Ngôi sao thời "Youtube" hay sự dễ dãi của truyền thông? - Tạp chí Đẹp

Ngôi sao thời “Youtube” hay sự dễ dãi của truyền thông?

Review

Vẫn luôn nằm trong Top đầu của những bảng xếp hạng âm nhạc hàng đầu thế giới, tuy nhiên, các ca khúc ngày nay không cần còn cần đến những thước đo giá trị chuẩn mực về chất lượng hay sức sống bền bỉ của ca khúc như của các thập niên phát triển rực rỡ khác nữa. Các ngôi sao ca nhạc ngày nay đã được “hợp thức hóa” bởi sức mạnh của cộng đồng mạng và sự tiếp tay “điên rồ” của giới truyền thông.

Ngôi sao “chín ép” của các sô truyền hình thực tế
 
Thực không khó để có thể điểm ra hàng loạt những cuộc thi tài năng ca hát mang tính chất của một chương trình truyền hình thực tế như: các phiên bản của Idols, các phiên bảng Got Talent, X-Factor, The Voices,… Đây cũng là một điều dễ hiểu bởi âm nhạc là con đường nhanh nhất và ngắn nhất để đưa người ta đến gần với công chúng. Do đó, dẫu có là “Cuộc thi tài năng” như chương trình Got Talent theo phiên bản của các nước, thì nội dung thi thố ca hát vẫn có số lượng thí sinh áp đảo, và đêm chung kết cũng sẽ giống như những cuộc thi thuần ca hát như các cuộc thi tìm kiếm Idols.
 
Những cái tên trưởng thành và thành công từ các cuộc thi này trở thành đích đến cho rất nhiều những thí sinh tham dự của các mùa sau, như Kelly Clarkson (A.I 2000), Leona Lewis (X-Factor 2006),… cho đến những cái tên vẫn tỏa sáng dù không bước lên bục vinh quang cao nhất như Susan Boyle (Britain’s Got Talent 2009) hay Adam Lambert (A.I 2009),… Cùng với sự hỗ trợ từ các kênh mạng trên toàn thế giới, các show truyền hình thi thố tài năng ngày càng bành trướng, hàng loạt những “format” mới ra đời với mục đích thỏa mãn thị hiếu của khán giả nhiều hơn là thực sự quan tâm đến chất lượng thí sinh.
 
Chính hệ lụy đó đã buộc các nhà tổ chức phải đau đầu nghĩ cách để kéo khán giả đến với chương trình. Ngay cả với cuộc thi lâu năm như American Idols cũng đã dần nhạt đi bởi tài năng của các thí sinh ngày càng trở nên hiếm hoi, nhạt màu, và ít ấn tượng. Do đó, BTC buộc phải mở rộng “biên độ” giới hạn độ tuổi để tìm kiếm những ngôi sao mới với tương lai rộng mở hơn. Khi đã hết những “nhân tài” lớn tuổi, các cuộc thi bắt đầu chuyển xu hướng qua tung hô những thí sinh non trẻ còn chưa vỡ giọng hòng nhận được sự đồng thuận từ đại số đông công chúng khán giả. 
 

Connie Talbot

BGK của các cuộc thi đã thể hiện rất tốt khả năng của mình khi không ngừng ca ngợi tài năng của các “nhóc tì”, gắn kèm với hai chữ “Thiên tài” như: Connie Talbot (Britain’s Got Talent 2007), Jack Vidgen (Australia’s Got Talent 2011), hay Ronan Parke (Britain’s Got Talent 2011),… Và tất nhiên, những gương mặt này trở thành ngôi sao “chín ép” của các chương trình thực tế, được giới truyền thông săn đón trong thời điểm cuộc thi diễn ra, và khán giả thì hào hứng với sự bủa vây về một “tài năng tương lai” tỏa sáng bất chấp những giá trị cần có để xác định một tài năng.

