Ngụm đắng Praha - Tạp chí Đẹp

Ngụm đắng Praha

Sự Kiện

Liệu đây có phải là thủ thuật mới của một gã có số kiếp phong trần và… đang yêu?


Bên Vltava, tôi ngồi một mình dưới chân bức tượng nhạc sỹ Bedrich Smetana, tác giả của một nhạc phẩm tuyệt vời ngợi ca dòng sông này.

Mùa thu, Praha nhuộm sắc vàng của lá phong, cải, ngô, bánh rơm và đất chuyển mùa. Còn hoàng hôn phố cổ thì vàng óng như một cốc bia khổng lồ. Chao nghiêng trời chiều những cánh hải âu. Chiếc thuyền cổ sóng sánh trôi qua ánh đèn lung linh và để lại những vết di mờ siêu thực. Bọt mây bồng bềnh trên bức tường pháo đài cổ. Ký ức đằm lịm, thực tại chếnh choáng, tương lai vô định…

30 năm trước, tết ấy, trong lần tụ hội đón mừng người thân vừa đi du học Tiệp Khắc trở về, lần đầu tiên uống bia Tiệp. Cũng là lần đầu tiên tôi nếm vị đắng ngắt của mối tình đơn phương.

Ngày đó, thành phố nghèo, uống bia chỉ là thượng phẩm với những người mới giàu và có phần danh gia. Vài chai bia Tiệp nguyên lành được quấn rất kỹ trong những áo len thô. Ly cốc hiếm hoi, chúng tôi sẻ chia từng giọt bia lạ lùng trong những chén uống chè lỡ cỡ và cả bát Bát Tràng méo mó. Tôi lén khoắng thêm chút đường vì nghĩ rằng sẽ nhạt bớt vị đắng của bia. Ngày đó, mấy ai có khái niệm, định nghĩa cụ thể nào về Houblon.

Tửu lượng quá kém, chỉ vài ngụm nhỏ tôi đã say bí tỉ, vậy mà vẫn mộng tưởng một ngày không xa sẽ cùng bạn gái tới Praha. Chúng tôi sẽ lên cầu đá cổ và nói cho nhau nghe về những giấc mơ thoát nghèo, cùng khát khao một khoảng trời thật sự tự do, hạnh phúc bình yên…

Nhưng thời gian trễ nải, đằng đẵng, duyên số thì lơ đễnh đến vô tình. Và… ngày bạn gái lên xe hoa, từ một nơi rất xa, trong tôi vẹn nguyên vị đắng ám ảnh, day dứt của một vài ngụm bia năm nào.

Có lần bất chợt nhìn thấy những hình ảnh vẽ về cảnh nấu và uống bia đầu tiên của loài người trên lăng mộ Pharaon ở Luxor, Ai Cập tôi lại hồi nhớ, vấn vương về tình cũ. Nhưng may mắn làm sao, hoài niệm cũng nhắn bảo: Đời người ngắn ngủi, buồn mà chi? Mọi vương triều rực rỡ, đền tháp hùng tráng và cả tình yêu diễm lệ của Cleopatra với Mark Antony rồi cũng sẽ xộc xệch, suy tàn và tan vào hư vô.

Chỉ có bia là bất tử. Mấy nghìn năm qua, thần dược đó lặng lẽ chảy qua đủ loại biến cố bất hạnh của bao kiếp người. Loại nước giải khát quyến rũ này đã âm thầm lưu chuyển trong huyết mạch bao thân thể cường tráng. Và nguồn dinh dưỡng tuyệt hảo ấy sẽ biết cách bền bỉ cấy men say cho những cuộc tình mới. Đó chỉ có thể là quyền năng sáng tạo của thượng đế, là sức mạnh của một thứ tín ngưỡng dân dã.

Có lần đứng trước bức tranh vẽ Hephaestus trong Bảo tàng London, mượn men bia, tôi cười nhạt người đàn ông có số phận hẩm hiu, bất hạnh nhất trong thần thoại Hy Lạp. Bị mẹ Hera vứt bỏ sau khi lọt lòng, có một cái chân thọt bẩm sinh và chỉ là một thần thợ rèn chẳng mấy danh giá nhưng hà cớ gì Hephaestus ép mẹ phải gán Venus làm vợ? Có phải Hephaestus đã sáng tạo ra bia cho loài người trong những ngày sống với thần tình yêu và sắc đẹp, vị nữ thần đẹp nhất thế giới Olympia? Sau nhiều lần bị cắm sừng, nghĩa đã nhạt phai, tình chẳng trọn vẹn, duyên không lành lặn, Hephaestus đã gieo muôn ngàn vị đắng vào bia để loài người mãi mãi bị trói buộc, quyến rũ, hấp dẫn?

