Ngôi sao nào cho Điện ảnh Việt

Lần trước, Đẹp đã cùng bạn đề cập đến sự khó khăn của điện ảnh khi đã bị mất sức hút đối với thị trường, trong đó lý do số 1 là đã một thời gian dài không còn những cái tên như Thế Anh, Trà Giang, Chánh Tín, Thu Hà, Việt Trinh, Lê Công Tuấn Anh.

Chưa bao giờ điện ảnh lại thèm ngôi sao như bây giờ. Hãy cùng trao đổi vấn đề nan giải này cùng 3 đạo diễn (Lê Hoàng, Vũ Ngọc Đãng, Bá Vũ) và nhà sản xuất tư nhân Phước Sang, Giám đốc Hãng phim Phước Sang vừa thắng lớn với “Khi đàn ông có bầu”.

Đạo diễn Bá Vũ: Cố tình chọn diễn viên nam bởi trên thế giới chỉ có nam tài tử mới tạo nên những cơn sốt cuồng nhiệt với các fan nữ hâm mộ.

Sắp bấm máy bộ phim đầu tay “Khách sạn không đèn”, song công ty riêng Việt Cast của anh đã có công nhiều trong việc casting, tìm kiếm ngôi sao Việt cho “Người Mỹ trầm lặng” và một loạt diễn viên trẻ cho phim truyền hình “Dốc tình”…

Đạo diễn giỏi sẽ tạo nên diễn viên ngôi sao, anh nghĩ sao?

Đúng, nhưng hiện chưa phù hợp ở Việt Nam lắm. Ta từng có đạo diễn có tiếng cố lăngxê một nữ diễn viên, tạo cơ hội cho cô ấy đóng vai chính trong gần hết những phim của mình và kết quả ra sao thì mọi người đã biết!

Đạo diễn giỏi không chưa đủ, phải đi liền với bộ phim xứng tầm mới được.

Tôi không dám nói mình sẽ hô biến ai đó trở thành ngôi sao, nhưng tôi tự hào mình rất mát tay khi phát hiện ra những viên ngọc thô. Trước đây là Mộc Miên, Đỗ Hải Yến và mới đây là Tăng Thanh Hà…

Theo tôi, hiện nay hai gương mặt có tố chất thật sự của một ngôi sao điện ảnh (tất nhiên nếu may mắn gặp đúng đạo diễn và đúng phim). Đó là Tăng Thanh Hà và Hồ Ngọc Hà!

Chắc họ đều không phù hợp vai nên anh đã phải tìm diễn viên mới cho bộ phim đầu tay của mình. Tại sao lại là Quách An An, một ca sĩ hạng C không tiếng tăm cho vai nữ chính?

Tôi thích cảm giác phát hiện ra một gương mặt mới. Thật ra vai diễn của Quách An An trước đây dành cho người mẫu – diễn viên H, nhưng sau này không hợp tác được do bất đồng quan điểm.

Vai không khó, nhưng lại rất sốc và là vai ấn tượng nhất của “Khách sạn không đèn”. Đã có lúc tôi tính mời một ca sĩ xinh đẹp và nổi tiếng khác, song cô ấy quá bận rộn.

Tình cờ, tôi thấy Quách An An trên lịch và ngay lần gặp đầu tiên tôi biết mình đã tìm đúng người. An An không đẹp theo kiểu minh tinh nhưng lại toát lên sức hấp dẫn. Quan trọng, An An nhiệt tình, chịu khó và nghiêm túc làm việc.

Tại sao bộ phim anh lại cần một ngôi sao Hàn Quốc mà không phải là Hồng Kông, Trung Quốc hay Đài Loan, cũng có những sức hút tương tự đối với khán giả Việt? Mà tại sao nhất định phải là nam tài tử mà không là một nữ ngôi sao?

Không phải là vì phim tôi có sự hậu thuẫn của Hàn Quốc về kỹ thuật thì tôi mới “nhét” một diễn viên Hàn vào, mà ý tưỏng đã có ngay từ khi xây dựng kịch bản.

Việc đưa một diễn viên Hàn Quốc vào “Khách sạn không đèn” là có mục đích phát hành phim ở ngoài Việt Nam. Tại sao lại là Hàn Quốc vì các nam diễn viên của họ ảnh hưởng sâu rộng đến không chỉ khán giả Việt Nam mà còn cả châu Á hiện nay.

