Ngô Quang Hải: Hoang tưởng hay khôn ngoan?

Nhưng một người hâm thực sự có khi nào nhận mình hâm bằng thái độ… tự hào như vậy? Riêng tôi, với hơn 10 năm biết Quang Hải, lại muốn dành 3 nét phác cơ bản cho bức chân dung, dẫu không hoàn chỉnh, nhưng thật thà: đứa trẻ đầy năng lượng trong hình hài một người đàn ông, nhưng lại ẩn dưới bộ óc thông minh và cực kỳ khôn ngoan! 

Vậy chàng đạo diễn họ Ngô sẽ đồng tình hay phản đối nhận xét trên của tôi? Hay sẽ có câu trả lời… nào thú vị hơn thế nhiều đấy?

Tôi đã bản năng và buông tuồng với cuộc sống của mình

– Vâng, nếu tôi nhận xét: Anh là đứa trẻ đầy năng lượng trong hình hài một người đàn ông nhưng lại ẩn dưới bộ óc thông minh và cực kỳ khôn ngoan”, anh sẽ bảo vệ mình như thế nào?

– Nhận xét của chị rất chính xác! Tôi tình cờ bước chân vào showbiz, không có sự trưởng thành về nhận thức, nên mãi mãi là một đứa trẻ. Tôi không tự hào trước việc bị nhiều người nhận xét là hâm, hoang tưởng, nói năng văng mạng. Nhưng tôi không sống khác được. Hơn nữa, đối với tôi, mọi người đàn ông trưởng thành đều chỉ là những đứa trẻ nhiều tuổi.

Thông minh ư? Chị có biết nhiều người dùng ngôn ngữ của mình để tỏ ra thông minh? Tôi chưa thông minh hơn người nhưng luôn cố gắng hài hòa những thứ người khác đang làm. Còn nếu khôn ngoan, tôi đã không sống bản năng như thế này, mà phải là ông chủ từ rất sớm. Vì tôi biết đi buôn, biết chạm vào đồng tiền từ rất sớm. Tôi cũng đã nhìn thấy rất nhiều người thành công và ngã ngựa trước mặt mình.

– Bản năng là khái niệm rất đáng yêu. Nhưng tôi chỉ thấy anh yêu bản năng, còn lại đều rất tỉnh táo!

– Khi đứng dậy bước khỏi đám đông, tôi biết cả đám đông sẽ nhìn nhau và nhổ nước miếng vào mình. Nhưng nếu muốn là tôi đi. Thời gian vừa rồi, tôi đã cư xử bản năng và buông tuồng với cuộc sống của mình. Nhưng không phải tất cả cuộc sống của tôi là như vậy. Đặc biệt, có những tình yêu và nguyên tắc không bao giờ tôi thay đổi hay chạm vào. Đó là mẹ tôi và điện ảnh. Bởi mẹ là người yêu tôi nhất và yêu tôi không điều kiện, còn điện ảnh là cứu cánh trong cuộc sống nhiều biến động của tôi.

– Điện ảnh, một lần nữa khiến tôi tò mò về anh. Chúng ta đều biết, “Chuyện của Pao” thấm đẫm sự nhân văn, trong sáng còn “Mùa hè lạnh” lại đầy màu sắc nhục dục. Tôi đồng ý đạo diễn phải làm được mọi đề tài. Nhưng với anh, ở thời điểm này, có sự chuyển biến gì về tư tưởng, khiến anh “xoay chiều” gấp như vậy?

– Sự nhân văn, trong sáng trong “Chuyện của Pao” hay dục vọng trong “Mùa hè lạnh” đều là những khía cạnh của con người tôi. Tôi nghĩ, dục vọng là “đặc sản” của mọi sinh vật trên thế giới, và mỗi con người sống hàng ngày đều có dục vọng. Đó là dục vọng được hạnh phúc, tâm lí, cơ thể được thỏa mãn,… Vấn đề quan trọng là người ta khai thác dục vọng như thế nào. Là đạo diễn, tôi hiểu việc trưng diễn nhục dục để cuốn hút người xem thì phim Mỹ làm giỏi hơn nhiều, các chiêu trò của thiên hạ bây giờ cũng giỏi hơn. Nên người ta sẽ không xem cô gái cởi truồng bước lên sân khấu chỉ để uốn éo. Cũng không nên so sánh “Chuyện của Pao” và “Mùa hè lạnh”, vì mỗi phim đều có mối tình đầu của tôi. Đối với tôi, tình yêu điện ảnh luôn tinh khiết và bất biến.

– Còn sự tinh khiết trong tình yêu – giới tính thì sao?

– Đó là thứ tình yêu không thể tinh khiết. Bởi tôi cũng chỉ là con người, và không ai có thể nhìn thấy phía sau cuộc sống của tôi. Chính bạn đôi lúc cũng đăm chiêu, cũng chửi bậy, cộc lốc, thô thiển với bản thân mình. Nên tôi không đủ dũng cảm và thừa giả dối để khẳng định mình yêu tinh khiết. Nhưng tôi không chấp nhận việc nhân danh tình yêu điện ảnh để xảo trá với nó.

