Người kỹ sư gốc Việt và ước mơ phủ sắc anh đào bên Hồ Xuân Hương

Hoa mai anh đào nở trên một cung đường thuộc xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN)

Chính từ mong muốn đó, năm 2000, anh đã thành lập Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại New York (Mỹ). Đây là một tổ chức phi lợi nhuận giúp anh hiện thực hóa tâm huyết của mình.

Quảng bá hình ảnh Việt Nam

Gần 30 năm học tập, sinh sống tại Mỹ, anh Trần Thắng luôn tích cực tham gia các hoạt động của cộng đồng người Việt Nam tại Mỹ.
Xuất phát từ nhu cầu thực tế và mong muốn của bản thân về việc thực hiện các dự án giáo dục, văn hóa về Việt Nam, 15 năm nay, trên cương vị Chủ tịch Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam tại New York, anh Trần Thắng đã thực hiện được nhiều dự án giáo dục có ý nghĩa.
Thông qua các dự án của mình, anh đã tặng trên 3.500 sách giáo khoa và 2.000 tạp chí chuyên ngành đến tám trường đại học và hai thư viện quốc gia ở Việt Nam, đồng thời xúc tiến phát triển hợp tác giáo dục Việt-Mỹ thông qua việc tổ chức các buổi gặp gỡ giữa các trường đại học hai nước.
Anh Trần Thắng chia sẻ với mong muốn hỗ trợ, tạo điều kiện để giúp đỡ học sinh, sinh viên Việt Nam có nguyện vọng học tập tại Mỹ, từ năm 2000 đến nay, anh đã giúp đưa hơn 100 du học sinh Việt Nam học tập tại Mỹ và sinh viên Mỹ tham gia giảng dạy tại bảy trường đại học Việt Nam, đồng thời tổ chức đưa du học sinh về nước giảng dạy tiếng Anh phục vụ trên 4.000 sinh viên, học sinh.
Thông qua các dự án về giáo dục, anh cũng tổ chức trên 50 hội thảo tại bảy đại học hàng đầu Việt Nam, phục vụ trên 7.000 học sinh, sinh viên, cán bộ giảng dạy, người đi làm.
Ngoài lĩnh vực giáo dục, anh còn tích cực quảng bá và thực hiện nhiều dự án văn hóa nhằm quảng bá nền văn hóa, hình ảnh đất nước, con người Việt Nam đến với bạn bè quốc tế, đặc biệt là trên đất nước Mỹ.
Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam đã tổ chức được nhiều chương trình văn hóa Việt Nam tại Mỹ như các buổi biểu diễn âm nhạc truyền thống Việt Nam, thơ ca; triển lãm tranh ảnh và hội họa Việt Nam; các buổi thuyết trình văn hóa Việt Nam.
Ngoài ra, anh còn đứng ra tổ chức nhiều đợt chiếu phim Việt Nam tại các đại học danh tiếng Mỹ như Yale, Princeton, Harvard, Columbia, Cornell, UC Berkeley…, mỗi đợt trình chiếu phim tại 8-15 trường đại học.
Các bộ phim đã được trình chiếu là những tác phẩm ở nhiều đề tài khác nhau từ văn hóa, lịch sử, cuộc sống sinh hoạt của người dân Việt Nam như “Thương nhớ đồng quê,” “Mùa len trâu,” “Chuyện của Pao,” “Sống trong sợ hãi,” “Áo lụa Hà Ðông,” “Trái tim bé bỏng,” “Trăng nơi đáy giếng,” “Ðừng đốt,” “Cánh đồng bất tận”
Anh Trần Thắng cho biết: “Phim Việt Nam bây giờ được ưa chuộng trong nhiều trường đại học tại Mỹ, là cơ hội để sinh viên Việt Nam và người Mỹ tìm hiểu về Việt Nam. Người Mỹ trước đây chỉ biết đến Việt Nam qua cuộc chiến tranh và người Việt định cư tại Mỹ thì bây giờ họ đã biết Việt Nam qua phim ảnh. Trong khuôn khổ các dự án mà tôi thực hiện về văn hóa Việt Nam ở Mỹ, tôi cũng đã cố gắng vận động và mời được trên 24 nhà làm phim Việt Nam, trên 25 họa sỹ, nghệ sỹ, học giả từ Việt Nam sang Mỹ giao lưu văn hóa với học sinh, sinh viên các trường đại học Mỹ và cộng đồng người Việt Nam ở Mỹ, góp phần giữ gìn văn hóa truyền thống trong cộng đồng người Việt tại Mỹ và đẩy mạnh các hoạt động quảng bá, giới thiệu văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới.”
Ngoài ra, Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam còn giúp các phim Việt Nam tham dự các Liên hoan phim quốc tế tại Mỹ. Năm 2007, Viện đã đưa phim “Trái tim bé bỏng” tham dự Liên hoan phim Global Film Initiative tại San Francisco.
Với những đóng góp của anh trong lĩnh vực văn hóa, tháng 3/2010 anh Trần Thắng đã nhận được Bằng khen về việc “Phát huy văn hóa Việt Nam tại Hoa Kỳ” do Bộ Ngoại giao Việt Nam tặng.
Ngoài ra, anh Trần Thắng cũng là người sáng lập Tạp chí Nhịp sống (1996-2008) một năm phát hành 1.000 số báo, thu hút 50.000 độc giả trên báo điện tử và có mặt trong tủ sách Việt Nam học tại một số trường đại học Mỹ. Đây là tạp chí uy tín và được nhiều người ủng hộ trong cộng đồng người Việt qua các bài viết nghiên cứu về văn hóa, xã hội Việt Nam.
Anh Thắng tâm sự: “Nét đặc biệt của Tạp chí Nhịp sống là tập trung các giáo sư, tiến sỹ, các học giả, nhà nghiên cứu, nhà văn, nhà thơ, họa sỹ của người Việt trong và ngoài nước. Ngoài ra, tạp chí còn có một số bài trong tiếng Anh để các bạn trẻ, người nước ngoài có thể chia sẻ.”
Từ năm 2012 đến nay, bản thân anh đã sưu tập 150 bản đồ, ba sách atlas cổ về lãnh thổ, chủ quyền biển đảo Việt Nam; đồng thời cùng với Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức 100 triển lãm trong nước về biển đảo Việt Nam, giới thiệu các Bộ phim về biển đảo Việt Nam đến cộng đồng người Việt và đại học Mỹ.
Với những thành tích đã đạt được trong việc “Sưu tầm bản đồ cổ để khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam” và “Tuyên truyền chủ quyền biển đảo Việt Nam,”anh đã nhận được Bằng khen của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng năm 2015, Bằng khen của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2014, Bằng khen của Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) năm 2013 và Bằng khen của Ủy ban Nhân dân thành phố Ðà Nẵng năm 2013.