Trong số những sự giúp sức để biến các ngôi sao “chín ép” thành hiện tượng “Thiên tài” không thể không kể đến kênh Youtube với sức lan tỏa và ảnh hưởng mạnh mẽ trong cộng đồng mạng hiện nay. Từ một thứ quyền lực “ảo”, các netizen đã thể hiện sức mạnh khi có thể biến những nhận xét, những lời tung hô, ca ngợi thành một hiện tượng toàn cầu. Cùng với sự phát triển không phanh hãm của thế giới phẳng, san bằng những ranh giới quốc gia, chỉ cần trở thành “hiện tượng” Youtube, đồng nghĩa bạn sẽ được giới truyền thông săn đón nhờ sức mạnh của một tập thể ảo không hề kém cạnh những khán giả của các sô truyền hình thực tế.

Đến ngôi sao thời “Youtube”

Bản thân Youtube cũng đã từng “lăng xê” rất thành công những tên tuổi trên mạng, biến họ thành những ngôi sao trong đời thực thông qua những sô biểu diễn do chính Youtube tổ chức thực hiện. Tiêu biểu như Jerry C – gương mặt “hot” của Youtube với bản cover Canon in D phiên bản Rock từng gây đình đám một thời gian dài trong cộng đồng mạng. Và sau đó là cuộc “săn” của giới truyền thông, những bài phỏng vấn, talkshow, những lịch mời biểu diễn trên sóng truyền hình quốc gia của các nước cũng đã được mang đến cho anh chàng này. Hay một cái tên đình đám không kém khác chính là Lana Del Rey, cô gái với chất giọng lạ và phong cách quý phái nổi lên nhờ Youtube, giờ đã trở thành một “của hiếm” trong làng nhạc trẻ hiện nay.
 
Nhưng đã nhắc tới Youtube, không thể không kể đến cái tên Justin Bieber, gương mặt trẻ măng non tơ với vẻ ngoài “baby” đã trở thành “huyền thoại” trong lịch sử Youtube với số lượt người nghe dễ khiến bất cứ ai choáng váng. Chỉ cần gõ cái tên Justin Bieber lên Youtube, và tất cả những gì có dính đến tên Justin đều mang lại một con số “view” ngất ngưỡng, bỏ xa bất cứ một cái tên “diva” hay “divo” tầm cỡ nào đó khác. Và quả là không ngoa khi nói rằng Youtube đã rất thành công trong việc đẩy cái tên Justin Bieber lên thành “cậu bé vàng” của làng nhạc Pop hiện nay với những show diễn lớn nhỏ khắp thế giới luôn trong tình trạng cháy vé và được săn đón không kém bất cứ một ngôi sao nào khác.
 

Từng được đề cử giải Grammy lần thứ 53 cho danh hiệu “Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất” nhưng Justin Bieber vẫn bị các antifans “ném đá” không thương tiếc

Để đạt được sự thành công đó, tất nhiên phải cần đến những mánh khóe của ông bầu Scooter Braun, cùng sự giúp đỡ hết mình của Usher – tay ca sĩ kiêm nhạc sĩ nổi tiếng thế giới của thể loại R’nB, nhưng trên hết, vẫn là nhờ vào sự “giúp đỡ vô tư lự” cuồng nhiệt của các fans hâm mộ “ảo” về một hình tượng ca sĩ “tóc vàng, mắt xanh, xinh long lanh và không cần phải hát quá hay”. Kết hợp với những lời khen có cánh từ các ca sĩ đã có uy tín như Will.I.Am (cựu thành viên The Black Eyed Peas), hay Justin Timberlake, những “mảng miếng truyền thông” đã được tận dụng đến mức tối đa để đẩy cái tên Justin Bieber ra khỏi thế giới ảo, bước chân vào không gian của các ca sĩ chuyên nghiệp đẳng cấp quốc tế một cách rất dễ dàng. 
 
