Người giàu châu Á muốn gì? - Tạp chí Đẹp

Người giàu châu Á muốn gì?

Tin Tức

Tầng lớp giàu có của châu Á hiện nay là những người thuộc thế hệ trẻ, có đầu óc kinh doanh và đạt được thành công nhanh hơn so với thế hệ trước đó. Đây là nhóm đối tượng chính, quyết định việc tạo ra của cải tại châu Á. Ngày nay, nhóm này không chỉ muốn phòng giao dịch đẹp, thương hiệu có uy tín hay nhiều loại sản phẩm khác nhau. Họ tham vọng hơn và yêu cầu tiêu chuẩn quốc tế. Các nhu cầu tài chính của họ ngày càng tinh tế, phức tạp và đa dạng hơn.

Người giàu châu Á và thế giới phẳng

Người giàu tại châu Á thường trẻ hơn người giàu tại châu Âu và nhiều người trong số họ là những doanh nhân tự điều hành doanh nghiệp riêng của mình. Họ là những người có hoài bão và tự đặt mục tiêu rất cao. Theo nghiên cứu của Standard Chartered, nhóm người này đặt mục tiêu đạt giá trị 4 triệu đôla Mỹ (NET) trong vòng 10 năm tới hoặc tỉ lệ lợi nhuận đạt 12%/ năm. Trong bối cảnh lãi suất thấp và thị trường nhiều biến động như bây giờ, để đạt được mục tiêu trên, họ phải đối mặt với nhiều rủi ro và biết chọn thời điểm chính xác cho các cơ hội kinh doanh. Theo chỉ số MSCI thế giới, đã có 2 trong vòng 5 năm gần đây, chứng khoán toàn cầu có tỷ suất lợi nhuận kép là âm 4%. Đối với những người giàu mới nổi tại châu Á, mức độ phức tạp của những khoản đầu tư cá nhân của họ sẽ được hình thành dần dần theo thời gian.

Một xu hướng đang dần phát triển nữa là quan điểm và tầm nhìn quốc tế của nhóm này. Trong quá khứ, những người này thường chỉ tập trung vào những cơ hội tạo ra của cải tại đất nước của họ. Nhưng ngày nay, họ thường xuyên di chuyển trong và ngoài châu Á để tận dụng triệt để các cơ hội kinh doanh, làm việc và học tập trên toàn cầu. Điểm nổi bật là họ tìm kiếm những cơ hội kinh doanh không chỉ ở đất nước của họ hoặc trong phạm vi châu Á mà gần 40% trong số họ nhìn nhận châu Âu và Bắc Mỹ là những cơ hội đầu tư hấp dẫn. Do đó, không có gì là ngạc nhiên khi gần 60% trong số những người giàu tại châu Á sử dụng những dịch vụ có khả năng hỗ trợ họ thực hiện các thanh toán một cách nhanh chóng và hiệu quả ở bất cứ nơi đâu và quan trọng hơn là có thể kết nối họ với những cơ hội đầu tư toàn cầu.

Thách thức đối với ngân hàng

Trong vòng 5 năm tới, thị trường sẽ ghi nhận nhiều chuyển đổi trong cách tương tác giữa nhóm người giàu châu Á và các ngân hàng. Tính di động cao cùng với sự phổ biến của việc sử dụng internet và các thiết bị di động nhiều hơn là một yếu tố thúc đẩy các ngân hàng sửa đổi lại mô hình các kênh dịch vụ hiện nay của họ. Các mô hình kênh phục vụ khách hàng cao cấp thường chú trọng vào điều kiện vật chất như những trung tâm giao dịch hay chi nhánh chỉ dành riêng cho nhóm khách hàng cao cấp. Nhưng, xu hướng tương lai lại là khả năng đáp ứng nhu cầu của khách hàng, theo đó sử dụng các kênh kỹ thuật số như một phần quan trọng trong quá trình quản lý tài sản của họ. Chỉ cần 5 năm nữa, ít nhất một nửa số người giàu châu Á sẽ tăng cường việc sử dụng internet như một công cụ hỗ trợ các quyết định đầu tư. Điều này đồng nghĩa, các ngân hàng phải điều chỉnh mô hình truyền thống của họ và đem các kênh kỹ thuật số vào sử dụng, không chỉ cho phép những giao dịch và thanh toán đơn giản mà còn tạo ra nền tảng góp phần thúc đẩy quá trình tư vấn của họ. Các kênh kỹ thuật số có thể và sẽ trở thành một kênh tư vấn hiệu quả nhằm cung cấp kiến thức về các chiến lược đầu tư và quản lý tài sản của 90% lượng người giàu châu Á và lượng lớn dân số có tính di động cao. Theo đó, mô hình quan hệ khách hàng sẽ cần tập trung vào cả việc xây dựng mối quan hệ cá nhân cũng như những tương tác kỹ thuật số vì hai yếu tố này sẽ trở nên quan trọng ngang nhau.

