Trước khi đi anh đã nghĩ đến viết di chúc và mua bảo hiểm thân thể ở mức cao nhất, vì hành trình này rất gian nan và nguy hiểm. Bây giờ thì anh đã trở về viết những dòng nhật ký đầy cảm xúc và kể những câu chuyện hồi hộp đến nghẹt thở sau hành trình: “Sơn Đoòng lấy đi của hắn 3kg trong vòng 5 ngày, cho hắn 3 cái thẹo, nhưng cũng lấy giúp hắn 2cm vòng bụng và cho thêm hắn 3cm vòng đùi”.
Mời độc giả đón đọc “Nhật ký Sơn Đoòng” của người mẫu Lê Trung Cương được đăng tải liên tục trên Đẹp Online.
– Người mẫu Trung Cương: Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ nhất – Vệ sinh cũng rất… đặc biệt!
– Người mẫu Lê Trung Cương: Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 2 – Có thể phải ra về và mất trắng!
– Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày thứ 3: Đường đến thiên đường có nhiều ngã rẽ dẫn thẳng tới… quan tài
– Người mẫu Lê Trung Cương: Nhật ký thám hiểm Sơn Đoòng ngày 4: Đến với Bức Tường Việt Nam
Ngày 5
Chúng tôi vẫn khởi hành lúc 9 giờ, sau bữa sáng no nê với phở và mì.
Hành trình của ngày hôm nay sẽ bằng tổng hành trình của hai ngày hôm trước cộng lại. Cuối ngày, cả đoàn sẽ phải về kịp Hang Én để nghỉ đêm. Thực ra, đến bây giờ tôi mới thấy, ngày 5 mới là ngày nguy hiểm nhất của cả hành trình, vì nó gồm tất cả những điểm leo trèo gay go nhất, nguy hiểm nhất của ngày 3 và ngày 4 gộp lại. Thêm nữa, chúng tôi phải thực hiện những việc này sau bốn ngày sức lực đã bị vắt kiệt, cơ thể đã thấm mệt. Như vậy, thời điểm này, xác suất gặp tai nạn do trượt chân hay té ngã là rất lớn.
Buổi sáng, cả đoàn leo ngược lên “ngọn núi” dưới hố sụt 2, rồi leo xuống, sau đó tiến vào 1km hang tối để hướng về hố sụt 1. Mọi người khởi hành khá nhanh và tiết kiệm từng chút năng lượng. Ba cô bạn Arab bị tụt lại phía sau, ngay chặng đầu tiên leo lên “ngọn núi” ở hố sụt 2.
Trung Cương đứng trên đỉnh khối đất đá ở giữa hố sụt, ở độ cao khoảng 120m chụp cả đoàn thám hiểm (nhỏ xíu phía dưới cùng ảnh). Đoạn này mọi người sẽ phải chia nhỏ ra để leo, nhằm tránh đá do người phía trên đạp rơi xuống phía dưới.
Sau khi vượt qua “ngọn núi” của hố sụt 2, cả đoàn leo lên “ngọn núi” ở giữa hố sụt 1 để hướng về điểm tập kết nằm trên một bãi cát ở gần The Hand Of The Dog. Đoạn đường này gần giống với đoạn đường lúc đi, nhưng được các porter rút ngắn hơn một ít về độ dài cũng như giảm bớt độ khó, bằng cách không leo lên đến đỉnh núi tại hố sụt 1, mà lách qua sườn bên phải của nó. Khi qua được đến bên kia vách núi, cả đoàn sẽ đi theo một con đường xuyên xuống đáy và khe hẹp giữa các khối đá để tiến về điểm tập kết. Đoạn đường về ngắn hơn một ít so với đường đi ban đầu và tránh được cái dốc đất dựng đứng (nơi mọi người phải chia nhỏ ra đu dây lên theo từng nhóm nhỏ ở nhật ký ngày 4).
Ngay khi vừa leo qua sườn khối núi ở giữa hố sụt 1, đang dừng lại nghỉ ngơi để chuẩn bị leo lên tiếp thì chú Thủy phát ra hiện hai con vắt to, căng tròn máu, nằm trong vớ mà chẳng biết chúng chui vào từ lúc nào.
