nghệ thuật, tôi luôn tự hỏi phải làm thế nào để thị trường nghệ thuật Việt Nam hoạt động chuyên nghiệp hơn, đồng thời mở ra nhiều cơ hội hơn cho nghệ sĩ Việt Nam. Tôi còn ấp ủ ước mơ xây dựng một quỹ từ thiện dành cho phụ nữ và trẻ em bị lạm dụng, bạo hành để giúp họ bước ra khỏi những ám ảnh của quá khứ. Để làm được những điều này, tôi phải xây dựng hệ thống hỗ trợ cũng như nguồn lực tài chính mạnh thông qua các mối quan hệ cá nhân và công việc. Nghệ thuật là cách giúp tôi tiếp cận những nguồn lực này nhanh nhất và có chất lượng nhất.

Thông thường, khi bắt đầu với nghệ thuật, người ta sẽ chọn gắn liền với một địa điểm như thành lập gallery hoặc kết hợp với mô hình kinh doanh như quán bar, tiệm cà phê… Tongla Art dường như có hướng đi khác?

Sau gần 3 năm tham gia vào thị trường nghệ thuật, tôi tạm chia thị trường ra làm hai nhóm. Nhóm một thuộc về các gallery, nhóm hai thuộc về các nhà sưu tập. Hiện cả nước có hàng trăm gallery lớn nhỏ nhưng chủ yếu chỉ làm công việc duy nhất là bán tranh. Họ thiếu các hoạt động chuyên môn như cung cấp, chia sẻ những thông tin về ngành, về các hoạt động liên quan đến nghệ thuật hội họa, xu hướng… Các phòng tranh ở Việt Nam vẫn giữ cách thức kinh doanh như 20 năm trước: trao đổi buôn bán tranh của các nghệ sĩ trong nước, gần như vắng bóng những sự kiện mang tính giao lưu và giới thiệu những họa sĩ quốc tế tới các nhà sưu tập trong nước. Những người đứng đầu phòng tranh cũng không hoặc chưa ý thức được việc kết nối, xây dựng mối quan hệ với các phòng tranh từ các quốc gia khác để hình thành mạng lưới hỗ trợ và kết nối.

Ở nhóm thứ hai, đại đa số các nhà sưu tập Việt Nam chỉ sưu tập tranh của các họa sĩ Việt Nam. Họ không hoặc chưa dám đầu tư sưu tập tác phẩm của các nghệ sĩ quốc tế vì để làm được việc này cần có kiến thức về văn hóa, lịch sử và nhiều yếu tố khác.

Bên cạnh đó, sự tự phát của các nhà sưu tập cũng ảnh hưởng đến thị trường nghệ thuật. Một số người thường thích mua trực tiếp từ tác giả thay vì thông qua một bên thứ ba vì họ cho rằng sẽ mất thêm chi phí. Điều đó dẫn đến nguy cơ tác phẩm bị mất giá theo thời gian, không có tính thanh khoản trên thị trường chuyển nhượng.

Từ những quan sát trên, tôi nhận ra vai trò của mình. Thứ nhất, mang triển lãm của các danh họa hoặc nghệ sĩ đương đại đã thành danh trên thị trường quốc tế về Việt Nam để thế hệ trẻ được tiếp xúc với các hoạt động nghệ thuật hàn lâm, những công nghệ mới nhất trong lĩnh vực nghệ thuật và có thể thưởng thức một triển lãm theo tiêu chuẩn quốc tế. Thứ hai, tập trung xây dựng mạng lưới kết nối với các gallery, giám tuyển và nhà tổ chức hội chợ nghệ thuật quốc tế, từ đó giới thiệu các tác phẩm nghệ thuật trong nước tham gia triển lãm ở nước ngoài.

Thế giới đang bước vào kỷ nguyên của A.I, nghệ thuật cũng không nằm ngoài xu hướng này. Để phát triển, Tongla Art không thể đi theo những gì thị trường Việt Nam đã từng làm từ 20 năm trước. Tôi ý thức rõ cần phải tạo ra cách tiếp cận khác. Đầu tư vào công nghệ để phục vụ nhu cầu phát triển thay vì đầu tư vào gallery vật lý, chúng tôi có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với thị trường nghệ thuật toàn cầu.

Ở góc nhìn của người làm kinh doanh, bà đánh giá thế nào về thị trường mỹ thuật Việt Nam hiện nay?

Thị trường nghệ thuật Việt Nam hiện nay còn thiếu sự đồng bộ về chất lượng. Hệ thống các bảo tàng chưa được đầu tư nghiêm túc. Các hoạt động hỗ trợ ngành như hệ thống nhà kho lưu trữ, hệ thống vận chuyển, đóng gói, bảo hiểm cho tranh… chưa hình thành. Hành lang pháp lý về thuế, tính thanh khoản để thừa nhận tác phẩm nghệ thuật như một loại hàng hóa đặc biệt cũng chưa được xây dựng. Do đó, thị trường nghệ thuật Việt Nam còn phải thay đổi rất nhiều để trở thành một thị trường thứ cấp thay vì sơ khai như hiện tại.

Là “tay ngang” trong lĩnh vực nghệ thuật, bà có gặp khó khăn khi làm việc với nghệ sĩ?

