Các tác phẩm đã xuất bản:
– “Chênh vênh hai lăm”
“Khi tình cảm không ràng buộc thì một tờ giấy có nghĩa gì?”
– Anh thế nào – sau khi biết về quy định mới cho phép người đồng tính tổ chức đám cưới và sống chung?
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Tôi không thể không mừng. Điều này chứng tỏ các hoạt động của cộng đồng LGBT* Việt Nam đã có một phần hiệu quả trong việc thay đổi nhận thức xã hội.
Nhưng, đám cưới mang nhiều hình thức về nghi lễ, phong tục hơn là pháp lý. Tôi có thể làm đám cưới nhưng nếu không được đăng ký kết hôn thì về mặt luật pháp, chúng tôi vẫn không được công nhận là bạn đời của nhau.
Dù sao thì loại bỏ việc tổ chức đám cưới và chung sống giữa hai người đồng tính ra khỏi các cấm đoán cũng là một tín hiệu vui cho những bạn trẻ dám sống thật và muốn có một nghi lễ cho mình cũng như người yêu.
Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch
– Còn điều gì khiến anh “lăn tăn” khi quy định mới được ban hành không?
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Bất kỳ vấn đề nào cũng có dư luận trái chiều, người thích kẻ không ưa. Nhưng những người chưa hiểu thấu đáo thì lại cho rằng Việt Nam đã chấp nhận hôn nhân đồng giới rồi. Một số trang báo, thông tin điện tử cũng đưa tin theo hướng Việt Nam đã công nhận hôn nhân đồng giới, gây rất nhiều hiểu lầm. Đây là điều tránh làm.
– Anh có quan tâm tới chuyện người đồng tính không được phép kết hôn hợp pháp không?
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Không, và tôi cũng không muốn bình luận về nó. Tôi không có nhu cầu kết hôn đồng giới.
Quan điểm của tôi đơn giản lắm: thứ gắn kết người ta là tình cảm chứ không phải một tờ giấy. Khi tình cảm không còn, thì mười tờ giấy đăng ký kết hôn người ta cũng có thể xé bỏ.
“Người đồng tính không chỉ có tình yêu và tình dục”
– Nói về chuyện tình cảm, tôi có đọc tự truyện “Bóng” (tác giả: Hoàng Nguyên, Đoan Trang) của một người đồng tính, và tôi thấy có vẻ như họ yêu tha thiết, da diết hơn những người bình thường.
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Trước hết, tôi không thích cuốn tự truyện “Bóng”. Khi đọc xong, tôi thấy đây đơn thuần chỉ là việc khoe mẽ của một cá nhân, anh ta huyên thuyên về con đường tình ái của anh ta: với ai, người đó cũng có thể yêu, đau khổ, dằn vặt, đánh đập… Người đồng tính không chỉ có tình yêu và tình dục, họ còn có lý tưởng, có đam mê, còn có trách nhiệm với xã hội, với hai chữ “con người” được mang. Với tôi, cuốn sách đó làm xấu hình ảnh người đồng tính, và kiến thức trong đó viện dẫn cũng sai lệch.
– Vẫn là câu chuyện tình yêu của người đồng tính, một người bạn của tôi có quan điểm như thế này: “người đồng tính thì yêu tha thiết hơn, ghen tuông điên loạn hơn người bình thường, vì chính sự tuyệt vọng bao trùm cuộc đời họ là thứ cổ vũ cho tình yêu. Nam nữ thì không yêu hết mình được, vì họ còn có ngày mai, họ còn phải tính toán đến những tương lai rất xa, đến việc lập gia đình, đến chuyện tích lũy, nhà cửa. Đấy có thể là một khía cạnh của tình yêu, nhưng là khía cạnh ít cảm xúc nhất. Đôi khi, hoặc là rất nhiều khi, chính cái thứ “tương lai” mà mối quan hệ nam-nữ có được đấy, cái thứ quyền được gặp bố mẹ bên kia đặt vấn đề đấy, lại là thứ giết chết tình yêu. Nhiều người đồng tính không có thứ tương lai ấy trong tình yêu của họ. Họ có quyền sống không nghĩ đến ngày mai. Họ yêu hết mình hơn. Tình yêu bên lề xã hội có khi lại là loại tình yêu đẹp nhất. Vì xã hội thì tử tế gì với tình yêu?”. Anh thấy sao?
