Ngọc Anh – Ngọc Khải: Thỏi nam châm & Ngọn lửa

Nếu ví múa như một món ăn ngon mà nhiều thực khách mặc định, phải vào nhà hàng sang trọng, ăn mặc chỉnh chu, có gout thưởng thức mới dám nếm thử thì Ngọc Anh – Ngọc Khải là hai đầu bếp muốn giới thiệu món ngon đến với mọi người… 

Tuy cách nhau năm tuổi, trước 2010 Ngọc Anh – Ngọc Khải chưa từng gặp nhau nhưng sự tương đồng về tư duy, kinh nghiệm sống, cả quan điểm sống, làm nghề đã kết nối một người ở Anh – Hongkong với một người ở Hà Lan – Thụy Sỹ – Đức vào 2 năm trước. Tháng 4 này, ngày 25 – 26, họ mang đến những tác phẩm riêng lẻ trong chương trình Mộc. Nhưng tháng 5, cả hai sẽ cùng chia sẻ hành trình khám phá cuộc sống bằng những rung động và những trải nghiệm văn hóa thông qua ngôn ngữ múa với “Bạn đã từng đến đó?”

Múa, đặc biệt là thể loại contemporary (đương đại) còn khá mới mẻ không chỉ với khán giả mà còn với người trong nghề. Hiểu được tâm lý dè dặt của công chúng, Ngọc Anh – Ngọc Khải muốn chia sẻ quan điểm: “Xem múa, đừng đặt nặng vấn đề phải hiểu, chỉ cần mở lòng đón nhận. Tiêu đề của mỗi tác phẩm/ tiết mục chính là sợi chỉ đỏ cùng với kinh nghiệm của bản thân, bạn sẽ có thêm nhiều góc nhìn, có thể trùng với biên đạo, có thể khác, có thể rộng hơn hay hẹp hơn, có thú vị hay đơn giản, bạn sẽ chạm được vào tác phẩm”.

Dẫu để thực hiện hóa ý tưởng thành các chương trình, họ phải vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, thậm chí cả chấn thương. Nhưng họ không có ý định kể khổ, không chùn bước, cùng với Tấn Lộc, tự tạo cơ hội, dấn thân với mong muốn, khán giả nước nhà có càng ngày càng nhiều những chương trình múa được đầu tư chuyên nghiệp, công phu và đạt chất lượng. Với họ, những tràng pháo tay, những câu hỏi sau đêm diễn của khán giả là sự khích lệ lớn nhất. Họ hy vọng, từ những lần xem, hỏi, chúng ta dần dần có một lớp khán giả, nhiều lớp khán giả đến với múa và sẽ trở lại.

Thỏi nam châm mang tên Ngọc Anh


Qua báo chí, có lẽ một số người biết đến Nguyễn Ngọc Anh khi anh đoạt giải thưởng: Nam diễn viên múa đương đại xuất sắc nhất nước Anh 2008, Biên đạo trẻ xuất sắc nước Anh 2007. Danh hiệu là sự công nhận tài năng của giới phê bình xứ sở sương mù dành cho anh, nhưng những người chưa từng làm việc sẽ không tránh khỏi cảm giác e ngại, các diễn viên của công ty Arabesque cũng thế. Hiểu được tâm lý đó, rất nhanh chóng, bằng sự thẳng thắn, cởi mở, anh đã xóa tan khoảng cách, lấy được niềm tin nơi các bạn trẻ. Chỉ trong hai tuần, dưới sự hướng dẫn của anh, Hải Anh, Quỳnh Ly, Thanh Phong, Quốc Khoa, Genta đã làm được những điều mà trước đây, với họ, là không tưởng.

Phần thưởng với Ngọc Anh không chỉ là sự tán thưởng nhiệt liệt của khán giả sau khi xem mà còn là việc diễn viên đã vượt qua những khó khăn, rào cản tâm lý để trưởng thành hơn. Có diễn viên biết được họ muốn làm gì, tìm thấy mục tiêu sống, sau khi làm việc với Ngọc Anh. Đó là trường hợp Quốc Khoa, một diễn viên với tuổi đời không còn trẻ đã quyết tâm gắn bó với nghề múa, “nếu không được làm việc với Ngọc Anh, sẽ không có Khoa như hôm nay” – Khoa tâm sự với người viết sau Mộc 2010. Đầu tháng 4 vừa qua, Khoa đã lên đường sang Nhật học tập và làm việc.

Múa, với Ngọc Anh, là cách anh chia sẻ tâm sự với mọi người bằng ngôn ngữ cơ thể. Xem các tiết mục anh dàn dựng, trình diễn, bạn sẽ thấy một Ngọc Anh không cầu kỳ, thêu dệt, mà giản dị, uyển chuyển, gần gũi; một Ngọc Anh giàu tình cảm với nhiều trăn trở về cuộc sống, con người… Có lẽ vì thế, sức ảnh hưởng của anh không chỉ với diễn viên chuyên nghiệp, cả những đứa trẻ từ 8 – 15 tuổi mà trong một lần làm tình nguyện cho UNICEF tại Việt Nam hồi cuối năm 2011 cũng thế. Tinh thần làm việc nghiêm túc, chỉn chu trên sàn tập của anh đã mang đến cho 25 đứa trẻ chưa từng biết đến múa là gì làm việc hăng say, đầy hứng thú trong ba ngày. Chỉ với thời gian ngắn ngủi đó, chúng đã có thể trình diễn một tiết mục dài 18 phút khá chỉn chu, đầy cảm xúc.

