Nói đến những đầu bếp Việt nức tiếng nhất nước Mỹ, không thể không nhắc đến Michael Bảo. Thành công của anh hiện diện ngay trên chuỗi các nhà hàng mà không dễ gì người ta có thể liệt kê đầy đủ: chuỗi tiệm bánh mỳ Baoguette, quán OBao, Pho Sure, 2 tiệm Burger, Bảo Market, chưa kể các tiệm cũ như Bảo 111, Mai House và Barbao…
Tuổi: 44
Nghề nghiệp: Kiến trúc sư, đầu bếp
– Cái tên Michael Bảo lấy cảm hứng từ Michael Jackson?
(Cười) Một phần là như vậy. Tên khai sinh của tôi là Huỳnh Hữu. Ngày nhỏ, sức khỏe của tôi không tốt nên nhà chùa đặt tên là Bảo cho “dễ nuôi”. Sau này sang Mỹ, tôi mới lấy tên là Michael, theo tên Michael Jackson.
– Gia đình của anh có truyền thống làm đầu bếp?
Tôi sinh ra ở Tp.HCM, trong một gia đình có 6 anh chị em, và tôi là anh cả. Ngày đó nhà tôi có một tiệm ăn và mẹ tôi là đầu bếp chính. Tôi lớn lên trong chính căn bếp của mẹ và lĩnh hội được kỹ thuật nấu ăn cũng như đam mê của mẹ. Năm 16 tuổi, khi ba gửi tôi sang New York, tôi được nhận làm con nuôi trong một gia đình Mỹ. Có lẽ đó là duyên số vì họ cũng sở hữu một nhà hàng kiểu Mỹ. Tôi vừa học cách nấu đồ Mỹ vừa học kiến trúc tại Học viện Công nghệ New York. Thời gian nấu bếp bên mẹ và bên gia đình ba mẹ nuôi người Mỹ chính là lúc tôi nhận ra đam mê của mình.
Tôi kiêm cả hai vai: đầu bếp và kiến trúc sư Michael Bảo. Nhiều người bảo tôi là ham việc và cầu toàn. Hầu hết những tiệm ăn tôi mở đều do chính tay tôi làm từ A đến Z: thiết kế, xây dựng, điều hành và nấu bếp. Về kiến trúc, tôi thừa hưởng gen của ba. Ba tôi từng là kiến trúc sư rất thành công ở Tp.HCM.
– Sao người ta bỗng dưng chuộng đồ Việt đến vậy, thưa anh?
Món ăn Việt không dùng nhiều dầu mỡ như món Trung Quốc, lại ít cay hơn món Thái nên dễ ăn với người nước ngoài. Ngoài ra, việc dùng nhiều rau tươi và gia vị mang lại hương vị vừa ngon, vừa thanh, dễ gây ấn tượng với người sành ăn.
– Theo anh, yếu tố nào quyết định cho thành công của một tiệm ăn Việt trên đất Mỹ?
Nấu ăn là một nghệ thuật và điều hành nhà hàng cũng đòi hỏi sự nhanh nhạy trong quản lý, kinh doanh. Là đầu bếp bạn phải giữ được hương vị truyền thống trong các món ăn; trong vai trò người quản lý, bạn phải thường xuyên cập nhật menu và không thể thiếu marketing nữa. Riêng trên đất Mỹ, nơi có quá nhiều cạnh tranh trong dịch vụ ăn uống, một nhà hàng Việt muốn thành công phải có ý tưởng sáng tạo, độc đáo, thiết kế bắt mắt và tất nhiên đồ ăn phải ngon rồi (cười).
– Bận rộn với các chuỗi nhà hàng như vậy, liệu anh còn thời gian đi thưởng thức món ăn tại nơi khác? Menu ưa thích nhất của anh là gì?
Có chứ. Tôi vẫn “ăn ngoài” mỗi ngày để liên tục cập nhật thị hiếu và khẩu vị của khách hàng. Tuy nhiên, đồ Việt vẫn là menu ưa thích hàng ngày: phở vào buổi sáng, bánh mì vào buổi trưa và tối tôi hay ăn đồ Nhật.
Việc “gieo” tên Bảo trong các chuỗi nhà hàng bắt nguồn từ ý tưởng của một cộng sự khi tôi mở tiệm Bảo 111 đầu tiên. Khi ấy, người ta chưa biết đến đầu bếp Michael Bảo. Tên Bảo dễ bắt vần, chơi chữ, lại dễ phát âm và dễ nhớ đối với người Mỹ. Giờ, khi “Bảo” đã trở thành một thương hiệu ở Mỹ thì tôi đã có thể phát triển thêm các dự án khác: như tiệm lounge So Miami trong tháng12; Bảo Market sắp khai trương ở San Francisco, không kể những dự án chưa thể bật mí mà tôi ấp ủ thực hiện ở Bangkok, Hong Kong và Việt Nam. Tôi đang làm việc rất cật lực và muốn trở thành đại sứ ẩm thực Việt để giới thiệu về Việt Nam và món ăn Việt tới nhiều nước trên thế giới.
Bài & ảnh: Trang J.An (từ New York)