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Tôi thấy nhận xét này chẳng có gì đúng với tôi. Cuộc sống của tôi chỉ có một phần nhỏ dành cho tình yêu. Với tôi, gia đình là thứ nhất, sau là sự nghiệp, đam mê. “Họ có quyền sống không nghĩ đến ngày mai. Họ yêu hết mình hơn” – ai mà sống không nghĩ đến ngày mai, tôi thấy đừng sống làm gì.
– Ý tôi là người đồng tính yêu nhau thì bản thân việc phải vượt qua định kiến đã khiến tình yêu của họ mạnh hơn, và họ lại không cần bận tâm tới những chuyện như sinh con, kiếm tiền nuôi con… thì có lẽ tình yêu sẽ lãng mạn, đẹp đẽ hơn.
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Người ta đang có suy nghĩ kiểu “thần thánh hóa” tình yêu đồng tính, kiểu như: họ phải đấu tranh, họ đau khổ… nhưng mọi người quên rằng: nếu đã là yêu thì ai cũng như nhau. Nếu người đồng tính kết hôn, sống cùng nhau, thì họ cũng bận tâm chuyện cơm áo gạo tiền, và họ cũng sẽ giết chết cái tình yêu lãng mạn họ đã đấu tranh thôi. Ai bảo hai người đồng tính yêu nhau không suy nghĩ về tiền bạc? Lầm đấy.
– Tức là theo anh, chẳng có gì khác nhau giữa tình yêu và hôn nhân của người đồng giới với những người bình thường?
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Dĩ nhiên là có khác biệt, vì như bạn yêu hai người con trai, hai lần yêu có bao giờ giống nhau không? Tình yêu dành cho mỗi người đã khác rồi, vì cách ta yêu đã khác, chứ đừng cho rằng tình yêu đồng giới thì phải thế này, thế kia.
“Tôi không cho ai quyền kỳ thị mình”
– Anh rất khác với hình dung của tôi về người đồng tính. Anh rất tự tin, và không hề cần sự thông cảm của xã hội.
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Chắc do tôi đã va chạm nhiều, và do cá tính từng người nữa. Tôi là dạng không thích sự bố thí hay thương hại của người khác.
Những ngày đầu tiên, khi biết bản thân là gay, tôi cũng khá trăn trở, kiểu như: tại sao lại như vậy? Nhưng tôi là một đứa thích đọc, thấy mình thiếu kiến thức nên lên mạng, đi mua sách để đọc và để hiểu về vấn đề đó. Từ đó, tôi nhận ra, gay là một xu hướng tình dục, và chẳng có gì phải xấu hổ về nó.
– Tôi hiểu, nhưng đôi khi người ta không làm gì sai mà vẫn cảm thấy mặc cảm, do cái nhìn của xã hội chẳng hạn.
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Tôi có biết một điều rất đơn giản thế này: khi càng cảm thấy mình yếu đuối, hèn kém, và nhu nhược thì người ta càng cố tỏ ra mạnh mẽ. Còn với những người đã thấu hiểu bản chất của mọi sự thì họ sẽ bình thản đối mặt. Tôi may mắn là người nhìn thấy bản chất của giới tính nên cũng thấy bình thường, và đây cũng là lý do tôi thường không tham gia các phong trào của những bạn trẻ.
– Anh viết sách về đề tài đồng tính có phải để chuyển thông điệp gì về giới tính của mình không?
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Tôi đơn thuần chỉ là kể lại những câu chuyện. Có chuyện mình từng trải, có chuyện mình chứng kiến, có chuyện thì được nghe lại. Thông điệp trong đó, do vậy cũng còn tùy vào cảm nhận của mỗi người, họ đã trải qua thứ gì thì sẽ cảm thụ được một phần trong đó.
– Tức là anh chưa bao giờ có ý muốn giải thích cho những người khác về giới của mình thông qua sách (ví dụ, họ cũng chỉ là những người bình thường, có yêu và có đau khổ…)?
