Mỗi dòng sông trên đất nước Việt Nam đều mang trong mình những câu chuyện rất riêng, nếu như sông Mã ầm ào và dữ dội, sông Đà thác ghềnh hiểm trở, thì con sông Hồng lại êm đềm hơn. Tháng 9, mùa nước cạn, từng con nước từ phía thượng nguồn vẫn đổ về bồi đắp cho cả vùng châu thổ hạ lưu rộng lớn. Đó cũng là mùa lúa chín trên những thửa ruộng bậc thang trùng điệp nơi núi rừng Tây Bắc. Theo những giai điệu đầy thương nhớ và hào hùng của bài hát “Gửi em ở cuối sông Hồng”, chúng tôi đã có chuyến hành trình ngược dòng tìm về nơi ngã ba Lũng Pô – nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt.
Bạn cũng có thể tự mình chinh phục cung đường này bằng ô tô. Cung đường có nhiều đoạn lởm chởm và dốc cao, nên sẽ phù hợp với những chiếc SUV, bán tải hơn. Kinh nghiệm lái xe trên đường đèo dốc là điều kiện cần thiết trước khi khởi hành. Nếu di chuyển bằng ô tô thì từ thành phố Lào Cai, bạn đi theo hướng lên thị trấn Bát Xát, rồi từ đó đi thẳng tiếp đến ngã ba A Mú Sung – Lũng Pô thì rẽ phải đi theo đường tuần tra biên giới để đến đồn biên phòng Lũng Pô. Từ đồn biên phòng, bạn phải đi bộ theo đường ven để xuống bờ sông và ra cột mốc số 92, sau đó phải quay ngược ô tô ra ngã ba trên để đi theo đường lên A Mú Sung rồi Y Tý. Cung đường tuần tra biên giới từ Lũng Pô lên Y Tý thường bị sạt lở nhiều đoạn nên chỉ có thể đi xe máy mà thôi.
Chặng đường đầu tiên
Từ Lào Cai, chúng tôi kiểm tra lại đồ đạc, thức ăn cũng như các vật dụng cần thiết trước khi lên đường. Tháng 9, bầu trời miền biên viễn của đất nước trong xanh lạ thường, từng cơn gió thổi nhẹ mang theo áng mây trắng muốt. Chúng tôi qua cầu Cốc Lếu, rồi từ đó đi ngược lên trung tâm Bát Xát. Con đường chạy dọc theo bờ sông, qua những mái nhà trình tường, qua những núi đồi xanh ngát dứa và chuối.
Những thửa ruộng bậc thang của bà con dân tộc đang vào vụ gặt, cả không gian như được nhuốm một màu vàng rộm của lúa nương. Từng dòng người váy áo sặc sỡ, từng đôi tay thoăn thoắt cắt lúa, rồi tuốt ngay tại ruộng, những đứa trẻ tung tăng chạy nhảy giữa cánh đồng bát ngát, đâu đó dăm ba cụ già ngồi đan áo đan khăn trước thềm nhà. Khung cảnh bình yên và êm đềm nơi miền biên ải này có thể khiến ai cứng lòng nhất cũng phải chùng xuống.
Chúng tôi không quá vội vàng để đến Lũng Pô mà từ từ dừng lại ở từng cột mốc đánh dấu chủ quyền đất nước dọc đường đi, từ mốc 95 rồi 94, 93. Mỗi cột mốc đều được xây dựng bằng đá hoa cương và được rào chắn đầy đủ. Dân du lịch bụi thường dừng lại rất lâu tại mỗi cột mốc, và chúng tôi cũng không ngoại lệ, đứng nghiêm mình chào cờ trước mốc như một cách thể hiện lòng yêu nước của thế hệ trẻ hôm nay.
Ranh giới giữa Việt Nam và Trung Quốc được ngăn bởi dòng sông. Phía bên kia là núi đồi trùng điệp của nước láng giềng với con đường cao tốc nối liền Lào Cai – Côn Minh được xây dựng dạng cầu vượt mà không xẻ núi. Từng đoàn xe lớn nhỏ nối đuôi nhau chạy rầm rập suốt ngày đêm. Trong khi đó, phía Việt Nam chỉ là con đường nhựa nhỏ uốn mình quanh các sườn núi với rất nhiều đồi chuối xanh ngắt là nguồn thu nhập chính của bà con dân tộc Mông, Dao ở đây. Chúng tôi dừng lại ở những ngôi nhà trình tường để hỏi han cũng như tìm hiểu về cuộc sống của người dân vùng biên.
