Ở nhà trông tôi chán lắm
– Hơn một năm rồi không thấy Trang Khiếu xuất hiện trên truyền thông, cuộc sống của chị bây giờ thế nào?
– Đừng ai kỳ vọng quá nhiều về những gì tôi sắp kể nhé, vì cuộc sống của tôi bây giờ rất bình thường: ở nhà chăm con, đôi lúc tham gia sự kiện hoặc chụp hình, còn lại dành thời gian cho những dự án riêng. Trước buổi gặp này, tôi còn không hình dung ra mình sẽ phải nói những gì.
– “Ở nhà chăm con” được đề cập đến ngay đầu tiên, đó phải chăng là việc chiếm nhiều thời gian và tâm trí của Trang nhất lúc này?
– Bé nhà tôi mới sơ sinh nên việc chăm con và chơi với con là ưu tiên số 1 của tôi bây giờ. Có người hỏi vì sao tôi không khoe ảnh con lên báo, là bởi tôi không có chủ đích làm cho dư luận hiểu rằng mình đang tự hào, phấn khích trước một điều riêng tư như vậy. Và cũng như những bà mẹ khác thường gặp khủng hoảng sau sinh, tôi đã phải trải qua giai đoạn khá khó khăn.
– Chẳng phải hình ảnh về người phụ nữ đẹp, thành công, hạnh phúc bên chồng và con luôn được công chúng ngưỡng mộ hay sao? Vì sao chị không thấy tự hào?
– Tôi tin rằng người phụ nữ nào sau khi sinh con cũng sẽ ích kỷ như tôi, muốn dành thời gian cho mái ấm của mình. Tôi không muốn phá vỡ sự yên bình của gia đình và không muốn ép bản thân vào một chuẩn mực nào đó. Vô hình trung, sự khoe khoang còn tạo áp lực cho người khác. Trên mạng xã hội, người ta chỉ thích đăng ảnh đẹp của bản thân. Khi những bà mẹ đầu bù tóc rối khác nhìn vào hình ảnh ấy, họ sẽ tự so sánh một cách không cần thiết. Cuộc đời mỗi người chỉ cần người thân biết là được.
– Người mẫu Trang Khiếu từng là vedette của các sàn diễn thời trang, khi ở nhà làm vợ, làm mẹ sẽ thế nào?
– Ở nhà, tôi bình thường lắm, không trang điểm, không chăm sóc da, không áo quần lụa là, ai nhìn tôi lúc đó sẽ không hiểu vì sao tôi có thể làm người mẫu. Tôi không thích dọn dẹp nhà cửa, nhưng đã bắt tay vào làm là làm cho tới bến. Vợ chồng tôi là những người trẻ bắt đầu gây dựng gia đình nên mọi thứ còn khá lộn xộn, chỉ cần lười một chút là cả đống việc sẽ dồn lên. Bà nội và bà ngoại chỉ đến giúp trông cháu được một thời gian rồi về vì cả hai đều bận.
Chồng tôi chẳng biết gì và cũng không quan tâm đến showbiz. Cho dù ra ngoài tôi có là ai đi nữa thì khi về nhà, tôi vẫn là người đồng hành cùng anh ấy và là một bà mẹ với vô số bộn bề từ khi sinh con.
– Điểm khác biệt lớn nhất giữa chị và chồng là gì?
– Không hẳn là quá khác biệt, nhưng trong nhiều trường hợp, anh ấy sẽ giải quyết có lí trí hơn thay vì cảm xúc như tôi. Hoặc nếu anh ấy là người sống có kế hoạch, thì tôi đa phần làm theo cảm hứng. Nếu có cãi vã, thường là do tôi to tiếng trước, còn anh ấy sẽ chờ khi cả hai đều bình tĩnh mới nói chuyện lại.
– Khi nghĩ về một cô gái Việt lấy chồng Tây, đa phần người khác sẽ cho rằng cô gái đó may mắn vì có chỗ dựa tốt, được sống sung sướng, dư dả về tài chính. Là người trong cuộc, chị thấy điều này có đúng không?
