Ngô Quang Hải: 6 năm và bộ phim "sống còn" - Tạp chí Đẹp

Ngô Quang Hải: 6 năm và bộ phim “sống còn”

Sao

Cách đây 6 năm, khi làm xong “Chuyện của Pao” đoạt 4 giải thưởng Cánh diều vàng (trong đó có giải Phim hay nhất) và chu du một vòng LHP Quốc tế, Ngô Quang Hải là cái tên đạo diễn trẻ nội địa được chú ý nhất lúc đó, bên cạnh Bùi Thạc Chuyên. Gặp Hải lúc nào cũng thấy anh ào ào dự định và đôi lúc nồng nhiệt, hưng phấn thái quá, có cảm giác như mất kiểm soát bản thân. Dự án tiếp theo “Kiên” (“Mùa hè lạnh” bây giờ) được Hải tuyên bố sẽ quay ngay trong cuối năm đó, sang năm sau gặp lại thì bảo sẽ quay vào mùa hè, trường quay đã được “set-up” xong xuôi ở Cổ Loa. Rồi mùa hè qua đi, mùa đông tới mà vẫn thấy “Mùa hè lạnh” của Hải vẫn là dự án im ỉm trên giấy.

Sau đó là những chuyện ồn ào của cuộc hôn nhân đẹp như mơ tan vỡ kéo Hải vào những cơn lốc xoáy của truyền thông… Năm năm sau “Chuyện của Pao”, vẫn là một Ngô Quang Hải chưa bao giờ vắng mặt trên mặt báo, nhưng không phải về những bộ phim mà là những câu chuyện ồn ào thảm đỏ với mỹ nhân này, người đẹp kia hoặc những dự án không mấy liên quan. Trong khi đó, sau “Sống trong sợ hãi”, Bùi Thạc Chuyên đã làm được 2 bộ phim tiếp theo và điện ảnh Việt đón chào một thế hệ những gương mặt đạo diễn mới, từ trong nước đến hải ngoại trở về như Phan Đăng Di, Charlie Nguyễn, Victor Vũ…

Đến lúc người ta mất niềm tin hoàn toàn vào anh đạo diễn “làm phim bằng miệng”, thì Ngô Quang Hải trở lại, giống như một cuộc khủng hoảng kinh tế đến lúc chạm đáy thì quay hướng. Cuối cùng thì “Mùa hè lạnh” đã thực sự “lạnh” khi được Megastar chọn ngày 21/12 tới để phát hành. Hải cười đùa bảo, lịch phát hành phim đúng ngày tận thế (theo dự đoán của người Maya). Nhưng tôi biết, với Hải, đây là bộ phim mà anh đã đặt cược 6 năm khủng hoảng vào đó. Một bộ phim “sống còn” với chàng đạo diễn 45 tuổi, từng xuất thân là một diễn viên sáng giá của các đạo diễn hải ngoại hồi thập niên 90…

Trước “Mùa hè lạnh”, anh cũng đã có một dự án trên giấy long đong không kém, đó là kịch bản dựa theo truyện ngắn của Nguyễn Huy Thiệp “Chuyện tình kể trong đêm mưa”. Điều khác là kịch bản đó hoàn toàn nằm im trên giấy, “Mùa hè lạnh” dù bị đình trệ tới 6 năm, cuối cùng cũng chuẩn bị ra mắt khán giả. 6 năm cho một dự án phim, anh có thực sự mệt mỏi không?

– Nói không mệt mỏi thì không đúng nhưng tôi luôn tin là tôi sẽ làm bộ phim này, không sớm thì muộn, vì đây là một dự án quan trọng đặc biệt với tôi. Tôi đã từng mất một đống tiền sau khi dựng trường quay ở Sóc Sơn mà cuối cùng phải hủy bỏ cộng với bao công sức và tâm huyết cho nó. 6 năm qua, tôi đã trải qua bao nhiêu hỉ nộ ái ố của cuộc đời, cuối cùng cũng vượt qua được hết. Cái còn lại nung nấu trong tôi là làm sao để được làm phim như mình mong muốn. Và tôi đã chứng minh được là tôi đã nói được là làm được, không làm trước thì làm sau thôi.