Mang sắc anh đào về Việt Nam

Với mơ ước thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng, sẽ trở thành điểm tổ chức lễ hội hoa anh đào của thế giới trong tương lai không xa, anh Trần Thắng đã nảy ra ý tưởng đưa giống hoa anh đào Nhật ở Mỹ về trồng tại Đà Lạt.

Từ ý tưởng ban đầu, năm 2015, sau khi nghiên cứu và tìm hiểu kỹ về giống anh đào Nhật Bản được trồng trên đất Mỹ, anh Trần Thắng đã mua sáu cây anh đào giống Yoshino là một trong những giống anh đào đẹp nhất trong số hơn 200 giống anh đào của Nhật Bản vận chuyển bằng máy bay về Việt Nam tặng thành phố Đà Lạt. Loại anh đào này khi trưởng thành cao khoảng 8m với tán có đường kính 5m, hoa màu trắng tinh khiết.

Hoa mai anh đào nở tại các xã vùng ven thành phố Đà Lạt. (Ảnh: Phạm Kha/TTXVN)
Anh Trần Thắng cho biết năm 1912, Chính phủ Nhật Bản đã tặng 3.000 cây anh đào trồng ở hồ Potomac, thủ đô Washington, Mỹ. Từ đó đến nay, nơi đây đã hình thành nên lễ hội hoa anh đào vào đầu tháng Tư hàng năm.
Trên thế giới hiện nay có hai lễ hội hoa anh đào ở Nhật Bản và Mỹ, chính vì vậy với ý tưởng trồng anh đào Nhật quanh hồ Xuân Hương, thành phố Đà Lạt, anh Trần Thắng hy vọng trong tương lai sẽ tổ chức được lễ hội hoa anh đào tại Việt Nam.
Anh hào hứng chia sẻ: “Sau quá trình trồng thử nghiệm sáu cây anh đào Nhật Bản đầu tiên này, nếu thành công Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam sẽ quyên góp tiền để mua 1.000 cây tặng Ðà Lạt và toàn Bộ số anh đào này sẽ được trồng rộng rãi quanh bờ hồ Xuân H ương để phục vụ du khách. D ự án đưa anh đào Nhật ở Mỹ về Việt Nam nếu thành công, không chỉ khiến Đà Lạt trở thành điểm đến cho hàng vạn du khách mà còn nói lên tinh thần xây dựng cộng đồng, khi mọi người trong xã hội có ý thức đóng góp xây dựng môi trường sống sạch, đẹp, văn minh.”
Nói về những dự án ấp ủ của mình, anh Thắng cho biết trong năm 2016 mong muốn hợp tác cùng Ðại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh xây dựng bảo tàng khoa học kỹ thuật nhằm phát triển tinh thần đam mê khoa học-kỹ thuật trong học sinh, sinh viên; xây dựng mạng lưới hợp tác đại học Mỹ-Việt, qua đó phát triển trao đổi nghiên cứu khoa học trong và ngoài nước.

Anh Trần Thắng mong muốn thông qua Viện Văn hóa và Giáo dục Việt Nam, sẽ tiếp tục đóng góp nhiều hơn nữa vào việc hỗ trợ giáo dục và quảng bá hình ảnh Việt Nam ra thế giới.
Theo VietnamPlus

From the same category