Người mẫu Lê Trung Cương: Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 2 – Có thể phải ra về và mất trắng!

Sau 3 năm đăng ký và chờ đợi, người mẫu Lê Trung Cương đã được tham gia hành trình thám hiểm hang Sơn Đoòng từ ngày 20/5- 27/5 cùng Công ty du lịch Oxalis.

Trước khi đi anh đã nghĩ đến viết di chúc và mua bảo hiểm thân thể ở mức cao nhất, vì hành trình này rất gian nan và nguy hiểm. Bây giờ thì anh đã trở về viết những dòng nhật ký đầy cảm xúc và kể những câu chuyện hồi hộp đến nghẹt thở sau hành trình: “Sơn Đoòng lấy đi của hắn 3kg trong vòng 5 ngày, cho hắn 3 cái thẹo, nhưng cũng lấy giúp hắn 2cm vòng bụng và cho thêm hắn 3cm vòng đùi”.

Mời độc giả đón đọc “Nhật ký Sơn Đoòng” của người mẫu Lê Trung Cương được đăng tải liên tục trên Đẹp Online.

– Người mẫu Trung Cương: Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ nhất – Vệ sinh cũng rất… đặc biệt!

– Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3: Đường đến thiên đường có nhiều ngã rẽ dẫn thẳng tới… quan tài

– Người mẫu Lê Trung Cương: Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày 4: Đến với Bức Tường Việt Nam

– Người mẫu Lê Trung Cương: Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng – Khám phá cuối cùng

Thế nên áp lực phải hoàn thành cho bằng được chương trình tour của ngày hôm nay với một thằng trai thành thị chưa từng leo núi như tôi là khá lớn!

Sông Son lúc 6 giờ sáng

Dù đã uống một viên thuốc ngủ, nhưng cả đêm hôm trước tôi không tài nào chợp mắt. Cố gắng giam mình trên giường để tích trữ năng lượng nhiều nhất có thể vì hôm nay sẽ là ngày gian khổ nhất của cả tour, nhưng cuối cùng tôi cũng bật dậy lúc 5 giờ rưỡi, khi trời hửng sáng. Tôi quyết định ra bờ sông Son lúc 6 giờ sáng và bơi nửa tiếng.

Sông Son dẫn vào động Phong Nha

Sông Son sáng sớm cực kỳ yên tĩnh, khác hẳn với buổi xế trưa, khi mà có hàng chục chiếc thuyền chở khách du lịch qua lại liên tục. Nước trong vắt đến tận đáy nhìn rõ lớp cát mịn như cát biển. Do nước sông bắt nguồn từ các núi đá vôi, khiến nước được lọc trở nên rất trong, cát ở lòng sông là các hạt đá vôi mịn trông hệt như cát biển. Bên trên lớp cát mịn là một lớp rong tảo rất dày và xanh mướt, mọc cao đến sát mặt nước. Đây là đặc điểm chung của các con sông chạy quanh núi đá vôi phía bắc Việt Nam (Yên Tử, Tràng An, Phong Nha …). Ngồi trên thuyền nhìn xuống lòng sông cứ như đang nhìn trực diện vào một hồ cá thủy sinh xanh mướt. Bước chân trên tấm thảm rong êm mịn giữa làn nước mát lạnh buổi sáng này, cảm giác hệt như bước chân trên tấm thảm lụa loại một của Thổ Nhĩ Kỳ.

Háo hức khởi hành

8 giờ, đoàn ăn sáng tại văn phòng của Oxalis. Ai cũng tranh thủ ăn thật nhiều vì biết ngày hôm nay sẽ tiêu tốn cực nhiều năng lượng.

Tôi nhận được một tin không vui là khách du lịch không được phép dán máy ảnh GoPro lên nón bảo hộ (được Oxalis cung cấp), vì lớp keo dán sẽ làm hỏng nón. Cái máy ảnh hành trình sành điệu tôi vừa trang bị xem như hơi phí, không gắn được lên nón thì không thể xài được nó. Tôi tiếc, vì vào hang thì ai cũng ước mình mọc ra thêm hai tay nữa để còn đu bám vào đá sắc nhọn như dao, còn tay đâu mà cầm máy. Nhận ra vẻ mặt thất vọng của tôi, Deb Limbert nhờ Bamboo tìm cho cái nón bảo hộ đã từng bị ai đó dán sẵn từ trước, thế là chiếc máy ảnh của tôi có cơ hội được trọng dụng.