Việc chọn diễn viên nam là cố tình, bởi trên thế giới chỉ có nam tài tử mới tạo nên những cơn sốt cuồng nhiệt với các fan nữ hâm mộ.

Tại sao lại là thể loại phim kinh dị cho bộ phim đầu tay, thưa anh?

Hiện rất nhiều người ủng hộ, nhưng có gấp đôi số ấy nghi ngờ, thậm chí bĩu môi trước sự lựa chọn điên khùng của tôi, đơn giản vì nó quá mới mẻ và chưa có tiền lệ tại Việt Nam.

Chắc chắn khi phim ra, nhiều người sẽ xem phim của tôi bằng kính hiển vi, nhưng tôi tin rằng số đông khán giả sẽ chấp nhận vì lựa chọn thể loại này là vì họ.

Điều quan trọng nhất, tôi nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của nhà đầu tư, dám bỏ ra 2 tỷ đồng cho một kẻ chưa từng làm phim như tôi. Thậm chí chỉ cần hòa vốn, họ sẵn sàng đầu tư tiếp cho bộ phim kinh dị thứ 2 của tôi, đã có ý tưởng kịch bản với tựa đề “Đừng ngủ một mình”.

Phim ma – quan trọng nhất ở khâu hóa trang ma đề “hù” khán giả. Anh giải quyết khó khăn kinh niên của điện ảnh Việt này như thế nào? Phim sẽ làm kỹ xảo ở đâu?

Theo thỏa thuận thì sẽ có chuyên gia hóa trang hiệu quả đặc biệt từ Hàn Quốc sang. Nhưng tôi đang có Trần Tùng Châu, một chuyên viên hóa trang VN còn rất trẻ – 23 tuổi, đã từng được Hàn Quốc đào tạo về nghệ thuật hóa trang.

Đã thử tay nghề Châu nhiều lần rồi nên tôi cũng không lo ngại lắm, nhưng nếu có chuyên gia của Hàn thì sẽ yên tâm hơn nhiều.

Phim kinh dị Mỹ trong thời gian 10 năm trở lại đây có nội dung quá nhạt nhẽo, nên họ phải dùng nhiều kỹ xảo phức tạp để câu khách. Song phim châu Á tập trung vào câu chuyện và thủ pháp dàn dựng. Theo thăm dò, ai cũng phải công nhận xem phim ma châu Á mới sợ. (Ngay cả Mỹ cũng phải sang châu Á mua lại kịch bản phim kinh dị về dựng lại như The Ring, The Grudge, The Eye.

Phim của tôi hoàn toàn không có kỹ xảo, mà chỉ “nhát ma” bằng âm thanh và không khí của bộ phim.

Đặc điểm và công thức “chế tạo” một ngôi sao màn bạc

Những đặc điểm của một một ngôi sao màn bạc theo các anh?

Lê Hoàng: Là người xinh đẹp (cả nam và nữ). Đóng được nhiều loại vai. Tham lam nhưng không ngốc nghếch. Đọc kịch bản trước khi nhận lời. Không phải tờ báo nào cũng xuất hiện.

Vũ Ngọc Đãng: Là người có thể kéo khán giả đến rạp, bất kỳ phim hay phim dở, bất luận họ diễn dở hay diễn hay.

Phước Sang: Là thần tượng của giới trẻ, sự xuất hiện của họ đảm bảo cho độ an toàn doanh thu của phim.

Công thức chế tạo Sao của riêng các anh?

Phước Sang: Thành Long không đẹp nhưng đang là ngôi sao đắt giá nhất châu Á. Vẻ đẹp không phải là tất cả, cái tôi cần là tài năng cá nhân. Cộng với nghệ thuật khai thác, đầu tư, quảng bá hình ảnh diễn viên đó của ông bầu.

Vũ Ngọc Đãng: Chắc chắn tôi không quá bấu víu vào một thân hình gợi cảm hay vẻ đẹp rực rỡ. Tôi chỉ cần vai hay trong bộ phim có nội dung ăn khách cho diễn viên tiềm năng.

Lê Hoàng: Diễn viên ăn khách là diễn viên đóng trong nhiều bộ phim ăn khách.

Thực tế đã chứng minh, nam diễn viên luôn dễ thành sao hơn nữ?

Lê Hoàng: Nam đang thiếu trầm trọng, nên họ thành sao dễ hơn nữ.