Viết trong cuốn lưu bút dành cho thầy, có em còn muốn được học múa, còn thầy thì không giấu được niềm hạnh phúc khi nhìn thấy được một vài em với khả năng cảm nhạc, biểu đạt tình cảm bằng ngôn ngữ hình thể nổi trội.

Mộc 2010 là sự khởi đầu cho chuỗi hành trình chia sẻ kỹ năng nghề nghiệp, kinh nghiệm sáng tạo với các đồng nghiệp tại Việt Nam của Ngọc Anh sau 12 năm tu nghiệp, làm việc ở nước ngoài. Anh thu xếp thời gian, trở về chuốt, dàn dựng lại tiết mục cho các diễn viên trẻ được cọ xát, thử sức với các đồng nghiệp nước bạn, thực hiện các khóa học ngắn hạn…

Với cựu sinh viên trường Cao đẳng Múa Việt Nam, người từng được trao một lúc hai học bổng ở Pháp và Hongkong, đã làm việc tại những công ty lớn trên thế giới trong nhiều vai trò khác nhau, thì những lần trình diễn, giảng dạy ở khắp bốn châu lục, anh luôn tranh thủ từng cơ hội nhỏ để giới thiệu về văn hóa Việt Nam thông qua múa. Đó là khi anh dàn dựng điệu múa Chàm (2005), đưa vào trong F2 (công ty Inversaldance, Hungary, 2011) những trò chơi dân dã như xếp thuyền giấy, đánh trận giả, Nu Na Nu Nống, Bịt mắt bắt dê… hay điệu ru con trở thành chất liệu ru giấc mơ trong Lullaby (International Dance Festival Birmingham) hồi đầu tháng 4 vừa qua.

Với Nguyễn Ngọc Anh, được chia sẻ kinh nghiệm, cùng các đồng nghiệp tạo thêm nhiều cơ hội trau dồi kỹ năng, cùng vẽ nên bức tranh cuộc sống đa màu sắc là niềm hạnh phúc mà những vất vả, khó nhọc của nghề trở nên nhẹ tênh.

Ngọc Khải – Ngọn lửa yêu nhảy múa


15 năm trước, nếu hỏi cậu bé 12 tuổi có thích múa không thì câu trả lời sẽ là không, “Vì phải dậy từ sáng sớm, đến trường ép dẻo cơ thể trong nhiều tiếng đồng hồ dù giá rét hay nóng bức đứa trẻ nào thích nổi?” – Khải cười cho biết, lúc đó chỉ thích thể thao – đá bóng, nhảy cao, nhảy xa, đá cầu. Nhưng bước sang năm thứ 2, anh bắt đầu thích múa khi có thể chinh phục các động tác khó, vượt qua được những thử thách mà múa đặt ra cho cơ thể. Dẫu phải trả cái giá khá đắt đỏ cho việc trở thành diễn viên, biên đạo múa, song Khải đã biết mình muốn gì.

Người trong nghề hay nói, tính cách của bạn sao thì múa vậy – múa là người. Điều này chắc chắn đúng với Ngọc Khải. Tích cách ưa hoạt động, thích dịch chuyển, không thể ngồi lâu, đứng yên một chỗ đã được thể hiện khá rõ trong phong cách của Khải. Nếu các biên đạo khác nói chuyện với diễn viên trong buổi làm việc đầu tiên, thì Khải “ra bài” cho diễn viên bằng chuyển động. Quan sát tiếng nói cơ thể của từng diễn viên giúp Khải biết được điểm mạnh, điểm yếu của từng người để chọn các chất liệu phù hợp.

Với “Dream” (2009) múa cùng Thùy Chi, Khải đã dựa trên nền tảng múa Taichi của cô để tạo nên những đường nét vẫn mềm mại, uyển chuyển nhưng không còn là một Thùy Chi quen thuộc với đa phần khán giả trong các thể loại múa cổ điển Trung Quốc mà hoàn toàn mới lạ trong neo-classic. Còn Tố Như, một solist tài năng, kỳ cựu của làng ballet Việt Nam, khi làm việc với Khải trong “Tranh” (2010), “Kết nối” (2012) vẫn tinh tế trong những kỹ thuật khó nhưng làm người khác ngạc nhiên với một Tố Như mướt, mượt, nhẹ nhàng, phóng khoáng trong từng chuyển động.