Tôi học và bổ sung kiến thức từ sách vở và cả thực tế. May mắn là tôi cũng có chút năng khiếu về nghệ thuật. Tất cả những điều này giúp tôi tiếp cận các nghệ sĩ một cách tự nhiên. Tôi cảm nhận tác phẩm theo cách của riêng mình và gợi ý cho họ những góc nhìn khác để đổi mới bản thân và khuyến khích nghệ sĩ trẻ tiềm năng có thêm động lực sáng tạo.

Việc đọc các báo cáo chuyên ngành, giao lưu cùng mạng lưới kết nối ở thị trường quốc tế cũng là cách để tôi và đội ngũ Tongla Art hiểu và nắm bắt xu hướng thị trường quốc tế, từ đó tư vấn tốt hơn cho nghệ sĩ trong nước và đưa ra các phương án phát triển phù hợp cho từng nghệ sĩ.

Bà đang ấp ủ những dự định nào?

Trong năm 2025, Tongla Art đặt mục tiêu xây dựng hệ thống kết nối quốc tế để mang các tác phẩm nghệ thuật trong nước vào các Blue-chip gallery có tiếng tại Mỹ, Singapore, Thượng Hải, Ấn Độ, Thái Lan. Trong năm 2026, chúng tôi sẽ tham gia hội chợ nghệ thuật tại Mỹ.

Còn triển lãm Picasso hiện đang ở giai đoạn nào, thưa bà?

Triển lãm Picasso tại Việt Nam sẽ giới thiệu đến công chúng 100 tác phẩm gốc gồm cả hội họa và điêu khắc, dự kiến tổ chức trong 3 tháng. Chúng tôi muốn kiến tạo môi trường giáo dục cho thế hệ trẻ thông qua nghệ thuật, nhằm từng bước hỗ trợ người trẻ yêu nghệ thuật có thêm kiến thức, tiếp cận những tác phẩm thật (thay vì tranh chép hay tranh kỹ thuật số), cũng như mở ra xu hướng nghề nghiệp mới.

Dự án đã được khởi động gần một năm nay nhưng với bối cảnh kinh tế hiện tại, chúng tôi vẫn rất khó khăn trong việc tìm kiếm nguồn lực. Tôi kỳ vọng sẽ sớm tìm được đối tác đồng hành phù hợp để có thể triển khai.

Theo bà, thị trường nghệ thuật Việt Nam muốn phát triển, cần những thành tố nào?

Thị trường nghệ thuật chỉ có thể phát triển khi các cơ chế chính sách cho nghệ thuật được cởi trói. Một thị trường lành mạnh luôn cần có sự tham gia của các bên, không chỉ có nghệ sĩ hay nhà sưu tập. Thị trường còn cần đến những gallery, nhà đấu giá, các hội chợ nghệ thuật và các ngành bổ trợ liên quan. Thị trường cũng cần những nhân tố mới, thực hiện những hoạt động nghệ thuật chất lượng, có tính giáo dục và giải trí cao, từ đó thay đổi quan niệm về hoạt động nghệ thuật, hình thành một nhóm nhà sưu tập mới có kiến thức, tự tin và hiểu biết.

Và với thị trường vẫn còn manh mún, sự xuất hiện của những nhà đầu tư tâm huyết hoặc các nhà bảo trợ nghệ thuật có tâm và tầm là vô cùng cần thiết.

Cuối cùng, tôi cho rằng chúng ta cần có luật để dẫn dòng tài chính trong và ngoài nước chảy vào thị trường nghệ thuật. Bên cạnh đó là các chính sách, định chế cho phép chuẩn hóa các tác phẩm nghệ thuật như một thứ tài sản có thể thế chấp hoặc lưu giữ với khả năng thanh khoản tốt.

Cảm ơn những chia sẻ của bà.

Tranh “Con mắt No.4” thuộc bộ sưu tập “The Eye Series” của Tongla Art
Tranh tại triển lãm “Portal” của nghệ sĩ sơn mài đương đại Nhật Bản Saeko Ando

CHUYÊN ĐỀ: WOMEN IN ART

Một thị trường nghệ thuật trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố trưởng thành. Thực tế cho thấy, bên cạnh sự xuất hiện của nhiều nhà sưu tập tư nhân giàu tiềm lực, sự đa dạng như hoa đua nở của các gallery khắp cả nước hay sự quan tâm của các tổ chức kinh tế, thị trường nghệ thuật Việt Nam đang có sự góp mặt của không ít bóng dáng phụ nữ. Bằng tài năng, lòng kiên trì, niềm tin và góc nhìn riêng, họ đã tạo nên những bước rẽ mới, góp thêm sắc màu và tín hiệu tích cực cho bức tranh đang còn nhiều sáng tối.

Đọc thêm

TTiến sĩ Amandine Dabat: Tôi muốn mọi người biết đến vua Hàm Nghi như một nghệ sĩ
Chuyên gia phục chế tranh Hiền Nguyễn: Không được… nổi nóng với tác phẩm
Người sáng lập Tongla Art – Tuyết Nguyễn: Thị trường trưởng thành cần sự tham gia của nhiều thành tố
Họa sĩ Lê Thúy: Vẽ để giữ lại một thế giới đang rạn vỡ
Nghệ sĩ thị giác Ngô Thu Hương: Đi tìm truyền thống giữa ranh giới của chất liệu


From the same category