Ngôi làng ‘bỗng dưng’ bỏ đốt vàng mã

Tiết kiệm tiền làm công đức

Tò mò trước thông tin này, chúng tôi vào tận nhà một số gia đình ở thôn Khê Tang thượng thì thấy những thứ đồ cúng trên ban thờ của mỗi gia đình chỉ có vài gói bánh, oản hoặc một đĩa hoa quả làm lễ thắp hương chứ không thấy có vàng mã như nhiều nơi khác.

Khi gặp ông Nguyễn Hữu Tuất, Trưởng thôn Khê Tang thượng, chúng tôi trầm trồ khen công tác tuyên truyền, vận động người dân bỏ tục đốt vàng mã ở đây.

 

Ông Nguyễn Hữu Tuất đặt đồ cúng lên ban thờ của gia đình với vài gói bánh ngọt. 

Thấy vậy, ông Tuất thản nhiên bảo: “Chúng tôi có tuyên truyền vận động người dân bỏ tục đốt vàng mã đâu, đó là do người dân tự bỏ đấy chứ, từ bao đời nay làng này vẫn thế. Người ta cứ bảo phải đốt vàng mã dể cho người âm giàu có thì họ mới phù hộ cho mình làm ăn khấm khá. Nhưng mà chúng tôi chẳng đốt thì dân vẫn giàu có đấy thôi, thậm chí làng còn được mệnh danh là làng đại gia nữa ấy chứ.

Ngay cả gia đình tôi cũng có đốt đâu, hi hữu lắm là vào ngày rằm tháng 7 thì mua vài tờ vàng mã về để bàn thờ cho xôm, cúng xong lại để đó có khi chẳng đốt. Trong làng thỉnh thoảng mới có nhà đốt vàng mã nhưng số lượng chỉ là vài tời, họ không đốt ở nhà mà đem ra một cái miếu ngoài cánh đồng để đốt…”.

Bà Nguyễn Thị Minh Thùy, một người dân ở làng Khê Tang bảo việc không đốt vàng mã tiết kiệm được rất nhiều, từ tiền bạc, thời gian…

“Tôi thấy mấy làng xung quanh mỗi khi có rằm, giỗ hay ngày lễ, tết là họ đua nhau mua sắm nào là ngựa giấy, ô tô giấy,  nào là nhà cửa, áo, mũ… mà mỗi một đồ vàng mã như ngựa giấy cũng phải 500.000 đồng/con chứ có phải rẻ gì đâu.

Trong khi đó lại phải tốn công sức đem đi đốt, ở đây đất chật người đông, đốt không cẩn thận còn cháy cả nhà.

Làng chúng tôi không đốt vàng mã. Số tiền tiết kiệm được chúng tôi đem làm công đức tôn tạo đình, chùa, các di tích lịch sử của làng…

Ví dụ, cụ thể nhất là ở chùa Khê Tang, dân làng chúng tôi nhà thì góp cột lim, xi măng, thậm chí có nhà góp cả hàng trăm triệu đồng… để xây dựng tượng đài tướng Trần Hưng Đạo, rồi trùng tu lại đình, chùa mỗi khi xuống cấp. Mấy chục năm nay, đình chùa xuống cấp Nhà nước không phải chi tiền để trùng tu, sửa chữa vì tất cả đã có dân làng chúng tôi lo hết”.

Bỏ đốt vàng mã từ sau năm 1945

Rời những hộ dân trong làng, chúng tôi tìm đến chùa Khê Tang để tìm hiểu thông tin vì đình, chùa vốn là nơi đốt vàng mã nhiều nhất.

Nhưng thật bất ngờ là ở đình, chùa Khê Tang rất ít người đốt vàng mã.

Ông Lê Đình Chuyển, Chi hội trưởng Hội Người cao tuổi làng Khê Tang cho biết: “Làng Khê Tang bỏ tục đốt vàng mã từ sau Cách mạng tháng 8/1945. Lúc đó người dân vừa thoát khỏi nạn đói, kinh tế vẫn còn khó khăn vì thế mọi người đều phải tiết kiệm, chống lãng phí.

Người dân làng Khê Tang đã bỏ tục đốt vàng mã từ sau năm 1945 (Ảnh: Kiến thức)

Thời điểm đó chính quyền phát động phong trào chống hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan vì thế tục đốt vàng mã cũng được hạn chế. Từ đó dân làng Khê Tang bỏ tục đốt vàng mã.

Một thời gian sau đó, ở những làng xung quanh khôi phục lại tập tục này, nhưng làng Khê Tang vẫn duy trì nề nấp văn hóa đó cho đến tận ngày nay”.

Để minh chứng cho những điều mình nói, ông Chiểu dẫn chúng tôi đi một vòng quanh chùa Khê Tang để tham quan.

Đây là nơi thờ chính tướng Trần Hưng Đạo nên vào mỗi dịp lễ, Tết hay ngày rằm đều có rất nhiều người đến thắp hương, cầu an.

Cụ Lê Gia Hồ, Thủ từ đền Khê Tang thượng cho biết: “Ngày hội đền, chùa được tổ chức vào ngày 15/2 âm lịch và cứ 2 năm tổ chức một lần. Trong mỗi lần hội, người dân chỉ sắm hoa quả để thắp hương, còn những loại vàng mã, ngựa giấy, voi giấy, thuyền giấy… không được dùng.

Khi khách lạ đến đình, chùa thấy dân địa phương không đốt vàng mã họ cũng tuân theo phong tục địa phương và không mua vàng mã đem vào thờ cúng”.

Để chứng minh cho điều mình nói là sự thật, ông Lê Gia Hồ dẫn chúng tôi đến chính điện của chùa Khê Tang.

Trước một điện thờ nghi ngút khói hương, chúng tôi quan sát thấy những đồ thờ cúng chỉ có bánh, kẹo và oản chứ chẳng thấy một đinh vàng mã hay tiền âm phủ nào giống như những ngôi đền, chùa khác.

Ông Lê Gia Hồ bảo: “Hôm nay mới qua ngày rằm được một hôm, nhưng những đồ thờ cúng mà dân làng đem đến thì vẫn còn để ở trên bàn, hoa quả sau khi cúng thì của ai người nấy đem về cho cả nhà thụ lộc.

Ngôi chùa từ lâu không cúng vàng mã, ấy vậy mà người dân vẫn ăn nên, làm ra và giàu có hơn những nơi khác”.

“Không phải đốt vàng mã cho tổ tiên thì họ mới phù hộ cho dân mình giàu có như quan niệm của nhiều người. Ở làng Khê Tang người dân vẫn làm ăn khấm khá, mỗi khi ngôi chùa xuống cấp, hư hại thì người dân làng Khê Tang lại quyên góp tiền bạc giúp nhà chùa tu sửa, cá biệt có gia đình đóng công đức tới hàng trăm triệu đồng, mua cột lim cho nhà chùa, xây dựng tường đài Trần Hưng Đạo, làm sân chùa…” – ông Lê Đình Chuyển.

Theo Quách Dương (KH&ĐS số Tết)


From the same category