Sức ảnh hưởng hào quang của Justin Bieber mạnh mẽ đến mức bất cứ cái gì có dính đến cậu trai trẻ này đều trở nên… nổi tiếng. Minh chứng cho điều đó chính là ca khúc Call me, maybe của Carly Rae Jepsen. Từ một cái tên vô danh, Carly đã trở thành “sao” Youtube chỉ sau một đêm nhờ Justin Bieber hào hứng “cover” lại ca khúc của cô và tải lên mạng. Cùng với sự giúp đỡ nhiệt tình của các fans hâm mộ Justin, ca khúc này đã vượt ra khỏi “biên giới” ảo để bước vào đời thực với vị trí No.1 trên bảng xếp hạng Billboard Hot 100, và trở thành hiện tượng mới toàn cầu, kéo theo sự nổi tiếng của cái tên Carly trong làng âm nhạc thế giới. 

Sự dễ dãi của truyền thông

Tuy nhiên, có một thực tế cho thấy rằng, dẫu được phủ đầy hào quang của những thành công vang dội, xuất hiện liên tục trong các sô ca nhạc được đầu tư, kết hợp thu âm cùng những “sao bự”, cũng như từng được đề cử giải Grammy lần thứ 53 cho danh hiệu Nghệ sĩ mới xuất sắc nhất, nhưng Justin Bieber vẫn bị các antifans “ném đá” không thương tiếc. Trên các diễn đàn âm nhạc, cũng như trong bất cứ MV nào của Justin trên Youtube đều xuất hiện những câu mỉa mai chê bai khả năng ca hát của cậu. Chính sự thổi phồng quá mức khả năng của Justin của giới truyền thông, cùng sự hâm mộ mù quáng của các “Belieber” đã khiến các antifans ngày một nhiều hơn, thậm chí, dân yêu nhạc còn sẵn sàng gắn cho Justin hình ảnh của thảm họa âm nhạc hiện nay với những ca khúc có chất nhạc bình thường, lời lẽ sáo rỗng và giọng hát chỉ thuộc hạng tầm tầm bậc trung. Tương tự như Justin, ca khúc của Carly thuộc dạng dễ nghe, dễ thuộc, và… không thực sự xuất sắc dẫu rằng các ca khúc của cô vẫn đang trụ vững trên các bảng xếp hạng hiện nay.
 
Tương đồng với điều đó, các cuộc thi mang tính truyền hình thực tế cũng đang rơi vào nguy cơ “khủng hoảng nhân tài”. Chính sự đổ bộ ồ ạt của các chương cùng sự lên ngôi liên tục của các “tài năng ca nhạc”, hết mùa này đến mùa khác, hết chương trình này đến cuộc thi khác, đã tạo nên một sự đào thải khắc nghiệt dành cho tất cả những gương mặt đã được vinh danh. Họ nhanh chóng mờ nhạt và bị lãng quên sau một mùa giải, trong khi khán giả lại vẫn tiếp tục hào hứng bình chọn cho những gương mặt mới, cái tên mới, thay vì quan tâm đến chất lượng của những dự án âm nhạc thực sự của các thí sinh sau khi đăng quang. 
 
Những cái tên thành danh khác thì vất vả với những dự án âm nhạc để có thể chật vật trụ lại trong lòng khán giả, còn nếu không, tên của họ sẽ bị xóa nhòa như bất cứ một ngôi sao băng nào đó khác. Những ngôi sao “chín ép” đều đã bước ra khỏi hào quang của các cuộc thi đến với các hợp đồng ghi âm với các hãng đĩa danh tiếng, ra mắt album, rồi cũng nhanh chóng bị “đá đít” bởi kết quả thu về quá lẹt đẹt, và không còn ai nhắc đến những “tài năng thiên bẩm” ấy nữa. Điều này gợi nhớ đến những cái tên đình đám một thời như Gilman hay Charlotte, tất cả đều đã không còn vết dấu trong làng nhạc hiện nay. Đó là một thực tế phũ phàng không thể chối bỏ hiện nay khi mà quyền lực cuối cùng nằm trong tay khán giả, cùng với mức lợi nhuận kếch xù thu lại của các nhà tổ chức, thì các cuộc thi sẽ trở thành đấu trường “mua vui” là chính, sau đó mới đến năng lực thực sự của các thí sinh.
 
