(Nghệ nhân Hà Thị Cầu và cây nhị tri kỉ)
Cái tin Nghệ nhân Hà Thị Cầu qua đời tràn ngập các báo những ngày qua. Sự ra đi của bà không bất ngờ bởi từ nhiều tháng nay, sức khỏe của bà đã yếu lắm rồi. Ở cái tuổi xấp xỉ 100, với rất nhiều khổ ải kiếp người, việc ra đi của bà càng không đột ngột. Thế nhưng khoảng trống mà người phụ nữ nhỏ bé, mảnh mai này để lại cho nền văn nghệ dân gian nước nhà là không thể bù đáp. Một cây đại thụ của làng văn nghệ dân gian đã ngã xuống…
Nghệ nhân Hà Thị Cầu sinh vào khoảng những năm cuối cùng của thập kỉ 20, thế kỉ XX. Mồ côi cha, lên tám tuổi, cô bé Cầu đã phải bê chiếc thau đồng theo mẹ lê la khắp các chợ quê để hành nghề hát xẩm kiếm sống. Khi về đến Yên Mô (Ninh Bình), hai mẹ con bà nương nhờ tại nhà ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu, người lúc đó có 6 gánh hát.
Năm 16 tuổi, người kĩ ca trẻ trở thành vợ thứ 17 của ông trùm xẩm Nguyễn Văn Mậu. Khi ấy ông Mậu đã 49 tuổi, từng chung sống với 17 người đàn bà, trong đó có 8 bà vợ chính thức. Khi bà gần 40 tuổi thì ông Mậu qua đời, để lại cho bà 7 người con, 4 người lần lượt bị mất vì bệnh đậu mùa.
Chồng chết, con còn nhỏ, bà lại cùng các con rong ruổi trên nẻo đường mưu sinh. Trong một lần đói kém, bà đã phải cho đi một người con của mình. Có lẽ đây là nỗi đau lớn nhất trong cuộc đời của người nghệ sĩ dân gian Hà Thị Cầu. Nhiều năm nay, bà sống cùng vợ chồng người con gái tên Mận.
Trong sự nghiệp gắn bó với xẩm, bà đã nhận được Bằng khen của Đài Tiếng nói Việt Nam (1998) và Giải Đặc biệt “Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình” trong Liên hoan trích đoạn tuồng chèo hay toàn quốc. Năm 2004, bà được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian và đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Năm 2008, bà được nhận Giải thưởng Đào Tấn dành cho những đóng góp trong việc gìn giữ vốn quý nghệ thuật dân tộc.
Mặc dù với những giải thưởng và danh hiệu đó nhưng cuộc sống của bà vẫn vô cùng khổ cực. Đến những ngày cuối cùng của cuộc đời mình, bà vẫn chưa một ngày thoát khỏi cảnh nghèo khó và gia đình bà Cầu thuộc diện những hộ dân nghèo nhất xã Yên Phong.
Trong cuộc đời phiêu bạt, mưu sinh, bà chỉ có một tài sản đáng quý nhất, đó là cây nhị. Đây là kỉ vật của người chồng vừa là người thầy quá cố Trương Mậu đặt làm tặng riêng cho bà. Suốt nửa thế kỉ qua, cây nhị là người bạn tri kỉ, tri âm đã cùng bà rong ruổi khắp mọi nẻo làng quê, chia sẻ buồn vui một kiếp người mà như lời bà nói là “nó có linh hồn”.
Theo dự kiến của gia đình, Lễ truy điệu và tiễn đưa Nghệ nhân Hà Thị Cầu tiến hành lúc 9 giờ 30 sáng ngày 5/3 tại nghĩa trang Đầm Thuần, xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình. Điều đó có nghĩa là khi chúng ta đang đọc những dòng này thì tại quê hương mình, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đang trở về với đất mẹ thương yêu.
Xin được thắp nén nhang thơm vĩnh biệt bà! Vĩnh biệt một nghệ nhân dân gian vĩ đại.
Theo Dân trí