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Trong câu chuyện, những thứ đó đã gián tiếp được nêu ra rồi. Có nhiều cách để kể chuyện, có cách trực tiếp, như nói rằng “đồng tính không phải là một tội lỗi”, nhưng có cách gián tiếp, bằng cách kể ra những câu chuyện đơn lẻ về đóng góp của một người đồng tính, người ta sẽ nhận ra.
– Đọc những gì anh viết, hay nghe anh nói chuyện, thoáng qua thì thấy anh mạnh mẽ, đồng cảm, chia sẻ được với nhiều số phận, nhiều cuộc đời, nhưng thực ra anh là một người rất cô đơn phải không?
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Chẳng ai có thể hiểu hết về người khác, nên đồng cảm chỉ đơn thuần là đồng cảm trong một trường hợp nào đó. Ví dụ, tôi trải qua một chuyện gì đó mà người khác chưa trải qua thì làm sao người ta đồng cảm với mình được? Người sáng tác lại phải trải nhiều, sống với nhiều cuộc đời của các nhân vật khác nhau, nên để có một người hiểu về mình cũng khó.
– Có phải một phần nguyên nhân là tìm người yêu dị tính sẽ dễ hơn tìm người yêu đồng tính, nếu xét riêng về con số, vì tỉ lệ người đồng tính là 5% dân số thôi phải không?
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Yêu ai thì cũng là yêu thôi. Thế giới 7 tỉ người, tôi cũng chỉ tìm một người. Người đồng tính chiếm 5% dân số, tôi cũng chỉ tìm một người. Tìm 1/7 tỉ người, so với 1/5% của 7 tỉ người, thì tìm trong số ít dễ hơn chứ.
– Anh nói: “Điểm tương đồng rõ nhất giữa người đồng tính và các cô gái bán thân – đó chính là bị kỳ thị”. Đây có phải một trong những lý do anh muốn kể chuyện không?
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Đúng rằng đó là lý do để tôi ghi lại câu chuyện của họ, còn bản thân tôi là người cá tính mạnh, tôi không cho ai quyền kỳ thị mình, chỉ là mình cảm nhận sâu, đa đoan, nên nhìn người ta bị kỳ thị, nghe họ kể lại tôi cũng thấy đau, thấy buồn như chính mình trải qua.
– Vậy anh có muốn hành động nhiều hơn không? Hơn cả viết sách, làm gì đó hiệu quả mạnh mẽ hơn nữa.
– Tác giả Nguyễn Ngọc Thạch: Mỗi người sinh ra đều có bổn phận khác nhau. Tôi thì có khả năng dùng chữ kha khá, viết lách là sở trường, nhưng nếu nói tôi đi làm những thứ vượt qua khả năng của mình, tôi sẽ làm không tốt, nên thôi. Chuyện gì cao cả, lớn lao, sẽ có những người lớn lao, cao cả làm.
– Cảm ơn anh đã chia sẻ!
Ngày 24/9/2013, Chính phủ ban hành Nghị định số 110/2013/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bổ trợ tư pháp, hành chính tư pháp, hôn nhân và gia đình, thi hành án dân sự, phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã. Nghị định này đã loại bỏ kết hôn giữa những người cùng giới tính ra khỏi các trường hợp cấm kết hôn (xử phạt kết hôn) kể từ ngày 12/11/2013. Điều này cũng đồng nghĩa rằng, việc tổ chức đám cưới đồng tính (không phải kết hôn đồng tính) là hoàn toàn hợp pháp, không bị phạt hành chính như trước đây.
*LGBT: là viết tắt chỉ nhóm người đồng tính nữ (Lesbians), đồng tính nam (Gays), song tính (Bisexuals) và chuyển giới tính (Transgender)
Linh Hanyi (thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
>>> Có thể bạn quan tâm: Cafe sáng với TS Vũ Thế Khanh: “Các nhà ngoại cảm thực sự và những người hành nghề mê tín dị đoan là hoàn toàn khác nhau, thậm chí chia thành hai chiến tuyến, không thể trộn lẫn. Các nhà ngoại cảm đang bị bọn mê tín dị đoan giả danh lợi dụng để hành nghề bất chính”: