“Không thể vì hàng nhái mà cho rằng không có hàng hiệu”
– Ông có theo dõi chương trình “Trở về từ ký ức” của VTV nói về những người đội lốt nhà ngoại cảm để lừa đảo các gia đình liệt sĩ không, thưa ông?
– TS Vũ Thế Khanh: Tôi có theo dõi. Đáng ra, chương trình đó phải chia tách hai khái niệm: khái niệm về bọn mê tín dị đoan, lừa đảo, và các nhà ngoại cảm. Giống như chúng ta có sự phân biệt giữa hàng nhái ngoài vỉa hè và hàng chất lượng trong siêu thị, cần có sự phân biệt rõ, có biện pháp tẩy chay mạnh mẽ với các đối tượng lừa đảo.
Chúng tôi vẫn nói: 90% các nhà ngoại cảm tự xưng hiện nay là “dỏm”. Nhưng không thể vì có người làm hàng nhái, hàng giả mà nói rằng không có hàng tốt, hàng hiệu, vì phải có hàng hiệu thì mới có hàng nhái chứ? Các nhà ngoại cảm thực sự và những người hành nghề mê tín dị đoan là hoàn toàn khác nhau, thậm chí chia thành hai chiến tuyến, không thể trộn lẫn. Các nhà ngoại cảm đang bị bọn mê tín dị đoan giả danh lợi dụng để hành nghề bất chính .
Tiến sĩ Vũ Thế Khanh
– Thực ra câu chuyện này không hề mới, và một phần cũng là do các nhà ngoại cảm giải thích chưa thật thỏa đáng, chưa lý giải đầy đủ về các “sai số” trong quá trình tìm hài cốt liệt sĩ. Ví dụ như trường hợp tìm mộ liệt sĩ Phùng Chí Kiên của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng.
– TS Vũ Thế Khanh: Bản chất của của buổi phát thông tin về hiện tượng tìm hài cốt liệt sĩ Phùng Chí Kiên là đánh tráo khái niệm. Cô Bích Hằng miêu tả liệt sĩ Phùng Chí Kiên bị bêu đầu ở Bắc Cạn 4 ngày, xác một nơi, đầu một nơi, sau đó có một thợ cắt tóc tên Vò đã lấy trộm cái đầu và táng ở trong bộ đồ nghề, lấy bát kê ở dưới. Cô Bích Hằng đã nói cho gia đình liệt sĩ Phùng Chí Kiên câu chuyện này, và chỉ nơi mai táng. Gia đình liệt sĩ Phùng Chí Kiên đi tìm ông Vò, lúc đó ông đã mất nhưng người con dâu cũng kể lại thông tin đó và đưa gia đình tới nơi chôn đầu của liệt sĩ Phùng Chí Kiên. Mô tả của cô Bích Hằng giống hệt hiện trường, đây là một thành tích phải được ghi nhận.
Lúc xuống hiện trường, cô Bích Hằng có việc bận phải về Hà Nội, còn người nhà liệt sĩ Phùng Chí Kiên khai quật vùng đất đó lên và thấy xương cốt không còn, chỉ còn mảnh bát vỡ. Gia đình liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã coi 13 mảnh sành này là vật chứng, nhưng người ta đánh tráo khái niệm, mang mảnh sành về đi giám định gen, vì họ nại ra rằng mảnh sành là hài cốt. Vì thế, nhiều người hiểu rằng cô Bích Hằng nói mảnh sành chính là hài cốt, thay vì ghi nhận thành tích cho cô. Những người không có mặt tại hiện trường, không theo dõi việc cất bốc tìm kiếm mà lại phát ngôn thì không thể tin vội vàng sự phát ngôn của họ
– Không phải ai cũng có điều kiện có mặt tại hiện trường, hay theo dõi đầy đủ thông tin. Ông có thể đưa ra một vài tiêu chí để phân biệt nhà ngoại cảm thật và “dỏm” được không, thưa ông?
– TS Vũ Thế Khanh: Việc này không khó gì, nhưng nếu bạn muốn chấm bài toán của học sinh thì bạn phải là người dạy toán. Nhà ngoại cảm thật là người có thể nối dài các giác quan của mình so với người bình thường, nhìn thấy, nghe thấy, cảm thấy những điều mà người thường không thể với tới được. Nếu nhà ngoại cảm nào đến UIA và Viện khoa học hình sự thì sẽ được “chấm điểm” ngay, chứ nhân dân thì làm sao có kinh nghiệm để chấm được? Nhân dân muốn biết thật giả, tốt nhất đến cơ quan UIA để được hướng dẫn.
Cách dễ nhất để nhận ra những nhà ngoại cảm giả là phải tẩy chay những người đang hành nghề mê tín dị đoan tại các địa phương, vì không bao giờ chúng tôi công nhận những người đó. Những nhà ngoại cảm chân chính phải làm việc ở UIA và do UIA, Viện Khoa học Hình sự – Bộ Công an và Trung tâm Bảo trợ Văn hóa Kỹ thuật Truyền thống quản lý.
– Ông có thể chia sẻ về quy trình “kiểm định” các nhà ngoại cảm?
– TS Vũ Thế Khanh: Những người “dỏm” thì kiểm tra dễ lắm, chỉ một buổi là xong thôi, còn những người “thật” thì kiểm tra rất lâu. Họ phải làm đủ 100 ca tìm hài cốt liệt sĩ trở lên. Chúng tôi có những thí nghiệm gọi là sơ khảo: ví dụ như họ phải tiếp xúc với một người hoàn toàn mới lạ, tiểu sử gia đình họ không được biết, nhưng phải mô tả được những tín hiệu của người đã mất, cuộc đời sự nghiệp, sinh năm nào, mất ở đâu, mô tả tình trạng hài cốt, các vật chứng đi kèm… lúc đó mới được tính là có dấu hiệu. Chúng tôi làm đủ 100 ca để không gặp chuyện ăn may, ngẫu nhiên.
Sau khi tìm thấy hài cốt liệt sĩ rồi, chúng tôi sẽ quyết định có cần giám định gen hay không, vì có trường hợp có những câu chuyện cá biệt, vật chứng, tên tuổi… rồi. Giám định gen chỉ là một biện pháp để xác định thôi, có nhiều trường hợp giám định gen không được, vì không có mẫu, như hài cốt không còn, gia đình không còn anh em họ hàng nữa. Ngày xưa Bao Công xử án làm gì có giám định gen mà người đời vẫn “tâm phục khẩu phục”, cách đây 10 năm nước mình cũng chưa có giám định gen, vậy các vụ án hình sự điều tra trước đây sai hết à?
– Hiện giờ năng lực của các nhà ngoại cảm đã giải thích được chưa, thưa ông?
– TS Vũ Thế Khanh: Các nhà ngoại cảm có khả năng do 2 yếu tố: có thể là ngẫu nhiên, do các biến cố về sức khỏe, như ngã, tai nạn… sau đó có khả năng; có thể là do tu luyện, thường những người này không ra bên ngoài, không làm ngoại cảm, không dính dáng sự đời. Những người có khả năng trong xã hội rất nhiều.
TS Vũ Thế Khanh tại lễ truy điệu Liệt sỹ Trần Minh Kính
– Ông có nói rằng: nhà ngoại cảm thật và nhà ngoại cảm nhái là ở hai chiến tuyến, không đội trời chung với nhau. Vậy các nhà ngoại cảm thật có cách nào để chống lại các nhà ngoại cảm “rởm”?
– TS Vũ Thế Khanh: Nhà ngoại cảm thật không bao giờ chống bọn giả được, vì họ làm gì có thẩm quyền và chức năng? Họ chỉ có thể nhờ dư luận và các cơ quan chức năng của nhà nước thôi.
– Sở dĩ tôi hỏi như vậy vì có một thực tế là nhu cầu tìm mộ liệt sĩ của các gia đình, thân nhân người có công là rất cao, nhưng dường như biện pháp quản lý của nhà nước lại chưa được chặt chẽ.
– TS Vũ Thế Khanh: Đúng thế, nhu cầu cao nên mới sinh ra đồ “rởm”, nhu cầu của xã hội rất cao bởi sự hy sinh của dân ta trong chiến tranh là quá lớn. Vì “cầu nhiều hơn cung” nên mới sinh ra đồ “dỏm”, chứ cung nhiều hơn cầu thì không bao giờ có chuyện đó.
Tôi cũng đang bàn với cơ quan chức năng để tổ chức một buổi công bố thông tin rộng rãi cho nhân dân.
“Các liệt sĩ tình báo còn phải chịu oan khuất hơn nhiều”
– Tôi có thể biết 1 ngày ở UIA tiếp nhận bao nhiêu trường hợp thân nhân liệt sĩ tới tìm mộ được không?
– TS Vũ Thế Khanh: Rất nhiều, có những gia đình liệt sĩ phải xếp hàng 6 tháng để có thể gặp được nhà ngoại cảm, vì một nhà ngoại cảm một ngày chỉ làm được 20 ca là nhiều, họ còn không có thời gian để đến hiện trường.
– UIA chỉ có một cơ sở duy nhất ở Hà Nội phải không, thưa ông?
– TS Vũ Thế Khanh: Đúng thế.
– Tại sao chúng ta không mở nhiều cơ sở hơn ở các địa phương để các gia đình liệt sĩ thuận tiện hơn trong việc tiếp cận thông tin và gặp gỡ các nhà ngoại cảm?
– TS Vũ Thế Khanh: Bởi vì chúng tôi gặp khó khăn trong vấn đề quản lý. Ví dụ như bạn muốn mở thêm một bệnh viện thì phải có đủ thiết bị và các bác sĩ, chứ không thể xẻ đôi cái máy soi ra được. Viện Hình sự hiện nay chỉ có 1 máy hiện đại đặt tại Hà Nội, các cán bộ và máy móc thiết bị cũng chưa thể triển khai được.
Do vậy, nếu chưa đào tạo được cán bộ quản lý về vấn đề này thì tốt nhất là đừng mở các chi nhánh ở các địa phương để tránh các hiện tượng tiêu cực có thể xảy ra.
– Hiện giờ tại UIA có bao nhiêu nhà ngoại cảm, thưa ông?
– TS Vũ Thế Khanh: Chúng tôi hiện nay có gần 20 nhà ngoại cảm, những người này đã được kiểm tra, sàng lọc từ vài trăm người. Những nhà ngoại cảm có khả năng mà tư cách kém, có tính lừa đảo, gian trá thì chúng tôi cũng không cho phép làm việc ở đây, chưa nói những người “dỏm” thì có hàng trăm cái tên đã bị loại ngay từ vòng sơ khảo.
– Liệu ông có thể chia sẻ con số thống kê chính xác số lượng hài cốt liệt sĩ mà các nhà ngoại cảm ở UIA tìm thấy được không?
– TS Vũ Thế Khanh: Tôi không đưa ra được con số chính xác, ước tính phải hàng vạn ca, vì có những gia đình liệt sĩ tìm được hài cốt người thân nhưng không thông báo lại. Nhưng chỉ tính ví dụ như trường hợp nhà ngoại cảm Nguyễn Thị Nguyện, mỗi ngày cô làm bình quân 20 ca, mỗi tháng khoảng 400-500 ca, mỗi năm hàng ngàn ca, với độ chính xác ít nhất là 70% (tỷ lệ này đã được kiểm chứng trong 100 ca khảo nghiệm điển hình). Chỉ tính như thế thôi đã thấy được số lượng hài cốt liệt sĩ được tìm thấy là rất lớn. Càng làm việc nhiều thì các nhà ngoại cảm càng giỏi hơn, nhưng chúng tôi chỉ tính xác suất khiêm tốn 70% thôi.
– Tôi có thể biết chi phí để tìm mộ mà các gia đình thân nhân liệt sĩ phải chi trả cho trung tâm trong một lần tìm kiếm được không?
