Người phụ nữ đi tới hơn 100 nước với cuốn hộ chiếu “tệ gần nhất thế giới”

Phụ nữ đi du lịch một mình thường gặp nhiều khó khăn và tình hình còn tệ hơn nếu người này có trong tay một cuốn hộ chiếu “không mạnh”, của những quốc gia như Bangladesh.

Maliha Fairooz tại Petra, Jordan. (Nguồn: tbsnews)

Maliha Fairooz là một phụ nữ Bangladesh rất yêu du lịch. Ký ức du lịch đầu tiên của cô là chuyến đi từ Bangladesh đến London (Anh) khi cô mới 4 tuổi.

Cô nói: “Hầu hết trẻ con trên máy bay đều khóc lóc, nhưng tôi thì không. Tôi rất phấn khích. Tôi nhớ mình đã bay qua những đám mây, nhìn xuống bầu trời và nghĩ rằng mình là một con chim’.”

Fairooz đã đi tới 102 quốc gia, đạt được một nửa mục tiêu đặt chân đến mọi đất nước trên thế giới. Điều đặc biệt nhất là cô đã đạt được thành tích này với tấm hộ chiếu Bangladesh, vốn được xếp thứ tám trong danh sách những hộ chiếu “tệ nhất” toàn cầu trong chỉ số Hộ chiếu Henley.

Hộ chiếu Bangladesh chỉ được miễn thị thực nhập cảnh tới 40 quốc gia. Điều đó khiến công dân Bangladesh gặp khó khăn trong việc đi du lịch với nhiều thủ tục hành chính hơn.

Maliha Fairooz tại Thụy Điển. (Nguồn: tbsnews)

Ví dụ như trước khi Fairooz nộp đơn xin thị thực đến Kyrgyzstan, cô cần có thư mời của một công ty du lịch trong nước. Để nhận được thư mời này, cô lại cần phải mua một tour du lịch từ một đại lý tại Bangladesh. Sau đó, cô phải đợi từ 5 đến 6 tuần để được cấp thị thực.

Năm 16 tuổi, Fairooz đã cùng mẹ rời Bangladesh và sống tại nhiều nơi trên thế giới, gồm Đông Phi và Vương quốc Anh. Hiện cô đang sống tại Berlin, Đức và làm việc cho một tổ chức phi chính phủ.

Fairooz cho biết thách thức lớn nhất cô gặp phải khi đi du lịch là định kiến của mọi người, cho rằng người Bangladesh là dân nhập cư bất hợp pháp. Bên cạnh đó, người dân các nước có tấm hộ chiếu quyền lực hơn cũng thường giàu có hơn.

Theo Fairooz, phụ nữ đi du lịch một mình vốn đã gặp rất nhiều khó khăn, nhưng điều này thậm chí còn tồi tệ hơn mỗi khi đi kèm một hộ chiếu “không mạnh.

Một trong những trải nghiệm khốn khổ nhất của Fairooz khi đi du lịch là bị giam giữ tại một sân bay ở quốc đảo Cape Verde.

Mặc dù có đủ thị thực và giấy tờ cần thiết nhưng cô đã không được phép nhập cảnh sau khi hải quan xem hộ chiếu của cô. Cô bị yêu cầu quay trở lại Senegal, nơi vừa rời đi, nhưng lại không có thị thực để quay lại đó.

“Lý do họ đưa ra là không ai đến Cape Verde chỉ để ở trong vòng 3 hoặc 4 ngày, mặc dù đây chỉ là một hòn đảo nhỏ,” cô nói.

Sau 17 giờ bị giam giữ, cuối cùng Fairooz đã được thả sau khi mẹ cô, một người đang làm việc tại Liên hợp quốc, liên lạc với văn phòng Liên hợp quốc tại đó.

Trải nghiệm bị giam giữ giữa các bức tường đã khiến cô không thể quên được, và đến giờ cô vẫn tiếp tục sợ mỗi khi ra đến sân bay.

Tuy nhiên, những trải nghiệm tồi tệ này không ngăn cản được các kế hoạch du lịch của Fairooz, bởi cô tin rằng những trải nghiệm tích cực của mình sẽ nhiều hơn những trải nghiệm tiêu cực.

Khách du lịch tới sân bay Suvarnabhumi, Thái Lan. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Cô nói: “Vẫn còn rất nhiều người tốt trên thế giới này. Và tôi cảm thấy vinh dự có thể kết nối với rất nhiều người từ rất nhiều nơi.” Fairooz cũng cho biết cô đi du lịch khi cuộc sống quá bình lặng, hoặc để ngắt kết nối với thế giới.

Một số người tiết kiệm tiền để mua nhà cửa, xe hơi, nhưng Fairooz thì không. Cô nói: “Tôi được trả lương cao hơn khi làm việc như một người nước ngoài. Vì vậy, tôi dành hầu hết số tiền đó để đi du lịch. Đó là điều tốt nhất tôi làm được.”

Với những người muốn đi du lịch vòng quanh thế giới, cô khuyên họ hãy tìm một nơi để bắt đầu.

“Đặt ra mục tiêu này là một điều khó khăn, bởi ngay từ đầu nó đã là một mục tiêu đáng sợ. Nhưng hãy bắt đầu từ điểm dễ dàng nhất. Đi du lịch một mình trong đất nước bạn. Đi du lịch đến các quốc gia lân cận, và sau đó bạn sẽ dần dần có đủ can đảm để làm được nhiều hơn nữa”, cô chia sẻ.

Cô nói thêm: “Hãy kết nối với những người quan tâm đến bạn và những người cũng tin tưởng vào mục tiêu của bạn. Họ sẽ giúp bạn tiếp tục thực hiện hành trình”.


From the same category