Người đẹp và trí thông minh

Hạnh phúc nhất trên đời, ít ra với giới đàn ông, là tìm được một cô gái vừa đẹp, vừa thông minh. Hạnh phúc nhì là tìm được một cô gái đẹp nhưng ít thông minh (có dư luận bảo rằng thực ra đấy mới là hạnh phúc nhất).
 
Đã từ lâu trong xã hội tồn tại tin đồn dai dẳng là trí tuệ không đi cùng nhan sắc. Mặc dù chưa hề thấy văn bản, quy định nào của cơ quan pháp luật nào về vấn đề này, nhưng rõ ràng là nó có thực, tuy hình như nó do những người không thông minh cũng chả đẹp phát minh ra.

Nhưng nếu nhan sắc là thứ tương đối dễ nhìn thấy, xếp hạng và… kiểm tra thì tài năng không thế. Có nhiều cô chúng ta gặp tỏ ra rất lanh lợi nhưng thực ra chỉ số thông minh khá thấp và ngược lại. Trong cuộc sống, khối cá nhân và… tổ chức đã phải trả giá cho những nhầm lẫn này.

Tất nhiên là các thước đo trí tuệ đều có và đều chứng tỏ khả năng chính xác khá cao từ lâu rồi. Chỉ khổ nỗi là những người đẹp ít khi ngồi im như một đứa bé trong phòng thi để chúng ta áp dụng các thước đo ấy. Người đẹp không bóp trán mình và trán… đứa bên cạnh để tìm cách giải một bài toán hay là một đoạn văn. Các cô nàng đều đang bơi lội, đang ngồi cà phê, đang nhún nhảy trên sàn diễn và trong các đêm dạ hội, kiểm tra trí tuệ khi ấy quả là bất tiện.

Các câu hỏi trong những phần thi ứng xử chưa bao giờ thấy công bố tên tác giả, nhưng có cảm giác đấy phần lớn không phải là sản phẩm của những con người hồn nhiên. Đấy là kết tinh của những bộ óc quen hô khẩu hiệu, quen nói giả và thích nghe người khác nói giả. Những câu hỏi ấy thường khơi dậy nhiều thứ, trừ lòng chân thành.

Nhưng vẫn có một chỗ kiểm tra mà họ không thoát được: các môn thi sắc đẹp.
 
Ai chả biết, thi sắc đẹp thì phải ưu tiên cho phần sắc đẹp, nghĩa là vóc dáng, vòng eo, chiều cao, cân nặng đều được nghiên cứu kỹ (và quá kỹ). Nhưng ai chả biết, hiếm có cuộc thi nào hiện nay, ít ra về mặt công khai dám coi thường phần tri thức.

Thế là “tiết mục” thi ứng xử ra đời.

So với các phần áo tự chọn, áo dạ hội và nhất là áo tắm, phần thi ứng xử bao giờ cũng kém hấp dẫn nhất trong một cuộc thi. Đấy là một thực tế, hơn thế nữa, một thực tế rất lạ khi mà đa số đàn ông thích nói chuyện với người đẹp ở mọi nơi đều không thích nghe họ trả lời trên sân khấu. Nguyên nhân vì đâu? Theo tôi thì vì người soạn ra các câu hỏi cho một số các cuộc thi người đẹp kiểm tra trí tuệ của các cô cũng chả trí tuệ tí nào.

Lịch sử xã hội loài người đã chứng minh trừ… hỏi cung, còn nhìn chung hỏi và đáp trong cuộc sống là một quá trình giao lưu hai chiều, nghĩa là người hỏi có hay thì người trả lời mới hay.
 
Vậy thế nào là một câu hỏi hay? Rõ ràng đấy phải là những câu kích thích được sự sáng tạo, sự chân thành, lòng dũng cảm và không buộc người ta phải trả lời nhàm chán.
 
Ví dụ nếu được chất vấn “Thích hòa bình hay chiến tranh” thì ai mà không thích hòa bình. Nếu phải chọn giữa “học thức và giầu” thì ai không điên (dù đẹp hay không đẹp) cũng trả lời là chọn học thức. Còn nếu được hỏi phải chọn giữa tình cảm và tiền bạc chắc chả cô nào dám chọn tiền bạc khi đang đứng giữa thiên hạ hoặc đang truyền hình trực tiếp.

 
Khá nhiều lần chứng kiến nhiều cuộc thi, khán giả ồ lên khi nghe thí sinh đọc câu hỏi chứ chưa nói tới câu trả lời, thật chán ngán cho trí tuệ những người biên soạn ra chúng. Các câu hỏi phần lớn đều sáo mòn, đều vô vị hoặc đều là hai thứ đó trộn… đều với nhau.

Tất cả những người có diễm phúc tham dự nhiều cuộc thi sắc đẹp đều có cơ hội chứng kiến các nữ sinh quên mình vì trẻ em nghèo, hy sinh cho hòa bình thế giới, sẵn sàng xả thân cho bệnh nhân nhiễm HIV và dâng tặng vương miện cho… môi trường Trái đất. Tóm lại, gần như tất cả các thí sinh đều là những anh hùng rất ít khi là người thật, càng hiếm thấy người thường.
 
Các câu hỏi trong những phần thi ứng xử chưa bao giờ thấy công bố tên tác giả, nhưng có cảm giác đấy phần lớn không phải là sản phẩm của những con người hồn nhiên. Đấy là kết tinh của những bộ óc quen hô khẩu hiệu, quen nói giả và thích nghe người khác nói giả. Những câu hỏi ấy thường khơi dậy nhiều thứ, trừ lòng chân thành.

Phải hiểu rằng khi một cô thiếu nữ lần đầu tiên đứng trước hàng ngàn người, trước những ống kính máy ảnh và máy quay phim chĩa vào tua tủa thì việc mất bình tĩnh, mất khả năng xét đoán nhanh là điều rất dễ xảy ra. Phản ứng quen thuộc của họ trước những gì sáo mòn là đáp lại một cách sáo mòn cho… nhanh và cho… chắc chắn.

Để cứu vớt sự “nhàm chán” của phần thi ứng xử, các hãng băng đĩa thì cắt bớt nó khi phát hành, còn các ban tổ chức thì nghe đâu đã từng phát trước câu hỏi và cả… đáp án cho thí sinh.
 
Kết quả chả ăn thua gì, vì trả lời theo đáp án cũng… tệ và nhạt nhẽo như trả lời theo cảm tưởng vậy!
 
Tình trạng này chả biết bao giờ mới chấm dứt. Những câu hỏi cho các cô thiếu nữ sẽ chả bao giờ đi vào lòng người nếu không gợi được những cảm xúc hồn nhiên./.

Các tin liên quan:

Kinh doanh sắc đẹp: Phía trước và phía sau

From the same category