Người đàn bà “cả gan” ruồng bỏ Hemingway (P1)

Cuộc đời đôi khi khá là bất công.Một tài năng thật sự nhưng rốt cục chỉ được biết đến chủ yếu qua vài dòng “phụ chú” cho cuộc đời một người khác đơn giản vì người khác đó quá nổi tiếng. Đó là trường hợp của Martha Gellhorn (8/11/1908 – 15/2/1998) – một trong những nữ phóng viên chiến trường đầu tiên đồng thời là một ký giả lừng danh ở thế kỷ XX. Trong bách khoa toàn thư và các tài liệu tham khảo bà bao giờ cũng được nhắc đến trước tiên với danh nghĩa: vợ thứ ba của tiểu thuyết gia huyền thoại Ernest Hemingway!

 

Con tem in hình Martha Gellhorrn (Ảnh: commons.wikimedia.org)

Martha đã viết về hầu hết các cuộc xung đột lớn diễn ra trên thế giới trong suốt sự nghiệp 60 năm làm báo của mình và bà từng được tờ Daily Telegrap đánh giá là một trong những phóng viên chiến tranh vĩ đại nhất. Tên bà cũng lọt vào top 5 nhà báo có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển của nước Mỹ thế kỷ XX. Và nhân sự kiện này, thậm chí đã có một loạt tem về bà được phát hành tại Mỹ. Có cả những cuốn sách, bộ phim nói về bà và tất cả đều là tác phẩm best-seller (đơn cử như cuốn “Gellhorn: Một cuộc đời của thế kỷ XX” của Caroline Moorehead).

Martha còn được biết đến như người phụ nữ duy nhất đã “cả gan” từ bỏ huyền thoại Hemingway thay vì đợi đến lúc bị người đàn ông đào hoa này ruồng rẫy.


Bước khởi đầu của cô nàng thích bay nhảy

Martha Gellhorn sinh ra ở ở St Louis, miền Tây nước Mỹ. Cha cô là một bác sĩ, còn mẹ là một người khá nổi tiếng trong lĩnh vực đấu tranh vì nữ quyền.Từng làm thơ và viết truyện ngắn từ lúc còn ngồi trên ghế nhà tường, ngay sau khi tốt nghiệp trung học Martha quyết định sẽ chinh phục thế giới bằng ngòi bút và nuôi ước nguyện sẽ trở thành một nhà văn lớn. Martha đã có vài năm làm phóng viên chuyên viết ký sự pháp đình tại Mỹ, nhưng khát vọng được ngao du đã vẫy gọi Martha khiến nàng xách vali lên đường sang châu Âu.

Nữ nhà báo trẻ này rất có tài trong việc tạo dựng quan hệ với các nhân vật thế lực. Tại Paris, chẳng hiểu cô xoay xở thế nào mà lập tức được tờ Tạp chí Vogue danh tiếng nhận vào làm việc. Tại đây, cô làm quen với nhà văn Bertrand de Jouvenel, con trai của một nhà ngoại giao nổi tiếng, một chính trị gia tầm cỡ của Pháp. Người ta còn đồn rằng hai người đã cưới nhau, nhưng không có bằng chứng nào xác thực điều này. Bởi Bertrand đã có vợ và không có thông tin nào về chuyện họ ly hôn.

Nhưng rồi chẳng mấy chốc Martha dường như không hứng thú với kinh đô ánh sáng cũng như với anh chồng hờ nữa. Cô quay về Mỹ sau hai năm tác nghiệp tại Pháp. Vào thời điểm đó, ở châu Âu một cuộc chiến tranh mới cũng bắt đầu chín muồi.


Martha Gellhorn là một trong 5 nhà báo có ảnh hưởng nhất đến sự phát triển của nước Mỹ thế kỷ XX. (Ảnh: tumblr.com)

Về Mỹ, những phóng sự ký tên Martha đã giành được sự quan tâm đặc biệt của một yếu nhân – Harry Hopkins, người điều hành Cục Cứu trợ Khẩn cấp Liên bang dưới quyền của Tổng thống Mỹ đương thời Roosevelt. Chính Hopkins đã ủy thác cho nữ ký giả trẻ tuổi năng động này đi khắp nước Mỹ để viết loạt phóng sự về tác động của cuộc Đại suy thoái.

