Ngọc Tuyền: “Mọi chuyện không quan trọng, số 1 là con”

Nuôi dưỡng giấc mơ âm nhạc từ múa


Một ngày làm việc của chị bắt đầu như thế nào?

– Tôi dậy từ lúc 6h30 để chuẩn bị cho con đi mẫu giáo. Thứ hai là ngày tôi rảnh nhất trong tuần, nếu có họp trong nhà hát Giao hưởng và vũ kịch thì đi còn không thì xem như rảnh rỗi đầu tuần. Bắt đầu từ thứ 3 tôi dạy nhiều, khi thì đến Nhạc viện, lúc dạy ở nhà, buổi tối đi hát. Còn những ngày cuối tuần, tôi dành hết cho con, thỉnh thoảng đi café cùng bạn bè. Tôi và con trai hiện vẫn sống cùng ông bà ngoại.

Được biết, tuy nổi tiếng với nghiệp hát nhưng múa mới là lựa chọn đầu tiên của chị. Xin được phép hỏi, có phải do múa… nghèo quá mà chị chuyển sang đi hát không?

– Tôi học múa từ năm lớp 9, với mẹ và em gái Ngọc Tú (hiện là đầu tàu của vũ đoàn Hoàng Thông). Đến năm lớp 12 thì nghỉ để dành thời gian ôn thi tốt nghiệp văn hóa. Lúc đó mình cũng khờ, không hiểu sao mà nghỉ ngang xương, không biết đến chuyện xin bảo lưu để sau này có điều kiện thì tiếp tục học… Sau đó thì tôi chọn nhạc để mà học tiếp, tuy nhiên học để trở thành giáo viên dạy nhạc thiếu nhi chứ không phải làm ca sĩ đâu. Tôi thi vô Cao đẳng sư phạm, học 3 năm rồi trời xui đất khiến sao lại thi thẳng vào hệ Đại học ở Nhạc viện Tp.HCM để học hát luôn, tôi không qua những năm trung cấp như sinh viên trường nhạc bình thường nên dù học ngang nhưng trình độ không bằng, mình phải học gấp đôi thời gian của người ta. Tôi nghĩ một phần do hồi xưa đi múa, mình tập ballet cơ bản trên nền nhạc piano cổ điển, rồi mình thấy thích, cũng biết hát bài này bài kia, đọc tài liệu để tìm hiểu rồi từ từ mê hát hồi nào chẳng hay!

Vào Nhạc viện năm 22 tuổi, bình thường với từng ấy thời gian là đủ để một sinh viên hệ trung cấp chính quy tốt nghiệp và đi làm kiếm sống. Chị thì đi ngược lại, vậy kinh phí đâu để chị tiếp tục ăn học?

– Từ múa chứ đâu, tôi nghỉ trường múa nhưng không có nghĩa là nghỉ múa. Tôi theo thầy cô trong vũ đoàn Phương Nam đi múa ở khách sạn cung đình Rex từ năm 15 tuổi. Múa dân tộc cho khách du lịch ngoại quốc nè, thậm chí cả múa đám cưới nữa.

Còn nhớ lúc đó, cát sê múa 4 bài là được 50 ngàn. Đó là tiền nuôi sống tôi và còn phụ thêm cho gia đình. Khi tôi học ở Nhạc viện xong, trở thành một giọng solist thì cả đoàn múa ai cũng bất ngờ, họ nói tôi khác người (lại cười). Xong đại học, tôi cũng chính thức nghỉ múa. Bây giờ nghĩ lại, thực sự tôi biết ơn nghề múa lắm, chính nó đã bắt cầu cho giấc mơ âm nhạc của tôi!

 

Rồi con đường để trở thành một giọng soprano có tiếng của nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch Tp.HCM bắt đầu như thế nào?

– Tốt nghiệp đại học xong, tham gia nhà hát Giao hưởng và vũ kịch thì tôi vẫn còn đi múa. Tuy nhiên, sau này tôi nghiêng về giảng dạy nên quyết định không múa nữa. Lúc đó cũng được mời dạy ở Nhạc viện và bản thân cũng muốn học lên cao học để hoàn thiện kỹ năng của giọng hát. Thât tình tôi cũng không ngờ mình được… nổi tiếng đâu, tôi nghĩ mình thuộc biên chế nhà hát, thỉnh thoảng tham gia vài chương trình thôi, cái chính vẫn là công tác giảng dạy.

Nổi tiếng có cái giá của nó

Nếu tôi nói rằng giọng opera Ngọc Tuyền được công chúng biết đến có công rất lớn của 2 ca sĩ nhạc nhẹ là Đức Tuấn và Viết Thanh (nhóm Unlimited) thì chị nghĩ sao?

