Ngộ độc do dùng quá liều vitamin


*Vitamin A

Dùng quá liều 100.000 đơn vị quốc tế (IU) gây ngộ độc cấp tính, da bong vảy, khô ngứa, rụng tóc, nhức đầu, nôn mửa. Ngộ độc vitamin A mạn tính khi dùng 50.000 IU/ngày liên tục trong nhiều tháng. Các triệu chứng ngộ độc mạn tính là: da khô, môi khô nứt, viêm lưỡi, nôn mửa, hói đầu, tăng canxi máu, tăng lipid máu, tổn thương tế bào gan, xơ gan với tăng áp lực tĩnh mạch cửa, phì đại hạch bạch huyết, vô kinh, phù gai thị, tiêu xương…

– Tổn thương gan, xơ gan do ngộ độc vitamin A:

Dùng vitamin A quá liều, kéo dài, có thể gây ngộ độc gan, mức độ phụ thuộc liều lượng và thời gian dùng. Nếu kéo dài, có thể dẫn đến xơ gan. Triệu chứng ngộ độc gan do vitamin A thường âm thầm, khó nhận ra và thường chỉ phát hiện khi có triệu chứng tăng áp tĩnh mạch cửa, xơ gan (báng bụng, giãn tĩnh mạch thực quản…), cộng với tiền sử dùng vitamin A liều cao, kéo dài. Xét nghiệm có thể phát hiện tăng men gan, tăng phosphatase kiềm và bilirubin…

“Kịch bản” quá liều vitamin A thường thấy ở trẻ em: Theo khuyến cáo, với trẻ 6-36 tháng tuổi đã uống vitamin A trong chương trình bổ sung vi chất dinh dưỡng (6 tháng một lần, liều cao 200.000 IU/lần) thì không cần dùng thêm bất cứ loại thuốc chứa vitamin A nào nữa.

“Đến hẹn lại lên”, nhiều bà mẹ nghiêm túc tuân thủ bồng con ra trạm y tế uống vitamin A, nhưng không hay biết trước và sau đó, cục cưng của họ đã và tiếp tục dùng theo kiểu “bội thực” vitamin A từ lắm nguồn như sữa công thức, thực phẩm ăn dặm, thậm chí từ toa thuốc của các bác sĩ…

Nhìn thấy mắt trẻ nheo nheo, da dẻ kém mịn màng, nhiều bà mẹ đã nhanh tay cho con dùng dầu gan cá, vitamin tổng hợp. Trẻ viêm hô hấp, nhiệt miệng, khám bác sĩ, nhận toa, ngoài kháng sinh, kháng viêm, để an lòng, phụ huynh thường kèm thêm vài viên thuốc bổ, phổ biến là vitamin A, C. Với kịch bản như vậy, một đứa trẻ càng được chăm chút, tẩm bổ càng có nguy cơ thừa vitamin A.

*Vitamin C

Quá liều vitamin C gây tiêu chảy, buồn nôn, ngứa ngáy, tiểu gắt… Hấp thu nhiều vitamin C làm tăng nguy cơ lắng đọng tại thận, gây sỏi thận. Những bệnh nhân bị thừa sắt như bệnh thiếu men G6PD, khi sử dụng vitamin C có thể làm tăng hấp thu sắt, dẫn đến thâm nhiễm, tổn thương các cơ quan, đặc biệt là gan.

Vitamin C có thể tương tác làm tăng tác dụng thái quá khi dùng chung một số thuốc. Ngoài ra, vitamin C liều cao còn phá hủy vitamin B12 trong cơ thể.

* “Văcxin” vitamin C

Không phải đến bây giờ người ta mới biết tác dụng hỗ trợ hệ miễn dịch của vitamin C. Hầu như trong các toa thuốc chống viêm nhiễm đều có mặt vitamin C như một “hộ thần” đi kèm. Tuy nhiên, từ khi họ nhà Cúm, với các thành viên “hậu sinh khả úy” A/H5N1, A/H1N1 vào đời, thì tiếng tăm của vitamin C lại một phen nổi như cồn bên cạnh chiếc khẩu trang và xà bông diệt khuẩn rửa tay.

