– Một bức ảnh được chụp không hẳn bởi một tay máy có nghề, nhưng vẫn có sức lay động mạnh mẽ với cư dân mạng bởi thông điệp giản dị và ấm áp của nó: Tình cha, trước ngưỡng cửa vào đời của con. Cảm giác của anh khi xem bức ảnh?
Bức ảnh “Cha trông con ngủ”
– So với “tình mẹ”, thường thì “tình cha” là câu chuyện ít được nhắc đến hơn, một phần có lẽ vì cách biểu lộ tình cảm ở người đàn ông đối với con mình thường “ẩn” hơn chăng? Nhưng nếu chịu khó để ý một chút, chẳng hạn như bức ảnh “Cha trông con ngủ” vừa qua, sẽ thấy: Cách người đàn ông yêu con cũng ấm áp và dịu dàng không kém gì người mẹ, đôi khi chỉ là bằng những cử chỉ chăm sóc rất thô ráp, mộc mạc. Và mỗi một người, từ mỗi nghề nghiệp của mình, không gian sống đặc thù của mình, sẽ có một cách chăm chút cho con khác nhau để làm nên những mảng màu sống động trong bức tranh cuộc sống…
– Tới tầm này, anh đã nghĩ sâu hơn tới chuyện: sống vì con, hơn là sống cho mình?
– Ở vào tầm tuổi nào thì với một người đàn ông đúng nghĩa của gia đình, luôn biết quý trọng những tình cảm gia đình thì tôi nghĩ họ cũng sẽ không bao giờ đi phân biệt hai khái niệm “sống cho mình” hay “sống vì con” hết. Bởi nói cho cùng, sống vì con, hay vì nghệ thuật, hay vì bất cứ cái gì khác nữa… thì theo tôi cũng chính là sống cho mình mà thôi! Vì tất cả những gì mình yêu mến, quý trọng, ước mơ, mình muốn được làm tốt hơn cho nó, được chăm chút nó như một thứ quà tặng của cuộc sống…
Họa sĩ Thành Chương
– Ranh giới nào giữa vị kỷ và vị tha trong hai chữ “vì mình” của anh?
– Ranh giới đó thực sự là rất mong manh nên mới hay dễ khiến người ta ngộ nhận: cái mình làm cho mình lại được hiểu là làm vì người khác. Ngay cả những cái mà nhìn thuần túy bên ngoài là rõ ràng mình làm cho người khác, chẳng hạn như một món quà – không vì mục đích biếu xén, chạy chọt, thì cũng vẫn là có 50% sự “vì mình” trong đó, trong niềm vui được bộc lộ tình cảm và cũng có thể lắm chứ, còn là chăm sóc một mối quan hệ, để cũng được nhận lại một tình cảm tương tự. Tình cảm mà, đâu thể 1+1 = 2 được, khi chính 1 đôi khi không phải là 1, và 2 cũng chẳng thể là 2. Để nhận và cho, đôi khi là mình cần phải hy sinh, nhưng cũng có khi cái mình nhận được lại lớn hơn cái mình cho đi nhiều, hoặc cái người này cho mình, mình lại chỉ có thể đem cho một người khác… Ngồi bóc tách từng thứ một, so đo từng chút một vì thế theo tôi là một việc ngớ ngẩn hết sức, kể cả khi rảnh rỗi!
– Hồi đi học, anh từng là một đứa trẻ thế nào?
– Một đứa trẻ không biết vâng lời, nhưng học siêu giỏi, đến nỗi gần như không có “đối thủ”.
– Sự phản kháng ấy đến từ đâu?
– Tôi nghĩ là khi nền giáo dục của chúng ta tốt lên, theo hướng bớt đi được sự máy móc, giáo điều và linh hoạt hơn, cởi mở hơn thì chắc chắn sẽ bớt đi được rất nhiều những sự “không vâng lời” kia, hay nói cách khác, là sự phản kháng.
– Anh không thấy sự thay đổi trong cách ra đề gần đây (nhất là đề văn) rõ ràng là đang theo hướng “linh hoạt và cởi mở” hơn sao?
– Những đề thi ngày càng dễ chịu và thú vị hơn, đáng để chúng ta suy nghĩ hơn, quả vậy! Đề Văn Cao đẳng chẳng hạn, theo tôi là một đề thi hay (luận bàn về quan điểm: “Nghề nghiệp không làm nên sự cao quý của con người mà con người làm nên sự cao quý của nghề nghiệp” – PV)). Tuy nhiên, riêng đề thi về “thần tượng”, ít nhiều, tôi vẫn thấy thái độ áp đặt trong đó, trong một chuyện không nên và không thể áp đặt là “thần tượng”.
– “Ngưỡng mộ thần tượng là nét đẹp văn hóa, nhưng mê muội thần tượng sẽ là một thảm họa”- câu đó theo anh “chưa khéo” ở điểm nào, để đến nỗi khiến một bộ phận cư dân mạng dậy sóng vì cho rằng bị “ám chỉ”?
– Nó thiếu tâm lý ở chỗ: bắt một người đang yêu phải chừng mực! Đã gọi là thần tượng thì đương nhiên là quá mức rồi, làm sao mà chừng mực được? Tôi ủng hộ tuổi trẻ thì phải có thần tượng, phải có sự say đắm trong đó. Dù rằng, theo thời gian và lẽ trưởng thành tự nhiên ở con người, sự say đắm bồng bột xưa có thể được thay thế bằng một sự tỉnh táo đằm lặng hơn, thấu suốt hơn. Hoặc giả, nếu có muốn định hướng, uốn nắn bọn trẻ thì những người lớn chúng ta cũng phải “ngồi chung thuyền” với chúng. Có chung thuyền mới dễ bẻ lái! Chứ không thể đứng trên bờ gọi với, dặn với, hay la mắng, quát nạt, làm chúng cảm thấy “mất mặt” với “bạn thuyền”. Trong mọi mối quan hệ thì việc ngồi lại và chịu khó lắng nghe nhau bao giờ cũng dễ nói chuyện hơn là động tác gạt phắt – Tôi chắc thế!
– Vậy thời trẻ, anh từng thần tượng ai?
– Không chỉ thời trẻ mà tận đến bây giờ, tôi vẫn chỉ có duy nhất một thần tượng: Đó là Bác Hồ. Một ý chí sắt đá và một cốt cách thanh tao – đó là hai điều lớn lao nhất khiến tôi ngưỡng mộ Con Người đó!