Người đàn bà chơi golf đầu tiên - Tạp chí Đẹp

Người đàn bà chơi golf đầu tiên

Sống

Đối với phái đẹp, golf có một sức hấp dẫn riêng không thể cưỡng lại vì khi hòa mình vào thế giới của golf, họ mới thật sự tỏa sáng vẻ đẹp tiềm ẩn của mình. Nữ hoàng Scotland Mary Stuart (1542-1587), người có một số phận kỳ lạ với golf, bị xử tử sau một trận golf vì nghi án giết vua, nhưng bà xứng đáng được tôn vinh là người phụ nữ đầu tiên đánh golf trên thế giới.

Sinh ra trong Hoàng tộc Scotland vốn có mối quan hệ gia đình với hầu hết các vương triều có quyền lực nhất châu Âu thế kỷ 16, Mary Stuart cất tiếng khóc chào đời tại Cung điện Linlithgow (Scotland) ngày 7/12/1542.

Bà là con gái Đức vua James V của Scotland và người vợ Pháp có tên Marie. Cha qua đời chưa đầy một tuần sau khi bà ra đời, và Mary đã trở thành Nữ hoàng Scotland lúc mới 6 ngày tuổi.

 Đương thời thế kỷ 16 ở châu Âu, Nữ hoàng Mary là một trong những người đẹp quyến rũ nhất và cũng gây nhiều tranh cãi nhất. Thậm chí đến cả những kẻ thù cũng bị hớp hồn trước vẻ đẹp hình thể và làn da ngọc ngà của bà.

Trời phú cho một vẻ đẹp nghiêng nước nghiêng thành nhưng Mary Stuart không phải là người phụ nữ sắc sảo về mặt chính trị. Những sử gia châu Âu phải thừa nhận rằng cả cuộc đời bà đầy ắp những sóng gió cùng các biến cố của lịch sử.

 Lên 5 tuổi, bà được đưa sang Pháp để được nuôi dạy trong hoàng gia Pháp, kết hôn với vua Francis II và ông này lại mất vào năm sau đó.

Cuộc hôn nhân thứ hai của bà gây sự phẫn nộ lớn trong dân chúng, và nó kết thúc bằng vụ mưu sát cùng một bê bối đầy tai tiếng buộc bà phải thoái vị và nhường ngôi cho cậu con trai chưa đầy 7 tuổi. Thật kỳ lạ bởi Mary đã yêu và cưới hai người đàn ông là con trai của những kẻ đã từng ve vãn chính mẹ đẻ của mình.

“Người đàn bà chơi golf bỉ ổi”

Nữ hoàng Mary có một tình yêu kỳ lạ với thể thao, bà thích chơi golf, săn bắn, chèo thuyền, và bắn cung. Đã từng có giả thiết rằng danh từ “Caddy” (người vác gậy và nhặt bóng sân golf) thông dụng khắp thế giới hiện nay là xuất phát từ cách sử dụng danh từ tiếng Pháp “Cadet” của Mary.

Sử sách ghi lại rằng trong suốt thời gian ở thành phố St. Andrew (Anh) năm 1562, Mary là một tay golf cừ khôi và bà vẫn thường chơi môn thể thao quý tộc này ở khu vực Edinburgh.

Nhưng cũng chỉ vì niềm đam mê golf mà bà bị Giáo hội Thiên Chúa giáo Anh hồi đó coi là một nỗi ô nhục vì ngay sau ngày chồng bà, Hoàng thân Darnley bị ám sát, Mary đã thản nhiên vác gậy ra sân chơi golf, thay vì ngồi nhà để tang phu quân.

Năm 1561, quả phụ Mary từ Pháp trở lại Scotland, nơi bà đã dính líu vào hàng loạt những chuyện tình thiếu khôn ngoan về chính trị và việc tiếp tục theo đạo Thiên chúa trong một đất nước đa số là đạo Tin lành đã gây ra nhiều rắc rối và nhiều cuộc nổi loạn chống lại bà.

Mary hy vọng cuối cùng sẽ được thừa hưởng ngai vàng theo quyền thừa kế. Tuy nhiên, cuộc nổi loạn của các quý tộc Scotland xảy ra vào năm 1567 và bà đã bị bắt giam tại Lâu đài Lochleven hẻo lánh trên biển.

Mặc dù bà đã gửi thư cầu khẩn Nữ hoàng Elizabeth (Anh) và Hoàng hậu nước Pháp giúp đỡ để bà được tự do, nhưng đều vô vọng. Chẳng bao lâu, bà bắt đầu vạch kế hoạch cho cuộc vượt ngục.

Vụ đào thoát vĩ đại

Sử sách Châu Âu đã ghi nhận rằng cuộc vượt ngục của người đẹp Mary là một trong những vụ đào thoát vĩ đại và kịch tính nhất trong lịch sử. Trong nỗ lực đầu tiên vào tháng 3/1568, Mary cải trang thành một người thợ giặt và tìm cách thoát khỏi toà lâu đài bằng thuyền.

Song bà đã bị nhận dạng khi những người chèo thuyền mà bà thuê phát hiện ra bàn tay quý tộc và khuôn mặt tuyệt đẹp của bà. Điều đáng nói là bà đã tự quay trở lại lâu đài nơi bà bị giam giữ mà không để cho lính gác biết được kế hoạch của mình.

Bà không hề nản chí và tiếp tục kế hoạch lần 2 vào ngày 2/5/1568. Với sự giúp đỡ của một trẻ mồ côi mà bà đã kết thân được lúc ở lâu đài, bà đã thoát ra ngoài, vượt biển trở về đất liền. Tại đây bà đã lấy trộm một con ngựa từ chuồng ngựa của những kẻ đã giam giữ bà và trốn thoát.

Năm 1568, bà trốn sang Anh với hy vọng sẽ được người em họ là Nữ hoàng Anh Elizabeth I giúp phục ngôi. Nhưng chính sự hiện diện của bà bị Nữ hoàng Elizabeth I coi là một mối nguy hại vì lo sợ Mary sẽ trở thành một đối thủ nguy hiểm.

Elizabeth I đã tống giam Mary suốt 19 năm trời trong pháo đài Carlisle. Dưới sự theo dõi chặt chẽ, bà bị quy là có liên quan đến hàng loạt các âm mưu chống lại Nữ hoàng Elizabeth I và cuối cùng bị kết án tử hình.

Năm 1603, sau cái chết của Nữ hoàng Elizabeth I, con trai của Mary lên ngôi và trở thành Vua James I của nước Anh.

Cuộc đời kỳ lạ của bà đã được ghi lại trong biết bao tác phẩm văn học, lịch sử và cả điện ảnh. Mới đây, cô đào nóng bỏng Scarlett Johansson đã nhận lời vào vai chính trong bộ phim sử thi mới nhất về cuộc đời Nữ hoàng nổi tiếng này.

Thật hiếm nhân vật nào trong lịch sử loài người, sinh ra trong một gia đình quyền quý và bước vào đời với một tương lai đầy hứa hẹn, để rồi chương cuối cuộc đời lại có một hồi kết bi kịch như Nữ hoàng Scotland Mary.

Nhưng hãy cảm ơn Mary, bởi chính bà là người đầu tiên khiến một nửa xinh đẹp của thế giới nhận ra rằng mình hoàn toàn có khả năng chế ngự cây gậy golf mê hoặc.

 Trần Long (Tổng hợp)

 

Thực hiện: depweb

16/10/2007, 11:04