Mọi người cũng được khuyến cáo châm nước đầy các bình để mang theo người trong suốt hành trình. Nhiệt độ là 33 độ C. Tôi pha sẵn các viên thuốc bổ sung muối vào 3 chai nước (3 lít tổng cộng) và đeo vào balo. Cái balo 7kg trở thành cơn ác mộng của đôi vai.

Người mẫu Lê Trung Cương trong hành trình thám hiểm Sơn Đoòng

40 phút sung sướng cuối cùng

9 giờ 10, hành trình thám hiểm Sơn Đoòng thực sự bắt đầu. Xe chạy dọc theo sông Son và dừng lại tại nhà của Hồ Khanh (người đồng khám phá ra hang). Hồ Khanh không có nhà, thế nên mọi người vụt mất cơ hội được chụp ảnh với ông. Tại đây xe đón thêm một phụ nữ người Anh tên là Ruth, bà khoảng 55 tuổi, rất nhanh nhẹn và thông thạo địa hình hang không thua gì Deb. Ruth sẽ theo đoàn suốt cả tour, và bà chính là người hướng dẫn có mái tóc nâu ngang vai, xuất hiện suốt clip về Sơn Đoòng của đài NBC.

Xe rẽ vào đường 20 trên tuyến đường Hồ Chí Minh, chạy ngoằn ngoèo lên xuống dọc theo các triền núi đá vôi khoảng 40 phút, và dừng lại tại điểm dừng chân đầu tiên trên sườn một ngọn núi. Tại đây có rất nhiều porter đang chờ, và có cả một đoàn khách vừa từ Sơn Đoòng ra. Nhìn ai cũng như vừa bước ra từ sa mạc, hốc hác và nhầy nhụa mồ hôi. Tôi bắt đầu thấy hơi lo lắng với viễn cảnh của những ngày tới.

Porter – quản gia của núi rừng

Theo thông báo chính thức của tour thì sẽ có 20 porter (người khuân vác) đi theo hỗ trợ nhóm. Và hầu hết số này đều đã khởi hành trước để mang trang thiết bị và thực phẩm vào hang, nên chỉ còn lại bốn người sẽ hỗ trợ mang giúp hành lý và dắt nhóm vào sau. Bốn anh chàng đều thấp và đậm người, tuổi chừng 25. Điều làm cả nhóm thực sự bất ngờ chính là cái gói hành lý đã được đóng lại để mang trên vai họ. Gói nào cũng cao xấp xỉ một mét, to bằng một cái tủ lạnh nhỏ, và nặng chừng 35kg. Tôi và cô bạn người Úc đã thử mang cái gói đó và chụp hình, nhưng cũng chỉ chịu đựng nổi vài phút.

Trung Cương đeo thử lên vai một bao tải nặng chừng 30-35kg mà các porter phải thồ theo đoàn trong suốt hành trình 60km trèo núi lội suối

Cơn ác mộng bắt đầu

10 giờ 20, Bamboo dẫn đầu cả nhóm đi xuống núi, một porter khác đi cuối để đảm bảo mọi người không ai bị bỏ lại. 10 giờ 50, đoàn dừng chân khoảng 10 phút giữa lưng chừng núi, mồ hôi nhễ nhại, ai cũng thở dốc, rồi lại tiếp tục leo xuống núi. 11 giờ 30, dừng chân lần hai, vẫn ở lưng chừng núi. Lần này không ít người đã phải ngồi xổm, gối bắt đầu mỏi nhừ.

12 giờ, dừng chân lần ba tại một con suối nhỏ. Chân tôi bắt đầu đau buốt. Đôi giày Puma siêu nhẹ đã tỏ ra không mấy thích hợp với đường đầy đá vì đế nó quá mỏng. Một nửa số nước mang theo của cả ngày đều đã tu sạch. Từ đây, đoạn đường không còn dựng đứng theo dốc núi nữa, mà đi dọc theo vài chục con suối trong vắt, nước ngang đầu gối để đến bản Đoòng.