Cách đây không lâu, một nhãn hàng dược phẩm mạnh miệng quảng cáo đại để: “Dùng vitamin C hàng ngày, khỏi lo H1N1”, gây hiểu nhầm dịch cúm rung động toàn cầu này coi như hết thời vì đã có… “văcxin” vitamin C. Như đã nói, vitamin C không thể thay mặt cả hệ miễn dịch, nghĩa là có dùng cả núi thì bệnh vẫn hoàn bệnh, nếu nền “quốc phòng” của người đó thiếu vững chãi.

Tất nhiên, sau khi được báo chí và ngành y tế đính chính, nhiều người vỡ mộng và hậu quả để lại là không ít người đã tiêu thụ một lượng không nhỏ vitamin C, chưa nói đến số thuốc mua để dành trong tủ không biết thanh lý ra sao. Lúc này, các nạn nhân lại xoay sang lo bị… sỏi thận, “thủng bao tử”…

*Vitamin D

Dùng mỗi ngày từ 100.000 đến 150.000 IU dẫn đến ngộ độc vitamin D như nôn, buồn nôn, khô miệng, sút cân, mệt mỏi, tiểu nhiều, táo bón hoặc tiêu chảy. Ngộ độc nặng, có thể gia tăng nồng độ canxi máu, tăng lắng đọng canxi, gây sỏi thận.

Dùng vitamin D liều quá cao có thể gây albumin niệu, sỏi tiết niệu, cao huyết áp… Một số biểu hiện ở mắt như xuất hiện nốt trắng nhỏ ở kết mạc và viêm giác mạc hình dải băng, chủ yếu ở trẻ em.

Một điều ít ai để ý là thiếu hay thừa vitamin D đều có thể gây “thiếu thước tấc”. Vitamin D có vai trò “tàu xe”, giúp cơ thể sử dụng canxi ở mức tốt nhất, khởi đầu tương lai hứa hẹn về chiều cao cho mọi đứa trẻ.

Có lẽ vì ám ảnh sự thua thiệt do còi cọc, thiếu thước tấc cũng như lợi thế ngàn vàng của may mắn “chân dài” mà nhiều phụ huynh luôn canh cánh việc thiên thần nhỏ của mình bị thiếu vitamin D, canxi.

Chưa nói những triệu chứng đổ mồ hôi trộm, ngủ đêm hay giật mình, khóc dạ đề của trẻ thừa sức thúc lưng các ông bố, bà mẹ nhanh chóng dùng ngay cho cục cưng vài liều vitamin D hay ào ạt đổ canxi từ đủ thứ nguồn sữa, thực phẩm, hoa quả được cho là giàu canxi.

Đáng tiếc, hậu quả khủng hoảng thừa của loại vitamin “chân dài” này lại gây ra phản ứng ngược: lùn trước tuổi. Cú “ép-phê ngược” này xuất phát từ việc thừa canxi, vitamin D, vô tình gây cốt hóa sớm các đầu xương, dẫn đến kết thúc quá trình “lên tầng” quá sớm của cơ thể. Sự cố này cũng giống như việc trộn vữa với lượng xi-măng quá tay, gây khô cứng bê-tông quá nhanh.

Khi phát hiện con em mình có vẻ không đạt chiều cao như mong đợi, nhiều phụ huynh thường đổ lỗi cho lắm thứ, mà không biết chính mình lại là “thủ phạm” vô tình. Thông thường, nếu cảm thấy đã quá tay, phụ huynh có thể đưa con đến cơ sở y tế xét nghiệm.


*Vitamin E

Quá liều vitamin E gây ngộ độc với biểu hiện mệt mỏi, buồn nôn, đau đầu, chóng mặt, mắt mờ, viêm loét niêm mạc miệng, nứt lưỡi, viêm thanh quản… Phụ nữ có thể bị rong kinh, cường kinh hoặc tắt kinh…


*Vitamin B1

Dùng vitamin B1 quá liều gây triệu chứng đau đầu, mệt mỏi, tê thần kinh bắp thịt, tim đập nhanh, phù nề.

*Vitamin B2

Quá liều cấp tính thường gây ra hiện tượng chuột rút. Ở phụ nữ có thai sẽ ảnh hưởng đến nhau thai, dẫn đến thai nhi phát triển kém.

*Vitamin B12

Dùng quá liều vitamin B12 sẽ gặp triệu chứng khò khè, có thể xuất hiện mề đay, mẩn ngứa, phù mặt, rét run, loạn nhịp, đau tức ngực…

Bài: BS. Đỗ Minh Tuấn 

From the same category