13 giờ 30 phút, cả đoàn leo lên đến điểm tập kết của đêm thứ 2 (xem nhật ký ngày thứ 3) và ăn trưa khá nhanh với mì gói trong vòng 30 phút để tiếp tục hành trình của buổi chiều tiến ra Hang Én.
14 giờ, cả đoàn đi ngược vào lòng hang tối dài 1,5km, để tiến về lỗ vào của hang. Đoạn đường này cũng được điều chỉnh về bên phải vách hang, gần con suối chảy, nơi có ít ánh sáng, ít thạch nhũ, ít cảnh đẹp hơn và cũng ngắn hơn một chút.
15 giờ, cả đoàn đến khu vực đáy Hang Sơn Đoòng, ngay dưới lỗ vào hang. Từ đây mọi người sẽ bám dây thừng thắt nút để leo lên đến độ cao khoảng 50m (đoạn này không có đai hay dây an tòan). Từ độ cao 50m cho đến lỗ vào ở độ cao 90m, sẽ có đai và dây an toàn y như lúc vào. Từng người một sẽ leo lên theo đúng con đường đã leo xuống vào ngày thứ 3.
Việc leo lên luôn dễ hơn xuống, ít nhất là trong đối mặt với nỗi sợ hãi. Vì bạn có thể thấy trước nơi mình sẽ leo đến, thấy được nơi mình sẽ bám vào chứ không còn cái cảm giác dưới chân mình là khoảng không tối đặc, đen ngòm nữa. Điều duy nhất gây khó khăn cho việc leo lên, đó chính là cần thắng được trọng lực. Lại phải dùng cơ cánh tay để bám chặt vào dây và nâng toàn bộ cơ thể lên với sự hỗ trợ một phần của hai mũi chân bám vào thạch nhũ trơn trượt.
Trung Cương đang đứng trên đỉnh ngọn núi cao 120m ngay giữa lòng hố sụt 1 trong lòng hang Sơn Đoòng. Trước mặt anh nhìn xuống phía dưới là lối dẫn vào hang tới hố sụt 2. Trên đầu theo hướng tầm mắt của Trung Cương chính là hố sụt 1 thông với bầu trời bên ngoài.
15 giờ 30 phút, cả đoàn leo ra khỏi lỗ vào của hang Sơn Đoòng và tiến về khu lều bên ngoài cửa hang, nghỉ ngơi lấy sức. Rồi sau đó, đoàn lại phải leo xuống 100m độ cao đường rừng để đến khu vực con suối dưới mặt đất.
Chân tôi bắt đầu có vấn đề, gót chân bị phồng và đế giày bị đá đâm thủng.
15 giờ 50 phút, cả đoàn xuống đến con suối. Không cần phải diễn tả thì chắc ai cũng đoán được tình hình của mỗi người trong đoàn: mệt lả! Từ đây đến nơi tập kết trong Hang Én còn khoảng 2km đường suối và 1km trong lòng hang nữa, may là đoạn đường này không còn nguy hiểm. Sẽ mất khoảng 1,5 tiếng nữa để đến nơi, nên tôi đề nghị Deb cho mọi người 30 phút để nghỉ ngơi và tranh thủ tắm lần cuối tại con suối rất đẹp dẫn vào hang Sơn Đoòng này.
Deb đồng ý, và gần như mọi người trong đoàn đều lao ngay xuống suối. Nước mát lạnh, trong vắt. Sau hai ngày không có nước vệ sinh nên ai cũng cảm thấy nước suối còn đáng giá hơn cả… thức ăn.
4 giờ 20 phút, tất cả lại lội ngược con suối để đến cửa vào Hang Én. Deb và Ruth dẫn một nửa đoàn về điểm tập kết trước. Tôi, Quang porter, anh bạn người New York và 3 cô bạn Arab lại lao xuống con suối tận hưởng dòng nước nơi đây một lần nữa.