– Cũng đúng. Mọi chuyện bắt đầu là do ca sĩ Anh Bằng. Lúc ấy tôi cũng mới đi hát, anh biết Ngọc Tuyền có giọng tốt, lại vừa tốt nghiệp nên mời tôi hát song ca tại một số chương trình. Anh Bằng lại cũng chơi khá thân với Đức Tuấn, khi đó Tuấn bắt đầu theo đuổi nhạc kịch, đang nhờ kiếm một giọng nữ có âm vực cao, quãng rộng, liền… trong Nhạc viện để hát chung bài “The phantom of the opera” (Bóng ma nhà hát) nên Anh Bằng giới thiệu tôi.

Trước giờ trong Nhạc viện tôi chỉ chuyên về thính phòng, cổ điển chứ chưa hát nhạc kịch bao giờ nên cũng muốn thử sức. Đức Tuấn đưa tôi quyển sách và bảo về học thử, nguyên bài có nốt mi 3 là cao nhất, đó thực sự là một thách thức với ca sĩ nói chung chứ không riêng gì tôi. Không phải ai cũng hát được, mà hát được thì giữ cho nốt này lâu và đẹp cũng rất khó. Lúc đầu tôi cũng gào cho tới chứ không thực sự hát, về sau mình tự rút kinh nghiệm, biết vận dụng kỹ thuật để hát cho đẹp hơn. Đó thực sự là một quá trình, phải học hành đàng hoàng thì mới có thể hát được.

Tôi tham gia trong tất cả các đêm nhạc của Đức Tuấn để hát chung với anh bài này, tuy nhiên, xuất hiện trong album lẫn liveshow riêng “Music of the night” của anh để hát bài này thì lại là ca sĩ Canada – Gieneviève Charest chứ không phải tôi… Rồi Unlimited biết đến, họ cũng muốn chơi lại bài này theo phong cách Opera rock nên lại mời tôi, đi biểu diễn ở đâu cũng kéo tôi theo. Chính nhờ những lần hát chung ấy mà tôi được khán giả biết đến nhiều hơn. Một điều thú vị nữa là sau khi nghe xong, rất nhiều rocker tìm đến xin tôi dạy thanh nhạc cho họ… (cười)

Chị quan niệm sao về sự nổi tiếng?

– Thú thực là tôi không muốn quá nổi đâu. Nổi tiếng quá làm cho mình suy nghĩ về nhiều thứ, mà “được cái này mất cái kia”, sự nổi tiếng cũng có những cái giá phải trả, có những mất mát vậy. Tôi thích một cuộc sống bình lặng, không sóng gió. Nhiều bạn bè nói tôi không chịu quảng bá bản thân, họ chê mình lười (cười).  

So với nhiều giọng hát kinh viện khác, Ngọc Tuyền vẫn có tiếng và đắt show hơn. Tuy nhiên, đứng bên cạnh các ngôi sao nhạc trẻ bây giờ, có khi nào chị thấy chạnh lòng?

– Đó là chuyện tất nhiên thôi, dù gì khán giả cũng biết nhiều đến họ hơn những người như chúng tôi, cát-sê của mình không bằng họ thì cũng là điều đương nhiên. Tôi cũng không quan trọng lắm, miễn giá trị của mình được trả xứng đáng thì tôi cũng hài lòng rồi. Nhưng nhiều khi mình đọc báo, nghe thấy những chuyện quá đáng như hét giá, chèn ép nhau… thì cũng chạnh lòng thật.

 

Ngày 25/12 sắp tới chị sẽ phát hành album “Diva club” hát các tác phẩm cổ điển trên nền nhạc dance vũ trường cùng ca sĩ Triệu Yên. Ý tưởng thực hiện dự án này bắt đầu từ đâu, thưa chị?

– Tất cả bắt đầu từ anh Minh Đức bên công ty MFC, anh cho tôi nghe một số bài hát nước ngoài pha trộn giữa cổ điển và hiện đại, tôi thấy thích lắm nên muốn làm một cái gì đó như vậy. Rồi tôi rủ thêm chị Triệu Yên nữa, hai chị em thân với nhau từ hồi học đại học trong Nhạc viện, chị Yên cũng là dân học cổ điển nhưng chuyên hát jazz, nhạc nhẹ nên 2 chị em kết hợp cũng khá hài hòa. Anh Đức giới thiệu thêm Hoàng Anh DJ nữa, thế là 4 người chúng tôi cùng hợp sức làm, chọn những bài có giai điệu nổi tiếng, các khúc Aria trong nhạc kịch, các bản Romance quen thuộc hát bằng 4 thứ tiếng: Anh, Ý, Pháp và Đức. Tôi thấy trên thế giới ca sĩ đơn ca dạng này cũng nhiều, còn song ca, tam ca thì khá hiếm nên mình làm song ca như vậy cũng lạ.

Ca sĩ trẻ Phạm Thu Hà cũng vừa phát hành single, album hát nhạc cổ điển theo phong cách chillout, rồi Mỹ Linh cũng đã bắt tay vào thực hiện Chat với Mozart vol.2, Đức Tuấn cũng tiếp tục những dự án hát nhạc kịch, bán cổ điển… Cũng được kha khá người chọn phong cách classic crossover (cổ điển giao thoa) làm hướng đi nhỉ. Chị có suy nghĩ gì về hiện tượng này?