Bản Đoòng – nơi cuối cùng dành cho những ai muốn bỏ cuộc

Tần suất các lần nghỉ càng lúc càng dày, vì ai cũng đã mệt lả và đói. 12 giờ 45, đoàn đến bản Đoòng, bản này là một thung lũng nằm lọt giữa các ngọn núi, có khoảng 8 ngôi nhà với 30 người trong đó có 9 trẻ em đủ lứa tuổi, nằm xen kẽ với các rẫy trồng đậu đen và bắp. Có một lớp học tại bản với hai giáo viên từ Đồng Hới ra đứng lớp, dạy tất cả các lớp bậc tiểu học (thực ra các bé học chung một phòng, mỗi bé tuỳ theo tuổi mà học các lớp khác nhau trên cùng một chiếc bảng chia ra làm nhiều phần).

Mọi người tranh thủ lột giày và vắt khô vớ cho bớt nặng. Tôi phát kẹo bánh và bút viết cho 6 đứa trẻ trong bản. Một cô gái chỉ nhỏ bằng đứa trẻ lên 10 tuổi, cao hơn thắt lưng tôi một chút, trên tay bồng một đứa bé. Hồi sau nghe ông trưởng bản giới thiệu, cô gái là con thứ 8 của ông, “nàng” năm nay 20 tuổi, nhưng đã kịp một nách 2 con…

Trung Cương và bà vợ ông trưởng bản Đoòng,các porter vẫn hay gọi bà là mẹ. Bà người dân tộc Vân Kiều, mẹ của 8 người con, và con gái út của bà mới 20 tuổi nhưng cũng đã có 2 con.

Trên suốt chặng đường còn lại của hành trình, tôi cứ suy nghĩ về câu hỏi của cô bạn Hannan người Úc đi cùng. Liệu có nên mang điện, phương tiện cơ giới, hay cuối cùng là tiền đến cho bản Đoòng yên bình này không? Họ đang sống rất thanh bình, không lo lắng, mưu tính và dường như cả không stress, không ô nhiễm… Nếu chúng ta mang những thứ vật chất mà người thường nghĩ là thiết yếu kia tới, liệu bản làng này có còn thanh bình? 

Thế nên ngoài bánh kẹo, gia vị và bút viết cho trẻ con, tôi  Hannan đã quyết định không tặng họ tiền khi rời bản. Chúng tôi mang khá nhiều tiền và bay nhiều giờ, có người nhiều ngày mới đến đây chỉ để trải nghiệm 5 ngày cuộc sống như họ. Tôi tự hỏi, ai mới thực sự là người giàu có?

Khoảng 1 giờ chiều, mọi người đi bộ băng ngang cánh đồng trồng đậu đen để ra khỏi bản. Đây có lẽ là nơi cuối cùng dành cho những ai đổi ý muốn quay về Phong Nha. Cả đoàn vượt qua một con suối lớn nước chảy hơi xiết để đến một bờ đầy sỏi có bóng cây để dừng chân ăn trưa. Bữa trưa có bánh mì và trái cây. Dù xơi những hai ổ bánh mì mà tôi vẫn thấy đói cồn cào. Nhưng tôi cũng biết, nếu ăn nhiều hơn, mình không đi nổi đoạn đường kế tiếp.

Chuyến đi dài nhất trong đời

2 giờ chiều, chúng tôi tiếp tục chặng hai của cuộc hành trình. Chặng này sẽ không còn bóng cây che mát nữa, đoàn sẽ đi dưới ánh nắng trưa chói chang, vì sẽ di chuyển lắt léo dọc theo rừng thấp và băng qua nhiều con suối dẫn vào hang.