– Từ khi quen nhau, hai đứa tôi đã luôn độc lập về tài chính. Tôi có công việc của mình, anh ấy cũng vậy. Dù đang sống tại Việt Nam nhưng hai đứa không hề có quan niệm là đàn ông phải chịu toàn bộ trách nhiệm gánh vác kinh tế gia đình. Tất nhiên, anh ấy có ưu điểm là được thừa hưởng sự giáo dục của văn hóa phương Tây: luôn sẵn sàng lắng nghe, chia sẻ, đồng cảm, cùng tôi giải quyết mâu thuẫn hay giúp đỡ tôi trong cuộc sống.
– Có thông tin cho rằng vợ chồng chị đang ấp ủ một dự án làm phim tài liệu. Chị có thể chia sẻ rõ hơn?
– Đó là dự án phim ngắn mà vợ chồng tôi cùng thực hiện để gửi đi tìm nhà tài trợ cho các dự án phim lớn hơn. Tôi vẫn chưa thể chia sẻ nhiều hơn lúc này nên đành hẹn mọi người sau vậy.
Ngay cả thương hiệu cá nhân tôi còn không biết cách quảng bá
– Hãy nói một chút về Háu Store, dự án mà chị có vẻ tâm đắc nhất hiện tại?
– Háu Store có sự đồng hành của tôi và chồng. Chúng tôi cùng nhau đưa ra ý tưởng, chọn chất liệu vải và quyết định mẫu cho các bộ sưu tập thời trang, tham khảo ý kiến nhóm thiết kế, nhờ họ hoàn thiện ý tưởng trên rập rồi gửi qua xưởng may. Phong cách của Háu mang hơi thở thập niên 60-70 và được xen kẽ cảm hứng từ phim ảnh, âm nhạc, nghệ thuật của những thập niên trước đó nữa.
– Có cảm giác chị vẫn loay hoay với việc kinh doanh thời trang thì phải?
– Phải mất rất nhiều thời gian để tôi có thể lựa chọn được những mẫu vải đồng đều, đi đôi với thiết kế. Điều tôi quan tâm nhất về Háu chính là chất lượng, sự thống nhất từ ý tưởng đến sản phẩm và cảm giác của người mặc. Dù đã làm nhiều bộ sưu tập trước nhưng tôi vẫn thấy bản thân còn thiếu kinh nghiệm và đặc biệt không giỏi kinh doanh. Ngay cả thương hiệu cá nhân tôi còn không biết quảng bá nên chuyện marketing cho một thương hiệu thời trang chắc chắn là bài toán khó với tôi rồi.
– Chị có ý định trở lại sàn diễn với vai trò người mẫu không hay sẽ rẽ hẳn sang kinh doanh và làm phim?
– Ai làm người mẫu ở Việt Nam một thời gian cũng sẽ lặp lại một vòng luẩn quẩn cho dù có thành công đến đâu đi nữa. Sẽ có người chuyển sang làm nghề khác như MC, ca sĩ, có người đi thi hoa hậu, nhưng tôi thì thấy mình không hợp. Tôi vẫn muốn làm cái gì đó mới mẻ, đầy đam mê và hiện tôi rất tâm huyết với các dự án hiện tại.
Dù ít quay lại sàn diễn, nhưng có một trong bốn sân chơi lớn ở làng thời trang quốc tế mà tôi vẫn chưa thử sức và rất muốn được thử sức khi có cơ hội, đó chính là Paris Fashion Week. Cũng bởi Tuần lễ Thời trang Paris đưa ra yêu cầu quá khắt khe về ngoại hình, độ tuổi nên tôi vẫn chưa thực hiện được ước mơ này.
– Vừa muốn dừng lại, vừa muốn thử sức ở thị trường mới, chị có đang mâu thuẫn với chính mình?
– Vì chưa thực hiện được dự định đó nên tôi có phần hơi khó chịu. Ở các thị trường quốc tế, 27 là độ tuổi cứng với sàn diễn runway, nhưng những mảng khác như chụp quảng cáo hay lookbook thì tôi nghĩ mình vẫn có thể làm được.
