Trả lời báo Thanh niên, ông Tuấn cho biết Vietnam Airlines là đơn vị thuê thi công, chịu trách nhiệm xây dựng gian hàng. Đương nhiên, Tổng Cục du lịch chịu tránh nhiệm liên đới và sự cố này chỉ xảy ra trước ngày khai mạc (tức 5/6) và được khắc phục ngay sau đó. Về việc khách hàng đến gian hàng nước này hỏi tour nước khác, ông Tuấn cũng cho rằng đó là chuyện bình thường, vì “một số nước châu Á cũng na ná giống nhau” và nếu có ai đó nhầm Việt Nam sang Trung Quốc thì cũng là lỗi ngô nghê.
Chỉ xét về mặt chuyên môn, có thể thấy ông Tuấn mới đúng là người ngô nghê khi thản nhiên cho rằng việc khách hàng không thể phân biệt được dịch vụ do mình (Việt Nam) cung cấp khác gì với dịch vụ của Trung Quốc.
Nhưng thực chất đây chỉ là hành động đổ vấy cho người khác. Trong khi Tổng Cục tuyên bố sẽ rà soát toàn bộ quy trình để làm rõ trách nhiệm của từng cá nhân, từng đơn vị tham gia thì người đầu tiên phải “giơ đầu chịu báng” lại chính là người chụp ảnh và đăng tải trên facebook, cũng là những người đã phát hiện ra sự nhầm lẫn hy hữu đến nực cười này.
Vụ việc gợi nhớ lại hành động mới đây của Bộ Giáo dục khi có ý đồ cấm các hành động tố cáo nội bộ nhưng sau đó đã phải rút lại.
Kỷ luật người chụp ảnh, Tổng cục du lịch đã đi ngược lại tinh thần góp ý đang được phát động ở mọi ban ngành trong quá trình sửa đổi Hiến pháp 1992. Đây không đơn thuần là việc đóng góp hoàn thiện Hiến pháp, mà cao hơn, là nỗ lực huy động sức mạnh và trí tuệ toàn dân. Nhưng nếu ai có ý kiến trái chiều mà cũng bị kỷ luật thì chắc chắn không thể phát huy được nội lực của dân tộc, hay cụ thể hơn là sẽ không ai quan tâm đến việc các tầng lớp trong xã hội đang bị đầu độc bởi hàng trăm nghìn sản phẩm tiêu dùng, sách vở in cờ, bản đồ của Trung Quốc như thời gian qua.
Theo SM