Người làm đẹp những không gian sống - Tạp chí Đẹp

Người làm đẹp những không gian sống

Bộ Sưu Tập

Từ không gian resort sườn đồi Tuần Châu (Quảng Ninh), resort Long Hải (Vũng Tàu), khu Quê Việt (Đà Nẵng), đến những không gian nhà hàng (Kinh Bắc – đường Đồng Khởi, Tib – Hai Bà Trưng), cửa hiệu (Khải Silk – đường Đồng Khởi và Khách sạn New World), hay không gian tư gia của những người nổi tiếng: ca sĩ Hồng Nhung, ông chủ tập đoàn Khải Silk, “nữ tướng Shiseido” Lê Hoài Anh, đạo diễn sân khấu Minh Nguyệt… với những công năng khác nhau, những phong cách khác nhau, nhưng người ta đều có thể “đọc” được dấu ấn của một người đã tạo nên chúng: Nguyễn Hoài Hương.

Anh là một trong những người mở đường cho nghề thiết kế trang trí nội thất (decor) ở Việt Nam, một nghề hiện đang rất “hot”. Anh cũng là người mở đường ra cái gọi là “Không gian Việt” mà giờ đây đã trở thành một trào lưu.

Người ta đang chết vì sự… đèm đẹp

Từng là một trong bộ tứ nổi bật của lứa họa sĩ trẻ Tp.HCM thời đổi mới (1986) gồm: Nguyễn Thanh Bình, Nguyễn Trung Tín, Đỗ Hoàng Tường, Nguyễn Hoài Hương và là người duy nhất trong bộ tứ này quay qua làm decor từ lúc chưa mấy ai quan tâm tới decor. Anh bắt đầu với công việc này như thế nào?

Decor chính là làm đẹp, bất cứ ai khi biết thế nào là đẹp, là xấu cũng đã manh nha ý thức của một người làm decor rồi, có điều nó chưa trở thành một công việc chuyên nghiệp mà thôi.

Tôi ra trường (ĐH Mỹ thuật Tp.HCM) năm 1986, năm đầu tiên của quá trình đổi mới, thành phố tổ chức một hội chợ khổng lồ, người ta tới trường tuyển sinh viên mới tốt nghiệp vào làm thiết kế hội chợ. Sau đó tôi được mời thiết kế gian hàng hội chợ của Tp.HCM tại Hà Nội.

Lúc ấy thiết kế cái gì liên quan tới Tp.HCM thì thể nào cũng có Bến Nhà Rồng, nếu là Hà Nội thì nhất định phải có hình ảnh Chùa Một Cột, Văn Miếu, nếu triển lãm xe đạp thì phông chắc chắn phải vẽ một loạt xe đạp…

Tôi nghĩ, tại sao không là cái gì đó khác? Tại sao Sony, Toyota chỉ cần dùng một lượng thông tin rất gọn mà nổi bật? Nghĩ thế và làm thử, gian hàng của Tp.HCM tại triển lãm năm ấy nổi bật, tôi chỉ chơi màu trên phông nền đen.

Giám đốc một Công ty Du lịch Hà Nội đi qua hỏi ai thiết kế, biết là tôi, họ mời tôi đến số 1 Bà Triệu. Thiết kế kiến trúc và không gian cho Trung tâm Thương mại số 1 Bà Triệu – không gian văn phòng đầu tiên ở Hà Nội của tôi sau đó đã nhận Giải thưởng LH Hội Văn học Nghệ thuật Hà Nội. Đến năm 1989, công việc này chuyển thành cuộc sống thực sự của tôi.

Dù sao nghề decor vẫn gắn anh với hình ảnh một người làm ăn hơn là hình ảnh của một nghệ sĩ?

Trước kia, người ta vẫn nghĩ decor là làm ăn, họa sĩ là vẽ tranh. Nhưng thực sự decor là một công việc mang sắc thái văn hóa cao. Khi xem phim Hàn Quốc, từ cách bày biện, hướng dẫn món ăn của họ cũng giúp chúng ta hiểu được văn hóa Hàn Quốc.