6 giờ, cả đoàn ăn tối. Ngày 5 kết thúc sớm hơn. Nhưng hôm sau đoàn sẽ phải xuất phát sớm hơn (6 giờ 30 phút sáng).
Hình ảnh cực hiếm của Doline 1, nằm gọn trong lòng hang Sơn Đoòng. Ảnh được chụp lúc 12 giờ trưa, không khí trong suốt, ánh sáng rọi xuống đúng đỉnh của khối thạch nhũ xanh.
Ngày 6
6 giờ, mọi người thức dậy thu dọn hành lý và ăn sáng thật nhanh để kịp khởi hành vào lúc 6 giờ 30 phút. Đoàn phải khởi hành sớm hơn các ngày để tránh cái nắng gay gắt 40 độ C của buổi trưa, khi mà hơn 10km dọc theo con suối bên ngoài Hang Én dẫn ngược về bản Đoòng không hề có bóng râm (đoạn đường này đi theo chiều ngược lại đoạn đường của hành trình ngày 2 – xem nhật ký ngày 2).
Đoàn khởi hành thật nhanh cùng với đội porter, nhưng chỉ sau khoảng 3km thì cả đội porter đã bỏ nhóm lại phía sau. Riêng 3 cô bạn Arab thì hoàn toàn từ bỏ ý định đuổi kịp mọi người. Tôi và anh bạn Mexico cố gắng đi nhanh hết mức có thể để bám theo nhóm porter, nhưng cũng chỉ đến bản Đoòng thì không thể nữa bám kịp nữa. Chân tôi hoàn toàn mất cảm giác, người khô hẳn vì mất nước. Trong cả đoạn đường này có đến hơn 4 lần tôi vứt balo lên bờ và nằm dài hẳn xuống lòng suối để hứng cái mát lạnh của dòng nước thấm vào người, nhằm giảm nhiệt độ cho cơ thể.
12 giờ, tốp của tôi dẫn đầu đến bản Đoòng.
12 giờ 15 phút, tôi tiếp tục di chuyển dọc theo con suối để đến khu vực chân núi. Tại đây chúng tôi sẽ dừng chân, ăn nhẹ và đợi tất cả mọi người đến đủ, trước khi leo ngược lên độ cao 550m của một vách núi dựng khoảng 45 độ.
Tôi lại lao xuống suối và ngồi luôn dưới đó chờ các bạn trong đoàn. Được khoảng 15 phút vùng vẫy dưới suối, tôi sờ thấy một một cái nhọt to sau tai phải, tôi đoán đó có thể là kết quả sau 5 ngày hơi thiếu vệ sinh trong hang. Hóa ra không phải vậy, cái nhọt đó là một chú vắt đen ngòm ngọ nguậy giữa hai ngón tay. Tôi bèn nhảy ngay ra khỏi dòng nước mà mới một phút trước đó còn là thiên đường, rồi kiểm tra lại toàn bộ quần áo.
1 giờ, chúng tôi khởi hành leo lên dốc núi để tiến ra điểm tập kết đầu tiên của hành trình. Xe bus của Oxalis sẽ đón tại đó và đưa chúng tôi về văn phòng Oxalis.
Thảm thực vật nằm trên cánh đồng thạch nhũ tại lối ra Doline 2. Nhìn thì tưởng dễ đi, nhưng Trung Cương bị té hai lần thê thảm tại lối đi như có tra mỡ này.
Đoạn tra tấn kinh khủng nhất về thể lực chính là đoạn đường cuối cùng và mệt mỏi nhất này. Đó là 550m độ cao, tương đương 3 tòa nhà Bitexco chồng lên nhau, và bạn phải leo thang bộ lên đến đỉnh dưới cái nắng gay gắt. Đường dưới chân là đá xen lẫn với rễ cây, quanh co vòng vèo theo sườn núi. Đoạn đường này đặc biệt thử thách còn vì nó nằm ở cuối hành trình gần 20km của ngày hôm nay. Chưa kể, đây là ngày cuối trong hành trình 6 ngày, sau khi đã vượt qua hơn 50km đường đi vất vả. Tất cả sự mệt mỏi ấy sẽ dồn xuống mỗi bước chân leo trèo. Tôi không nhớ nổi mình đã phải dừng lại bao nhiêu lần dọc vách núi.