Điếu đó khiến người ta phải đặt câu hỏi về năng lực thực sự của các ca sĩ trẻ thời nay: những ngôi sao sớm nở tối tàn. Liệu rằng đấy có phải là hệ quả của một quá trình đào thải khắc nghiệt, hay “Reality show” chỉ là cái cớ để khán giả thỏa mãn cái quyền nâng lên hạ xuống của mình chỉ để vui trong chốc lát, rồi những mùa giải mới lại đến, vòng quay lại tiếp tục: những cái tên được xướng lên rồi lại mất tăm vết dấu. Phải chăng, đã đến lúc mỗi người cần phải đặt câu hỏi cho lòng trung thực, cũng như “gout” thẩm mỹ âm nhạc của chính bản thân mình để không góp phần vứt thêm rác vào sự hỗn loạn quá tải của cái được gọi là “âm nhạc” hiện nay?
 

Chương trình “The Voice of UK” 

 
 

Connie Talbot đạt Á quân Britain’s Got Talent 2007 năm 6 tuổi. Cô bé kí hợp đồng với hãng thu âm Rainbow và cho ra mắt album “Over the Rainbow” vào ngày 26/11 năm 2007. Album bán được 250.000 bản trên toàn thế giới, và nhận khá nhiều những lời chỉ trích từ các nhà phê bình.

–  Ronan David Parke đạt Á quân Britain’s Got Talent 2011 năm 13 tuổi và giành được hợp đồng với hãng đĩa Syco Music do Simon Cowell sáng lập. Tuy nhiên, chưa đầy 1 năm sau hợp đồng này đã bị cắt với một số thông tin ngoài lề do album đầu tay của cậu bị ế ẩm. 

– Jack Vidgen được vinh danh ngôi vị quán quân Australia Idols 2011 năm 14 tuổi. Cậu giành được hợp đồng với hãng thu âm Sony Music Australia, nhanh chóng cho ra mắt album “Yes I am” vào ngày 19.8.2011 và đạt No.3 trên bảng xếp hạng ARIA Albums Chart. Cậu cho ra mắt album thứ 2 mang tên Inspire vào ngày 27.4.2012, nhưng thành tích cực kỳ lẹt đẹt chỉ xếp thứ hạng 23 trên bảng xếp hạng này.

– Ca khúc “Baby” – single trích từ album “My World 2.0” của Justin Bieber đạt con số gần 760 triệu lượt view, không kể đến những phiên bản khác của ca khúc này được up lên bởi fans hâm mộ, bỏ xa tất cả những cái tên đình đám khác để ghi danh trong lịch sử của Youtube.

– Album “My World 2.0” cũng đã giành vị trí quán quân tại Billboard 200 và giúp Bieber trở thành ca sĩ solo trẻ nhất từ năm 1963, sau khi Stevie Wonder cũng đạt dược thứ hạng tương tự lúc ông 13 tuổi. Không những thế, album này còn giữ vị trí No.1 ở các bảng xếp hạng: Canadian Albums Chart, Irish Albums Chart, Australian Albums Chart, New Zealand Albums Chart và đứng trong top 10 của các bảng xếp hạng ở 15 nước khác.

– Những fans hâm mộ của Bieber được gọi là Bilieber.

– Ca khúc “Call me, maybe” của Carly gây được sự chú ý nhờ Justin Bieber “cover” lại cùng người yêu Selena Gomez, và nhanh chóng giúp ca khúc này leo lên Top Billboard Hot 100 trong vòng 3 tuần sau đó. Carly đã 26 tuổi.

Theo TGNNT

Thực hiện: depweb

14/08/2012, 14:26