Ngứa - Tạp chí Đẹp

Ngứa

Làm Đẹp

Một cảm giác rất phổ biến ta gặp hàng ngày – NGỨA. Nguyên nhân ngứa thì vô cùng và cách chữa ngứa cũng đa dạng không kém. Bệnh ngứa xã hội khác ngứa thực thể ra sao? Ngứa quả là điều rất đáng nói.
 
Ngứa, ngứa lung tung

Ở một nơi nào đó trên da, có một thứ cảm giác rất khó chịu, rất bức xúc, không cho ta yên mà cách “chữa” thì đơn giản lạ lùng, chỉ việc đưa mấy ngón tay, đúng hơn là móng tay cào cào vào chỗ đó là đủ giải tỏa liền.

Ấy là ngứa, và cách cào ngón tay vào chỗ đó là gãi. Tưởng “Chuyện nhỏ!”, chẳng có gì đáng nói, nhưng tra cứu trên mạng bạn sẽ thấy một kho tài liệu cả nghìn trang mới thấy chuyện chẳng nhỏ tí nào. Tào lao về nó như một “Khám phá” kể cũng gặp đôi điều thú vị và có ích.

Hóa ra, trên 2m2 da của một người trung bình, bất cứ chỗ nào cũng có thể ngứa. Ngứa đi vào ngôn ngữ một cách phổ biến trong lời ăn tiếng nói hàng ngày. Nó chứng tỏ “cái ngứa xã hội” có thể xuất hiện lung tung ở bất cứ chỗ nào trên cơ thể. Hãy xem từ đầu trở xuống.

“Ngứa mắt” là phản ứng trước một cảnh quá lố, chẳng hạn thấy một bọn choai choai đùa nghịch suồng sã, ăn mặc hở hang. “Ngứa tai” là cảm thấy chối khi nghe một điều vô lý mà sinh ra bực dọc. “Ngứa miệng”, “ngứa mồm” là sự thôi thúc muốn nói ngay, nói huỵch toẹt ra cái điều mình không hài lòng, để trút đi sự bứt rứt, kìm giữ trong lòng (mà đôi khi không nên nói).

“Ngứa tay” là sự nghịch ngợm, táy máy dùng tay làm một điều gì đó, không tính đến hậu quả, để bớt đi sự khó chịu, ví dụ chú bé lấy sơn bôi bẩn một mảng tường mới quét vôi, cậu tân binh cầm khẩu súng vừa được cấp, bóp cò bắn chơi một phát lên trời.

“Ngứa gan”, “ngứa ruột” là cảm thấy tức giận mà cố nén trong lòng. “Ngứa tiết” là tức điên lên khi gặp một việc bất bình đến cao độ. “Ngứa nghề” là thấy bị kích thích mạnh mà muốn thực hành lại cái “chuyên môn” mà mình đã bỏ từ lâu cho thỏa lòng, kiểu mấy bác công nhân già, nổi hứng, đem chiếc xe đạp ra loay hoay chữa dù chẳng cần thiết.

Thống kê cho thấy phái đẹp ngứa nhiều hơn phái khỏe 23-25%. Rõ ràng các hormon giới tính oestrogen và progesteron phải “đứng ra nhận trách nhiệm”.
14% phụ nữ mang thai cũng thường xuyên bị ngứa, đặc biệt ở 3 tháng cuối trước khi sinh.

“Hội chứng ngứa” nếu kể còn dài từ nghĩa đen chuyển sang nghĩa bóng. Như bạn thấy đấy nó đã trượt ra ngoài sự định nghĩa “chuẩn mực” của chúng ta rồi.

Ngứa có phải chỉ xảy ra trên da nữa đâu, mà nó “ăn” vào ruột, vào gan, vào máu, thậm chí vào… nghề! Nó không thể chỉ dùng cách gãi để chữa được đâu, mà phải giải tỏa bằng hành động khác, mạnh hơn nhiều.
 
Hỏi nhà y học
 
Các bác sĩ cho biết, ngứa là một hội chứng của y học, nhiều khi là “bệnh”, thuật ngữ chuyên môn gọi là “pruritus” và “pririgo”. Pruritus (ngứa) gây ra do kích thích cục bộ, đôi khi do rối loạn thần kinh. Prurigo (ngứa sần) là bệnh ngoài da mãn tính không rõ nguyên nhân, chữa trị không có kết quả tốt và thường tái phát.

Trong số tất cả các bệnh nhân tìm đến bệnh viện, “ngứa” đứng hàng thứ hai, điều đó cho thấy nó phổ biến đến mức nào. Ngứa trực tiếp không gây chết người nhưng nhiều khi rất… kinh hoàng do các loại bệnh tiềm ẩn trong cơ thể.

