“Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” và kỹ năng sống sót trước bản năng so sánh với người khác - Tạp chí Đẹp

 “Nghệ thuật tinh tế của việc đếch quan tâm” và kỹ năng sống sót trước bản năng so sánh với người khác

Sống

Có một điểm tréo ngoe ở cuốn sách này: Mark Manson nhắc tới thái độ “đếch thèm quan tâm”, nhưng lại khiến độc giả phải quan tâm tới cuốn sách của mình. Điều đó vừa vặn thay, lại giúp Mark Manson truyền tải chính xác những gì ông ấy muốn: bạn có quyền chọn thứ bạn quan tâm, nên tốt nhất là chọn cái gì quan trọng ấy!

Tỉnh táo đi! Hạnh phúc là một… nỗi khổ

Đây có lẽ là cuốn self-help duy nhất ngay từ những dòng đầu tiên khuyên độc giả đừng cố thay đổi thế giới, vì nó sẽ vận hành theo kiểu của riêng mình. Đừng cố trở thành 1 trong top 100 những thằng đàn ông nóng bỏng nhất hành tinh. Vì định nghĩa “nóng bỏng” thay đổi từng giây một. Đừng cố hạnh phúc, vì suy cho cùng hạnh phúc là một… nỗi khổ.

Đọc nửa đầu chương 1, suy nghĩ “cuốn sách này đúng là rác rưởi” thường xuất hiện trong nhiều độc giả, cổ động cho lối sống phó mặc, không chịu cố gắng vì sẽ chẳng có gì thay đổi. Nhưng phần tiếp theo đã chứng minh suy nghĩ ấy là sai. Đừng cố ở đây không có nghĩa là bỏ cuộc, mà là ngừng quan tâm quá nhiều tới cái đích. Đơn giản là khi bạn càng quan tâm, bạn sẽ càng thấy thiếu thốn nó ngay bước đầu tiên. Giống như những gì nhà triết học Alan Watts gọi là “luật giật lùi” – nếu bạn khao khát được hạnh phúc, điều đó chỉ càng nhấn mạnh sự bất hạnh vốn có ngay từ đầu; nếu bạn đếch quan tâm đến những thành phần tạo nên hạnh phúc, đó mới là lúc bạn bắt đầu sống và tận hưởng từng chút một.

Lựa chọn nỗi khổ cho riêng mình

“Nỗi đau là một sợi chỉ không thể gỡ ra được trong tấm vải cuộc đời, và việc giật nó ra không chỉ là một việc không tưởng thôi đâu, mà còn có tính hủy diệt nữa: cố gắng xé rách nó, sẽ phơi bày mọi thứ đi kèm với nó, cố gắng chối bỏ nỗi đau chính là quá bận tâm tới nỗi đau”. Thứ đắt giá nhất mà cuốn sách này mang lại không phải là nghệ thuật “đếch quan tâm” mà là tiền đề của nó: cách lựa chọn nỗi khổ cho riêng mình. Thỉnh thoảng, sẽ khó để giải quyết nỗi lo cho người khác, nhưng sẽ khó gấp mười nếu cái người ấy thậm chí còn chả biết mình đang lo cái quái gì. Lựa chọn nỗi khổ chính là một trường hợp như thế. Dễ tới 100 lần bạn từng hỏi mình thích gì trong cuộc đời này. Nhưng hiếm người hỏi: “Bạn muốn có nỗi đau nào? Bạn sẵn sàng chịu đựng vì điều gì?”.

Ai cũng muốn tìm thấy một người bạn đời, có cuộc hôn nhân đẹp như cổ tích. Nhưng mấy ai chịu được sự hỗn loạn của hôn nhân, những cãi vã và tâm trạng thất thường từ cả hai phía? Bạn muốn có một thân hình rắn chắc và khỏe mạnh, nhưng có nghĩa lý gì nếu không thể chịu được 15 phút chạy bộ ngoài trời? Hạnh phúc đòi hỏi sự chịu đựng, Mark Manson viết thế.

Những câu hỏi cần đặt ra

Bạn bắt buộc phải quan tâm tới một điều gì đó như cơ chế bản năng. Khác nhau ở chỗ, bạn được lựa chọn quan tâm tới cái gì.Mark Manson không nhắc tới điều này trong cuốn sách. Nhưng ông đã dạy độc giả cách dùng “thùng rác tâm trí” một cách hiệu quả. Ở đó, bạn sẽ chọn giữ lại những bận tâm gì, chọn vứt đi – đồng nghĩa “đếch thèm” nghĩ tới những gì. Và cái thùng rác ấy sẽ nói lên con người, cách sống và độ trưởng thành của bạn. Vì theo Mark Manson, trưởng thành là khi chúng ta học được cách bận tâm tới những thứ có ý nghĩa với mình.

Khi đọc cuốn sách này, bạn nghĩ rằng mình rồi sẽ đếch thèm quan tâm mọi thứ. Nhấn mạnh lại, tất cả mọi thứ. Nghĩ thế cũng được, chỉ có một điều bạn nên lưu ý rằng bạn không làm được đâu. Vì chẳng hề có thứ gọi là không bận tâm hoàn toàn tồn tại trong cuộc đời này. Bạn bắt buộc phải quan tâm tới một điều gì đó như cơ chế bản năng. Khác nhau ở chỗ, bạn được lựa chọn quan tâm tới cái gì. Chỉ có thế thôi!

Nhưng trong cái mạng xã hội ê-cuộc-đời-tôi-xịn-hơn-mấy-chế-nè, “chỉ có thế thôi” hóa ra lại rất quan trọng đấy. Về cơ bản, điều này hoàn toàn mang tính giải phóng. Vì chúng ta không cần phải bận tâm tới mọi thứ nữa. Chúng ta biết mình là ai và chấp nhận con người mình, bao gồm cả những phần ta không ưa mà cũng không thể thay đổi được.

Thiết lập thang giá trị
Tác giả không khuyên người đọc hãy tư duy tích cực, không bảo chúng ta đứng trước gương, cười một cái trong khi cõi lòng đang tan nát. Mark bảo chúng ta chấp nhận và đón nhận thất bại như những điều hiển nhiên của cuộc sống. Khi con sóng ập tới, đừng cố ngoi lên mà hãy ngụp lặn cùng nó.

Tác giả cho rằng, điểm mấu chốt của nghệ thuật “đếch thèm quan tâm” nằm ở chỗ bạn thiết lập được thang giá trị cho mình. Bởi vì ta là loài vượn người, ta đánh giá bản thân mình bằng cách so sánh với người khác và ganh đua với nhau vì địa vị một cách bản năng. Câu hỏi không phải là liệu ta có đánh giá mình thông qua những người khác hay không; mà câu hỏi ở đây là ta dựa vào tiêu chí nào để đánh giá chính mình.

Tác giả: Hằng Trần

21/05/2021, 07:00