Ngủ kém có thể làm tăng nguy cơ khởi phát sớm bệnh Alzheimer

Theo kết quả này, bệnh Alzheimer – căn bệnh đứng thứ sáu gây tử vong ở người lớn – được cho là sẽ trầm trọng hơn nếu giấc ngủ bình thường bị gián đoạn.

Trang Sputnik dẫn nguồn từ báo cáo cho biết các nhà khoa học lưu ý rằng những thói quen xấu trong giấc ngủ góp phần làm tăng lượng hóa chất gây ra căn bệnh chết người.

Theo Ibtimes, sự tích tụ các protein, amyloid beta và protein tau thành mảng bám và rối trong não gây ra bệnh Alzheimer, một chứng bệnh thoái hóa thần kinh, khiến 60-70% trường hợp bị sa sút trí tuệ và thậm chí tử vong chỉ trong vòng 3-9 năm sau khi có chẩn đoán chính xác.

1307mattri
Ảnh minh họa

Kết quả nghiên cứu được thực hiện ở 17 nam giới và nữ giới ở độ tuổi 35-65 với việc đeo tai nghe trong khi ngủ. Trong khi ngủ, những người tham gia thử nghiệm đã nghe tiếng bíp to khiến mô hình giấc ngủ sóng chậm trong não bị gián đoạn, dẫn đến giấc ngủ nông.

Những người này sau đó được tiến hành thủ thuật chọc dò tủy sống vào sáng hôm sau, đo hàm lượng dịch amyloid beta, tau protei bao quanh não và tủy sống. Kết quả cho thấy, khi giấc ngủ bị gián đoạn, mức độ amyloid-beta được đo cao hơn nhiều.

Các nhà khoa học cũng lưu ý rằng những người mất ngủ mãn tính có nguy cơ bị tích tụ nhiều loại protein này trong não, có thể dẫn đến bệnh Alzheimer.

Trưởng nhóm nghiên cứu cho biết: “Ngủ kém có thể dẫn đến nồng độ amyloid cao, những nghiên cứu trên động vật cũng cho thấy mất ngủ khiến nguy cơ gia tăng các mảng amyloid và bệnh Alzheimer.”

Hiệp hội Bệnh Alzheimer cho rằng căn bệnh Alzheimer “không chỉ đơn giản là lão hóa” mà là căn bệnh có trạng thái mất trí nhớ tiến triển, không phục hồi và cũng không có phương pháp nào chữa trị được.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, số người tử vong do căn bệnh Alzheimer ở nước này đã tăng 55% trong vòng 15 năm, từ 44.536 ca tử vong do bệnh này năm 1999 lên 93.541 ca tử vong vào năm 2014.


From the same category