Mà chẳng nói đâu xa, ngứa có thể làm bạn phát điên lên khi đứng trúng vào một tổ kiến lửa. Hàng nghìn con kiến nhỏ xíu mà hung hãn lạ kỳ, đồng tâm hiệp lực cắn ngập da để tiêm vào một chất kích thích cực mạnh là axit focmic.

Cơ chế ngứa mới được phát hiện vào năm 2001. Thủ phạm gây ngứa là một hóa chất tên là histamin, có sẵn trong dưỡng bào (mast cell) dưới da. Nó liên kết với đầu mút của dây thần kinh trên những thụ quan đặc biệt. Khi bị viêm hay dị ứng, dưỡng bào lập tức tiết ra histamin, tạo ra cảm giác ngứa ngáy và làm vùng da quanh đó bị đỏ lên. Cảm giác này truyền lên não và não lập tức ứng phó bằng cách ra lệnh cho tay gãi hoặc cọ sát vào chính nơi đang ngứa.

Song gãi chỉ là một phản ứng tự nhiên có thể giải quyết được cái ngứa nhưng không phải lúc nào cũng thành công. Gãi có thể tạo ra những vết thương mới, như nhiễm trùng, thì “hơn chẳng bõ hao”. 

Giặc ngoại xâm, giặc nội xâm

Ngứa là một phản ứng tự vệ của cơ thể. Nó báo động cho ta thấy có một tác nhân có hại nào đó xâm nhập. Hãy cảnh giác!

Chỉ một hiện tượng ngứa mà biết bao nhiêu nguyên nhân khác nhau gồm 2 loại: ngoại xâm và… nội xâm. 

Giặc ngoại xâm khá nhiều. Chúng có thể là những con côn trùng tí honnhất là những con ghẻ… Đã có thời bọn “quân Nguyên” này tràn lan nơi ký túc xá các trường Đại học “ghẻ là thẻ sinh viên”.

Rồi muỗi, kiến, sâu róm, bọ nẹt, bọ xít và hàng trăm loại côn trùng khác trên rừng, dưới biển. Chúng còn là hàng chục loại vi khuẩn, nấm… sinh sôi nảy nở, bám rễ trên da, nhất là tại những vị trí kín đáo, không bao giờ thấy ánh mặt trời. Nó cũng có thể là tia cực tím cường độ cao ta nổi cơn hâm ra dạo ngoài bãi biển giữa trưa hè nắng gắt.

Hiếm nhưng cần đề phòng: một bộ quần áo mới mà da của chúng ta… không thích rất có thể phản đối chúng ta bằng cách gây ngứa.  Đồ nữ trang lung linh trên cổ, trên tai, trên cổ tay, ngón tay của các quý bà quý cô cũng không bị loại trừ. Vàng ròng 24K không sao chứ vàng tây 17K, 12K, 10K chứa Nikel rất có thể gây ngứa. Ác một nỗi, chúng không gây ngứa ngay nơi đeo mà có khi chui lủi, “đánh tập hậu” ở vị trí khác, khiến ta khó xác định nguyên nhân.

Rồi bao nhiêu thứ giặc ngoại xâm nữa. Nào là những hóa chất kích thích da, nào là chất nhựa trên củ khoai sọ chưa nấu chín, nào là những chiếc lá có lông nhỏ li ti, rất rặm như chiếc lá han… đều là những tác nhân gây ngứa nguy hiểm. Rất có thể, các loại mỹ phẩm thơm tho cũng có thể gây ngứa cho một số người.

Cuối cùng là bầu không khí bụi bặm, chứa phấn hoa hoặc chẳng chứa gì, chỉ ở nhiệt độ thấp và độ ẩm không cao. Cái rét buốt của mùa đông đối với nhiều người cũng gây ra những cơn ngứa khủng khiếp. Ngứa còn gắn bó với các bệnh ngoài da như hắc lào, vảy nến, chàm…

Giặc nội xâm nhiều không kém. Những thức ăn không thích hợp với cơ địa đối với từng người, nhất là các loại thực phẩm như tôm, cua, ốc, ba ba, cá ngừ rồi thịt bò, rượu… gây dị ứng, nổi mẩn, phát ban và kéo theo những cơn ngứa vô cùng khó chịu. 

Dù sao đây cũng là nguyên nhân trực tiếp. Còn có những nguyên nhân sâu xa hơn là những bệnh tật “mai phục” trong cơ thể mà ngứa là hình thức thể hiện. Bệnh hoàng đản (vàng da) do máu có quá nhiều sắc tố mật, bệnh tăng hồng cầu, bệnh thận, bệnh tiểu đường, bệnh ung thư, thậm chí… sự mang thai của các bà bầu đều có thể là nguyên nhân gây ngứa mà biện pháp gãi hầu như không tác dụng.