 Decor một ngôi nhà không dừng lại ở chỗ “trang trí”, mà là tạo ra một không gian sống, không phải cốt làm cho ngôi nhà đó rực rỡ, mà làm một cái gì đó khiến người ta xúc động, khiến người ta có nỗi nhớ với ngôi nhà: có thể là một ô cửa, có thể là một chậu hoa sen… đó chính là văn hóa.

Bây giờ người làm decor được trang bị, hỗ trợ rất nhiều về kỹ thuật: máy tính, không gian 3 chiều… nhưng chiều quan trọng hơn 3 chiều tức là chiều văn hóa.

Yêu cầu quan trọng nhất đối với người làm nghề này là tích lũy văn hóa và từng trải đời sống. Đứng trước một không gian, anh phải làm chủ nó. Không những “sành” mà còn phải “điệu”.

Mấy năm nay nghề làm decor đang rất “hot”, các công ty decor mở ra ngày một nhiều. Anh có thể nói gì về trào lưu này?

Tôi có thể nói là trào lưu này không phải vì tính chuyên nghiệp của nghề decor, cũng không phải vì tính văn hóa của nghề được coi trọng, mà chủ yếu phát triển vì nhu cầu đang quá lớn, lại dễ làm, không quá nhọc nhằn trong việc học hành hay cạnh tranh, chỉ cần một chút khả năng về thẩm mỹ, về kỹ thuật 3D là làm được.

Công cụ 3D phát triển giúp cho người làm nghề đỡ mất nhiều thời gian nhưng chính nó lại hạn chế sự sáng tạo. Chỉ cần đưa ra một vài khuôn mẫu trong chương trình có sẵn là khách hàng thích.

Nhiều người hiện nay đang chết vì sự đèm đẹp. Và người làm nghề thì đang cuốn theo trào lưu xã hội. Xưa, ông cha mình đã biết tạo nên sự khác biệt, ngôi nhà Việt khác ngôi nhà Trung Hoa, nhiều điểm tưởng giống nhưng thật ra là khác nhau.

Bây giờ thì na ná như nhau. Nhiều không gian được tạo nên rất đẹp nhưng không biết ở đâu ra, ở nền văn hóa nào, dành cho những con người nào sống.

Có lẽ phải qua một thời gian nữa để mọi người bình tĩnh lại. Khi người ta mới giàu có sẽ thích dùng đồ xứ này xứ kia, mua nệm Mỹ, dùng bàn ghế Tây Ban Nha… giống như người mới biết ăn biết nói thích dùng những lời hoa mỹ. Qua thời kỳ đó, người ta sẽ hiểu văn hóa chính là nguồn gốc.

Đang làm việc để định nghĩa ra “Không gian Việt”

Điều đó khiến anh nghĩ đến cái gọi là “Không gian Việt”?

Lúc mới vào nghề này, công việc của tôi là chuyên làm đẹp cho các khách sạn, làm giống y như một thằng “Tây con” vậy. Người ta đồn “ông này học ở Pháp về”.

Đến khi ca sĩ Hồng Nhung mời thiết kế cửa hàng Di sản của cô ấy, tôi nghĩ tại sao không tạo nên một không gian mang hơi thở Việt Nam nhỉ. Thế là mặt tiền đường Đồng Khởi xuất hiện những cột gỗ, mái ngói Việt Nam, người ta bắt đầu nói đến cụm từ “Không gian Việt”.

 

Theo anh, thế nào là một “Không gian Việt”?

Tất cả chúng ta đang làm việc để định nghĩa ra “Không gian Việt” của thế kỷ này. Nếu trở thành một hệ thống, nó sẽ trở thành Không gian Việt.

Không gian Việt này không phải là không gian Việt của các cụ thời xưa, hiện nay nhu cầu sống của con người khác xưa rồi. Đó sẽ là không gian cho người Việt hiện nay cần và muốn.

Cái người Việt đang cần và muốn không gian của mình không khác gì những cái cần và muốn của những người khác trên toàn thế giới, nhưng có một cái khác: đó là phải có cái của riêng mình. Chừng nào làm được điều ấy thì đó chính là Không gian Việt.

Ở đảo Bali (Indonesia) 80% dân theo đạo Hindu, tạo nên một kiến trúc thống nhất cho cả vùng. Khi người Úc đến đây, họ đã tận dụng sự riêng biệt mang tính địa phương này kết hợp với những tính năng hiện đại để xây dựng Bali thành khu du lịch nổi tiếng thế giới.

Ai có thể không xúc động khi buổi tối ở đây những ngọn nến được thắp lên trong những bẹ chuối được tước mỏng và cuộn lại rất tinh tế?

Họ biết tô điểm cho cuộc sống mới không bị đè nặng bởi yếu tố công nghiệp nhưng lại được trang bị hiện đại đến tận răng! Đấy là xu thế của thế giới: không gian sống tạo cho con người sự cân bằng và sự rung động từ trái tim.

Việt Nam không thiếu những thứ để làm được như vậy, nhưng chưa được hệ thống. Mình có nhiều lính giỏi nhưng thiếu tổ chức. Chưa kể mình có nhiều cái hay, cái đẹp không được phát huy mà còn bị làm cho xấu hơn.

Tôi đồng ý với anh, nhưng chưa chắc tất cả các khách hàng của anh đều nghĩ như vậy. Không giống như họa sĩ, sáng tác bằng cảm hứng cá nhân; người làm décor phải làm theo yêu cầu của khách hàng.

Đúng như vậy. Mỗi khách hàng có một ý thích, bằng chuyên môn của mình người làm decor phải biết hướng ý thích ấy về cái đẹp, cái tốt, cái chuẩn mực chứ không phải cái vay mượn.

Quan trọng là mình phải đủ sức thuyết phục khách hàng. Phải tìm cho họ cái riêng để trao cho họ không gian sống có cái riêng của họ.

Có nhiều khách hàng khi đến với mình đầu óc họ đã đầy tính toán, có người mang theo cả cuốn catalogue thiết kế nước ngoài, đề nghị tôi làm phòng tắm thật lớn giống như trong sách, “open”, thậm chí mở cả với phòng khách. Rất đẹp.

Nhưng mình là ai? Mình là gia đình Việt Nam, cũng vợ mình, nói xin lỗi, mấy năm nữa “deformed” rồi mình có đủ sức ngắm không, chưa kể chính cơ thể của mình cũng “deformed” nữa. Còn cha mẹ, con cái mình.

Chưa kể, mang không khí “ăn chơi” đó về nhà mình có dạy được con không? Mình phải thuyết phục họ theo mình bằng logic của cuộc sống, thuận mắt, thuận tâm và thuận lý.

Anh có vẻ hơi cổ hủ nhỉ. Thanh niên thời nay thích phong cách sống Tây phương, “open”. Ở mỗi thời điểm cuộc đời người ta có thể chọn cho mình phong cách mà họ thích.

Với người Việt Nam hiện nay tạo dựng một không gian sống đúng nghĩa là cả một cơ ngơi, không phải là thời trang. Tôi chỉ muốn nói là đừng chọn cho mình không gian sống theo thời trang. Nên theo trái tim của mình.

Thời trang là tức thời, nhưng cuộc sống là một quá trình. Khi anh khát, anh uống liền một hơi. Nhưng khi đã qua cơn khát, anh sẽ muốn nhấm nháp, thưởng thức hương vị của trà.

Không gian sống ở ta hiện nay có thể thấy hai xu hướng rõ nét. Người trẻ thích màu sắc sáng sủa, đơn giản, màu mạnh, cảm giác vật liệu rõ rệt: chơi đá, kính, kim loại.

Người lớn tuổi hơn, từng trải hơn muốn một không gian chìm sau vật liệu là văn hóa. Tuổi thọ của những không gian loại thứ nhất rất ngắn, sau một thời gian là họ quay sang kiểu khác hoàn toàn. Lứa tuổi và chiều sâu văn hóa là tiếng nói quyết định.

Muốn tạo ra một không gian “thôi miên”

Để tạo thành một thương hiệu Hoài Hương trong ngành decor, bao nhiêu phần trăm con người nghệ sĩ Hoài Hương đã bị tiêu diệt?

Thiết kế không gian sống không đơn thuần là làm nội thất, là thi công, là trang trí. Công việc này cần đến sự tài hoa của một nghệ sĩ, sự tính toán của một nhà toán học và cả sự cân đong của một nhà kinh doanh.

Một cách chuyên nghiệp trong nghề này phải là 3 trong 1. Chỉ thăng hoa thôi thì không sử dụng được. Chỉ tính toán, cân đong thôi thì khô cứng.

Nhưng đây là sự khác biệt của tôi: thiết kế nghệ sĩ và bay bổng. Có thể đó là thế yếu của tôi trong kinh tế, nhưng là thế mạnh khi sáng tạo.

Tính nghệ sĩ có làm hại anh trong nghề này không? Nghe nói anh từng khuynh gia bại sản với công trình thiết kế nội thất và kiến trúc cho Casino Hải Phòng những năm 1990?

Đấy là điều không tránh khỏi. Như hồi làm triển lãm cho ca sĩ Hồng Nhung (với thương hiệu Di sản) tại Metropolitan (Tp.HCM), tôi chỉ nghĩ đến cái đẹp mà không quan tâm đến sự chắc chắn, không quan tâm tới tính khoa học.

Thế là ngay trước giờ khai mạc, ngôi nhà chính – phần quan trọng nhất của triển lãm đổ cái “rầm”. Thiệt hại kinh tế thì nhiều. Nói vui là nghề này đấm được người ta một đấm thì ăn của người ta ba đạp.

Trong quá trình làm đôi khi máu nghệ sĩ nổi lên, làm theo hứng của mình không báo trước cho khách hàng, sướng lên là làm. Nhưng rồi người ta bảo không có trong hợp đồng, không thanh toán.

 Có những trường hợp người ta chỉ cần mình làm 70%, còn 30% thăng hoa của mình bị lợi dụng. Giới nghệ sĩ mình hay bị lợi dụng lắm.

Vụ Casino Hải Phòng thì do mình không có kinh nghiệm thương trường, lại gặp xui xẻo do lạm phát. Phía đầu tư Hồng Kông trả đủ 70% nhưng phía Việt Nam mãi 4 năm sau mới trả hết 30%. Hồi đó tôi phải bán nhà, bán xe… Nhưng máu mê với nghề không bỏ được, lại làm lại.

Bây giờ anh đang làm gì?

Tôi đang cùng một nhóm thiết kế người Singapore chuẩn bị thiết kế không gian cho một khu resort ở Lăng Cô (Huế), một địa điểm rất đẹp mà tôi gọi là “nơi trời và đất gặp nhau”.

Tôi chịu trách nhiệm thiết kế phần không gian Việt, cụ thể là phong cách Huế với công năng sử dụng hiện đại.

Làm không gian sống cho người ta, còn không gian của riêng anh?

Hồi còn đi học tôi đã nói với bạn bè là muốn tạo ra một không gian mà mọi người đến đó không ai dám… nói to!

Một không gian vừa dẫn dụ, vừa điều khiển, thôi miên người ta, làm cho người bước vào đó bị thuyết phục hoàn toàn, mất hết cái tôi của họ. Ngông cuồng! Tôi biết đó là giấc mơ ngông cuồng.

Còn bản thân tôi, bắt đầu từ căn nhà nhỏ, chật hẹp nhưng luôn luôn tạo nên một không gian riêng. Một không gian được thiết kế riêng cho mình, tôi thích nhiều khoảng trống, trong khoảng trống có nhiều màu xanh.

 Quách A
Ảnh: Jundat

 

 

 

Thực hiện: depweb

11/09/2007, 09:37