Thu giảm sụt giảm do ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19, giá năng lượng và tỷ lệ lạm phát gia tăng… là những nguyên do khiến nhiều hộ gia đình ở châu Âu không thể tiết kiệm được tiền.
“Phần lớn người dân châu Âu không tiết kiệm được tiền trong đại dịch COVID-19” là kết luận báo cáo phân tích của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) về hoạt động tích lũy của người dân châu Âu trong giai đoạn đại dịch COVID-19 hoành hành, ảnh hưởng nghiêm trọng đến mọi hoạt động văn hóa, xã hội và kinh tế.
Theo báo cáo của ECB công bố ngày 2/8, khoản tiền tiết kiệm của phần lớn các hộ gia đình ở châu Âu đều không thay đổi trong năm 2020 – thời kỳ dịch COVID-19 bùng phát mạnh.
Có 20% số hộ gia đình ghi nhận mức tăng tiền tiết kiệm, trong khi có 16% số hộ gia đình có khoản tích lũy giảm do thu nhập sụt giảm ngoài mong muốn. Thêm vào đó là tỷ lệ lạm phát gia tăng cùng với giá năng lượng.
Với những người tiết kiệm được nhiều tiền hơn, lý do là các biện pháp hạn chế và nỗi lo sợ mắc bệnh khiến họ hạn chế ra ngoài, hạn chế chi tiêu.
Trong tháng 7/2022, lạm phát của Khu vực Đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã tăng lên mức kỷ lục 8,9%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% mà ECB đề ra.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde cho biết bất chấp triển vọng ảm đạm của nền kinh tế, chi tiêu tiêu dùng vẫn ổn định với khoản tiết kiệm mà các hộ gia đình đã tích lũy trong đại dịch và thị trường lao động khởi sắc.
Việc các nước gỡ bỏ các biện pháp hạn chế phòng dịch đã tạo động lực cho nền kinh tế trong nửa đầu năm 2022. Tuy nhiên, chiến sự tại Ukraine đang gia tăng áp lực lên triển vọng tăng trưởng kinh tế của Eurozone, qua đó phần nào tác động đến nguồn thu và kế hoạch tích lũy của người dân châu Âu trong thời gian tới.
Phân tích của ECB về tích lũy của người dân châu Âu dựa trên các cuộc khảo sát được thực hiện ở 6 quốc gia sử dụng đồng euro gồm Đức, Hà Lan, Bỉ, Pháp, Tây Ban Nha và Italy trong khoảng thời gian 2020-2021.