Ảnh: Chung Đặng
Bố “thân” với cả em thứ hai nữa (Thanh Nguyên, con thứ hai của GS Ngô Bảo Châu – PV); bố giúp em ấy học toán, em ấy thì giúp bố học tiếng Đức, vì em ấy học môn đó rất cừ. Bố cũng rất vui khi em út Hiền An có hôm chạy về khoe là hôm nay ở lớp, em ấy đã giải toán hơn đứt mấy cậu con trai trong lớp. Bố bảo: “Con gái thắng được con trai là rất tuyệt!”. Bố luôn khuyến khích chúng em làm được những việc có thể khiến mình tự hào, nhưng nếu như chưa làm được, bố cũng không bao giờ tỏ ra thất vọng. Và khi em chọn trường, bố đã để em được toàn quyền quyết định. Thấy em không “say” môn toán như em út Hiền An, bố cũng không ép em đi theo toán. Ngay cả các môn nghệ thuật, nếu thấy các con không thích, bố cũng không ép.
Trong ba chị em, em là người có điều kiện được đồng hành cùng bố nhiều hơn cả, trong nhiều chuyến về nước và làm thiện nguyện. Điều khiến em nể phục bố nhất là dù rời Việt Nam đã lâu, và công việc thì bận rộn, nhưng bố vẫn giữ liên lạc thường xuyên với những bạn học từ hồi học ở trường thực nghiệm, hay cách bố tôn trọng ông bà, bố mẹ, thầy cô, cách bố giao lưu, chia sẻ với mọi người… Bố luôn ân cần và ấm áp. Bố Châu là người rất trọng tình và em rất yêu bố.
Bố chưa bao giờ dạy em cách làm thế nào để trở thành một người được mọi người tôn trọng, cũng không bao giờ gọi tên điều đó, nhưng qua những cuộc gặp của bố, cách bố đối xử với mọi người, tự em đã tìm ra định nghĩa về con người đó. Và điều quan trọng là bố đã giúp em hiểu, con đường đó thật ra không có đích, hoặc không phải cứ chạm đích là xong. Nó là một con đường mà chúng ta phải đi hết cả cuộc đời, dù có thể không bao giờ thấy đích…
– Giáo sư Ngô Bảo Châu: “Cũng có lúc tôi áy náy với mình”
– Nhà báo Trần Đăng Tuấn – Người khởi xướng chương trình “Cơm có thịt”: “Sự giản dị không nằm ở đôi dép tổ ong”
– Dung dị, quyết đoán, Ngô Bảo Châu!
Thư Quỳnh (ghi)