Qua rất nhiều trải nghiệm như anh nói là “hỉ nộ ái ố” của cuộc sống riêng cùng với sự mỏi mệt vì sự đình trệ, những điều ấy đã tác động lên “Mùa hè lạnh” như thế nào? Nếu anh làm bộ phim này 6 năm trước thì có gì khác biệt so với bộ phim mà anh mới hoàn thành?

– Thực ra bộ phim này không đi xa hơn với trí tưởng tượng ban đầu của tôi, bởi tôi đã có một “tinh thần” và “key point” cho nó từ đầu nên hầu như không bị mất lái. Trong nghệ thuật, có những thứ có thể bắt chước được, nhưng cảm xúc và linh hồn là cái không thể bắt chước được. Nếu anh không có hai cái đó, anh chỉ là một kẻ thất bại. Tất nhiên, tôi đã sống với kịch bản này trong suốt 6 năm qua nên tôi cũng kịp có những sự quan sát về sự thay đổi cuộc sống hay sự đảo chiều trong quan niệm điện ảnh để cập nhật cho nó những tư duy mới mẻ hơn. Tôi thừa nhận là tôi không được học để làm phim và tôi cũng không cố để làm phim nghệ thuật hàn lâm, vì tôi biết chắc mình có làm cũng không được. 6 năm qua, tôi cũng tranh thủ đi học và xem phim rất nhiều, để không lạc hậu và lạc thời với tư duy của khán giả trẻ. Và với tôi, dù làm với tiết tấu nhanh hay chậm, tiết chế hay bung phá, thì cái cuối cùng vẫn phải chinh phục được khán giả.

Còn nếu để so với “Chuyện của Pao”?

– “Chuyện của Pao” là một bài thơ nhẹ nhàng, nhiều cảm xúc, còn “Mùa hè lạnh” là một bản rock metal dữ dội dù cả hai bộ phim đều là những cuộc hành trình đi tìm kiếm bản ngã của nhân vật chính.

6 năm qua, có thể cũng coi là anh đã trải qua một cuộc khủng hoảng tuổi trung niên (người phương Tây thường gọi là “midlife crisis”), điều dồn nén lớn nhất trong 6 năm qua mà anh muốn đi tìm câu trả lời là gì?

– Thực ra cuộc sống cá nhân của tôi không bị ảnh hưởng nhiều lắm, bởi tôi đã vật lộn với cuộc sống từ trẻ nên luôn chuẩn bị tinh thần để đối phó với những sự cố đến với mình. Tất nhiên, tôi cũng đi tìm những câu trả lời không lý giải được. Trong “Người tình Sputnik”, ông Murakami có đặt ra một câu hỏi rất hay trong khoảng 10 trang cuối của cuốn tiểu thuyết này, đó là “Tôi là ai trong thế giới này?”. Một câu hỏi đơn giản nhưng hầu như ai cũng tự hỏi bản thân mình. Trong “Mùa hè lạnh”, tôi cũng muốn đặt ra 4 câu hỏi cho các nhân vật của mình: “Tôi là ai, tôi từ đâu đến, tôi đến đây để làm gì và làm thế nào?”. Đó là những câu hỏi đau đáu trong hành trình đi tìm kiếm của mỗi một nhân vật trong bộ phim này, trong Kiên, trong Hoa, Nhâm, lao Quảng, Tam… Tôi cũng thấy điều đấy trong những người trẻ tuổi bây giờ. Họ có đủ các phương tiện để kết nối với xã hội và càng ngày càng tiện ích, nhưng dường như càng ngày họ càng cô đơn hơn. Trong bộ phim của tôi, Kiên là nhân vật hoang mang nhất, nhưng càng hoang mang thì càng có động lực để tiến lên. Vì thế tôi muốn tạo cho Kiên một động lực, để anh ta luôn hy vọng.

Vậy còn anh, đến giờ phút này đã trả lời hết 4 câu hỏi này chưa?

– Tôi nghĩ con người từ hàng triệu năm rồi, chẳng ai chống lại được luật sinh tử cả, cũng chẳng ai dám nói mình hạnh phúc suốt đời. Khi ai đó tuyên bố họ hạnh phúc, hãy hiểu đó là thời điểm, khoảnh khắc mà họ hạnh phúc. Vì thế mà trong khoảng thời gian sống trên đời, ai cũng đi tìm hạnh phúc, đi tìm sự công nhận từ người khác hoặc khẳng định bản thân mình. 4 câu hỏi đó, tôi cũng từng đặt ra cho mình, từng trả lời rồi lại hỏi, lại đi tìm…

Anh cũng mang đến một niềm hy vọng “đổi đời”cho nam diễn viên vào vai diễn mà anh ấp ủ trong nhiều năm qua. Nhưng điều này xem ra rất mạo hiểm khi giao vai nam chính cho một gương mặt nghiệp dư chưa lần nào đóng phim điện ảnh. Điều gì khiến anh lựa chọn Hà Việt Dũng cho vai diễn nặng ký này?

– Cách đây 5 năm, tôi đã từng chọn Lê Vũ Long cho vai diễn này. Sau đó dự án bị trì hoãn nên không có dịp để làm với nhau. Trong suốt mấy năm qua, tôi cũng để ý một số gương mặt mới như Khương Ngọc hay Nhan Phúc Vinh, thậm chí một vài diễn viên Trung Quốc, Thái Lan… Cuối cùng run rủi thế nào, tôi gặp Hà Việt Dũng. Khi gặp cậu ấy, tôi thấy mình có được 50/50 vì xuất thân của cả hai khá giống nhau. Tất nhiên, trong thời gian đầu quay tôi cũng rất nhiều thời gian để rèn vì cậu ta chưa hề qua trường lớp cũng như chưa có khái niệm điện ảnh rõ nét. Có những cảnh quay đi quay lại khiến tôi phát khóc hoặc phát điên. Tôi phải nói với cậu ta rằng: “Em có tin là anh sẵn sàng lấy dao cắt đứt tay anh nếu em làm được cảnh này không? Nếu em làm được thì anh sẵn sàng làm!”; hoặc có lúc tôi hét lên: “Mày không diễn được cảnh này thì mày chết đi, không thì ngày mai mày đi đám ma tao!”. Tính tôi vốn dễ mất kiểm soát, nhưng Dũng thì rất bình tĩnh. Tôi thấy được sự chân thành của cậu ấy và với sự chân thành đó, tôi tin cậu ấy sẽ truyền được điều đó đến khán giả.

Không ít diễn viên nghiệp dư gây ấn tượng hơn cả diễn viên chuyên nghiệp nhờ con mắt xanh của đạo diễn, như Tạ Ngọc Bảo trong “Thương nhớ đồng quê” của đạo diễn Đặng Nhật Minh hay Lê Văn Lộc trong “Xích lô” của Trần Anh Hùng. Hà Việt Dũng vào vai Kiên có giống như hình dung ban đầu hay sự kỳ vọng của anh cho nhân vật này không?

– Không thể tốt hơn! Tôi có thể tự tin nói rằng, trong thời điểm này thì không có ai có thể diễn vai này tốt hơn cậu ta. Khi Dũng đến thử vai xong, tôi về mất ngủ hai đêm liền và tự nhủ: “Chết rồi, đây là diễn viên mà tôi tìm kiếm”. Tôi cũng nhìn thấy tuổi trẻ của mình ở Dũng, tâm hồn trong sáng và tính cách mạnh mẽ, chỉ có điều là tôi không cao to và đẹp giai như cậu ta thôi. (cười).

Về xuất phát điểm, Dũng cao hơn Lê Văn Lộc ở “Xích lô” vì anh Lộc không biết chữ, nên học kịch bản và chỉ đạo diễn xuất khổ hơn nhiều. Nhưng tôi thấy họ khá giống nhau vì đều tay ngang, có những trải nghiệm cuộc sống dữ dội nên lên phim, họ diễn rất bản năng và thuần khiết. Có những cảnh quay rất nguy hiểm như nhảy xuống dòng kênh đen ở cầu chữ Y hoặc phải bước trên đám bùn lầy, nước sánh như mật. Quay phim phải quay 3 tiếng cho cảnh này. Khi Dũng leo lên thuyền, cậu ấy nôn thốc nôn tháo làm cậu quay phim cũng suýt nôn theo. Nhưng ngay sau đó, Dũng hỏi tôi đã hài long với cảnh đó chưa, nếu chưa, cậu sẽ nhảy xuống diễn tiếp. Khi đó tôi biết trái tim của mình đã dành cho cậu ta hoàn toàn! (cười).

Những cảnh lãng mạn, gợi cảm như hôn, ôm ấp hoặc những cảnh bạo lực, cậu ấy vào vai cũng rất thật, nhiều lúc tôi phải kiềm chế bớt. Dũng có một gương mặt rất điện ảnh và rất hiếm trên màn ảnh rộng bây giờ. Tôi tin rằng cậu ta sẽ là một nhân tố mới của điện ảnh trong vài năm tới.

Vậy còn Mi Du và Lý Nhã Kỳ, hai nàng thơ của bộ phim này?

– Tôi nghĩ Lý Nhã Kỳ sẽ gây một bất ngờ, khác hoàn toàn với những hình dung mà mọi người dành cho cô ấy. Còn Mi Du là một diễn viên trẻ nhưng có một bản lĩnh nghề nghiệp đáng nể. Có cảnh quay ở nhà xác viện Pastuer, cô ghé sát mặt vào một xác chết mà không đeo khẩu trang, với mùi phóc môn nồng nặc. Quay phim và trợ lý chỉ đứng được 15 phút phải chạy ra ngoài hít thở, vì độ nóng của đèn chiếu từ dưới lên và quạt thổi từ trên xuống làm phóc môn bay lên rất mạnh, cay xè cả mắt. Tôi cũng phải đeo khẩu trang nhưng Mi Du thì diễn như không, đến mức vỡ tĩnh mạch chảy máu ở mũi.

Sau 6 năm, anh vẫn đầy tự tin và tâm huyết với bộ phim này, đó có phải là điều anh chinh phục được các nhà sản xuất bỏ vốn và nhà phát hành tên tuổi cho “Mùa hè lạnh”?

– Khi tôi mang kịch bản đến để thuyết phục nhà sản xuất một lần cuối, họ hỏi bộ phim này có ý nghĩa như thế nào với tôi. Tôi trả lời là: “Sống còn”. Họ trả lời, vậy là xong, anh sẽ có 90% kinh phí để làm phim. 10% còn lại tôi tìm kiếm từ một nhà sản xuất khác và cuối cùng tôi có đủ để làm một bộ phim đạt tiêu chuẩn tốt. Tương tự, tôi cũng tìm được sự đồng cảm và tầm nhìn truyền thông chiến lược từ nhà phát hành. Và không chỉ dừng lại ở bộ phim này, chúng tôi sẽ cùng hợp tác trong các dự án tiếp theo.

Sau “Mùa hè lạnh”, tôi có 3 kịch bản sẵn sàng để bấm máy. Dự án mà tôi dự định bấm máy tiếp theo là một bộ phim căng thẳng về đề tài sòng bạc có tên là “Ngừng đặt cược”, kể về một tay chơi đánh mất 5 triệu đô và tìm cách lấy lại nó trong vòng 21 ngày. Kịch bản rất kịch tính và “điên cuồng”, bối cảnh sẽ được quay ở Việt Nam, Singapore và Campuchia. Rất có thể tôi sẽ chọn Hà Việt Dũng cho bộ phim này nếu “Mùa hè lạnh” gây hiệu ứng tốt. Sau đó nữa là một loạt dự án đã hoàn thiện kịch bản như “Thâm cung oán”, “Hoàng tử lọ lem”, “Đối đầu”…

Khoan, từ từ. Anh vẫn không sợ danh hiệu đạo diễn “làm phim bằng miệng à”?

– Có thể tôi nói nhiều, nhưng tôi không tuyên ngôn và lên gân đâu. Những gì tôi nói đều là những dự án tôi đã hoàn thiện kịch bản và đã được nhà đầu tư bước đầu đồng ý.

Vâng, vậy thì chúc các dự án tiếp theo của anh không phải mất quá nhiều thời gian như người anh của nó!

Text: LAM LE

Photo: TUAN FR.

Stylist: MARUKO

TTVH & ĐÀN ÔNG 12/2012

danongviet.vn

Thực hiện: depweb

29/11/2012, 14:48