Martha thậm chí còn trở nên thân thiết với đệ nhất phu nhân Eleanor Roosevelt. Hóa ra Eleanor Roosevelt thời đi học cũng từng chơi thân với mẹ của Martha. Có thể nói, lúc bấy giờ, Martha có thừa cơ hội để nắm giữ một cương vị trong cơ quan chính phủ và theo đuổi sự nghiệp chính trị.

Nhưng rốt cuộc, niềm đam mê bay nhảy trong nàng vẫn thắng thế. Và nàng đã cùng với  H.G. Wells – nhà văn viễn tưởng nổi tiếng đồng thời cũng là người thân thiết với gia đình Tổng thống Roosevelt – lên đường đến châu Âu, nơi mà ngọn lửa chiến tranh đang bùng lên khắp nơi. Wells đã lập gia đình và có cả tá tình nhân, tuy vậy ông vẫn bị Martha hớp hồn. Không chỉ ngao du cùng Martha, ông chính là người đã đưa cô đến với giới báo chí rộng lớn hơn và bảo trợ cô trong mọi việc. Họ đã duy trì mối quan hệ khăng khít trong nhiều năm, ngay cả khi Martha đã yên bề gia thất.

Trở thành vợ ba của Hemingway

Sự nghiệp báo chí của Martha Gellhorn nhanh chóng đạt đến đỉnh cao vào giữa những năm 30. Cô đã đi rất nhiều nơi ở châu Âu, đã viết không biết bao nhiêu phóng sự về cuộc sống của người dân ở những vùng heo hút và vạch trần đủ loại ung nhọt trong xã hội.

Năm 1936, trong một lần đến Florida, tại một quán bar, Martha đã gặp Ernest Hemingway. Nữ ký giả thông minh với mái tóc vàng lộng lẫy bận chiếc váy màu đen đã khiến tác giả của “Giã từ vũ khí” bị “sét đánh” ngay tắp lự. Sau này ông thường kể lại rằng “Thoạt đầu tôi đã bị mê mẩn bởi cặp chân thon và sau đó bởi chính nàng”.

Sau đó, Martha ở lại luôn Florida. Cô kết thân với người vợ lúc đó của Hemingway là Pauline Pfeiffer – phóng viên thời trang của Vogue và được chồng bạn dành cho một sự quan tâm rất đặc biệt. Hemingway đã đàm đạo cũng Martha rất nhiều về Tây Ban Nha, đất nước mà ông đặc biệt yêu mến. Cho nên, cũng chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi mà ở xứ sở bò tót xảy ra nội chiến thì hai con người đang si mê nhau này đã rủ nhau đến đó.


Martha và Ernest trong tuần trăng mật (Ảnh: clarespark.com)

Họ đến Tây Ban Nha vào năm 1937, chỉ với một chiếc vali cho cả hai và 50USD trong ví. Lúc đó Martha 29 tuổi, còn Ernest – 37.

Hemingway và Martha đứng về phía Đảng Xã hội Tây Ban Nha trong cuộc chiến chống lại phe phát xít, và cả hai đã viết những thiên phóng sự về nhiều sự kiện bi tráng xảy ra trên đất nước này. Tuy nhiên, một số nhà phê bình khi đó (và cả sau này) cho rằng những bài viết của Martha xuất sắc hơn nhiều so với của người bạn trai nổi tiếng của cô.

Năm 1940, Martha và Ernest chính thức kết hôn. Sau đó họ tiếp tục sóng đôi đến Phần Lan, Pháp, Indonesia, Trung Quốc và được biết đến như những phóng viên chiến trường lỗi lạc. Martha chính là người đã được Hemingway dành tặng cuốn “Chuông nguyện hồn ai”, thiên tiểu thuyết lừng danh sau này đã góp phần đem đến cho ông giải Nobel Văn học (1954).

Khi đã chán cuộc sống “du mục” trong những chiếc vali, Martha chọn điền trang Finca Vigia ở La Habana để cùng chồng định cư (trước đó, ở La Habana họ thường ngụ tại khách sạn Ambos Mundos).

Phan Minh Ngọc (còn tiếp)

Biên dịch từ: peoples, wikipedia,  fashiony


Bạn quan tâm tới đời sống showbiz thế giới và Việt Nam. Bạn có trong tay những thông tin chính xác mới nhất, “nóng” nhất về những người nổi tiếng? Bạn thích thú biên dịch các bài viết về “sao”, về thế giới văn hóa – nghệ thuật, về các sự kiện đình đám…? Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online qua địa chỉ email: giaitri@dep.com.vn hoặc hangdtt@lemediavn.com. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!




From the same category