Thời gian về sau này, khi sang châu Âu, Khải tập phản xạ với âm thanh để nhạy bén hơn, một phần của quá trình tập luyện lắng nghe cơ thể, tìm cách khắc phục nhược điểm tay chân vụng về để tránh làm đau người khác trong công việc cũng như cuộc sống, Khải cho biết: “Ngày xưa mình hậu đậu lắm, đi đâu quệt đấy!”

Thường xuyên lắng nghe mọi thanh âm của cuộc sống, nghe hơi thở của cả trong hành động nhỏ nhất, Khải biết được nhịp điệu của cơ thể để rồi biết cách tạo nên điểm nhấn từ không khí, nhịp điệu, tiết tấu, cảm nhận cho từng tác phẩm. Anh đã chia sẻ kinh nghiệm này với khán giả và đồng nghiệp trong chương trình tháng 3 của Sân khấu Mở. Không chỉ 8 diễn viên tham gia tiết mục biểu diễn học được cách nghe hơi thở của bạn diễn, tập thở cùng một nhịp với nhau mà những học viên ngoại đạo với múa cũng cho biết, trải nghiệm, kiến thức này thú vị và cần thiết với họ – biết cách tương tác phù hợp với người khác, có thể hỗ trợ họ, mang đến sự nhịp nhàng, đồng điệu trong công việc cũng như cuộc sống.

Khải yêu nghề, điều đó thể hiện qua những gì anh đã làm trước khi sang Hà Lan nâng cao trình độ và làm việc theo diện học bổng toàn phần, rồi đếnThụy Sỹ, Đức. Khải từng di chuyển liên tục giữa Đức – Anh – xứ Wales để tham gia những lần thi tuyển, cơ hội được học hỏi, biết thêm nhiều màu sắc múa ở châu Âu, đồng thời đảm bảo chất lượng làm việc ở công ty. Trước khi về Việt Nam hẳn, Khải đã có một hành trình xuyên châu Âu, anh đi lại không ngừng nghỉ, tham gia trình diễn, học hỏi, quan sát, lắng nghe, tiếp nhận không chỉ kiến thức về múa mà còn các loại hình nghệ thuật khác.

Với những kinh nghiệm quý báu đó, Khải đã và đang chia sẻ với đồng nghiệp, khán giả bằng nhiều hình thức khác nhau, mọi lúc có thể. Chính hành trình cho đi và nhận lại đó, Khải khiến cho những ai có dịp tiếp cận, trao đổi với anh, cảm nhận được niềm đam mê, khát vọng cống hiến, mang đến nhiều điều thú vị cho cuộc sống.

 

10 giờ sáng ngày 16/4, Ngọc Anh đến Sài Gòn, nơi làm việc kế tiếp trong chuỗi hành trình Hongkong – Philippines – London – Birmingham. Ngọc Anh liên tục trong tình trạng chỉ nghỉ ngơi vài tiếng sau khi đáp chuyến bay đến nơi nào đó rồi bắt tay vào việc với cường độ 7-8 tiếng/ ngày suốt 5 đến 7 ngày.

Chỉ kịp tắm gội, đợi Ngọc Khải chạy chương trình Mộc từ 8 giờ sáng dù đêm hôm trước phải làm việc đến 3 giờ, 13 giờ, cả hai ăn vội bữa trưa rồi sang studio chụp hình cho TTVH & Đàn Ông. Sau hơn 20 tiếng di chuyển từ nước Anh đến Sài Gòn, những ngày kế tiếp, anh sẽ chỉ biết con đường từ nhà đến sàn tập để chuẩn bị cho chương trình “Mộc” (25-26/4) với hai tiết mục duo, trio do anh dàn dựng và solo của bản thân.

Còn Ngọc Khải, anh đã trải qua những ngày chỉ được ngủ 5 tiếng để sáng tạo, tập luyện, chuẩn bị cho “Mộc” và chương trình “Bạn đã từng đến đó?” thực hiện cùng với Ngọc Anh vào tháng 5 tới.

Để thực hiện được những động tác thoạt nhìn rất đơn giản, hay ngộ – lạ, đẹp mắt, họ đã phải trải qua những tháng năm khổ luyện, ít nhất 7 tiếng mỗi ngày và chịu nhiều chấn thương. Chuyện đi nắn lại khung xương, cổ, đầu gối trở thành quá bình thường bởi những chuyển động đó vượt quá giới hạn vặn khớp của cơ thể.

Để có được hình thể với các thớ cơ đẹp mà nhiều người ao ước, các diễn viên múa, từng ngày tập luyện đã phải cảm nhận sự chuyển động của từng thớ cơ: cơ nào được dùng, cơ nào được thả, hay cơ nào dùng cùng lúc với thả. Từng chuyển động nhỏ, dù chỉ là một ngón tay, họ cũng phải vận động cả cơ thể lẫn đầu óc. Chỉ một thế đứng, cơ thể chuyển động cùng lúc đầu óc phải tư duy và xử lý rất nhiều thông tin – lắng nghe nhạc, tương tác với bạn diễn, để ý sân khấu, thể hiện nét mặt…

Text: An Hộ

Photo: Tuan.fr
Producer: C.H
Assistant: Ly Binh Son

i


From the same category