Tình nhân của các thiên tài dường như thay phải gánh chịu nỗi bất hạnh. Nỗi bất hạnh ấy còn nhân lên gấp bội nếu như nàng cũng là một nghệ sĩ. Bởi khi ấy, nàng rất dễ bị “cớm nắng” trước cái bóng quá lớn của bậc vĩ nhân và thiên hạ thường chỉ biết đến nàng qua vài dòng “phụ chú” cho người đàn ông kia. Camille Claudel (1864 -1943) – nữ điêu khắc gia đầy cá tính, nàng thơ và người tình của bậc thầy điêu khắc Auguste Rodin chính là một trường hợp như vậy.
Camille Claudel (1864 -1943)
Cô bé có tài nặn tượng
Năm 1881, khi gia đình Claudel chuyển đến Paris, để theo đuổi đam mê của mình, Camille (khi ấy 17 tuổi) đã vào học tại học viện nghệ thuật Colarossi. Thày dạy của Camille là Alfred Boucher vô cùng sửng sốt trước khả năng thiên phú ở cô và đánh giá rất cao các tác phẩm như “Napoleon”, “Bismarck”, “David và Goliath” của Camille. Rồi cô được Boucher mời đến salon nổi tiếng của ông ở Notre-Dame-des-Champs. Tại đây cô vừa được làm công việc mình yêu thích vừa có thể học hỏi từ bậc thầy này.
Camille tại xưởng làm việc
Vào nửa cuối thế kỷ 19, ngay cả một xã hội phóng khoáng như nước Pháp cũng không khỏi nghi ngại trước một phụ nữ làm điêu khắc. Công việc nhọc nhằn, nhem nhuốc và chẳng mấy tao nhã (vì thường xuyên tiếp cận với người mẫu khỏa thân) rất xa lạ với phái đẹp. Tuy nhiên các tác phẩm của Camille với đường nét yêu kiều cổ điển mà tiềm ẩn đầy năng lượng đã thể hiện một tài năng đặc biệt khiến Boucher rất tin vào tương lai sáng lạn của cô học trò. Chính ông đã đưa cô đến xưởng của nhà điêu khắc lừng danh Auguste Rodin với hy vọng Camille sẽ thu lượm được nhiều kinh nghiệm quý báu để có thêm cơ hội tỏa sáng. Tiếc thay, những dự định của Boucher cho cô học trò cưng cuối cùng đã hỏng bét. Cuộc gặp gỡ với Rodin vĩ đại hóa ra là cái mốc đưa đẩy số phận của Camille đến một kết cục bi đát cả trong sự nghiệp lẫn tình yêu.
Học trò tận tụy, đồng nghiệp tài năng, người tình say đắm
Thời điểm đó (1983) Camille chỉ vừa mới bước sang tuổi 19, còn Rodin đã 40 tuổi, đã vượt qua một chặng đường đầy chông gai để trở nên nổi tiếng và đang thực hiện hàng loạt đơn đặt hàng lớn. Với thân hình tráng kiện, mái tóc hung đỏ và cặp mắt sâu thẳm, Rodin hiện ra trước mắt Camille chẳng khác gì một người hùng trong huyền thoại – mạnh mẽ, đầy quyền uy và có thể chiến thắng mọi tai ương.
Auguste Rodin (ảnh chụp năm 1983)
Còn với Rodin, cô gái trẻ Camille gây ấn tượng trước hết bởi nhan sắc hút hồn chứ không phải bởi “tài năng kỳ lạ” mà giới họa sĩ đang kháo nhau. “Một vầng trán tuyệt mỹ trên đôi mắt kỳ lạ thăm thẳm một màu xanh sẫm, hệt như hình ảnh các mỹ nữ dưới nét cọ của Botticelli. Cặp môi gợi cảm đầy đặn, mái tóc dày màu vàng nâu đổ xuống đôi bờ vai…” – ông đã mô tả Camille trong lần đầu gặp mặt như vậy.
Rodin đã đồng ý cho Camille đến xưởng của mình, nhưng với điều kiện nàng phải làm bất cứ công việc gì ông yêu cầu. Camille vui vẻ chấp nhận. Cô thường đến đây để nhào đất sét, dọn dẹp những mẩu thạch cao, thu xếp căn xưởng cho ngăn nắp. Đồng thời cô cũng nặn các bức tượng của mình và lắng nghe sự chỉ dạy từ nhà điêu khắc mà cô coi là thần tượng.
“Mùa xuân vĩnh cửu” (1884) – một kiệt tác của Rodin hình thành từ mối tình say đắm giữa ông và nàng thơ Camille
Hóa ra cặp thày trò này rất tâm đầu ý hợp cả trong phong cách sáng tác lẫn đam mê nghệ thuật. Bởi vậy, chỉ sau một thời gian ngắn, Rodin đã tin tưởng cho Camille trực tiếp tham gia làm các tác phẩm quan trọng của ông. Sau này người ta vẫn nhận thấy trong nhiều tuyệt phẩm của Rodin thời kỳ đó những dấu ấn tài hoa của Camille. Ngoài ra Camille còn làm người mẫu cho Rodin và cô là một trong những người mẫu khiến ông hài lòng nhất. Dần dần Camille đến với Rodin hàng ngày, dành toàn bộ thời gian bên cạnh ông.
“Danaid” (1885) – một trong rất nhiều tác phẩm của Rodin lấy cảm hứng từ Camille
Cuối cùng, câu chuyện đã kết thúc như nó nó cần phải kết thúc: Camille trở thành tình nhân của Rodin! Thân thể thanh tân hoàn mỹ của nàng được ngưỡng mộ không chỉ bởi “cặp mắt xanh” của một nghệ sĩ vĩ đại mà còn bởi trái tim của một người đàn ông đầy đam mê. Hai người đã tìm được sự đồng cảm cả trong sáng tạo, tâm hồn, lẫn tình ái. Năm năm sau, đôi tình nhân quyết định thuê một căn xưởng mới trên đại lộ Italy và tiếp tục say đắm bên nhau trong tình yêu và nghệ thuật.
Tác phẩm “Điệu van” (1891-1893) của Camille
Mãi về sau, gần 10 năm trôi qua, Rose mới biết về mối tình sâu đậm giữa Rodin với nàng thơ của ông và đã có phản ứng khá gay gắt. Cha mẹ Camille cũng rất phẫn nộ với con gái về chuyện “ô nhục” này. Bị dồn vào chân tường, Camille đòi người yêu phải lựa chọn. Nhưng đây là điều hết sức khó khăn với Rodin. Ông không muốn phản bội Rose, người đã gắn bó với ông hơn 20 năm và là mẹ của con trai ông… Giấc mộng được xây hạnh phúc cùng Rodin của Camille thế là tan tành. Không muốn đối diện với gia đình và cũng không muốn nhìn mặt Rodin, Camille thuê một căn phòng nhỏ (cùng trên đại lộ Italy) và chuyển đến đó sống một mình.
(Còn nữa)
Bài: Phan Minh Ngọc
Ảnh: : wikipedia, liveinternet.ru, passion.ru, cavetocanvas.com
Có thể bạn quan tâm: Coco Chanel – người tình trứ danh: