Mấy hôm nay, tàu cá lưới vây QNa 95009 của ngư dân Phạm Văn Lâm (36 tuổi, trú tại thôn Tân An, xã Bình Minh, H.Thăng Bình) vẫn chưa thể ra khơi vì 8 bạn thuyền hiện vẫn bị nổi mẩn ngứa khắp người. “Cách đây khoảng một tuần, tàu chúng tôi đang đánh bắt cách đất liền khoảng 1 hải lý thì bất ngờ loài bướm này xuất hiện. Chúng bu bám, vây kín cả hệ thống đèn tàu khiến cho hoạt động đánh bắt rất khó khăn. Nghĩ sẽ không sao nên chúng tôi tìm cách xua đuổi, ai ngờ sau đó, nhiều anh em trên tàu đã bị nổi mẩn ngứa”.
Theo ông Lâm, đã nhiều năm đánh bắt trên biển nhưng chưa bao giờ ông gặp loài bướm có thể gây ngứa đến như vậy. Trước đây, khi đánh bắt xa bờ, nhiều lần bướm cũng kéo về bay lởn vởn quanh đèn đánh cá nhưng không hề gây ngứa. Trong nhiều hải trình đi biển cả tháng trời, đến tận các vùng biển thuộc tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên-Huế, chưa bao giờ các ngư dân gặp phải loại bướm này.
Trong số các thuyền viên bị loài bướm lạ “tấn công”, ông Nguyễn Văn Nông (54 tuổi), thuyền viên tàu QNa 95009 là người bị nặng nhất. Toàn thân ông Nông đều nổi mẩn đỏ, tập trung nhiều nhất ở ngực, lưng, đùi… Suốt mấy ngày qua, ông Nông mất ăn mất ngủ vì quá ngứa.
“Ngứa đến mức tôi phải dùng lưới đánh bắt cá chà lên chỗ nổi mẩn đỏ mới bớt. Mấy hôm trước, do ngứa quá nên tôi gãi đến tứa máu. Giờ uống thuốc và bôi thuốc mỡ dù có đỡ hơn nhưng vẫn không khỏi”, ông Nông kể.
Nhiều ngư dân khác cho biết, cứ thấy ánh đèn, không biết từ đâu đàn bướm cứ thế ồ ạt bay về. Bất chấp họ có xua đuổi thế nào đàn bướm cũng không chịu bay đi. Không chỉ riêng thuyền viên trên tàu QNa 95009 bị ngứa khi gặp loài bướm này mà nhiều người khác trên hàng chục tàu cá đánh bắt ở các vùng biển cách bờ hàng chục hải lý cũng gặp tình trạng tương tự.
Ông Trần Ngọc Bảy (47 tuổi) nói: “Rút kinh nghiệm sau nhiều lần chạm mặt với đàn bướm, lần nào có dấu hiệu bướm bay về là chúng tôi liền tắt đèn. Sau khi đàn bướm bỏ đi chúng tôi lại bật đèn lên để đánh bắt. Nhưng điều khiến nhiều anh em chúng tôi bất ngờ, là khi bật đèn lên, đàn bướm liền từ dưới mặt nước biển bay lên”.
Theo lời ông Bảy, đã nhiều lần ông chứng kiến đàn bướm nổi lềnh bềnh trên mặt nước. Tưởng do không có ánh sáng nên bướm đã rớt xuống biển và chết, thế nhưng khi đèn đánh cá bật sáng, đàn bướm từ mặt biển lại bay lên.
Ngày 20.8, chúng tôi tìm đến nhà từng ngư dân chưa thể ra khơi vì bị nổi mẩn ngứa để tìm hiểu. Nhiều ngư dân đã cho chúng tôi xem hai mẫu bướm gây ngứa mà họ bắt được. Qua quan sát, có thể nhận thấy đây là một loài bướm có toàn thân màu trắng, sải cánh khi bay rộng chừng 3 cm. Loài bướm thứ hai có kích thước lớn hơn, màu vàng, sải cánh rộng chừng 5 cm. Cả hai loài bướm này đều mang trên mình nhiều phấn. Theo các ngư dân, chính loại phấn này đã gây ngứa. Nếu càng gãi thì mụn đỏ càng lây lan.
Ông Trần Công Minh, Chủ tịch UBND xã Bình Minh, cho biết: “Nguyên nhân cụ thể của việc bướm lạ gây ngứa cho ngư dân hiện chúng tôi vẫn chưa xác định được. Tuy nhiên, theo phỏng đoán của chúng tôi, rất có thể do thời tiết thay đổi nên xuất hiện các loài bướm lạ mang trên mình độc tố. Chúng tôi đã có kiến nghị lên Trung tâm Y tế H.Thăng Bình để kiểm tra và xác định nguyên nhân cụ thể”.
Thanh Niên Online đã ghi lại những hình ảnh về loài bướm lạ này trên tàu của các ngư dân giữa biển:
|
|
|
|
|
|
|
|
Theo Thanh Niên