Này nhé, có người tự tin đi trên xe “mẹc” như các nữ doanh nghiệp đang trúng mánh, có người ngây ngô đi trên sàn catwalk như đám người mẫu chân dài. Có người nhờ khéo léo có thể đi trên dây như nữ diễn viên xiếc. Có người nhờ gan lỳ có thể đi trên tường như các nữ hiệp hành tẩu giang hồ.
Lại có loại tần tảo vất vả thì đảm đang quang gánh hàng rong đi bộ. Lại có loại cậy xinh trắc nết thì lăng loàn trịnh thượng đi trên đầu chồng. Thế nhưng cho dù bất cứ đi loại gì thì đa phần các người đẹp cũng đều chú trọng cố gắng tạo dáng, và kiểu dáng chuyển động quyến rũ nhất trên đời này thì không gì tuyệt vời bằng người đẹp đi xe đạp.
Ở miền Bắc hồi còn bao cấp, xe đạp là một tài sản cực kỳ lớn. Vào những thập niên sáu mươi, bảy mươi của thế kỷ trước, xe đạp bắt buộc phải có số khung và thẻ đăng ký, nó được các ông bố lo lắng giữ gìn gần ngang như gìn giữ đức hạnh của mấy cô con gái chậm chồng trong nhà. Thành ngữ “xe đạp không khóa để Bờ Hồ” đau xót ám chỉ việc để cho vợ hoặc người tình đi Đông Âu, mặc dầu lý do chính đáng là đi xuất khẩu lao động hay du học.
Xe đạp thì đương nhiên mất cả chiếc nhưng thỉnh thoảng vợ và người tình cũng có quay về. Tất nhiên rất hiếm khi còn nguyên, đương nhiên là còn khung còn lốp. Những thứ chẳng may mất đại để đều là phụ tùng lặt vặt, kiểu như chuông hay cái đèo hàng. Mất xe đạp là một nỗi tuyệt vọng không thua gì thất tình. Rất nhiều thiếu nữ trong trắng khi gặp phải một trong hai đại họa ấy thì hoặc là trẫm mình ở Hồ Tây hoặc là uống thuốc ngủ mua lậu ở đầu phố Hàng Mã.
Nếu thiếu nữ ấy đen tới mức, vừa gặp phải thằng Sở Khanh rồi vừa trong lúc cao chạy xa bay thằng mất dạy này lại lấy luôn cả xe đạp thì trước khi lao mình xuống nước các cô thường cẩn thận uống thêm vài vỉ Seduxen. Thế nhưng ở đâu không biết chứ phong thủy thành Thăng Long vốn là nơi mảnh đất “phi chiến địa” (sấm Trạng Trình), nên hầu hết các câu chuyện rùng rợn kể trên đều có kết hậu.
Hoặc thiếu nữ bất hạnh ý thức rơi xuống chỗ quá nông, hoặc ham rẻ mua phải thuốc ngủ dỏm. Người thì không sao nhưng giun trong bụng lử đử say chết cả búi. Vì thế các thiếu nữ mới quyên sinh hụt nhìn là biết ngay, đại loại khi đang phục hồi sức ăn giả bữa họ thường tự tin ăn rau sống, gỏi cá và phở bò chần thật tái.
Người Việt biết đi xe đạp vốn dĩ là nhờ người Pháp. Trong lúc xâm chiếm tàn bạo thực dân, người Pháp tiện tay ào ạt khai hóa đem lối sống phương Tây văn minh tràn vào. Theo nhà văn Nam Bộ Sơn Nam thì cho đến “trước và sau năm 1930, phụ nữ ở Sài Gòn đã vươn lên. Họ đua xe đạp (loại tay cầm ngang), đánh bóng bàn, lái ôtô, đặc biệt là lên võ đài (võ tự do) ở hội chợ phiên”.
Tuy nhiên, “sêm sêm” cùng lúc ấy, các bà các cô ở Hà Nội hầu như vẫn giữ nguyên rất nhiều nếp cũ. Răng vẫn đen, ăn uống vẫn tinh tế âm thầm. Gần như chưa có ai đi xe đạp, hiếm hoi lắm mới có người một mình dạo phố. Phần đông là ngồi nhà túm năm tụm ba lãng mạn khe khẽ đọc trộm tiểu thuyết “Tố Tâm” của văn sĩ rất sến Hoàng Ngọc Phách. Cứ đọc “Cô Kếu gái tân thời” của nhà văn Nguyễn Công Hoan thì biết. Kếu là tên cúng cơm của một thiếu nữ, sau đó cô liều lĩnh tự đổi thành Bạch Nhạn.
“Mang tiếng là con gái Hàng Đào nhưng các bạn cô, cô Bích Ngọc đã được mặc quần trắng và áo sáu khuy. Cô Song Khê đã được cạo răng. Đến ngay như cô Mộng Lê mà mẹ cũng chiều để chị đánh phấn và mặc áo mầu nữa là”. Vì thế Kếu Bạch Nhạn bức xúc tự sắm một bộ tân thời, gửi nhà bạn để mỗi buổi chiều cô đơn đi bộ đến đấy ăn diện. “Trong độ nửa giờ cô ngắm chán, cô trút hết bộ cánh ra xin thau nước lau kỹ cái mặt rồi mặc quần áo thâm đi về”.
Chao ôi là tội nghiệp. Tuy nhiên, chính vì nhờ mảnh mai nhu mì văn minh muộn mà khắp các đô thị Việt, chưa ở đâu lại có phụ nữ đạp xe đạp “xếch-xi” quyến rũ như các thiếu nữ Hà Nội. Vẫn hồi bao cấp, quanh Bờ Hồ hoặc dọc đường Thanh Niên bỗng một vài thiếu nữ thong thả đạp xe, đã thế lại đạp Điamăng (một dáng xe mà người đạp phải mềm mại thẳng lưng kiêu sa vươn ngực ưỡn mông).
Trong rờn rợn của chiều tà mong manh tàn thu, thật là một kiểu dáng hút hồn không bàn phím nào tả xiết. Rất nhiều nam thanh niên lương thiện của Hà Nội, chỉ vì nhất thời nhìn sau mê cái dáng ấy rồi chới với rơi vào hôn nhân, vĩnh viễn sống chung với một của nợ cho đến hết phần đời còn lại.
Ở ký túc xá của sinh viên những năm xa xưa, các nữ sinh hay kể cho nhau nghe một chuyện có thật. Một thiếu nữ nhan sắc trung bình nhưng nồng nàn thầm yêu một chàng trai có ngoại hình của các đạo diễn đoạt giải Cánh diều vàng. Nàng sở hữu một chiếc xe đạp Thống Nhất, nếu phải so với ôtô bây giờ thì nhang nhác tương đương với Matiz hay Kia gì đấy.
Nàng nhờ chàng đèo lên chỗ vắng núi Nùng giữa Bách Thảo, sau khi cẩn thận dựng xe thì nàng lim dim mắt thì thào dâng hiến: “Em yêu anh. Em xin tặng anh cái quý giá nhất của đời em”. Chàng trai hạnh phúc hỏi: “Thật không?”. Nàng gật và khi mở mắt ra thấy chàng đang bon bon ngất ngây đạp xe mất hút.
Người xưa bảo chữ trinh đáng giá nghìn vàng, vậy giá trị chân chính của xe đạp cỡ khoảng nghìn mốt.