Miền biên ải thiêng liêng
Từ con đường chính nối liền lên tận Y Tý, chúng tôi rẽ vào đường tuần tra biên giới để đi Lũng Pô. Con đường nhỏ nằm dưới những tán chuối đang mùa trĩu quả, ven đường là vô vàn hoa dại khoe sắc. Cả đoàn vào trạm biên phòng Lũng Pô để trình báo theo đúng thủ tục khi vào vùng biên giới, cũng là để hỏi thêm các anh về tình hình biên cương của Tổ quốc. Từ đồn biên phòng, chúng tôi men theo con đường ven sông đã được kè rất chắc chắn để xuống ngã ba sông, nơi gặp nhau của dòng suối Lũng Pô và dòng sông Hồng, chính là điểm mốc đầu tiên đánh dấu con sông đổ vào Việt Nam.
Tháng 9, sông Hồng đang mùa nước cạn, lòng sông trơ mình ra những bãi bồi hai bên, nước từ thượng nguồn đổ về không trong như ở suối Lũng Pô đổ ra vì thế mà dễ dàng nhận thấy hai dòng trong đục hòa vào làm một để chảy về xuôi. Điểm đánh dấu tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc là cột mốc số 92. Cột mốc số 92 là loại mốc 3 cùng số, có nghĩa là sẽ có mốc 92 (1), 92 (2) và 92 (3). Mốc 92 (1) nằm trên lãnh thổ Việt Nam, mốc 92 (2) thuộc lãnh thổ Trung Quốc cách mốc 1 là 127,61m, mốc 92 (3) cũng được đặt trên lãnh thổ nước bạn, cách mốc 1 và 2 lần lượt là 259,75m và 209,83m.
Chúng tôi vốc lên tay mình từng vốc nước sông mà dâng lên những niềm xúc cảm. Đó là niềm tự hào về dân tộc, về những hi sinh của các thế hệ đi trước đã ngã xuống nơi đây để bảo vệ từng tấc đất của Tổ quốc. Cũng từ đây, dòng sông chảy về phía hạ lưu mang biết bao phù sa để nuôi dưỡng, sản sinh ra vô vàn hoa trái, lúa gạo mà còn tạo nên nền văn minh Lạc Hồng hàng ngàn năm lịch sử của dân tộc Việt Nam. Vì không thể sang được hai mốc phụ 2 và 3 nên chúng tôi lên mốc 92 (1) để thực hiện nghi lễ chào cờ.
Tạm biệt nơi ngã ba sông, tạm biệt các anh biên phòng vui tính, chúng tôi ngược đường lên Y Tý. Con đường tuần tra biên giới nhỏ bé uốn mình theo từng vách núi, phía bên kia chỉ cách một dòng sông là nước láng giềng. Qua Khu Chu Lìn, rồi A Lù, Y Tý hiện lên trước mắt khiến cả đoàn chúng tôi ngỡ mình đang đi lên thiên đường. Từng mái nhà nhỏ nép mình giữa thảm lúa vàng, tương phản với mây trời. Như một sự may mắn hiếm gặp, có những người bạn của tôi đã đi Y Tý đến cả chục lần chỉ để săn mây nhưng bất thành, và giờ thì nó ở ngay trước mặt chúng tôi. Đứng trên cao nhìn xuống, cả không gian như một biển mây, bầu trời xanh ngắt càng làm tôn thêm vẻ trắng ngần của mây. Mây luồn trên khắp đường đi, qua kẽ tay người lữ khách. Có lẽ, đó là sự trả công của mảnh đất nơi phên dậu đất nước cho những nhọc nhằn suốt đường đi của đoàn.
Lộ trình sông Cái
Sông Hồng có tổng chiều dài khoảng 1.149km bắt nguồn từ Nguy Sơn – Vân Nam – Trung Quốc ở độ cao 1.776m, phần chảy trên nước Việt dài chừng 510km, khúc giao dọc biên giới Việt – Trung là 80km. Điểm tiếp xúc đầu tiên của dòng sông này vào Việt Nam tại Lũng Pô, xã A Mú Sung, huyện Bát Xát, Lào Cai. Sông Hồng chảy qua 9 tỉnh của nước ta và được “tiếp sức” bởi các dòng sông khác như sông Đà, sông Lô, ngòi Hút, ngòi Thia… trước khi đổ ra biển Đông. Để đến được Lũng Pô, bạn phải đi từ Lào Cai, theo tỉnh lộ 155 ngược lên Bát Xát, rồi từ đó đi theo đường tuần tra biên giới, qua các cột mốc 95, 94, 93 trước khi tới mốc 92. |