– TS Vũ Thế Khanh: Chúng tôi làm miễn phí. Những người ở Viện Hình sự thì có lương sự nghiệp, còn ở UIA thì các thầy đang nghiên cứu khoa học, đi dạy học… Việc ngoại cảm chỉ làm từ thiện mà thôi. Nếu tìm được hài cốt liệt sĩ thì các gia đình sẽ cảm ơn, có người không cũng chẳng sao. Ví dụ gia đình liệt sĩ Phùng Chí Kiên đã nói thẳng: chưa từng cảm ơn cô Bích Hằng một đồng nào. Tất nhiên, phải có người biết ơn thì các nhà ngoại cảm mới sống được, vì họ cũng cần sự hỗ trợ, cần phải công bằng với họ, nên tưởng thưởng cho công lao của họ đã giúp các gia đình. Còn giúp bao nhiêu thì tùy lòng trên tinh thần hoan hỷ , nghiêm cấm các hành vi vòi vĩnh, bắt ép…
TS Vũ Thế Khanh – Tổng giám đốc Liên hiệp UIA đại diện cho ba cơ quan khoa học – đọc lời điếu tại lễ truy điệu liệt sỹ Trần Minh Kính
– Nói tới chuyện bảo vệ, hỗ trợ các nhà ngoại cảm, còn phải nói tới một câu chuyện khác: bảo vệ niềm tin. Trong xã hội hiện tại, niềm tin là một thứ rất xa xỉ, và khi đã bị mất rồi thì khó có cách nào để lấy lại được. Ông có biết làm cách nào để tạo dựng lại lòng tin của các thân nhân liệt sĩ và xã hội về vấn đề này?
– TS Vũ Thế Khanh: Chúng tôi không làm được. Chúng tôi vẫn công bố rằng nhà ngoại cảm “dỏm” là 90% nhưng không giải tán họ được, vì không có chức năng. Chúng tôi là cơ quan nghiên cứu khoa học, chỉ có chức năng công bố thông tin thôi.
Chúng tôi vẫn trăn trở phải đập tan bọn “dỏm”, vì chúng tôi cũng là những người lính, gia đình cũng có người là liệt sĩ. Chúng tôi rất muốn không để bọn lừa đảo, mê tín dị đoan lợi dụng lòng tin của các gia đình, nhưng đồng thời, cũng phải nói rằng: ngoại cảm là một tài năng hiếm gặp, phải nâng niu chứ, sao lại trộn lẫn với bọn “dỏm” thì bao giờ mới có những người “thật” mà dùng?
Nếu bắt được một kẻ lừa đảo đã giả danh công an để lừa đảo dân lành mà phát thanh viên truyền hình lại phát ngôn rằng “bắt được công an lừa đảo dân lành” thì là cố tình xúc phạm và bôi xấu các chiến sỹ công an.
Không có cơ quan chức năng nào phong cho bọn lừa đảo là “nhà ngoại cảm” cả, nhưng chính người dẫn chương trình trên truyền hình đã tự phong cho bọn chúng những danh hiệu đó.
Bởi vậy, không phải các nhà ngoại cảm chân chính làm mất lòng tin của dân chúng, mà chính những người phát ngôn trên truyền hình và một số tờ báo cố tình “đánh tráo khái niệm”, đổi trắng thay đen, tự phong cho những kẻ lừa đảo là “nhà ngoại cảm” để người dân hiểu nhầm khả năng thực sự của nhà ngoại cảm.
– Và câu hỏi cuối, ông có thể chia sẻ cảm xúc, tâm trạng của nhà ngoại cảm Phan Thị Bích Hằng và những người ngoại cảm khác sau những ồn ào vừa qua được không?
– TS Vũ Thế Khanh: Tất nhiên, bị người khác xúc phạm thì cũng có bất an, vì cô Bích Hằng có phải là thánh đâu? Nhưng chúng tôi cũng động viên cô Hằng: những thiệt thòi mà các liệt sĩ tình báo phải chịu còn lớn hơn nhiều, họ còn oan khuất hơn nhiều. Không sao cả.
– Xin cảm ơn ông đã chia sẻ!
Linh Hanyi (Thực hiện)
Ảnh: Nhân vật cung cấp
“Thực sự mà nói, trong 10 năm qua, nếu như không có một số kẻ lừa đảo đội lốt tâm linh, thì đời sống của nhiều người trong chúng ta đã không đến nỗi mờ mịt thế này. Không phải chúng ta đang đi theo một quy trình ngược của lòng tin sao: Ban đầu là tin vào con người và những điều tốt đẹp, rồi giờ là đi tin mơ hồ sơ hãi, trong khi lẽ ra phải là ngược lại?…”