2 giờ 30 phút, tôi lên đến khu tập kết cùng lúc với Hannan, cô bạn người Úc, và chỉ ngay sau anh chàng Mexico vài phút.
3 giờ 30 phút, 3 cô bạn Arab sau cùng mới lên đến nơi, sau chú Thủy vài phút trong tiếng vỗ tay râm ran của cả đoàn.
4 giờ, xe đưa chúng tôi về đến văn phòng Oxalis, nhận lại hành lý ký gửi, ăn nhẹ, trao đổi email để gửi hình ảnh và nhận kỷ niệm chương đã chinh phục thành công Sơn Đoòng.
Khám phá cuối cùng của chuyến đi
5 giờ chiều, xe đưa anh chàng Mexico ra sân bay Đồng Hới và sau đó đưa các thành viên trong đoàn về nghỉ tại một resort trong Đồng Hới. Hôm sau từng thành viên sẽ chia tay nhau quay về thành phố của mình. Hành trình kết thúc.
Điều thú vị cuối cùng của chúng tôi trong chuyến đi lại chính là việc khám phá hành lý của anh bạn Mexico. Hoá ra anh ta chẳng có bất kỳ hành lý gì ký gửi tại văn phòng Oxalis hay nhờ các porter mang giúp trong suốt cả chuyến đi. Ngoài bộ đồ anh ta mặc và đôi giày đang mang, thì cái duy nhất anh ta mang theo là một chiếc túi nhỏ như cái túi “bao tử” nằm vắt vẻo trên lưng trong suốt hành trình, bao gồm camera, vật dụng vệ sinh, và một cái quần lót. Anh chỉ mang theo vỏn vẹn bao nhiêu đó trong suốt hành trình 6 ngày 5 đêm.
Tôi không biết anh sẽ xoay sở giặt giũ như thế nào, hay là xoay sở thế nào nếu không giặt được, và sau đó, các hành khách trên chuyến bay sẽ cảm nhận ra sao về anh chàng này thì các bạn tự tưởng tuợng nhé…
Hành trình khám phá Sơn Đoòng của tôi kết thúc, chấm dứt một trải nghiệm rất đẹp, độc đáo và khó quên trong đời.
Tôi cũng xin tiết lộ, đây cũng là lần đầu tiên tôi viết nhật ký. Tôi đã may mắn có cơ hội tiến vào hang trước nhiều bạn trẻ Việt Nam khác, nên tôi muốn chia sẻ những dòng nhật ký này tới tất cả mọi người, trong đó có rất nhiều bạn sinh viên chưa có cơ hội vào hang, hay không đủ tài chính cho chi phí tham gia hành trình. Thông qua nhật ký và hình ảnh có được, thay vì cố bắt lại những cảnh đẹp và dữ liệu chính xác của hang (điều mà tôi chắc chắn những tay máy chuyên nghiệp và Google sẽ cung cấp hiệu quả hơn tôi) thì tôi cố gắng nghiêng về việc diễn tả niềm vui và cảm xúc của một anh chàng thành thị lần đầu được tham gia trekking, chia sẻ những thứ tôi lần đầu bắt gặp trong đời, những trải nghiệm và kinh nghiệm tôi có được từ chuyến đi.
Tôi hy vọng những điều này sẽ phần nào giải tỏa cơn khát tìm hiểu về Sơn Đoòng của cả những người không có ý định vào hang, hay sẽ có ích cho các bạn sắp được vào hang, giúp các bạn có sự chuẩn bị chu đáo và cẩn thận hơn cho hành trình độc đáo này.
Trung Cương đang đứng ở ngay lối ra khỏi hang tối, chuẩn bị leo lên đỉnh của ngọn núi ở giữa Doline 2.