Ba thập kỷ vút qua như bóng vó câu. Không phải cố tình nhưng bất kể dịp nào có thể, tôi đã lang thang đủ các nhà hàng bia Tiệp ở Hà Nội, Quảng Bình, Đà Nẵng, Nha Trang, Mũi Né, Sài Gòn… Cũng là cái cớ để tìm kiếm trong ngày rách việc, tháng cô quả, năm bơ vơ đó có còn gì níu kéo, lưu giữ lại ký ức mang vị đắng hậu ngọt năm xưa.

Như gió thổi, tựa mây bay, hành trình bia bọt cứ tiếp tục loang chảy tới nhiều miền đất khác lạ. Cũng để thử xem bia là gì trong cuộc đời của một gã luôn say nhưng chưa bao giờ xỉn? Bia là thế nào trong thế giới của Lưu Linh và Hephaestus? Mỗi ngụm bia là một bài luận về đàn ông, đàn bà, tình yêu và sự nghiệp, những vui buồn, thành bại?

Một ngày mùa thu huyền thoại, cố đô Kyoto ngập tràn lá đỏ. Không gì tuyệt thú hơn khi đối ẩm với giai nhân trong vườn sỏi cạn. Khung cảnh thần tiên đó giúp một ly bia Asahi trở nên tinh tế, thanh nhã hơn. Lắng lọc bụi trần thế, gạt bỏ bao âu lo thường nhật, dọn mình đến độ tĩnh tại. Vô tiền khoáng hậu. Tạm quên người đẹp, thử so đo với một ly Budweiser thì thấy hơi tiếc cho Asahi một chút. Còn thiếu cái gì đó chuyển động rất chậm của mê trình hướng đến cảm giác nồng nàn, thăng hoa.

Tôi chẳng đủ tửu lượng để một phút làm đệ tử của Lưu Linh thời Tam Quốc. Nhưng thi phẩm “Tửu đức tụng” của ông xềnh xệch kéo tôi đến cố đô Tây An, Lạc Dương, Thành Đô. Sau khi thử ngậm một ly Tsingtao, tôi thực sự thất vọng về loại bia được nhiều người Trung Quốc cho là ngon nhất đại lục này. Trung Hoa mênh mông chỉ có “tửu hảo”? Thề độc, dù có là hóa thân mới của Tào Báo, tôi sẽ tự khấu đầu để Trương Phi sỉ nhục là loại “kỳ vô phong” và đánh đập thân xác một lần nữa. Dù là kẻ “vô năng” cũng quyết là hàng tướng Lã Bố chứ không thèm nhấp thêm dù chỉ một giọt Tsingtao. So với Gambrinus thì Tsingtao nông nổi quá, hơi bị thô kệch và rất nhạt.

Mấy nghìn năm qua, thần dược đó lặng lẽ chảy qua đủ loại biến cố bất hạnh của bao kiếp người, âm thầm lưu chuyển trong huyết mạch bao thân thể cường tráng.

Vẫn chưa quên một lần ngồi trước Potala, nhấm nháp ly bia Lhasa được chưng cất trên nóc nhà thế giới. Cũng vận dụng phương pháp lên men đáy của Pils. Khác với bia Tiệp ở nguồn nước được chiết ra từ băng tuyết Everest phi phàm. Luôn được bảo ôn trong nhiệt độ lý tưởng. Được nấu bằng huskless, một loại lúa mạch đặc trưng Tibet. Nhưng so với bia Radegast, buồn một nỗi, Lhasa lại chế ra thứ ngọt mỏng, điêu toa, vội vàng táp vào đầu lưỡi để dễ chiều bụng phàm của người Hán đang sống tháu cáy, gấp gáp trên đỉnh Himalaya.

Mê mải cùng bia bọt, duyên cớ thế nào mà chiều nay chứng thực Praha một lần hóa thân làm dấu lặng trong giao hưởng tráng lệ “Má vlast” (Đất nước tôi) mà Bedrich Smetana đã viết ngợi ca Vltava.

Qua bao nhiêu xao động của cuộc đời, tôi vẫn nặng lòng với tình xưa? Hay là đã quá lời ngợi ca Praha và thiên vị bia Tiệp? Không đâu, có lẽ nơi đây đã gìn giữ, ủ, nấu từ những vơi đầy, nóng lạnh, buồn vui, ngọt đắng để cho tôi một tình yêu khác, khích lệ tôi nỗ lực, khát vọng khác thường để vượt thoát những buồn thảm của số phận.

30 năm tôi mới viết những dòng này, không phải để gửi đi lời tỏ tình đầu tiên. Đơn giản chỉ để tri ân và… xin thêm một ngụm đắng của một ngày rất xa.

Bài & ảnh Xuân Bình



Thực hiện: depweb

13/01/2012, 15:22