Nghệ thuật không chết như tê giác Java

Chùm bài: “Nghệ thuật trong sách đỏ” của Đẹp Online xin gửi tới độc giả các phác thảo qua ảnh về đời sống và tình yêu của những nghệ sĩ vẫn đang bám trụ với nghề, dù phải đối diện với nhọc nhằn, đau buồn từ nhiều năm qua. Những người thực hiện rất mong được góp một tiếng nói cảm thông, một sự nhìn nhận công bằng với những cố gắng của những người tạo ra cái Đẹp.

Tổ chức: Đinh Phương Linh

Chương trình Môi trường Liên Hiệp Quốc từng đưa ra một thống kê tương đối, là mỗi ngày có khoảng 150 đến 200 loài động vật tuyệt chủng.

Hiểu một cách đơn giản nhất thì động vật tuyệt chủng khi môi trường sống của chúng thay đổi. Đó có thể là sự ấm lên toàn cầu hoặc là con người chặt phá rừng, săn bắt hay gây ô nhiễm.

te giac tuyet chung

Một số môn nghệ thuật liệu có tuyệt chủng như môi trường xã hội thay đổi?

Và cũng trên cùng nguyên tắc ấy, thì khi môi trường sống thay đổi, bất cứ thứ gì cũng có thể tuyệt chủng. Một vài thói quen sinh hoạt của con người có thể biến mất vĩnh viễn khi xã hội phát triển sang một thời kỳ khác, cùng với đó là những sản phẩm tiêu dùng chỉ còn là đồ cổ, và tất nhiên là cả những môn nghệ thuật và nghề thủ công nữa.

Nghệ thuật cũng có thể lăn ra chết như tê giác Java hay hổ Tasmania, chết giản đơn và phũ phàng, gối đầu lên nhau mà chết như thể tạo hóa quy định là thế.

Người Nhật vốn nổi tiếng toàn cầu về việc giữ gìn văn hóa truyền thống và sự trân trọng dành cho các nghệ nhân. Nhưng ukyio-e, nghệ thuật tranh in gỗ lừng danh của họ giờ cũng chung số phận với tranh Đông Hồ của ta, chỉ còn chỗ trong những viện bảo tàng và trở thành đề tài nghiên cứu của… Tây.

nghe thuat Nhat Ban

Một bức tranh ukyio-e của Nhật Bản

Nghệ sỹ ưu tú Tạ Duy Nhẫn của Liên đoàn Xiếc Việt Nam, đã 50 năm bám nghề và cũng chỉ còn năm rưỡi nữa là hưu, trăn trở với chúng tôi rằng những người đồng nghiệp trẻ của ông bây giờ không thể nào làm nghề được. Họ không thể chuyên tâm để đầu tư ra những tiết mục mới, những tiết mục hay. Ông Nhẫn buồn, nhưng ông cũng chẳng trách được họ: thu nhập của mỗi người từ nghề xiếc chưa đủ thuê một căn nhà nhỏ trong nội thành Hà Nội, chứ đừng nói sinh hoạt phí. Họ chạy vạy đủ nghề để sống. Họ sống 8 người trong một căn phòng chưa đến 20 mét vuông. “Chẳng có tương lai gì cả” – ông thở dài.

Và rạp xiếc Trung Ương vẫn còn may mắn hơn Nhà hát Tuồng Việt Nam. Thỉnh thoảng ngày lễ trẻ con vẫn được cho đi xem xiếc, rạp thỉnh thoảng vẫn đông vui. Tuồng thì không có ngày như thế. Hôm chúng tôi đến thăm nhà hát, chỉ có 2 vị khách nước ngoài ngồi dưới hàng ghế khán giả.

Nhưng không ai bỏ nghề xiếc – họ nói với chúng tôi. Cũng không ai bỏ nghề diễn tuồng. Ánh mắt những nghệ sỹ tuồng vẫn sáng rực trên sân khấu, ê kíp hơn 20 người công phu biểu diễn cho 2 khán giả. Người nghệ sỹ xiếc ngựa vẫn vung tay hào hứng khi nói về cảm giác cưỡi trên lưng con thú. Và ông Nhẫn, người buồn bã về tương lai của ngành, vẫn thủ thỉ: “Chú còn mấy tiết mục đang ấp ủ, hay lắm”.

nghe thuat

Liệu có đặc ân nào dành cho nghệ thuật qua thời gian?

Hệ sinh thái đã thay đổi. Những loại hình nghệ thuật ấy, không còn khán giả thường xuyên, bị xâm lấn bởi những cách sống mới, những thú chơi mới, bị dồn vào chỗ phải chết. Bị dồn ép như con tê giác Java trong rừng Cát Tiên. Nhưng chúng không chết dễ dàng. Chúng gắng gượng sống bằng tình yêu của nghệ sỹ – tình yêu thì có thể vượt ra ngoài quy luật kinh tế.

Ông Bảo Nguyên vẽ tranh truyền thần trên phố cổ, nói với chúng tôi rằng ông tin nghề của ông sẽ không bao giờ tuyệt tích. Dù suốt 53 năm ngồi ở phố Hàng Ngang ấy, ông chẳng đào tạo được bao nhiêu học trò, và học trò ưng ý thì chỉ có một.

Ông nói rằng dân trí đang lên, người ta sẽ biết trân trọng các tác phẩm thủ công tinh xảo thay vì ảnh photoshop, và tranh truyền thần sẽ sống. Nếu mọi chuyện diễn ra như thế nghĩa là một sự nhảy vọt thần kỳ, bởi vì số người vẽ tranh truyền thần từ thời của ông đến giờ, theo trí nhớ của người thợ vẽ già, đã giảm cả trăm lần.

Không biết lời tiên đoán ấy có trở thành sự thật hay không. Nhưng đó là một niềm tin tốt đẹp nhất mà người ta có thể nuôi lúc cuối đời.

Liệu có một đặc ân nào dành cho chúng, những điều rất đẹp đẽ đã không còn phù hợp với hệ sinh thái của xã hội hôm nay?

Bài: Đức Hoàng



NSND Hoàng Dũng: “Không hiểu khán giả bây giờ thích gì nữa”:


Hãy gửi thông tin, bài viết và hình ảnh bạn có cho chuyên mục Giải trí của Đẹp Online tại đây. Bài viết được đăng tải sẽ nhận nhuận bút theo quy chế của Tòa soạn. Trân trọng!

From the same category