– Tôi thấy đó là tín hiệu đáng mừng, khi người nghệ sĩ đưa âm nhạc hàn lâm đến gần công chúng bình dân hơn. Kết hợp cổ điển với hiện đại thì dễ cảm hơn rất nhiều, cũng không cần phải có trình độ cao siêu lắm để hiểu và cảm được phong cách âm nhạc này. Bằng chứng là chị Mỹ Linh và Đức Tuấn đã thành công đấy thôi, tôi thấy những giải thưởng Cống hiến cho họ trong thời gian vừa qua là vô cùng xứng đáng.

Mọi người ái ngại cho tôi nhiều hơn bản thân

Chị có trăn trở khi quyết định mang thai, tự mình vượt cạn và giờ là mẹ đơn thân, nuôi con một mình?

– Chuyện có em bé không phải mình cứ muốn là được. Chuyện đó rất bất ngờ với bản thân tôi. Đã quyết định sinh con rồi thì phải dành tình cảm, làm việc thật nhiều để lo cho nó. Còn chuyện tình cảm thì thú thật là mình cũng buồn lắm khi sự việc xảy ra nhưng cứ nghĩ đến con thì thấy mạnh mẽ hơn, cứ nhủ rằng: Con là nguồn vui, là cuộc sống, mình phải tự vượt qua.

Lúc mang thai bé Minh Khôi, tôi còn thi tốt nghiệp cao học, mà lại còn cảm thấy sung sức nữa mới hay, hát 16 bài liên tục, hát show này show kia… Đến tháng thứ 8 tôi vẫn còn đi hát, thu âm…được. Mọi chuyện không quan trọng, số 1 vẫn là con.

Thú thật, nghe chuyện tôi cũng thấy ngại cho chị nữa. Lúc đó, chị gặp nhiều khó khăn không khi phải một mình đối diện với cả gia đình, bạn bè, đồng nghiệp, cả khán giả nữa?

– Tôi thấy mọi người ái ngại cho tôi nhiều hơn bản thân tôi nữa. Tôi ốm nghén chỉ 1 tháng đầu thôi, đến tháng thứ 2 thì ổn thỏa hết. Tôi không nói nên mọi người chẳng ai biết, đến tháng thứ 5, thứ 6, bụng to lên, lúc tôi thi tốt nghiệp đó, thì người ta mới hay.

Tôi cũng không lo lắng gì cả. Đã quyết định rồi nên tôi bỏ ngoài tai tất cả những lời đàm tiếu, có như vậy tôi mới vững vàng mà bước tiếp được. Bản thân tôi từ nhỏ tính tình cũng khá yếu đuối nhưng chắc mình có máu lì, có gan làm chuyện động trời…

Tôi nghĩ đối diện với xã hội thì không khó, mình dễ dàng đạp lên dư luận mà sống được vì dù gì cũng là người dưng nước lã, rồi người ta sẽ lãng quên ngay ấy mà. Với gia đình, “máu mủ ruột thịt” mới là khó, nhất là với hai người sinh thành ra mình…

Chuyện xảy ra là không ai muốn, tôi tự làm thì tôi phải tự chịu trách nhiệm. Mẹ thì dù gì cũng là phụ nữ nên hiểu con cái nhiều hơn. Ba tôi lúc biết tin, ông buồn và không chấp nhận chuyện này… Sau này thì cũng đỡ hơn, vui vẻ và yêu cháu lắm.

Người ta nói tính cách con người làm nên số phận, chị có thấy mình thiếu sự chủ động, buông xuông nhiều quá hay không? Biết đâu ngày đó chị níu kéo, hay tìm hướng giải quyết thì bây giờ đã có một gia đình đầy đủ rồi…

– Cũng có thể… (ngập ngừng và suy nghĩ khá lâu). Chuyện cũng khó nói lắm nhưng thú thật là tôi bị động và cũng không ép buộc gì cả, cứ để thời gian trôi qua thôi. Tôi cũng không muốn nhắc lại gì nhiều vì ảnh hưởng không chỉ đến bản thân mình mà còn công việc của người khác nữa. Thôi thì mình xem nó như một bài học, rút kinh nghiệm cho bản thân. Biết đâu sau này hạnh phúc đến muộn thì mình cũng sẵn sàng đón nhận.

Bây giờ thì ba và gia đình bên nội của con tôi cũng thường xuyên thăm hỏi, quan tâm, lo lắng cho bé… trên mức mình dự định nên tôi và anh ấy cũng không còn gì khó xử. Tôi cũng hài lòng với quyết định của mình rồi, không còn đắn đo gì cả, chỉ biết dồn sức mà lo cho tương lai của con thôi!

Bài: Khánh Nguyễn
(theo Mỹ thuật & Đời sống)


From the same category