Danh chính ngôn thuận thì nhà văn Nikolai Nikolaevich Nosov là người sinh ra cậu bé Không-Biết-Gì, nhưng chính nhà thơ Vũ Ngọc Bình mới là “mẹ” của Mít Đặc trứ danh. Có điều, người ta thường chỉ biết đến “con” chứ mấy ai nhớ đến “mẹ” – nhà thơ cười và nói vậy.
Phải mất khá nhiều thời gian tôi mới tìm được nhà thơ Vũ Ngọc Bình, bởi một số nhà văn và nhà phê bình mà tôi quen biết đều lắc đầu, lâu nay không ai gặp ông. Cuối cùng, tôi tìm thấy địa chỉ nhà ông trong dữ liệu của Hội Nhà Văn. Mới hay, sau khi khu nhà cũ bị giải toả, gia đình ông chuyển tới tầng 3 một khu tái định cư, và đôi chân không cho phép ông đi đâu ngoài chính căn hộ nhỏ của mình.
Tới bấm chuông cửa mà tôi hồi hộp lắm, năm nay đã 85 tuổi rồi, ông còn minh mẫn không? Gia đình ông có hoan nghênh không? Hay thậm chí là ông còn ở đó không? Cho tới lúc nghe tiếng lộc cộc của chiếc gậy 4 chân chầm chậm từ phòng đi ra, rồi thấy ông xuất hiện, tươi cười, tôi thấy mình hơi rung lên, vừa vui mừng vừa xúc động.
Nhà thơ Vũ Ngọc Bình thời thơ ấu ở Bắc Ninh, là trò của nhà văn Hoàng Ngọc Phách. Tuy cả ba anh em ông, anh trai Vũ Cao và em trai Vũ Tú Nam, đều hoạt động văn chương, nhưng ông nói rằng ngày xưa mình cũng chẳng khoái học văn. “Dạy văn Pháp bằng tiếng Pháp, làm sao mình mê được!”.
Sau này ông cứ tự đọc nhiều, thu nạp nhiều, rồi bỗng cầm bút lúc nào không hay. Cũng là run rủi, năm 1957 ông từ một ông giáo – viên chức Bộ Giáo dục làm thơ người lớn, chuyển về công tác tại NXB Kim Đồng, từ ấy gắn bó mãi với những tác phẩm dành cho trẻ em.
Mà cũng có thể chẳng phải tình cờ, tôi thì cho rằng ai không yêu trẻ con, hiểu trẻ con, chắc chắn chẳng thể nào viết được một tác phẩm khiến trẻ con thích mê đi. Cô con gái của ông kể rằng ngày xưa trẻ con quanh khu tập thể thường vây quanh ông, há hốc mồm nghe ông kể chuyện, hay lắm! Nếu không yêu và hiểu trẻ con, hẳn ông đã không đặt cho cậu bé Không-Ngửi-Thấy-Gì thò lò mũi xanh cái tên đáng yêu là Tịt Mũi, cũng như không thể sinh ra một Mít Đặc.
Ông bảo cuộc đời mình triển lãm qua những quyển sách, nên năm 75 tuổi, ông viết bài thơ tự vấn thế này:
Bảy mươi lăm tuổi đời
Bốn mươi năm cầm bút
Để lại được những gì?
– Có đôi điều tâm đắc
Một cây sấu ngọt chua
Một con người: Mít Đặc
(…)
(“Tự vấn”)
Ấy là ông nhắc tới những tác phẩm để đời của mình. “Đôi điều tâm đắc” là một trong số hiếm hoi sách tiểu luận về văn học thiếu nhi ở Việt Nam, thường được dùng làm sách tham khảo trong các luận văn nghiên cứu của sinh viên chuyên ngành. “Cây sấu” là bài thơ thiếu nhi mà ông cho rằng hay nhất của mình.
Bài thơ ấy ông viết để khóc cây sấu già trước cửa nhà, cây sấu đã rút lòng cho người ta bao mùa trái chua ngọt, và bây giờ nó già nua, rỗng mọt, bị đốn đi… Tôi vốn không phải người thích uỷ mị, nhưng chợt nghĩ rằng, có duyên cớ gì không, khi tôi và ông hoá ra ở gần nhau như vậy, tôi đã từng ăn những trái chua ngọt mà ông rút lòng, nhưng mãi tới bây giờ mới được gặp ông.
Cuộc đời này, tất cả định đoạt bằng những cái duyên, như cái duyên để tôi gặp ông, hoặc cái duyên để ông tìm thấy Mít Đặc. Năm 1960, khi ấy cô con gái út trong 4 người con của ông mới được 1 tuổi, một lần ông đọc được truyện Mít-Đặc trong cuốn tạp chí “Văn học Xô Viết” phiên bản tiếng Pháp do Liên Xô xuất bản, lập tức mê luôn.
Ông dịch say mê trong vòng 1 tháng, cứ ngồi đất, kê giấy trên giường mà viết, vừa dịch vừa cười. Thời ấy, cả gia đình ông đang sống trong căn nhà tập thể ở Thụy Khuê (cùng nhà văn Hoàng Nguyên Cát là người dịch tác phẩm “Rô-bin-xơn Cru-xô”).
Ảnh: Passion