Kết thúc những dòng nhật ký về Sơn Đoòng, tôi xin nhắn nhủ vài điều:
– Nhật ký của tôi mang nhiều đánh giá chủ quan, dưới góc nhìn của cá nhân, dựa trên những kinh nghiệm của chính bản thân, dựa trên sự đánh giá đo đạc chủ quan của tôi, và chưa thông qua bất kỳ kiểm chứng khoa học chính xác nào. Vì vậy nó chắc chắn sẽ không đúng với tất cả mọi người ở những mức độ trải nghiệm khác nhau, yêu cầu khác nhau, góc nhìn khác nhau.
– Đã có khá nhiều chi tiết về mức độ nguy hiểm trong hành trình lần đầu tiên các bạn được nghe tới trong bài viết này, bởi vì, nguyên tắc cơ bản của tôi khi viết về chuyến thám hiểm này là cố gắng mô tả trung thực nhất những trải nghiệm mà tôi, một anh chàng thành thị chưa bao giờ tham gia trekking trải qua. Còn việc đánh giá mức độ đó, rồi áp dụng cho bản thân các bạn, để rút ra kết luận cuối cùng là đúng hay sai, trung thực hay không, nên hay không nên, là việc các bạn phải tự làm và tự chịu trách nhiệm.
Để thám hiểm Sơn Đoòng, bạn chỉ có thể đăng ký qua công ty du lịch Oxalis bằng cách truy cập vào trang web: http://oxalis.com.vn
Đây là công ty du lịch duy nhất được chính phủ Việt Nam cấp phép cho khai thác tổng cộng 12/20 hang động ở Quảng Bình, trong đó có những hang động mới như Sơn Đoòng, Thiên Đường…
Giá tour khoảng 64,5 triệu cho 7 ngày 6 đêm, trong đó có 4 đêm, 5 ngày ở trong hang, ngày đầu và ngày cuối – bạn sẽ di chuyển từ khách sạn đến nơi khám phá và ngược lại. Do độ khó của chuyến thám hiểm nên người tham gia phải có sức khỏe lẫn kinh nghiệm leo núi, du lịch mạo hiểm.
Vì vậy, khi tham gia tour thám hiểm Sơn Đoòng, bạn cần có:
– Kiến thức về tour: đọc bài, xem clip, xem các ảnh về hang Sơn Đoòng, để biết dạng tour trekking này như thế nào, và vì sao nó được gọi là thám hiểm thay vì khám phá hay nghỉ dưỡng.
– Sức khoẻ, nhất là sức khoẻ đôi chân: Một tháng trước ngày đi, mỗi ngày bạn phải tập chạy bộ ít nhất 5km/ngày. Mỗi ngày leo cầu thang ít nhất 20 lầu mà không phải dừng lại nghỉ. Tim mạch tốt, không có các vấn đề về tim khi vận động mạnh kéo dài.
Đại diện Công ty du lịch Oxalis cho biết: tour thám hiểm Sơn Đoòng năm 2015 đã kín chỗ, nếu có chỗ trống là do vài khách hủy đột xuất. Oxalis chưa mở bán tour năm 2016, hy vọng vào khoảng tháng 9, tỉnh Quảng Bình sẽ cấp phép sẽ mở bán. Nếu muốn tham gia, du khách phải đăng ký qua website và phải trả lời những câu hỏi về sức khỏe để các chuyên gia đánh giá, nếu đạt yêu cầu thì du khách sẽ được chuyển danh sách qua mục thanh toán. Thanh toán xong mới được xác nhận. Nếu có ai đó nói dối về tình trạng sức khỏe; khi đi tour, hướng dẫn viên và chuyên gia thấy họ không bảo đảm để tiếp tục hành trình, thì chuyên gia có quyền yêu cầu khách quay trở về để tránh nguy hiểm.
Người mẫu Lê Trung Cương đã đăng ký trước 3 năm qua trang web www.oxalis.com.vn nhưng vẫn chưa đến lượt. Trước chuyến đi hai tuần, anh truy cập vào trang web và thấy có người bỏ lượt, anh liên lạc lại và đã được chọn. Nên ngoài đăng ký trên trang web để lấy chỗ, bạn nên gọi điện thẳng đến văn phòng công ty đăng ký để nhanh đến lượt.
Ảnh: Nghệ sĩ cung cấp