Bà Lương (nhà ở Hưng Yên, bán hàng rong hoa quả trên phố Đội Cấn, Hà Nội) nhiều lần bị công an tịch thu hàng hóa và xe đạp nhưng vì mưu sinh nên vẫn lên phố bán hàng rong – Ảnh: Việt Dũng.
Người phụ nữ bán xoài cóc dầm trên vỉa hẻ hồ Hoàn Kiếm: “Cấm thì cứ cấm, chứ tôi nào có biết về thông tin này. Ngừng bán thì lấy gì nuôi con hằng ngày?” – Ảnh: Nam Long
Ngày 20-1, thông tư 30 của Bộ Y tế về điều kiện với cơ sở dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố có hiệu lực nhưng nhiều người buôn bán tại Hà Nội lại ít biết.
Thông tư 30 của Bộ Y tế quy định tất cả người bán hàng, người sản xuất tại cơ sở dịch vụ ăn uống (quán ăn trong nhà hàng, khách sạn, khu nghỉ dưỡng…), người bán thực phẩm đường phố đều phải khám sức khỏe, có giấy chứng nhận đủ điều kiện sức khỏe, được tập huấn kiến thức về an toàn vệ sinh thực phẩm và có giấy chứng nhận đã được tập huấn, có đủ nước sạch, có bàn cao, khu chế biến đồ ăn sống và chín riêng, có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ nguyên liệu… mới được coi là đủ điều kiện kinh doanh thực phẩm.
Do số lượng cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống và thực phẩm đường phố rất lớn, độ cơ động cao, nhất là với nhóm người bán hàng rong, nên quy định này đang bị coi là khó thực hiện, khó khả thi.
Khảo sát của TTO trong ngày 20-1 tại Hà Nội cho thấy nhiều người bán hàng rong chưa biết về quy định mới và họ vẫn đang kinh doanh buôn bán bình thường như trước đây.
Một phụ nữ bán xoài và cóc dầm trên vỉa hẻ hồ Hoàn Kiếm cho biết xoài, cóc là loại hoa quả dễ ăn dễ bán vì được nhiều người yêu thích nên hằng ngày bà vẫn đi xe đạp từ Văn Điển lên khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm để bán. Khi được hỏi tới việc cấm bán hàng rong, bà nói: “Cấm thì cứ cấm, chứ tôi nào có biết về thông tin này. Ngừng bán thì lấy gì nuôi con hằng ngày?”.
Bà Lương, nhà ở Hưng Yên, bán hàng rong hoa quả trên phố Đội Cấn (Hà Nội), cho biết nhiều lần bị công an tịch thu hàng hóa và xe đạp nhưng vì mưu sinh nên vẫn lên phố bán hàng rong. Bà cũng nói không rõ về thông tư mới của Bộ Y tế.
Theo ông Nguyễn Việt Cường – chánh thanh tra Sở Y tế Hà Nội, với cơ sở dịch vụ ăn uống có chỗ ngồi cố định thì dễ thực hiện, còn nhóm hàng rong, thực phẩm đường phố sẽ khó khăn nếu yêu cầu chứng minh nguồn gốc nguyên liệu và các yêu cầu về sức khỏe. Tuy nhiên ông Cường cho rằng quy định đã có hiệu lực, khó khăn cũng phải thực hiện. |
Theo Tuổi trẻ