“Người lớn không được đánh trẻ con!” - Tạp chí Đẹp

“Người lớn không được đánh trẻ con!”

Sống
Suốt đêm hôm ấy, mẹ không sao ngủ được, chỉ vì buổi sáng, mẹ đã đánh con. Đó có lẽ là trận đòn đau nhất mà con từng phải hứng từ mje cho đến năm con lên 6. Vì sao mẹ đánh?

Chuyện đơn giản chỉ là: Sáng hôm ấy, mẹ phải dậy từ lúc 4 giờ sáng để viết bài cho kịp, 7 giờ mới xong được bài thì tất tưởi đi chợ để còn kịp về đưa con đi học thêm và sau đó, mẹ còn phải đi họp báo.

 

Biết là không kịp về lo cho con ăn sáng (nghỉ hè rồi nên con quen ngủ nướng, lại thêm cái chứng ngậm cơm khiến mẹ vốn ngán tận cổ), nên trước khi đi chợ, mẹ dặn chị giúp việc luộc sẵn cho con hai quả trứng, ăn cho nhanh, mà không lo thiếu chất.

Ấy vậy mà khi mẹ đi chợ về, thì sao? Hai quả trứng vẫn nằm lăn lóc, chị giúp việc thì đã hồn nhiên bế em Sóc đi chơi, con thì đang tất tưởi làm bài tập ở nhà vì sợ đến lớp cô phạt – nhiệm vụ mà lẽ ra bố phải lo giám sát từ tối qua. Còn bố thì ngồi cạnh, dán mắt vào máy tính, chắc như thường lệ: Tranh thủ làm vài ván game trước khi đi làm.

Hỏi tại sao chưa cho con ăn sáng, muộn học của con thì sao, thì bố – mặt đầy vô tội – bảo: “Tại, có thấy ai nói gì đâu!” (trong khi rõ ràng lúc nãy mẹ dặn chị giúp việc trước cả mặt bố). Thế là cơn tam bành nổi lên. Đã tất bật từ sáng tời giờ thì chớ, vậy mà ai nấy cứ coi như không! Ép con ăn vội vàng, con bị nghẹn, trớ hết, và khóc ỉ eo vì chưa kịp làm xong bài tập, thế là bao nhiêu nóng giận (giận con thì ít, giận bố thì nhiều), mẹ trút cả lên con. Mẹ lôi con xềnh xệch xuống cầu thang, bất kể “danh dự” của con trước toàn thể bàn dân thiên hạ.

Ngang qua tầng 3 chung cư có nhà bà ngoại, con như “chết đuối vớ được cọc”, càng khóc tợn để cầu cứu bà. Không ngờ, bố càng can, bà càng bênh, mẹ càng đánh tợn! Mà cả bà và bố thì hiền, không lại được cơn “điên” của mẹ.

Đưa con đi học, nghe mồ hôi chạy dài trong áo con, và tiếng con nấc nghẹn: “Người lớn không được đánh trẻ con!” (là con bắt chước cái câu: “Trẻ con không được đánh người lớn!” hôm trước của mẹ), lúc đó mẹ như sực tỉnh, ân hận không để đâu cho hết. Bất giác mẹ hỏi: “Con có giận mẹ không?”, con tử tế lắc đầu: “Con tha thứ cho mẹ rồi!” (Lại cũng là bắt chước mẹ!). Chỉ dặn: “Lần sau mẹ đừng nắm tay con chặt như thế, mẹ đi nhanh quá, con đau lắm!”

Tối về, lại thêm nỗi bà đay nghiến mẹ: “Tôi căm thù chị! Thật từ lúc đẻ chị ra đến giờ, chưa bao giờ tôi thấy cái mặt chị nó ác như thế! Phụ nữ gì đánh con cứ như đàn ông, không sợ chồng nó cười cho à? Tức chồng thì bảo với chồng, chứ sao lại đánh oan cháu tôi? Mà thà nó hư hỏng, khỏe khoắn gì cho cam! Đây, cái lỗi bé tí, nó thì lại còn hay đau ốm thế kia…”

Đêm mẹ nằm ôm con thao thức, nước mắt không biết sao cứ trào ra, mẹ như xa lạ với chính bản thân mình. Bố thì hiền, mẹ thì nóng, con thì… chưa đủ khôn để biết lường tính mẹ, vậy cách nào để uốn nắn con đây? Để ít nhất, không làm cho người đẻ ra mẹ phải thấy sợ cái mặt của mẹ, lúc đánh con, và là thằng cháu hay ốm lên ốm xuống của bà.

Thông tin tham khảo

Các ông bố bà mẹ thường có thói quen “trút giận” lên con cái, điều này ắt hẳn nhiều người biết không nên nhưng vẫn thỉnh thoảng phạm phải. Trong trường hợp thiếu kiềm chế như thế, mẹ có thể lựa lời nói xin lỗi con hoặc giải thích cho con về hành động đó.

Mẹ Kem
Theo Mốt & cuộc sống 

Thực hiện: depweb

23/08/2012, 16:21