Tốc độ gia tăng của cải tại châu Á đồng nghĩa với việc những nhu cầu và kỳ vọng của nhóm người giàu ngày càng trở nên đa dạng hơn. Ngày nay, khách hàng có nhiều nhu cầu phức tạp. Những giải pháp tư vấn tài chính sẽ không chỉ dừng lại ở việc giải quyết những nhu cầu cá nhân mà cần phải toàn diện hơn, tính được cả những lợi ích cho gia đình và công việc kinh doanh của họ. Người giàu tại châu Á sẽ yêu cầu những giải pháp được xây dựng dành riêng cho họ vì những sản phẩm dịch vụ chung không còn đáp ứng được nhu cầu của họ. Về cơ bản, các ngân hàng không được quên cốt lõi của việc xây dựng các mối quan hệ bền vững là phải đặt những mối quan tâm và nhu cầu của khách hàng lên trên hết và phải thể hiện được sự cởi mở, sẵn sàng đầu tư thời gian để lắng nghe và tìm hiểu được từng nhu cầu đặc biệt của họ. “Đây là chìa khóa dẫn đến thành công, mà công nghệ không thể thay thế được”, – bà Foo Mee Har, Giám đốc Toàn cầu khối Ngân hàng ưu tiên và Quốc tế tại Standard Chartered khuyến nghị.

Rõ ràng, số người giàu châu Á ngày nay đã tăng lên. Điều này mang lại cả cơ hội và thách thức cho các ngân hàng muốn nhắm tới phân khúc khách hàng này. Khả năng kết nối và tích hợp các nguồn lực của ngân hàng để phục vụ nhóm khách hàng cao cấp này sẽ là lợi thế lớn nhất mà một ngân hàng có thể có. Theo đó, ngân hàng cần có khả năng cung cấp những nền tảng vững chắc cho các dịch vụ tư vấn (cá nhân và kỹ thuật số), giải quyết được cả nhu cầu cá nhân và công việc một cách toàn diện và kết nối được những khả năng trong nước và quốc tế. Những thay đổi này sẽ là chìa khóa để phát triển thành công mối quan hệ với đối tượng khách hàng là những người giàu có tại châu Á.

Ứớc tính đến năm 2015, số người giàu ở châu Á (trừ Nhật Bản) tăng từ 20 lên 31 triệu người, với tổng tài sản đạt 12 nghìn tỷ USD

Ngân hàng buộc phải thay đổi

2.800 cá nhân thuộc tầng lớp những người giàu có tại 9 nước châu Á tiêu biểu đã có chung nhận xét, các dịch vụ ngân hàng truyền thống không còn đủ khả năng đáp ứng các nhu cầu của họ. Khả năng kết nối và tích hợp các nguồn lực của ngân hàng để phục vụ nhóm khách hàng cao cấp này sẽ là lợi thế lớn nhất mà một ngân hàng có thể có.

(Theo báo cáo “Những ưu tiên trong tương lai” – Ngân hàng Standard Chartered)

Bài: Thương Vũ
Ảnh: T.L


 

Thực hiện: depweb

08/08/2012, 15:07