Ngộ nhận, ảo tưởng và…

Một bộ phim chưa kịp nóng đã nguội lạnh dù được kỳ vọng rất nhiều; một cuốn sách đã gây sốt trên toàn thế giới nay đến Việt Nam trong một bản dịch dở không chấp nhận được; một show diễn của một nhạc sĩ tên tuổi vừa khởi đầu đã gây thất vọng lớn, làm mất cả hình ảnh tốt đẹp đã có trong khán giả trước đó…

Những câu chuyện có nguồn gốc từ sự ảo tưởng, từ sự ngộ nhận và nhiều "sự" khác khiến người ta không khỏi suy tư, khỏi buồn về cái sự nghiệp dư ngự trị trong nghệ thuật.

Chuyện thứ nhất:

Phim “1735km”, “hậu thân” của “Giọt mưa biến mất” quả thực đã gần như “biến mất” khỏi tầm quan tâm của dư luận và đang trên đường ra khỏi các rạp lớn bởi đã không thu hút được số người xem như mong đợi. Câu chuyện đường trường trong phim ấy đã không thể tạo được một làn sóng khán giả như những bộ phim Việt Nam “thị trường” khác. “Mốt” đi xem phim Việt Nam, khởi sự từ “Gái nhảy” qua “Những cô gái chân dài” đến giờ đã chững lại, và điều này hẳn sẽ khiến nhiều người đã hoặc đang lăm le làm phim ở Việt Nam phải bớt chủ quan hơn.

Việc một bộ phim ăn khách hay thất bát ngay từ đầu là chuyện rất bình thường, chẳng cứ ở Việt Nam mà ở Hollywood cũng thế. Không nên coi đó là chuyện to tát khủng khiếp đến độ bi quan về nền điện ảnh nước nhà. Điều đáng bi quan là những chuyện có liên quan tới thất bại ấy. Có nhiều điều, nhưng ở đây chỉ xin đề cập một chuyện. Không biết từ khi nào mà một số người làm phim ở Việt Nam bỗng trở nên sính cái “mốt” thu tiếng trực tiếp của diễn viên, hoặc cũng lồng tiếng cho âm thanh được “sạch” nhưng vẫn quyết lấy tiếng thật của diễn viên chứ không chịu để người khác lồng tiếng, lý do được đưa ra là để cho “thật”, cho “đời”.

Lý do ấy, nói xin lỗi, rất ngớ ngẩn trong điều kiện kỹ thuật của điện ảnh Việt Nam hiện nay. Khi diễn viên vào vai là họ đã phải sống cách sống của nhân vật, tức là của một người khác hẳn với họ, nói những lời không phải của bản thân họ mà do người khác viết cho họ nói. Như thế làm sao mà thật? Còn nếu viện cớ Hollywood cũng làm như thế thì hãy nhìn lại các ngôi sao Hollywood, họ đã phải khổ luyện như thế nào để có thể nói được đủ các loại giọng, để trở thành những chuyên gia lồng tiếng phim hoạt hình, để hát được khi đóng phim ca nhạc. So sánh như thế thì còn ngớ ngẩn gấp vài lần quan niệm “thật” vừa nói.

Và hậu quả của những quan niệm ấy là khán giả khi xem phim luôn có cảm giác mình nhai phải sạn khi ăn cơm. Với một phim mà nhân vật nói nhiều như “1735km” thì kiểu nói ngây ngô (không thể nói là “kịch” bởi như thế là gián tiếp coi thường những nghệ sĩ kịch nói vốn coi đài từ là quan trọng hàng đầu) của 2 diễn viên mà diễn xuất cũng “ẹ” tương đương với đọc lời thoại thì làm sao những ý tưởng sâu sắc được biên kịch, đạo diễn gửi gắm có thể đến với người xem?

Thà là trong một phim không có chiều sâu, dạng phim mà ai cũng có thể đóng được như “Những cô gái chân dài” thì lại là lẽ khác, dễ chấp nhận hơn. Mời người mẫu đóng phim thì cũng hay đấy, màn ảnh sẽ đẹp hơn một chút. Nhưng trong những phim đòi hỏi những ý tưởng nghệ thuật nhiều hơn là phô trương hình ảnh thì cũng cần và nên cho các người mẫu đi học một chút về kỹ thuật diễn xuất để họ đỡ đem bản thân họ vào vai diễn, khiến khán giả khi xem phim chẳng thấy nhân vật đâu mà cứ lồ lộ chính cô người mẫu, anh model ấy. Khái niệm “hoá thân” khi ấy được cất ở đâu?

