Người cận nghèo sẽ được ứng tiền mua BHYT - Tạp chí Đẹp

Người cận nghèo sẽ được ứng tiền mua BHYT

Tin Tức
Tính đến cuối năm 2011, cả nước có gần 60 triệu người tham gia bảo hiểm y tế (gần 74%). Nhưng số người mua bảo hiểm y tế (BHYT) chủ yếu là ở các đơn vị sự nghiệp, người nghèo, trẻ em… còn khối doanh nghiệp, hộ cận nghèo và tự nguyện đạt tỉ lệ rất thấp. Trong khi việc thực hiện BHYT có nhiều bất cập như đưa vào danh mục BHYT nhiều loại thuốc ngoại có giá trị cao. Người tham gia BHYT tự nguyện ít nhưng chi tiêu nhiều … Trước thực trạng này, Bộ Y tế và Bảo hiểm Xã hội (BHXH) Việt Nam đã xây dựng Đề án Thực hiện lộ trình tiến tới BHYT toàn dân giai đoạn 2012-2015 và 2020. Ngày 13-8, Bộ Y tế và BHXH Việt Nam đã tổ chức lấy ý kiến tại TP.HCM.

Ứng trước 70% tiền mua thẻ cho người cận nghèo

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho rằng BHYT toàn dân là nguồn tài chính vững bền, lâu dài của y tế và là chính sách an sinh xã hội lớn của đất nước. Ở các nước, hầu hết các nguyên thủ quốc gia là thủ tướng hoặc tổng thống phải đứng ra trực tiếp chỉ đạo cùng rất nhiều giải pháp nhân lực, tài chính… kèm theo.

Để đề án BHYT toàn dân thành công thì phải có đầy đủ ba yếu tố: thứ nhất là cam kết chính trị, thứ hai là nền tảng khoa học kỹ thuật và cuối cùng là đồng thuận nhân dân. Do vậy, đề án này xây dựng thì Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ làm trưởng ban chỉ đạo và thành viên là các phó thủ tướng và các bộ trưởng. Ngành y tế chỉ là ủy viên thường trực cùng với BHXH trình đề án.

 

Bệnh nhân chen chúc lấy thuốc BHYT tại nhà thuốc BV quận Tân Bình. (Ảnh chụp lúc 3 giờ chiều 13-8) Ảnh: TÙNG SƠN

Đối với những đối tượng cận nghèo, Bộ Y tế và BHXH đang trình Chính phủ cho phép mua trước thẻ cho họ (Nhà nước hỗ trợ 70%), sau đó người cận nghèo vào khám, chữa bệnh sẽ trả hết 30% còn lại (khoảng hơn 100.000 đồng) thì được hưởng luôn thẻ BHYT. Đây là một trong nhiều biện pháp nhằm có nguồn tài chính và tỉ lệ bao phủ cao…

Quan hệ tay ba hài hòa

Theo Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến, hiện đang tồn tại mâu thuẫn giữa “ba bên”. Bên cung cấp dịch vụ y tế (các bệnh viện) muốn cung cấp nhiều dịch vụ, tiêu tốn nhiều thuốc, nhiều kỹ thuật… để cho bệnh nhân có chất lượng cao nhất. Nhưng làm càng nhiều thì không có nguồn tiền để trả. Trong khi đó, bên trả tiền là BHXH thì họ luôn giữ chặt túi tiền. Số tiền mà người bệnh bỏ ra mua thẻ BHYT chỉ vài trăm ngàn đồng/năm nhưng số tiền được chi trả vài trăm triệu đồng… dẫn đến vỡ quỹ. Do thắt chặt túi tiền nên BHXH chậm thanh toán cho các bệnh viện, gây nên bức xúc.

Và mâu thuẫn thứ ba là người dân bệnh mới mua BHYT, chỉ đóng vài trăm ngàn đồng nhưng đến bệnh viện thì muốn hưởng các loại dịch vụ của khối dịch vụ. Do đó, sắp đến danh mục thuốc, kỹ thuật cũng chia thành hai loại, loại theo nhu cầu và loại theo BHYT chứ không thể đưa vào một “cũi”.

“Nhưng làm sao để nền y tế đạt công bằng hiệu quả, tức khả năng tiếp cận như nhau? Sắp tới, Bộ Y tế sẽ tham mưu chỗ nào thừa quỹ thì được tái sử dụng, nơi nào thâm hụt thì tự cân đối lấy. Bộ cũng sẽ trình xin điều chỉnh Luật BHYT để phù hợp hơn trong giai đoạn mới” – bà Tiến nói.

Mua xe, tivi xài nhưng không chịu bỏ tiền mua sức khỏe

Nhiều nước đã thực hiện thành công BHYT toàn dân cách chúng ta nửa thế kỷ như Nhật Bản nhưng họ phải mất 36 năm xây dựng. Thái Lan đã thành công cách đây 10 năm nhưng cũng mất 36 năm xây dựng. Hàn Quốc thành công cách đây 22 năm nhưng họ đi rất nhanh, chỉ mất 12 năm. Còn chúng ta đã đi được 20 năm… theo chỉ đạo của Thủ tướng thì đến năm 2020 phải đạt 90% BHYT toàn dân. Tuy nhiên, muốn vậy Nhà nước phải đầu tư kinh phí và như thế sẽ bị âm quỹ.

Đây là trách nhiệm của bộ ba: Nhà nước – cá nhân – cộng đồng xã hội. Sức khỏe là vốn cá nhân nhưng cá nhân mua được tivi, xe máy xịn để chạy nhưng tại sao không bỏ ra được 600.000 đồng/năm để bảo vệ vốn quý nhất của đời mình – sức khỏe. Cho nên trong đề án BHYT toàn dân phải nêu bật được trách nhiệm của “bộ ba” này.

Bộ trưởng Bộ Y tế NGUYỄN THỊ KIM TIẾN

 Theo Pháp Luật

Thực hiện: depweb

14/08/2012, 11:06