Trần Ly Ly |
Múa đương đại, nghệ thuật phát triển cộng đồng, nghệ thuật thị giác… dù được nhắc tới không ít trên các bài báo, nhưng vẫn còn rất mới mẻ và xa lạ với công chúng Việt Nam. Họ, ba cô gái ấy, sống ở những không gian khác nhau, làm những công việc khác nhau, nhưng đều chung ở một điểm: độc lập và quyết liệt bằng những công việc cụ thể góp phần đưa những khái niệm nghệ thuật còn mới mẻ và xa lạ ấy đến gần hơn với công chúng Việt Nam, mà đôi lúc vì làm việc này, họ trở thành “khác người” trong con mắt mọi người.
Một ngày của Trần Ly Ly, một ngày của múa đương đại Việt Nam
Một ngày của Trần Ly Ly, nữ biên đạo trẻ nổi bật của sân khấu múa đương đại, như chính Ly thổ lộ, khá đơn giản: “Ngoài giảng dạy (tại trường Cao đẳng Múa Việt Nam) và biên đạo múa, là bận rộn với rất nhiều công việc không tên của một người vợ, người mẹ”…
Nhưng không đơn giản khi vở múa đương đại “Một ngày” do Trần Ly Ly biên đạo được chọn làm tác phẩm khai mạc Tuần lễ Văn hóa châu Âu tại Việt Nam tháng 5/2007, thay vì chọn những vở múa đương đại nước ngoài “có yếu tố Việt Nam” (diễn viên) như thông thường. Mang ngôn ngữ múa và tư duy múa mới, rất Việt Nam, nhưng là một Việt Nam đương đại, “Một ngày” đã làm xúc động những ai quan tâm tới múa đương đại Việt Nam.
Nghệ thuật múa đương đại theo chân các nghệ sĩ nước ngoài (đa phần từ châu Âu, nhất là Pháp – nơi được xem là một trung tâm của múa đương đại), hoặc Việt kiều nhưng văn hóa nước ngoài đậm đặc hơn (EaSola) đã từng gây nên làn sóng tranh luận từ nhiều năm trước.
Tư duy mở, phóng khoáng của múa đương đại, ngôn ngữ bứt phá khỏi những khuôn mẫu múa ballet châu Âu, múa dân gian, múa cách mạng đã đưa người xem tới những cảm thụ mới về ngôn ngữ của cơ thể được giải phóng.
Trần Ly Ly, con nhà nòi, có mẹ là diễn viên ballet của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam và bố là Hiệu trưởng trường Cao đẳng múa Việt Nam, cũng từng được đào tạo theo những khuôn mẫu cũ.
Nhưng ngay sau khi tốt nghiệp hệ trung cấp Múa tại Việt Nam, Ly đã tự tìm một con đường khác, khăn gói sang Úc học chuyên ngành dạy múa cho trẻ em tại Học viện Boxhill.
Và bước ngoặt của sự giải phóng đến với múa đương đại là vào năm 2000, khi Ly cùng ba diễn viên Nhà hát Nhạc vũ kịch lọt vào mắt xanh của biên đạo múa đương đại người Pháp, bà Régine Chopinot, tại Festival Huế.
Sau đó là một năm học hỏi về múa đương đại trong chuyến đi lưu diễn khắp nước Pháp cùng đoàn ballet Atlantique và Régine Chopinot. Đây cũng là con đường đến với múa đương đại của Anh Phương, Lê Vũ Long… những biên đạo trẻ được xem là tiên phong trong lĩnh vực này ở Việt Nam.
Trần Ly Ly không nằm trong số người đi tiên phong. Nhưng lao động nghệ thuật và tư duy độc lập, những sáng tạo không ngừng và cả sự may mắn thời thế đã đưa Ly trở thành một trong những người hoàn chỉnh những vở múa đương đại đầu tiên ở Việt Nam, dù với cô, “Một ngày” mới chỉ là bước khởi đầu.
“Mỗi người cảm nhận khác nhau về ngày hôm nay. Với người này thì nặng nhọc, với người khác lại nhẹ nhàng, với người này là sáng sủa, với người khác là đen tối. Như một chiếc kính vạn hoa, cảm nhận của mỗi người đa dạng như thế. Tất cả những cảm nhận về một ngày được thể hiện bằng vũ điệu, ánh sáng, âm thanh.
Các hình tĩnh và hình động, ma-nơ-canh và vũ công hòa vào nhau trong ánh sáng kì diệu. Trần Ly Ly và các vũ công trẻ đã thể hiện được sự khinh khoái, nhẹ nhàng, đầy châm biếm và kinh nghiệm của một ngày trong đời sống bận bịu và ồn ào của thủ đô Hà Nội”. Viện Goethe đã viết về vở múa “Một ngày” như thế.
“Một ngày” không ăn theo những lối mòn “đề tài Việt Nam” như chiến tranh, hậu chiến hay “chất liệu Việt Nam” như tuồng chèo cải lương, cũng không gây “hiệu ứng xã hội” như đưa các nhân vật đời thường đặc biệt lên sàn diễn (các bà nông dân Thái Bình hoặc các em bé tật nguyền câm điếc…) từng thấy trong các vở múa đương đại trước đó.
“Một ngày” không chối bỏ kỹ thuật hiện đại nước ngoài (ánh sáng và thiết kế sân khấu do chuyên gia Đức đảm nhiệm), cũng không chối bỏ những kỹ thuật ballet hiện đại nhưng mang tư duy kiểu mới về sự giải phóng khỏi những khuôn mẫu, và điều quan trọng là tư duy trên cơ thể người Việt (diễn viên). Một ngày rất gần với cuộc sống thực, nhưng không diễn tả đời sống mà tư duy về đời sống.
Tất nhiên “Một ngày” mới chỉ là… một ngày. Tháng 4 năm nay (2008), vở múa đương đại thứ hai của Trần Ly Ly sẽ ra mắt khán giả tại Nhà hát Lớn Hà Nội. “Sống trong hộp” (Living in the box) nói câu chuyện của những người bị bệnh nan y. Kịch bản đã hoàn thành từ năm 2006 và Ly đã mất rất nhiều thời gian cho các khâu chuẩn bị: như viết nhạc, chọn diễn viên…
Quan điểm của Ly rất rõ ràng: Trong thời đại hội nhập, một cá nhân chỉ có thể tồn tại nếu có dấu ấn riêng.
Hãy cùng chờ xem điều bí mật Ly sẽ mang tới trong “chiếc hộp” của mình vào tháng 4 tới.
Linh Liên |
Các tin liên quan
Phan Ý Ly: Cuộc đời của tôi, cách nhìn của tôi
Nguyễn Kim Hoàng: Đứa-bé-nhìn-thấy-lửa