Sau hai lần nghỉ giữa chặng và thở dốc, 3 giờ 20 chiều nghỉ chặng cuối cùng trước khi vào khu vực hang, đoàn dừng chân ngay tại bãi đáp trực thăng vận chuyển thiết bị của G’Morning America. Cửa vào hang Én (lối vào Sơn Đoòng) đã xuất hiện trong tầm mắt (theo lời Deb thì tầm mắt tưởng như gần đó cách điểm chúng tôi đứng đúng 2km tính theo đường chim bay, nhưng phải đi vòng vèo lắt léo theo hình… sợi mì gói và phải băng qua khoảng chục con suối nữa). Đã có vài thành viên rớt lại phía sau đoàn do đuối sức. Trong đầu tôi bắt đầu xuất hiện ý nghĩ, ước gì tôi chưa đăng ký đi tour này. Đầu gối thì lỏng ra, da cháy rát vì nắng, vai đỏ lừ vì cái balo nặng trĩu, người thì run lập cập vì mất nước. Cho tới lúc này, chưa một ai được đi toilet kể từ lúc xuất phát.

Lối vào Hang Én, ảnh chụp lúc 4 giờ30 chiều, sau khi cả đoàn đã lội ròng rã hơn 12km đường rừng và suối từ điểm xuất phát

Hang Én – chốt bảo vệ đầu tiên của thiên đường

Cửa hang nằm ngang như một cái miệng đang khép hờ, và cái miệng này rộng sơ sơ khoảng 50m. Bamboo phát nón bảo hộ kèm đèn chiếu sáng lẫn găng tay leo núi cho mọi người. Trong hang không khí mát lạnh. Lòng hang rộng mênh mông, nhưng trần hang không cao, chỉ chừng chục mét. Việc chụp hình trong hang đòi hỏi sự hợp tác của các thành viên (phải có nhiều người cùng chiếu đèn về phía trần hang, và người khác đứng yên trong vài giây để làm vật so sánh độ lớn của hang trong bức ảnh). Sau đó bắt đầu chặng leo núi đầu tiên của cả hành trình, và là chặng đường cuối cùng của ngày hôm đó.

Đá lởm chởm và cực kỳ sắc cạnh. Tôi bắt đầu thấy sợ độ nguy hiểm của Sơn Đoòng. Deb khuyến cáo, đá tại hang Sơn Đoòng thậm chí còn dựng đứng và sắc bén hơn ở Hang Én.

Hang Én có hình vòm, đường kính 200m, cao 120m. Hang chứa được ít nhất 4 cái nhà thờ Đức Bà ở Tp.HCM. Giữa lòng hang là bãi cát bằng phẳng, nơi cả đoàn sẽ cắm trại. Mười người được cung cấp lều riêng và túi ngủ ở sát cửa hang, ngay cạnh mép “hồ bơi”, nơi đẹp nhất của hang. Ở giữa bãi cát là nơi các porter nấu ăn và tập kết thiết bị. Ở góc xa nhất của hang là hai toilet “dã chiến”.

Hang có hai “hồ bơi”, một nước lạnh, một nước ấm hơn. Hồ bơi nước lạnh thực ra là một hồ cát tự nhiên nằm trong hang, rộng bằng một hồ bơi tiêu chuẩn, nước khá xanh và trong, nhưng lạnh, khoảng 18-20 độ C, do nước bắt nguồn từ trong lòng đất. Hồ nước ấm thực ra là con sông nhỏ chày vòng quanh mép hang, sát mép đá, nước ấm hơn (28 độ C) do chảy từ ngoài vào. Nước trong và có rất nhiều cá nhỏ, khi bạn xuống bơi, lũ cá này sẽ đeo bám và rỉa như massage cho bạn. Hồ ấm được khuyên tắm nhiều hơn, hồ lạnh chỉ dành cho các du khách đến từ Nga hay Bắc Âu. Du khách nên sử dụng thật hạn chế dầu gội để bảo vệ nguồn nước tại đây.

Trong lòng Hang Én

Trải nghiệm kỳ lạ trong Hang Én

Sau khi bơi và tắm rửa sạch sẽ, mọi người tụ tập quanh ba cái bàn dài ở giữa hang để ăn tối. Xung quanh hang là bóng tối vĩnh cữu, chỉ có hai chiếc đèn led trên đầu bàn ăn rọi sáng.