– Chị học được gì từ những chuyến đi tìm kiếm cơ hội ở thị trường nước ngoài?
– Môi trường quốc tế tuy cạnh tranh rất khốc liệt nhưng lại chuyên nghiệp và có nhiều điều kiện để học hỏi hơn ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc đi đến những đất nước khác cũng giúp tôi hiểu biết thêm phần nào về văn hóa và con người ở mỗi quốc gia.
– Chứ không phải để kiếm được thù lao cao hơn sao?
– Tôi biết có nhiều người mẫu Việt sang đó thử sức, họ chỉ tìm được vài công việc mà phải chi trả toàn bộ tiền vé máy bay, chi phí đi lại, ăn uống nên khi về không dư dả bao nhiêu. Nhưng nghĩ đến chuyện lời lãi chỉ là cách nhìn tiêu cực, còn một cách tích cực, được thử sức ở sàn diễn nước ngoài là đã may mắn hơn rất nhiều người mẫu khác đang hoạt động tại Việt Nam rồi.
Nếu chỉ đi ngắn ngày trong thời gian diễn ra fashion week, chi phí đi lại, thuê nhà ngắn hạn sẽ cao; còn nếu đi vào những dịp khác, mùa quảng cáo hay chụp lookbook, thì thu nhập của chúng tôi cũng không đến nỗi nào.
– Chị nghĩ ngành thời trang Việt Nam còn thiếu điều gì để phát triển lên một nấc cao hơn?
– Ở nước ngoài, các agency sẽ trực tiếp làm việc với những thương hiệu và nhà thiết kế thời trang, chỉ khi nào hồ sơ được chấp nhận thì người mẫu mới đến buổi casting và đôi khi phải qua 2-3 vòng mới được chọn. Làng thời trang Việt Nam đang thiếu môi trường cạnh tranh chuyên nghiệp, việc casting thường làm cho có bởi mọi thứ đã được sắp xếp từ trước gần hết, có quá nhiều người muốn làm người mẫu nhưng “miếng bánh” lại nhỏ, và người mẫu thì nhiều mà người mẫu chuyên nghiệp thì ít…
– Cơn sóng #metoo (phong trào chống quấy rối và bạo hành tình dục) cuối cùng đã cập bến Việt Nam. Giới người mẫu với những đặc thù nghề nghiệp có lẽ không tránh khỏi những câu chuyện như vậy. Chị có muốn chia sẻ gì về điều này?
– Không chỉ giới người mẫu mới có nguy cơ trở thành nạn nhân của quấy rối và lạm dụng tình dục. Những định kiến như bạn vừa nói đa phần xuất phát từ quan niệm người mẫu là chân dài, ăn mặc gợi cảm, thường xuyên chụp ảnh bikini. Cá nhân tôi cho rằng nguyên nhân lớn nhất của quấy rối và lạm dụng tình dục xuất phát từ tư tưởng trọng nam khinh nữ, đàn ông tự cho họ cái quyền được ngắm và sở hữu người đẹp. Ngược lại, cũng do nhiều phụ nữ tự “đưa mồi cho cá” thông qua cách hành xử, ăn mặc… để đạt được mục đích riêng của mình.
Tôi ủng hộ và tôn trọng những nạn nhân dám lên tiếng chống lại tình trạng quấy rối và lạm dụng tình dục. Song vấn đề nào cũng cần giải quyết từ gốc rễ, không thể để ầm ĩ một thời gian rồi đâu lại vào đấy.
– Bản thân chị có từng phải đối diện với những lời đề nghị khiếm nhã?
– Có lẽ vì tôi trông gai góc lại hay tự làm xấu mình nên chưa ai dám đụng đến. Dù biết rằng cứ tự tạo vỏ bọc để bảo vệ mình không phải một điều hay, tuy nhiên trong xã hội này, có những thứ không thể thay đổi trong ngày một ngày hai.
Cảm ơn những chia sẻ chân thành của chị!