Có lần đọc báo, thấy một cô người mẫu tâm sự rằng cô đã định đi học diễn xuất sau khi tham gia một số vai phụ, nhưng vài đàn chị (cũng là người mẫu) bảo rằng đừng nên đi học, học rồi sẽ bị “cứng” đấy, cứ để đạo diễn họ “uốn”. Vậy là họ trở thành những cái máy diễn, bảo sao làm thế. Làm sao mà tiến lên chuyên nghiệp được với những “diễn viên” lười học như thế đây? Sự ngộ nhận ở một bộ phận người mẫu nhanh chóng lên đời diễn viên nhờ sự bùng nổ nhất thời của điện ảnh đã lan cả sang những nhà làm phim tưởng như phải có sẵn tố chất chuyên nghiệp trong người. Ngộ nhận, ảo tưởng về tài năng về khán giả sẽ dẫn đến điều gì? Ai mà không biết!
 
Chuyện thứ hai:

Chuyện điện ảnh tạm ngưng ở đây để chuyển sang một chuyện khác đang khiến nhiều người bực tức đến phẫn nộ. Đó là “cú lừa” ngoạn mục quanh việc xuất bản ở Việt Nam tiểu thuyết best-seller trên toàn thế giới: “The Da Vinci Code”. Phải gọi là “lừa” mới xứng tầm cỡ vụ này. Một bản dịch dở khủng khiếp được tung ra lại được “bảo chứng” bởi một tiến sĩ ngôn ngữ. Một cuốn sách đã được cả thế giới lao vào đọc nay được dịch kiểu “word by word” ngây ngô, hoặc chỗ nào không hiểu thì người dịch tự cho cái quyền phóng tác vô tội vạ, chẳng hạn “kết án” nước Pháp “chuộng âm tính và không chuộng dương tính” từ một câu không liên quan gì tới “âm, dương” cả. Rồi vô vàn những lỗi ngôn ngữ sơ đẳng khác. Đồ rằng vị “tiến sĩ” nhận dịch cuốn này đã chia nhỏ cuốn ấy ra và giao cho những học sinh (loại kém) của mình để họ dịch cho chóng xong mà nhanh nhận thù lao. Chỉ có cách ấy mới có thể kéo được phần nào sự thông cảm của một bộ phận độc giả dễ tính nào đó. Chứ tiến sĩ thân chinh dịch mà ngây ngô, mà dở thế thì làm sao giải thích cho được cái học vị của mình?

Những ai trót mua sớm cuốn “Mật mã Da Vinci” cứ coi như đã bị mắc quả lừa. Nếu đối tác giữ bản quyền bên Mỹ, nếu tác giả biết được tác phẩm của họ đã bị đối xử ra sao nhỉ? Điều gì sẽ xảy ra, đợi rồi biết. Vụ này, hơn cả ngộ nhận, hơn cả ảo tưởng, mà là thói tuỳ tiện, chụp giật. Cứ tưởng giành được bản quyền rồi thì muốn làm sao thì làm. Thất vọng!
 
Chuyện thứ ba:

Cũng từ những ngộ nhận mà nhạc sĩ Thanh Tùng đã cống hiến cho khán giả của mình một đêm nhạc đầy… sạn. “Trò chuyện với hoa hồng” chỉ là một tập hợp những mảng miếng cẩu thả. Một vài bài hát được các diva hát rất hay không đủ lấp được một không gian đầy những vụn vặt, những câu chuyện riêng tư được kể một cách vụng về đã không làm khán giả xúc động như ý muốn của nhạc sĩ, mà còn gây ra vài tiếng cười và là nguồn cơn cho rất nhiều câu chuyện làm quà hài hước sau này.

Bao nhiêu năm trong nghề, trải qua mọi thăng trầm, hẳn Thanh Tùng phải là người khôn ngoan và hiểu khán giả của mình hơn ai hết. Nhưng do thời thế thay đổi hay vì bản thân nhạc sĩ quá chủ quan tin rằng mình làm gì cũng đúng mà dẫn đến một đêm nhạc gây thất vọng như thế? Hoặc là do ông quá tin tưởng vào ê kíp không đủ tài, đủ sức? Tất cả đều có thể. Trong trường hợp này, điều cần nhất là sự tỉnh táo, không ngộ nhận hay ảo tưởng về bất kỳ cái gì, bất kỳ ai, kể cả với những fan trung thành nhất của mình.

Những câu chuyện về sự ngộ nhận, về thói ảo tưởng còn nhiều. Đằng sau những ngộ nhận ấy có thể là sự chủ quan, như trong trường hợp nhạc sĩ Thanh Tùng hay những người đã làm ra phim “1735km”, có thể là thói cẩu thả, chụp giật, hoặc nặng lời hơn – như một nhà dịch thuật đã phẫn nộ phát biểu – là sự dốt nát v.v và v.v… Là gì thì những thứ ấy cũng đã góp phần đáng kể vào công cuộc nghiệp dư hoá nền nghệ thuật mà chưa biết khi nào mới đến được mức chuyên nghiệp ở ta./.


From the same category