“Ngoài đường tự do, về nhà vui vẻ”

Mỗi người đều cảm thấy “mình vẫn là mình” trong cuộc sống chung. Điều đáng nói là các bà vợ cũng khá dễ dàng chấp nhận thỏa thuận này. Có lẽ họ nhận ra đó là giải pháp cho việc đảm bảo sự tồn tại của gia đình, chứ không hẳn chỉ đề cao tự do cá nhân. Sự thỏa thuận này cũng mang tính tôn trọng sự riêng tư của người đã có gia đình.

“Để khỏi mệt mỏi canh chừng nhau” – đó là nhận định của chị Trần Thị Thủy Tiên, trưởng phòng kinh doanh của một công ty vận tải, về thỏa thuận nói trên. Ông xã chị làm trong ngành sản xuất phim. Cả hai vợ chồng đều ở ngoài đường nhiều hơn ở nhà. Lúc mới sống chung được một năm, chồng hay bị vợ thắc mắc: “Sao một tuần, anh chẳng ăn cơm nhà bữa nào?”. Vợ cũng hay bị chồng than: “Em đi đâu mà có hôm gần nửa đêm mới về?”. Chẳng ai muốn giải trình như bị mắc sai lầm ở cơ quan.

Tuy nhiên, họ đã từng trình bày lý do, nhưng không đạt hiệu quả cao – vì người nghe không bị thuyết phục, không nhất trí với người nói về những chuyện họ phải làm, họ phải đi. Chuyện nọ lôi ra chuyện kia, rắc rối thêm. Đã ít gặp nhau, mà chẳng được vui vẻ, họ cần giải pháp. “Anh có việc của anh, em có việc của em. Còn cần nhau thì còn chung sống với nhau. Gặp nhau trong nhà thì chia sẻ, bên nhau ngoài đường thì vui vẻ”.

Đó là “nội quy” mới của cặp vợ chồng trẻ này. Họ đã áp dụng được 3 tháng. Tình hình gia đình được cải thiện nhiều. Trong nhà bớt câu hỏi, tăng tiếng chào, tiếng cười. Đặc biệt là họ hay hẹn gặp nhau vào buổi trưa, cùng đi ăn cơm chung, như hồi mới quen. Trong khoảng thời gian gặp gỡ ít ỏi, họ tranh thủ nhắc nhau những việc cần làm ngay cho gia đình, hỏi thăm tình hình thằng cu đang học mẫu giáo. Họ thực hiện thỏa thuận khá nghiêm túc và đạt hiệu quả: sống chung một cách vui vẻ mà vẫn tự do, độc lập.

Ngoài gia đình không có nghĩa là phải ra khỏi nhà. Thời đại IT, nhiều ông chồng, bà vợ ngồi trong nhà mà vẫn “out”. Vì thế, gia đình anh Trần Thái Phong, một kiến trúc sư, lại phải thỏa thuận thêm một điều khoản nhỏ: “Bên ngoài gia đình tại gia”. Theo anh chồng, đó là lúc anh đang làm việc, giao tiếp… trên mạng, nên không thể vui vẻ được với vợ con. Vợ gật đầu đồng ý. Theo đó, chị không giao nhiệm vụ gì cho chồng, không làm phiền anh trong thời gian này.

Tuy nhiên, cô vợ vẫn muốn theo dõi hành vi của chồng. Anh hay “chat” với những cô gái trẻ (mà anh gọi là khách hàng tiềm năng) một cách quá thân mật, vui vẻ, khiến chị lo lắng. Vợ chồng lại ngồi “họp” với nhau. Chồng chủ động đưa ra đề nghị: Các mối quan hệ của anh là chuyện cá nhân, riêng tư, và anh không muốn vợ tìm hiểu hay quan tâm. Bởi vì, anh chỉ có thể cưới và ở cùng một cô vợ, nhưng phải sống cùng rất nhiều phụ nữ khác trong các vai: bạn bè, khách hàng, đồng nghiệp…

Trong khi đó, vợ cũng toàn quyền thiết kế cuộc sống của mình, không cần phải hỏi ý kiến của chồng. Chị không cần phải từ bỏ bất cứ sở thích nào. Chị vợ lại đồng ý. Những lúc chồng vắng nhà, chị đến vũ trường với đam mê khiêu vũ từ hồi con gái. Chị có nhiều bạn mới. Điều bất ngờ là anh chồng có mặt ở nhà nhiều hơn, vui vẻ hơn và hay đưa vợ đi xem phim, ca nhạc…

Cũng có không ít cặp vợ chồng đã có những rung động ngoài luồng, nhưng vẫn muốn “giữ nguyên đội hình” gia đình vốn rất đẹp trong mắt mọi người. Hơn nữa, những rung động kia cũng chỉ giải quyết được phần “giải trí”, chứ chưa đến mức cần phải thay đổi nếp nhà. Các ông chồng đẹp trai, có thu nhập cao luôn lọt vào tầm nhìn của các cô gái trẻ đẹp. Các bà vợ không muốn xuống giá bởi ghen tuông, và cũng có khả năng tìm một người sẻ chia, thường là người chủ động và thuyết phục ông xã “tự do bên ngoài, nhưng về nhà vẫn là vợ, là chồng”.

Gia đình của chị Lệ Ái, phó giám đốc một công ty truyền thông, áp dụng mô hình này. Ông xã chị đang đi với ai, mọi người còn biết rõ hơn chị. Dường như chị chỉ cần danh phận là vợ của một người đàn ông thành đạt là quá đủ để yên tâm nuôi dạy con và phát triển sự nghiệp của riêng mình.

Thỏa thuận “ngoài đường tự do, về nhà vui vẻ” như đảm bảo quyền tự do của mỗi cá nhân trong cuộc sống cùng nhau. Tuy nhiên, thỏa thuận có nội dụng “ai làm gì tùy ý” cũng dễ dẫn đến nhiều thỏa thuận thường thấy ở các phiên tòa: chia tay, chia tài sản, chia con… mà đôi khi phần thiệt thòi luôn nghiêng về phía phụ nữ. Vì thế, các đương sự trong cuộc thỏa thuận phải cân nhắc các điều khoản và luôn đặt lợi ích của gia đình trên những ham muốn của mình. 

Bài: Phước Chung

From the same category