Vũ Ngọc Đãng: Phim hành động Mỹ dễ đẩy diễn viên nam lên hàng ngôi sao. Phim Hàn Quốc, nam diễn viên đóng phim tâm lí cũng có khả năng thành sao.

Ở Việt Nam không mạnh về phim hành động, phim tình cảm cũng chưa đời. Trong khi đó, theo quan sát của tôi thì nữ diễn xuất giỏi hơn nam. Nam diễn viên thật sự đàn ông lại không biết diễn.

Phước Sang: Tôi thăm dò thấy các cô gái trẻ thích xem phim hơn nam giới. Các cô gái sống lãng mạn, hay chọn thần tượng màn bạc. Tôi đánh vào nhu cầu đó.

Nam ngôi sao cần có ngoại hình vạm vỡ, gương mặt nam tính hay phải thư sinh mượt mà, xinh trai mới thu hút được fan hâm mộ?

Lê Hoàng: Luôn có hai loại: Xinh trai như Lương Triều Vỹ hoặc cơ bắp như Rambo, họ đều được hâm mộ. Tuy nhiên ở Châu Á thì xinh trai dễ nổi hơn.

Vũ Ngọc Đãng: Cũng tùy thuộc vào xu hướng của từng thời kỳ nữa chứ. Vài năm trước, vẻ đẹp mạnh mẽ ăn khách.

Gần đây, do ảnh hưởng của phim truyền hình Hàn Quốc, ngôi sao ở các lĩnh vực thiên về người đàn ông có vẻ đẹp trẻ con. Dăm năm nữa có khi vẻ đẹp này sẽ lỗi thời, chứ hiện tại sự nam tính ít được để ý và coi trọng.

Phước Sang: Diễn viên nam, theo tôi, cần có gương mặt trữ tình, hiền lành, chất phác, kiên cường, nghĩa khí chứ không phải gương mặt lạnh lùng như nhiều người nghĩ.

Quay trở lại giải pháp tình thế thời gian qua của các anh, hoặc là chân dài, hoặc những sao ngoại đạo?

Phước Sang: Vì mình chưa có một ngôi sao màn bạc thật sự nên tất cả sự lựa chọn hiện nay đều là giải pháp tình thế.

Lê Hoàng: Mời người mẫu nổi tiếng hoặc ca sĩ đóng phim luôn là giải pháp tối ưu. Chỉ có nước ta làm ngược lại, lấy những người học trong trường Điện ảnh nhưng không được đào tạo mới là giải pháp tình thế.

Vũ Ngọc Đãng: Đó là giải pháp tối ưu. Yếu tố hàng đầu để ăn khách là ngoại hình đẹp, có một lượng khán giả và biết diễn xuất. Lên án người mẫu đóng phim thực sự là sai lầm.

Trên thế giới, người mẫu đóng phim là chuyện bình thường và không ít rất thành công. Người có năng khiếu nghệ thuật thường làm được nhiều vai trò, còn người không có năng khiếu thì chẳng làm được vai trò gì.

Ở chừng mực nào đó thì ngoại hình đẹp có thể lấn át được hạn chế diễn xuất của diễn viên. Đôi khi xảy ra cả với những ngôi sao?

Vũ Ngọc Đãng: Rất khó. Trong 90 phút một cô đẹp nhưng vô cảm cũng chẳng làm được trò trống gì. Nhưng giữa một cô có ngoại hình đẹp hấp dẫn, diễn xuất được 7 và một cô đẹp trung bình, diễn được 10. Tôi sẽ chọn cô 7 điểm.

Lê Hoàng: Ở chừng mực nào đó, ngoại hình cũng chính là diễn xuất.

Phước Sang: Với điện ảnh, ngoại hình rất quan trọng. Đạo diễn giỏi có thể cứu được diễn xuất của diễn viên, nếu họ đẹp.

Liệu các anh có khả năng biến một ca sĩ ngôi sao thành một nông dân chân lấm tay bùn thực sự trên màn ảnh? Sao ngoại đạo chỉ có thể hoàn thành tốt vai diễn khi nhân vật trong phim gần giống với họ và khai thác ngoại hình là chính, có đúng không?

Lê Hoàng: Đấy là một nhận xét đơn giản, tuy nhiên nhiều thứ phức tạp cũng từ đơn giản mà nên. Tôi không bao giờ định biến Lam Trường thành nông dân, cũng như không có ý biến nông dân thành Lam Trường. Tôi muốn điện ảnh gây xúc động chứ không gây ngạc nhiên.

