Người lính già tuyên chiến với thần chết

Chiến dịch “Chúng ta là chiến binh!” của Đẹp khởi xướng đã và đang tiếp tục lan tỏa mạnh mẽ trong cộng đồng. Đẹp rất vui mừng, vì mỗi ngày lại nhận thêm những câu chuyện sẻ chia của bạn đọc gửi về tòa soạn. Đẹp xin lần lượt trích đăng từng câu chuyện về những chiến binh quả cảm ấy.

Đẹp mong bạn đọc viết về những chiến binh bạn gặp, bạn chứng kiến và cảm phục trong cuộc sống. Hoặc, bạn chỉ cần nhấn nút chia sẻ những bài viết trong dự án này. Như vậy bạn đã góp phần nhân lên tinh thần chiến binh đẹp đẽ, từ đó góp thêm một tiếng nói ủng hộ hàng triệu người đang phải đối diện với cuộc chiến chống lại những căn bệnh hiểm nghèo.

Xin trân trọng cảm ơn bạn!
Bài và ảnh xin gửi về địa chỉ email: toasoan@dep.com.vn

A, chào con dâu!” Đó là câu chào rất quen thuộc mở đầu cho các cuộc điện thoại giữa bố chồng với tôi mỗi khi tôi gọi điện về thăm ông. Ông đã làm cho không khí bớt nặng nề khi mỗi lần gọi điện, tôi luôn mang tâm lý trĩu nặng lo cho sức khỏe của ông. Bố chồng tôi nguyên là đại tá quân đội đã ngoài 80 tuổi hiện đang hàng ngày chiến đấu với căn bệnh ung thư đáy lưỡi nhưng vẫn giữ cho mình sự lạc quan, bền bỉ, truyền cho con cháu chúng tôi bài học về tình yêu cuộc sống và tin yêu con người.  

Mãi cho tới năm ngoái, cả gia đình mới rõ ràng nguyên nhân gây ra cho ông những cơn đau trong suốt 4 năm qua – ung thư đáy cuống lưỡi. Vị trí khối u nằm ở đáy cuống lưỡi cộng với tuổi ông đã cao nên không thể tiến hành phẫu thuật cắt bỏ. Khi bác sỹ điều trị tiên lượng chỉ kéo dài thêm vài tháng thì tinh thần cả nhà chùng xuống đến vô cùng. Sự giao tiếp diễn ra âm thầm qua cử chỉ, ánh mắt, qua những con chữ trên giấy. “Mẹ và các con đừng lo quá,” ông viết với nét chữ vẫn đẹp và chắc chắn như để lên tinh thần cho cả nhà. Ông trấn an cả nhà bằng câu chuyện ông đã từng đối mặt với cái chết khi còn trong quân đội, nằm hầm mổ vết thương dưới ánh đèn dầu. “Bây giờ, y học hiện đại hơn và điều kiện cũng tốt hơn. Chúng ta sẽ cùng chiến đấu!”. Ông còn lạc quan rằng, tìm ra bệnh để chữa còn hơn là không biết mình mắc bệnh gì.

Trước khi phát hiện ra bệnh, suốt 3 năm ông đau tê rát lưỡi. Đi thăm khám đủ các bệnh viện Tai Mũi Họng, Răng Hàm Mặt, Khoa Thần kinh, Nội tiết, Quân Khu 4, Viện 108, Viện K. Không bệnh viện nào ông không tới khám, nhưng đều không phát hiện ra bệnh gì do triệu chứng không điển hình, không có vết loét hay bất cứ gì ngoài đau rát. Các trang mạng về bệnh lưỡi cũng được cả nhà tìm kiếm đủ cả. Có lần ông nằm điều trị cả tháng ở 108, cũng chuyện trò với một số bệnh nhân có biểu hiện tương tự. Họ ra viện, còn ông vẫn ở lại, và trở lại hơn một lần. Rồi tới Viện K cũng không cho kết quả gì. Ông vẫn đau ngày này qua ngày khác. Chỉ cần tưởng tượng bạn bị nhiệt lưỡi mãi không khỏi ngày này qua tháng khác, chắc bạn cũng không thể không khó chịu và cáu giận. Nhưng ông thì không. Ông bình tĩnh chịu đựng, đọc và tìm kiếm phương thuốc.

Cơn đau ngày càng diễn biến xấu. Không chỉ đau rát lưỡi, khó nuốt dù tất tần tật đồ ăn đều xay nhuyễn. Có lúc ông tâm sự thèm được ăn miếng cơm nguyên hạt, miếng trứng, miếng đậu rán chấm mắm ớt cay. Ông nói chuyện cũng rất khó khăn, nói không được tròn chữ và như người ngọng nhưng ở ông vẫn toát lên sự nhiệt thành và niềm nở. Hàng đêm ông đau triền miên và không ngủ được vì có những lúc cơn đau. Ông chịu đựng và không kêu la, than vãn. Sự kiên cường đó truyền sang cho bất kỳ ai ở bên ông. Bên cạnh ông luôn là người vợ không quản ngày đêm lụi cụi để đốt hương xông tai cho ông dễ ngủ, cất thuốc cho ông uống. Tất cả những bài thuốc di truyền bất kỳ ai mách thì ông bà cũng được con cháu đưa đến lấy thuốc và dùng thử.

Tháng 9 năm ngoái, cầm kết quả không khả quan trên tay, ý chí thép của người lính trong ông mạnh mẽ hơn. Những đợt xạ trị ông theo rất đều và tuân thủ mọi chỉ dẫn của bác sỹ. Hết đợt xạ trị khối u có giảm bớt nhưng không mất đi. Nó vẫn khiến ông khó khăn trong lúc ăn, lúc nói chuyện. Nhưng ông vẫn mạnh mẽ vui vẻ động viên mọi người trong gia đình. Ông cũng dành thời gian đi thăm bạn cũ và người thân. Ông chơi với các cháu. Ông đọc báo chí, theo dõi thông tin thời cuộc. Ở ông vẫn luôn toát lên một vẻ lạc quan và không thể khuất phục. Nói chuyện với ông mọi người đều thấy một sự nhiệt thành và vui vẻ đến mức nhiều người tưởng ông đã hết bệnh.

Tôi hiểu, với một người lính, từng tham gia nhiều trận đánh trong kháng chiến chống Pháp, Mỹ, vào sinh ra tử thì không có gì dễ dàng quật ngã được. Thì đấy, đến như những viên đạn còn nằm trong cơ thể ông cũng phải yên vị và chỉ dám nhúc nhắc cọ cựa làm khó ông mỗi lúc trở trời.

Bố chồng tôi không nói nhiều nhưng những gì ông cư xử đã dạy cho tôi nhiều bài học về cách ứng xử trong cuộc sống. Tôi thấy mình may mắn được làm con dâu của ông. Tôi chưa làm được gì nhiều cho ông và đôi khi còn thiếu chu đáo. Nhưng ông không bao giờ trách tôi mà luôn động viên, tự hào về tôi. Còn mình, nếu để nói gì lúc này, tôi chỉ biết nói “Con cảm ơn cha! Con muốn nghe thật nhiều, thật nhiều lần nữa câu chào thân thương ‘A, chào con dâu!’”

Minh Thùy
(Hai Bà Trưng – Hà Nội)
logo


From the same category