Khi một vết thương sâu trên da bắt đầu lành, lên da non cũng là lúc những đầu mút thần kinh được cấu tạo lại, bị kích thích cũng làm ta ngứa ngáy không yên. Những cơn ngứa có nguyên nhân “nội xâm” thường kéo dài, có thể là mãn tính, đòi hỏi phải xác định đúng nơi xuất phát mới có thể chữa tận gốc. 

 Cuối cùng phải kể đến nguyên nhân tâm lý. Bị ám ảnh bởi sự ngứa, cũng làm mình ngứa mãi không thôi.
 
Làm sao cho khỏi ngứa?
 
Câu trả lời lập tức đến, rất tự nhiên: Gãi! Nhưng các thầy thuốc khuyên đừng gãi nếu không phải những trường hợp quá… nhẹ nhàng. Cũng như mọi bệnh khác, có “phòng” và có “chữa”.

Phòng là loại trừ trước những nguyên nhân gây ngứa. Đó là cách ly khỏi những côn trùng trong số này rất nhiều loài có thể làm ta ngứa. Dùng màn, bôi những thuốc xua đuổi, phun thuốc diệt côn trùng. Những thức ăn thừa rơi vãi chẳng khác gì dụ kiến lửa đến đốt. Trong những chuyến du lịch bụi, nên mang theo những loại thuốc bôi để làm loãng chất kích thích khi bị côn trùng cắn.

Quần áo, nhất là quần áo lót, bằng sợi tổng hợp là một nguy cơ tiềm tàng, tránh dùng nếu có thể. Giặt thật sạch khỏi các chất tẩy rửa.

Muốn đỡ ngứa do thời tiết nóng và khô, có thể chườm nước đá và dùng máy làm ẩm (humidifier) vào ban đêm.

Cố gắng không ăn uống những thứ không thích ứng với cơ địa của mình để khỏi bị dị ứng – một “cuộc đấu tranh” rất khó khăn khi nghỉ hè ngoài biển trước lời kêu gọi thiết tha của các món hải sản đầy sức quyến rũ. Tránh các đồ uống làm giãn mạch như càphê, rượu, nước nóng…

Đã bị ngứa thì phải chữa. Là bệnh ngoài da, trước hết hãy dùng các thuốc chữa bệnh ngoài da thông thường. Ví dụ crotamiton dạng mỡ, có tác dụng giảm ngứa, chống trầy xước, giảm bội nhiễm. Thuốc phức tạp hơn, cần lời khuyên của bác sĩ. Vài loại phổ biến nên biết là:

– Thuốc chứa corticosterod: uống, tiêm hay xoa lên chỗ ngứa, có tác dụng làm giảm viêm. Sử dụng thận trọng và không kéo dài.

– Thuốc chống histamin: giảm các triệu chứng của dị ứng như điphenyliamin (Benadryl), nhưng gây buồn ngủ. Người làm việc tập trung điều khiển xe không nên dùng.

– Thuốc giảm đau: làm dịu cơn ngứa ví dụ axetominophen (Tylenil) hoặc Aspirin
 
Khi ngứa chỉ là thể hiện bên ngoài của một bệnh nào đó tiềm ẩn bên trong cơ thể (gan, mật, máu, tiểu đường… chẳng hạn) thì nếu chữa khỏi hoặc kìm hãm các bệnh này, những cơn ngứa sẽ… mất gốc, biệt tăm và chẳng cần đề cập đến làm gì. Tất nhiên, sự truy tìm căn bệnh tốn nhiều công phu và không ai thay được bác sĩ chuyên khoa.

Sắp kết thúc bài viết này, tôi bỗng cảm thấy ngứa râm ran, ngứa toàn thân. “Con ngứa” trả thù chăng? Hay chỉ là trạng thái ám ảnh tâm lý như đã trình bày. Tôi đưa tay gãi thì chợt nhớ ra, trong Kinh Phật và Kinh Thánh đều có nói: khi ngứa, cứ bình tĩnh, làm như không hề có nó, để toàn bộ tinh thần tập trung vào điều mình đang suy nghĩ, thì cơn ngứa sẽ tiêu tan.

Tôi cố gắng tự nhủ “Quên nó đi !” như lời các đấng Thích Ca và Jésus dạy. Mười giây… ba mươi giây… một phút… hai phút… Quả nhiên hoàn toàn hết ngứa./.

Thực hiện: depweb

09/08/2006, 11:06