Vũ Ngọc Đãng: Khi casting “Những cô gái chân dài”, nhiều diễn viên đẹp thử vai không thành. Cuối cùng tôi chốt ở những người mẫu, một phần vì họ hiểu thế giới thời trang.

Nhưng quan trọng, chúng ta có thể giả bộ thông minh sâu sắc, thậm chí hóa trang từ xấu thành đẹp, còn người mẫu là nghề tập dượt rất lâu mới diễn được.

 Tôi khẳng định Anh Thư đã mang thần thái, sự hồn nhiên, trong sáng của một cô gái nông dân, mặc dù lúc đầu cô ấy không quen, thấy xấu và không tự tin khi phải mặc đồ rộng, không trang điểm.

Phước Sang: Chọn đúng vai người mẫu, ca sĩ sẽ đảm nhận được. Nhưng đòi hỏi diễn tinh tế, sâu sắc chắc chắn họ không làm được. Chúng ta tạm thời phải chấp nhận cách làm việc “ăn sổi” này.

Khó khăn nhất khi anh làm việc với ngôi sao ngoại đạo?

Lê Hoàng: Là trước đó chưa bao giờ tôi ngồi với họ, đôi lúc sau phim cũng thế.

Vũ Ngọc Đãng: Một khó khăn duy nhất khi làm việc với người mẫu – họ quá đẹp. Còn họ không kiêu và khó làm việc như một số người nghĩ. Họ cũng đều hiểu việc đang làm rất cần thiết đối với họ.

Phước Sang: Phim tôi vừa làm không quá xoáy sâu vào nội tâm của nhân vật nên tôi chưa thấy khó khăn.

Cũng khó mà tham vọng lăngxê những sao ngoại đạo thành sao điện ảnh khi họ phải sống chết với nghiệp chính của mình?

Lê Hoàng: Câu hỏi này hôm nay không đúng nữa. Vì bất cứ ca sĩ, người mẫu nào cũng đã biết trở thành ngôi sao điện ảnh rất có lợi cho sự nghiệp của họ.

Vũ Ngọc Đãng: Làm sao họ có thể sống chết với điện ảnh bằng một kịch bản dở ẹc và một đạo diễn dở hơi, để rồi khi phim khởi chiếu, họ ăn một trận đòn của dư luận, báo chí?

Sau phim “Những cô gái chân dài”, Anh Thư đã trở thành một trong những người mẫu hàng đầu. Một phim chưa thể thành ngôi sao, nhưng thêm một hai phim chắc chắn Thư sẽ là ngôi sao điện ảnh. Vậy cớ sao Anh Thư không dám sống chết với điện ảnh?

Phước Sang: Chẳng có gì là khó khăn khi tất cả là giải pháp tạm thời. Họ không tâm huyết với nghề cũng không sao. Họ hợp vai thì tôi mời, không hợp thì thôi, không phải lệ thuộc. Điều đáng để quan tâm là phải cố tìm ra một hướng đi hợp lí để có thể lăngxê diễn viên điện ảnh thành ngôi sao điện ảnh.

Cá nhân anh có để mắt tới ai là mầm non Ngôi sao màn bạc thời gian này?

Vũ Ngọc Đãng: Khi điện ảnh có ngôi sao thì chứng tỏ nó đã phát triển. Diễn viên nam tôi chưa thấy.

Có hai người có thể tỏa sáng trong tương lai là Anh Thư và Bằng Lăng. Họ đẹp, có năng khiếu, dám sống chết với nghề và có khả năng hóa thân vào nhiều dạng vai.

Phước Sang: Tôi luôn kỳ vọng vào dàn diễn viên ngôi sao. Nhưng phải đến năm 2007 mới có thể đạt được, nếu chúng ta tạo ra một thị trường cạnh tranh lành mạnh, sự đầu tư mạnh tay của các hãng phim tư nhân. Hiện tại, tất cả mới chỉ là diễn viên điện ảnh và chưa có dấu hiệu nào cho sự bứt phá của họ để thành ngôi sao.

Lê Hoàng: Tôi không kỳ vọng “một dàn”, tôi chỉ kỳ vọng vài người mà thôi. Tôi cho tất cả các khuôn mặt đều có khả năng tỏa sáng kể cả các khuôn mặt… phóng viên!


From the same category