Trong tình yêu, tôi thất bại “toàn tập”

– Có một điều tôi rất tò mò: Lịch sử tình yêu của anh toàn ghi tên những nhan sắc mỹ miều, và nhan sắc nào cũng yêu anh say mê, điên cuồng, khổ sở, bất luận “lí lịch đen” của anh. Anh có sức hút gì mà có được nhiều người yêu tới vậy?

– Có cụ già nọ, hơn 100 tuổi, sống trên một hòn đảo yên bình. Ở đó có lúa mì sạch, có táo, nho, có nhà thờ tin lành. Ông có bà vợ kém 20 tuổi, nhưng lại ra đi trước, và có hàng trăm con cháu. Lúc bấy giờ, các đài truyền hình châu Âu phỏng vấn bí quyết trở thành người hạnh phúc nhất thế giới, và câu trả lời của ông là: Các vị có biết tôi mất bao nhiêu phần trăm trong cuộc đời để tìm được người nói chuyện với mình và lắng nghe mình nói không? Tôi mất hai phần ba cuộc đời. Giờ thì bà ấy đã mất và tôi không còn là người hạnh phúc nhất thế giới nữa. Vậy đấy, người ta có thể quan hệ tình dục, sinh con, kiếm nhiều tiền hay ít tiền, thành công hay thất bại… nhưng điều quan trọng nhất là tìm được người nói chuyện với mình hằng ngày.

Tôi không dám chắc mình sẽ sống lâu như ông lão nọ. Bởi với cuộc sống nhiều hóa chất, với những thứ bất chợt trong cuộc sống hiện đại này, có thể ngày mai tôi không mở mắt được nữa. Điều quan trọng tôi muốn nói là, vấn đề không phải tôi yêu cô nào đó, hay cô nào đó yêu tôi say đắm. Nhưng tôi cũng “cảm ơn” những ai nói rất yêu tôi! Tôi nghĩ mình gần tìm được rồi!

– Anh mỉa mai những lời phụ nữ nói “yêu anh say đắm”?

– Tôi từng đọc được đoạn rất hay: “Anh đừng chọn giữa em với cô ấy. Còn nếu để chọn, anh hãy chọn cô ấy. Vì nếu yêu em, anh không cần phải chọn lựa”. Tôi nghĩ câu đó ứng với mọi người. Nếu ai đó yêu ai say đắm, đến mức phải bộc lộ thành lời “tôi yêu anh ấy/cô ấy say đắm”, thì có gì phải chọn lựa nữa. Cuộc đời này chả ai lừa ai cả. Nó là tương tác từ hai phía. Tôi chỉ có thể yêu một người không bao giờ quay lưng với mình, đó là mẹ tôi. Tôi từng đối xử rất tệ với mẹ nhưng không bao giờ bà quay lưng lại với tôi.

– Hơn 40 tuổi vẫn chưa tìm được người yêu mình thật lòng. Tôi có thể kết luận anh là người đàn ông đào hoa – thất bại?

– Vâng, tôi thất bại, thất bại toàn tập trong tình yêu, và trong cả cuộc sống! Mà chị có biết vì sao ngày xưa các cụ ở với nhau được lâu dài không?

– Có thể vì các cụ không có… nhiều lựa chọn như bây giờ?

– Bạn đừng nói vậy. Đứa trẻ mất hòn bi ve bằng đại gia mất căn biệt thự, nên đừng so sánh. Sống được với nhau, vì họ yêu bản thân mình, và tình cảm họ dành cho bản thân rất chân thành. Bố mẹ tôi là một ví dụ. Họ yêu nhau đến chết. Khi ông nằm xuống, chính mẹ là người vuốt mắt cho ông. Ngày xưa, bố là anh bộ đội hành quân qua làng, mẹ là con cả, đầy trách nhiệm với các em. Nhưng khi bố tôi nói: “Anh yêu em, hãy đi với anh”, mẹ tôi đã bỏ hết để theo ông. Họ lấy nhau bằng hai mảnh chiếu và một mảnh chăn. Suốt đời mẹ chăm chồng, chăm con, giờ một mình đơn chiếc. Mẹ tôi nói “Khi ông ấy mất đi, mẹ thấy trống trải. Nó khủng khiếp hơn cả nỗi buồn”. Tôi cho đó là tình yêu vĩ đại.

– Xin hỏi anh câu cuối: Anh từng nói anh thèm con, và ước có người sinh con cho mình, màn hình iPad của anh cũng để hình trẻ con. Tại sao chỉ dừng lại ở mơ ước, trong khi anh có đầy đủ khả năng để sinh con?

– Chị có biết có bao nhiêu cái vong trẻ con theo tôi không? Có 2 cái, và cái vong thứ 3 là người anh con của bố tôi. Khi bố mất, bên cạnh cái khăn sô của tôi, còn một chiếc không người đội. Tôi hỏi đó là chiếc khăn của ai? Mẹ tôi nói đó là của anh con. Khi mất, anh ấy đã không có chỗ để chôn. Chạm đến trẻ con là chạm đến chuyện tế nhị của tôi, và tôi sợ ngồi thêm với chị, tôi sẽ không giữ được lòng mình! Trong khi đối với tôi, trẻ con là tinh khiết, tôi không muốn chạm vào. Hãy hiểu, hạt dẻ đã ngậm miệng thì không bao giờ mở được nữa.

Cám ơn những chia sẻ của anh, và xin chúc anh luôn giữ được sự bình yên cho tâm hồn!

Theo Style


From the same category