Bạn sẽ có cảm giác như đang ở trên sao Hỏa, và các porter với đèn mũ trên đầu ở xa xa như các phi hành gia. Bóng tối mờ ảo che phủ mọi thứ. Âm thanh vọng lại lồng lộng trong hang. Tiếng cười giỡn của porter vọng qua lại khắp nơi, và bạn sẽ chẳng thể nào định hướng được họ đang ở đâu trong cái bóng tối ấy. Trên trần hang là lãnh địa tuyệt vời của các “anh bạn” có cánh. Chẳng phải tự nhiên mà hang có tên là Hang Én. En nhiều tới mức phân én có khắp nơi, và bàn ăn phải được che chắn ở phía trên. Tiếng kêu chít chít của dơi gây một ảo giác kỳ lạ cho bất kỳ ai phải ngủ qua đêm với chúng.

Đêm nay là đêm đầu tiên trong cuộc đời tôi được ngủ trong lều, bên ngoài là bóng tối đen đặc. 

Dành cho du khách muốn tham gia tour thám hiểm Sơn Đoòng

Để thám hiểm Sơn Đoòng, bạn chỉ có thể đăng ký qua công ty du lịch Oxalis bằng cách truy cập vào trang web: http://oxalis.com.vn
Đây là công ty du lịch duy nhất được chính phủ Việt Nam cấp phép cho khai thác tổng cộng 12/20 hang động ở Quảng Bình, trong đó có những hang động mới như Sơn Đoòng, Thiên Đường…

Giá tour khoảng 64,5 triệu cho 7 ngày 6 đêm, trong đó có 4 đêm, 5 ngày ở trong hang, ngày đầu và ngày cuối – bạn sẽ di chuyển từ khách sạn đến nơi khám phá và ngược lại. Do độ khó của chuyến thám hiểm nên người tham gia phải có sức khỏe lẫn kinh nghiệm leo núi, du lịch mạo hiểm.

Vì vậy, khi tham gia tour thám hiểm Sơn Đoòng, bạn cần có:

– Kiến thức về tour: đọc bài, xem clip, xem các ảnh về hang Sơn Đoòng, để biết dạng tour trekking này như thế nào, và vì sao nó được gọi là thám hiểm thay vì khám phá hay nghỉ dưỡng.

– Sức khoẻ, nhất là sức khoẻ đôi chân: Một tháng trước ngày đi, mỗi ngày bạn phải tập chạy bộ ít nhất 5km/ngày. Mỗi ngày leo cầu thang ít nhất 20 lầu mà không phải dừng lại nghỉ. Tim mạch tốt, không có các vấn đề về tim khi vận động mạnh kéo dài.

Đại diện Công ty du lịch Oxalis cho biết: tour thám hiểm Sơn Đoòng năm 2015 đã kín chỗ, nếu có chỗ trống là do vài khách hủy đột xuất. Oxalis chưa mở bán tour năm 2016, hy vọng vào khoảng tháng 9, tỉnh Quảng Bình sẽ cấp phép sẽ mở bán. Nếu muốn tham gia, du khách phải đăng ký qua website và phải trả lời những câu hỏi về sức khỏe để các chuyên gia đánh giá, nếu đạt yêu cầu thì du khách sẽ được chuyển danh sách qua mục thanh toán. Thanh  toán xong mới được xác nhận. Nếu có ai đó nói dối về tình trạng sức khỏe; khi đi tour, hướng dẫn viên và chuyên gia thấy họ không bảo đảm để tiếp tục hành trình, thì chuyên gia có quyền yêu cầu khách quay trở về để tránh nguy hiểm.

Người mẫu Lê Trung Cương đã đăng ký trước 3 năm qua trang web www.oxalis.com.vn nhưng vẫn chưa đến lượt. Trước chuyến đi hai tuần, anh truy cập vào trang web và thấy có người bỏ lượt, anh liên lạc lại và đã được chọn. Nên ngoài đăng ký trên trang web để lấy chỗ, bạn nên gọi điện thẳng đến văn phòng công ty đăng ký để nhanh đến lượt.

Mời độc giả đón đọc tiếp “Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3” của người mẫu Lê Trung Cương vào sáng thứ Hai, ngày 8/6/2015, trên Đẹp Online).

Người mẫu Lê Trung Cương
Ảnh: Trung Cương
logo

 


From the same category